CHÚA NHẬT 26 THƯỜNG NIÊN
Một lần nữa, Lời Chúa lại nói về công bình xã hội
Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa (Am 6:1a, 4-7; 1 Tm 6:11-16;
Lc 16:19-31)
Các bài đọc hôm nay tiếp tục nói về
công bình xã hội. Chắc chắn đây là một đề
tài nổi cộm của mọi thời đại và đó cũng là lý do Lời Chúa lập đi lập lại điều
này. Ngôn sứ A-mốt luôn là người mạnh dạn
rao giảng sứ điệp về công bình xã hội, cho nên Phụng vụ Lời Chúa một lần nữa
trích dẫn sứ điệp ấy, đặc biệt nhắm tới “bè lũ quân phè phưỡn” sẽ phải chịu sự phán
xét chí công của Thiên Chúa. Cũng tiếp tục
nói về vấn đề công bình xã hội, Chúa Giê-su dùng một dụ ngôn rất thực tế để
trình bày hai lối sống tương phản giữa một ông nhà giàu và người nghèo khó
La-da-rô. Kết cục câu chuyện là hậu quả
bất hạnh đời đời dành cho kẻ sống ích kỷ hưởng thụ, trái nghịch với hạnh phúc
vĩnh cửu dành cho kẻ “suốt đời chịu toàn những bất hạnh”. Để rút bài học sống đức công bình xã hội, Lời
Chúa dùng đoạn thư thánh Phao-lô khuyên nhủ môn đệ Ti-mô-thê “hãy gắng trở nên
người công chính, đạo đức, giàu lòng tin và lòng mến, gắng sống nhẫn nại và hiền
hòa”.
Trước hết chúng ta hãy nghe lời Thiên
Chúa lên án những kẻ sống trái công bình xã hội. Đó là những kẻ nào? Là những kẻ cầm quyền và sống ích kỷ tại khắp
Ít-ra-en, ở Giu-đê cũng như Sa-ma-ri. Họ
sống không chút quan tâm đến người khác và đến vận mệnh đất nước. Hằng ngày họ nằm trên giường ấm nệm êm, mặc kệ
người nghèo đói. Họ ăn uống ê hề trong
khi người khác đói khát. Cho dù đất nước
sắp rơi vào tay quân địch, họ vẫn vui chơi, rượu chè và tiêu xài hoang phí. Tình trạng xã hội bất công ấy đã bị ngôn sứ
A-mốt mạnh dạn lên tiếng tố cáo. Từ
Xi-on thuộc vương quốc Giu-đa, A-mốt được Thiên Chúa sai đi loan báo sứ điệp
cho xứ lân cận là vương quốc Ít-ra-en phía Bắc.
Ngài loan báo hình phạt của Thiên Chúa và việc Ít-ra-en sẽ bị lưu đày vì
lối sống trái đạo đức và làm mất lòng Thiên Chúa. Các nhà lãnh đạo sẽ là những người “dẫn đầu những
kẻ lưu đày” bị điệu đi làm tôi mọi cho đế quốc Ba-by-lon. Tuy nhiên cuối cùng A-mốt lại loan báo một
tin vui: những kẻ khó nghèo luôn được
Thiên Chúa phù hộ và ai tin tưởng vào Chúa sẽ không bao giờ phải tuyệt vọng.
