CHÚA NHẬT 26 THƯỜNG NIÊN C
Am 6,1a.4-7 ; 1
Tm 6,11-16 ; Lc 16,19-31
QUAN TÂM PHỤC VỤ NHỮNG NGƯỜI BẤT HẠNH
I.HỌC LỜI CHÚA
1. TIN MỪNG: Lc 16,19-31
(19)
Có một ông nhà giàu kia, mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến
tiệc linh đình. (20) Lại có một người nghèo khó tên là La-da-rô, mụn
nhọt đầy mình, nằm trước cổng ông nhà giàu, (21) thèm được những
thứ trên bàn ăn của ông ấy rớt xuống mà ăn cho no. Lại thêm mấy con
chó cứ đến liếm ghẻ chốc anh ta. (22) Thế rồi người nghèo này chết,
và được thiên thần đem vào lòng ông Áp-ra-ham. Ông nhà giàu cũng chết
và người ta đem chôn. (23) Dưới âm phủ, đang khi chịu cực hình, ông ta
ngước mắt lên, thấy tổ phụ Áp-ra-ham tận đàng xa, và thấy anh La-da-rô
trong lòng tổ phụ. (24) Bấy giờ ông ta kêu lên: “Lạy tổ phụ Áp-ra-ham.
Xin thương xót con, và sai anh La-da-rô nhúng đầu ngón tay vào nước nhỏ
trên lưỡi con cho mát. Vì ở đây con bị lửa thiêu đốt khổ lắm”. (25) Ông
Áp-ra-ham đáp: “Con ơi, hãy nhớ lại: Suốt đời con, con đã nhận phần
phước của con rồi. Còn La-da-rô suốt một đời chịu toàn những bất
hạnh. Bây giờ, La-da-rô được an ủi nơi đây, còn con thì phải chịu khốn
khổ. (26) Hơn nữa, giữa chúng ta đây và các con đã có một vực thẳm
lớn, đến nỗi bên này muốn qua bên các con cũng không được. Mà bên đó
có qua bên chúng ta đây cũng không được”. (27) Ông nhà giàu nói: “Lạy tổ
phụ, vậy thì con xin tổ phụ sai anh La-da-rô đến nhà cha con. (28) Vì
con hiện còn năm người anh em nữa. Xin sai anh đến cảnh báo họ, kẻo
họ lại cũng sa vào chốn cực hình này. (29) Ông Áp-ra-ham đáp: “Chúng
đã có ông Mô-sê và các ngôn sứ, thì chúng cứ nghe lời các vị đó”. (30)
Ông nhà giàu nói: “Thưa tổ phụ Áp-ra-ham, họ không chịu nghe đâu. Nhưng
nếu có người từ cõi chết đến với họ, thì họ sẽ ăn năn sám hối”. (31)
Ông Áp-ra-ham đáp: “Ông Mô-sê và các ngôn sứ mà họ chẳng chịu nghe,
thì người chết có sống lại, họ cũng chẳng chịu tin đâu”.
2. Ý CHÍNH:
Tin
mừng hôm nay thuật lại câu chuyện về một ông nhà giàu và người hành
khất La-da-rô nghèo khó. Ông nhà giàu thì ăn mặc sung sướng đang khi La-da-rô
có cuộc sống rất tồi tệ. Nhưng sau khi cả hai đều chết đã được Thiên Chúa
xét xử công bình: La-da-rô thì được an ủi ngồi trong lòng tổ phụ Áp-ra-ham,
đang khi ông nhà giàu phải chịu đau khổ cùng cực trong hỏa ngục.
