CHÚA NHẬT 25 THƯỜNG NIÊN

Công bình xã hội

 

Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa  (Am 8:4-7;  1 Tm 2:1-8;  Lc 16:1-13)

          Lời Chúa không chỉ trình bày Nước Thiên Chúa như một thực thể thiêng liêng tách biệt với đời sống xã hội, nhưng như là một “cộng đồng gồm những con người được quy tụ trong Chúa Ki-tô, được Chúa Thánh Thần hướng dẫn trong cuộc lữ hành về Nước Cha và đã đón nhận Tin Mừng cứu rỗi được trao ban cho mọi người.  Vì thế, cộng đồng này thực sự cảm nghiệm được mối dây liên kết mật thiết với con người và lịch sử nhân loại” (Hiến chế Vui mừng và Hy vọng, 1).  Nhờ cảm nghiệm được mối tương quan ấy, Ki-tô hữu mới có thể nhận ra được những khuyết điểm của xã hội.  Chúng ta không cần đợi đến Công đồng Vatican II mới ý thức điều này, nhưng ngay thời Cựu Ước, các ngôn sứ nêu lên vấn đề công bình xã hội đã được Lề Luật Chúa đề cao, thí dụ ngôn sứ A-mốt trong bài đọc 1 hôm nay.  Theo cùng dòng tư tưởng ấy, thánh Phao-lô nhắn nhủ môn đệ yêu quý Ti-mô-thê hãy cầu xin Thiên Chúa ban cho mọi người trong xã hội này được “an cư lạc nghiệp mà sống thật đạo đức và nghiêm chỉnh”.  Sau cùng, khi đề cập tới tiền bạc, một nguyên nhân thường gây nên hằng hà sa số những bất công xã hội, Chúa Giê-su đưa ra khuôn vàng thước ngọc, đó là: “Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi Tiền Của được”.

          Dù là Ki-tô hữu, chúng ta vẫn chung sống với mọi người trong xã hội này.  Tuy nhiên chúng ta sống giữa thế gian, mà không thuộc về thế gian, như lời Chúa Giê-su cầu nguyện cùng Chúa Cha: “Con không xin Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ khỏi ác thần” (Ga 17:15).  Bất công xã hội chính là ác thần hoành hành trên thế gian và ngay trong xã hội Ít-ra-en dân Chúa.  Các tội bất công không những phạm đến loài người mà còn phạm đến Thiên Chúa, Đấng luôn bênh đỡ những kẻ cơ hàn.  Để nhắc nhở con cái Ít-ra-en sống đức công bình và bác ái, Thiên Chúa đã nhiều lần sai các ngôn sứ đến, khi thì nhẹ nhàng nhắc bảo, khi thì nghiêm khắc răn đe những kẻ đối xử bất công và hà khắc với anh chị em.  Hôm nay lời thề Chúa phán qua ngôn sứ A-mốt là lời đe dọa những kẻ ấy rằng:  “Ta sẽ chẳng bao giờ quên một hành vi nào của chúng!”  Một số hành vi điển hình đã được ngôn sứ kể ra, như gian dối bằng cách “làm cho cái đấu nhỏ lại, cho quả cân nặng thêm”, bóc lột những kẻ cơ bần cùng khổ và bán lúa nát gạo mục cho người khác.  Những cách gian dối lừa đảo này vẫn tiếp tục đầy dãy trong xã hội hôm nay, nhất là tại những xứ sở không được bảo vệ bằng luật pháp nghiêm minh hoặc đầy tràn nạn tham nhũng.  Có lẽ ngày nay tệ nạn bất công xem ra còn kinh khủng hơn lúc nào hết.

          Các ngôn sứ thời Cựu Ước thường bị người ta ghen ghét vì các ngài nói thẳng nói thật.  Thánh Phao-lô, vị tông đồ dân ngoại và ngôn sứ thời Tân Ước cũng vẫn đi theo con đường ấy.  Tuy nhiên hôm nay chúng ta thấy ngài tỏ ra như một người cha hiền hậu với những dòng thư gửi cho môn đệ Ti-mô-thê.  Qua anh, ngài khuyên các Ki-tô hữu hãy “dâng lời cầu xin, khẩn nguyện, nài van, tạ ơn cho tất cả mọi người, cho vua chúa và tất cả những người cầm quyền, để chúng ta được an cư lạc nghiệp mà sống thật đạo đức và nghiêm chỉnh”.  Quả thực là việc cầu nguyện đầy ý nghĩa cho lý tưởng công bình xã hội!  Đúng thế, nếu được “an cư lạc nghiệp”, người ta sẽ dễ dàng sống đạo đức và nghiêm chỉnh hơn.  Người ta thường nói “bần cùng sinh đạo tặc” là vậy.  Thực thi công bình xã hội không chỉ là bổn phận của dân chúng, mà của cả hàng lãnh đạo nữa.

          Ngôn sứ A-mốt ghi lại lời Thiên Chúa thề sẽ nghiêm phạt kẻ đối xử bất công;  thánh Phao-lô thì liên kết cuộc sống hạnh phúc với đời sống đạo đức cầu nguyện;  còn Chúa Giê-su thì nhấn mạnh đến sự khôn ngoan của chúng ta khi sử dụng Tiền Của.  Vậy Chúa nói gì?  Trước hết Người kể chuyện tên quản gia bất lương và khen hành động gian dối của hắn là “khôn khéo”.  Hắn đã biết dùng tiền của để mua lòng người, để họ sẽ giúp đỡ hắn lúc sa cơ mạt vận.  Hắn sử dụng ngay sự bất trung của mình với ông chủ để mua cảm tình của những con nợ của ông chủ.  Tuy nhiên Chúa chỉ khen hắn khôn khéo, chứ không khen hắn bất trung đâu!  Do đó, Người nhắc nhở chúng ta:  “Nếu anh em không trung tín trong việc sử dụng Tiền Của bất chính, thì ai sẽ tín nhiệm mà giao phó của cải chân thật cho anh em?  Tên quản gia đã bất trung trong việc quản lý tiền bạc nên ông chủ đã cho anh thôi việc.  Cũng thế, nếu chúng ta bất trung với Thiên Chúa, không sử dụng cho đúng những gì Chúa ban cho chúng ta, thì Người sẽ chẳng giao cho ta “của cải chân thật”, tức là phúc thiên đàng.  Tiền bạc có sức mạnh cám dỗ ghê gớm và lôi kéo ta làm nô lệ cho nó.  Vì thế, ta phải sử dụng nó sao cho đúng với đức khôn ngoan của Thiên Chúa, nghĩa là theo ý Người muốn, bằng cách sống quảng đại và giúp đỡ những kẻ khó nghèo.  Tên quản gia “giúp đỡ” các con nợ để thủ lợi cho mình.  Còn chúng ta làm việc nghĩa cho tương lai vĩnh cửu.

Sống sứ điệp Lời Chúa

          Chắc chắn có rất nhiều câu hỏi về cách sử dụng tiền bạc đòi chúng ta phải trả lời.  Chúng ta có được cuộc sống dư giả thì đừng quên bao người chỉ cần một chút hy sinh của chúng ta.  Chúng ta ngồi tại bàn ăn với thức ăn dư thừa, xin hãy nghĩ đến những em nhỏ tại các nước nghèo đói… Vậy tại sao tôi không tiếc tiền khi mua bao thứ không cần?  Tôi đã làm gì để thể hiện đức công bình xã hội?...  

           Lm. Đa-minh Trần đình Nhi


Suy Niệm Lời Chúa Năm C