Nếu ngôn sứ A-mốt đã trình bày sự
tương phản giữa “những kẻ sống phè phưỡn” với những kẻ nghèo khó luôn tin cậy
Thiên Chúa, thì trong bài Tin Mừng, Chúa Giê-su cũng nêu lên chính sự tương phản
ấy khi Người kể dụ ngôn ông nhà giàu và anh hành khất La-da-rô. Câu chuyện Chúa kể chia ra làm ba cảnh. a) Cảnh thứ nhất là cảnh thực trên dương
gian, xảy ra ngay nhà ông nhà giàu và là cảnh người giàu không có lòng nhân đối
với người cùng khổ. Quả là một khung cảnh
tương phản không thể chấp nhận được: ông
nhà giàu thì “mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình”. Nhưng ở ngay trước mắt khi ông đi ra đi vào
là một người nghèo khó mang tên La-da-rô, một cái tên áp dụng cho ai cũng được. Anh La-da-rô này thiếu thốn đủ điều, thèm được
ăn những thứ trên bàn ăn của ông nhà giàu rớt xuống đất mà không được, mong có
quần áo cũ để mặc cũng không ai cho. Bạn
của La-da-rô chỉ là “mấy con chó cứ đến liếm ghẻ chốc của anh ta”. Anh đã bị xếp vào loại súc vật rồi! Rồi cả hai người, ông nhà giàu lẫn La-da-rô đều
chết. b) Cảnh thứ hai: ông nhà giàu ở âm phủ và anh La-da-rô ở trong
lòng tổ phụ Áp-ra-ham. Bây giờ, sau khi
chết mọi sự đều đổi ngược. Ông nhà giàu
thì rên rỉ xin tổ phụ Áp-ra-ham cứu giúp.
Ngài chỉ từ tốn trả lời ông: “Con
ơi, hãy nhớ lại: suốt đời con, con đã nhận
phần phước của con rồi; còn La-da-rô suốt
một đời chịu toàn bất hạnh”. Ý của tổ phụ
muốn nhắc nhở ông ta là khi còn sống trên đời ông ta đã sống ích kỷ, dù nhận được
bao ơn lành của Thiên Chúa mà không muốn chia sẻ với những kẻ thiếu thốn. Do đó, ông ta đã gieo nhân thì phải nhận quả,
vì không ai có thể thay đổi được sự công bằng của Thiên Chúa cũng như không có
lòng thương xót dành cho kẻ không biết thương xót người khác. c) Cảnh thứ ba: ông nhà giàu bắt đầu nghĩ đến người khác,
nhưng cũng chỉ là “năm người anh em” của ông ta thôi! Ông muốn “nhờ” tổ phụ Áp-ra-ham sai người đến
“cảnh cáo” họ, để họ khỏi phải chịu khốn khổ như ông. Kể ra ông ta cũng còn một chút “lo lắng” cho
gia đình mình. Nhưng tổ phụ trả lời: Chúng đã có “Mô-sê và các Ngôn sứ” dạy dỗ cho
chúng biết phải thực thi công bình xã hội rồi.
Ông nhà giàu nài nỉ lần chót: Nếu
có người chết trở về bảo cho họ biết thì họ sẽ sám hối và thay đổi lối sống. Tổ phụ cũng khẳng định lần chót: “Mô-sê và các Ngôn Sứ mà chúng còn chẳng chịu
nghe, thì người chết có sống lại, họ cũng chẳng chịu tin”. Người chết sống lại được nhắc đến ở đây chính
là Chúa Giê-su Ki-tô đấy. Ôi, không chịu
nghe lời Chúa Giê-su thì họ (và chúng ta nữa) thực là hết thuốc chữa rồi! Cũng đành kéo nhau xuống hỏa ngục thôi!
Sống sứ điệp Lời Chúa
Để sống sứ điệp Lời Chúa hôm nay,
không gì tốt hơn là chúng ta hãy lắng nghe lời thánh Phao-lô nhắn nhủ môn đệ
Ti-mô-thê trong bài đọc 2. Ngài dạy anh
hãy gắng trở nên người công chính đạo đức, giàu lòng tin và lòng mến. Đối với
người công chính đạo đức, lòng tin mến đối với Chúa và lòng bác ái đối với tha
nhân là cột trụ của đời sống thiêng liêng.
Sống mà mến Chúa yêu người như thế chính là cách chúng ta xây dựng nền
móng cho công bình xã hội vậy. Ti-mô-thê
là một vị lãnh đạo trong Giáo Hội mà còn được nhắc nhở như vậy, huống chi chúng
ta là đoàn chiên Chúa chăn dắt!
Lm.
Đa-minh Trần đình Nhi