3. CHÚ THÍCH:
- C 19-21: + Có một ông nhà giàu kia, mặc toàn
lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình: Dụ ngôn này lấy từ hình ảnh quen thuộc trong xã
hội Do thái có những người giàu sống tách biệt với người nghèo. +
Lại có một người nghèo khó tên là La-da-rô: Đối nghịch với
hình ảnh người nhà giàu kia là hình ảnh La-da-rô nghèo khó khốn
khổ. Anh này làm nghề hành khất, người đầy bệnh hoạn và tứ cố vô
thân. La-da-rô hay Ê-lê-a-da-rô nghĩa là “Thiên Chúa giúp”, ý nói anh ta
chỉ còn biết trông chờ một mình Thiên Chúa giúp đỡ mà thôi. +
Mụn nhọt đầy mình... Lại thêm mấy con chó cứ đến liếm ghẻ chốc anh
ta: trong Kinh thánh, chó bị coi là con vật ghê tởm và dữ tợn
(x. Tv 22,17.21; Mt 7,6). Kiểu diễn tả “ước được những mụn bánh” và
“chó đến liếm ghẻ chốc” nhằm làm nổi bật cảnh khốn cùng của La-da-rô
và sự thờ ơ ích kỷ của ông nhà giàu.
-
C 21-24: + Dưới âm phủ: Theo quan niệm của một số giáo
phái Do thái: Người chết bị vào trong âm phủ và tạm thời được xếp
thành 2 loại: Loại một gồm những người công chính được Chúa an ủi
và được ngồi dự tiệc trong lòng tổ phụ Áp-ra-ham (x. Lc 23,43). Loại
hai gồm những kẻ vô tâm bất tín bị lửa hồng thiêu đốt rất đau đớn.
Nhưng cả hai đều phải chờ đến ngày tận thế để được phán xét chung.
Sau đó kẻ lành sẽ được hưởng hạnh phúc Nước Trời vĩnh viễn và kẻ
dữ sẽ bị phạt trong hỏa ngục muôn đời. + Thấy La-da-rô trong
lòng tổ phụ: “Ngồi trong
lòng tổ phụ” là một chỗ vinh dự trong bữa tiệc do tổ phụ Áp-ra-ham
chủ tọa. Sau này trong bữa tiệc ly, Gio-an cũng được vinh dự “tựa đầu
vào lòng Đức Giê-su” (Ga 13,23). + “Lạy tổ phụ Áp-ra-ham, xin
thương xót con”...: Cuộc đối thoại giữa người giàu có với tổ
phụ Áp-ra-ham cho thấy số phận của con người ở thế giới bên kia tùy
thuộc vào cuộc sống của họ khi còn ở trần gian.
-
C 25-26: + “Bây giờ La-da-rô được an ủi nơi đây, còn con thì phải
chịu khốn khổ”: Người giàu có bị trừng phạt vì khi còn sống
đã không sử dụng của cải theo thánh ý Chúa. Còn người nghèo khó được
thưởng vì đã chấp nhận sống tinh thần nghèo khó. Cái chết sẽ làm
đảo ngược vị trí của người giàu và kẻ nghèo. Chỉ nhờ ơn Chúa thì
những người giàu có mới có thể được cứu độ (X. Lc 18,24-27). Nhưng
không phải bất cứ người nghèo nào cũng đương nhiên được hưởng lòng Chúa
thương xót. Nếu nghèo mà không có tinh thần siêu thoát đối với tiền
bạc của cải, thì số phận của họ cũng sẽ bị diệt vong (x. Lc 12,15 ;
Mt 19,29). + “Giữa chúng ta đây và các con đã có một vực thẳm
lớn”...: Vực thẳm lớn không thể vượt qua, biểu tượng cho tính dứt
khoát của số phận của những người được hưởng hạnh phúc hay sẽ phải
chịu đau khổ trong thế giới kẻ chết.
-
C 27-31: + “Vậy thì con xin tổ phụ sai anh La-da-rô đến nhà cha
con”: Ông nhà giàu muốn dùng kinh nghiệm bản thân của mình để
cảnh báo những anh chị em đang sống chung dưới cùng một mái nhà của
cha ông. + “Chúng đã có ông Mô-sê và các ngôn sứ”...: Sự
cảnh báo về việc sử dụng của cải đã hàm chứa trong Luật pháp Mô-sê
và Lời Chúa do các ngôn sứ tuyên sấm, đủ thuyết phục họ sửa đổi
thói ích kỷ và biết quảng đại nhường cơm sẻ áo cho những người
nghèo đói khác. Vì thế nếu những người giàu có đã không hồi tâm
sám hối, không phải vì họ đã không có đủ các phương thế giúp ăn năn
hối cải, nhưng chỉ vì họ đã cố tình từ chối thi hành các phương
thế ấy mà thôi. + “Nhưng nếu có người từ cõi chết đến với họ,
thì họ sẽ ăn năn sám hối”: Ở đây ông nhà giàu muốn dùng việc
kẻ chết hiện hồn về để đánh động lòng sám hối của các người anh em
còn sống. + “Ông Mô-sê và các ngôn sứ mà họ còn chẳng chịu
nghe, thì người chết có sống lại, họ cũng chẳng chịu tin đâu”: Câu
này là cốt tủy của dụ ngôn. Dù lời dạy của Mô-sê và lời các ngôn sứ
không phải là những phép lạ và chỉ nhằm để thúc đẩy người ta tin,
nhưng đó cũng chính là Lời Chúa phán trong Thánh kinh (x. Lc 24,27.44).
Ở nơi khác, Đức Giê-su cũng nói đến sự vô hiệu của các phép lạ (x.
Lc 10,13). Người cũng khẳng định các dấu chỉ thiêng liêng có giá trị
hơn các phép lạ bên ngòai, khi nói: “Anh em hãy tin vào Thầy” (Ga
14,11.12) và: “Phúc thay những người không thấy mà tin” (Ga 20,29b).
4. CÂU HỎI: 1) Câu nào diễn tả cảnh khốn cùng của
người nghèo khó La-da-rô ? 2) Bài Tin mừng hôm nay dựa theo quan niệm
của Do thái giáo: chia người chết thành hai lọai người nào ? 3) Phải
chăng người giàu có ở đời này sẽ đương nhiên chịu hình phạt ở đời
sau và người nghèo khó ở đời này đương nhiên sẽ được hưởng hạnh phúc ở
đời sau ? 4) Câu nào cho thấy tổ phụ Áp-ra-ham không cho phép La-da-rô
hiện hồn về để nhắc bảo các anh em của ông nhà giàu ? Tại sao ?
II.SỐNG LỜI CHÚA
1. LỜI CHÚA: “Có một ông nhà giàu kia, mặc toàn lụa
là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình. Lại có một người nghèo
khó tên là La-da-rô, mụn nhọt đầy mình, nằm trước cổng ông nhà giàu”
(Lc 16,19-20).
2. CÂU CHUYỆN:
1) PHIM "NHỮNG ĐỨA TRẺ KHỐN KHỔ" :
Một cô gái quê
lên tỉnh đi tìm việc làm và đã bị kẻ gian lừa đến chỗ đã mang thai ngoài ý
muốn. Sau đó do không thể vừa đi làm vừa nuôi con thơ, cô đành gởi con cho một
chủ quán nhà trọ nuôi giúp. Người chủ quán này là kẻ vô lương tâm, đã lợi dụng
hoàn cảnh khó khăn của bà mẹ trẻ để ra sức bòn rút bóc lột: nay hắn đòi phải
đưa thêm tiền sữa tăng giá, mai lại đòi tiền thuốc chữa bệnh cho đứa con. Bà mẹ
trẻ chỉ còn biết nhịn ăn nhịn tiêu để chi trả những số tiền vượt kế hoạch. Khi
không còn gì để trả, chị ta đành phải cắt mái tóc óng mượt đẹp đẽ của mình mang
đi bán. Rồi sau đó lại phải nhổ từng cái răng để bán tiếp… và chỉ một thời gian
ngắn sau đó chị biến thành một phụ nữ ốm
đói quần áo lôi thôi rách rưới, mặt mũi xấu xí và bị mọi người khinh dể xa lánh
như một mụ điên. Sau đó chị bị viên quản đốc thẳng tay đuổi ra khỏi chỗ làm
giữa một buổi sáng mùa đông giá lạnh, phải co ro trong chiếc áo rách, vừa đi
vừa ôm ngục ho sù sụ… Lần khác chị bị một đám đông hè nhau xô té xuống lề đường
và thay nhau hò hét đấm đá... Khi xem phim, có lẽ nhờ đã hiểu biết về hoàn cảnh
cùng cực của bà mẹ trẻ khiến nhiều ngừoi chúng ta cảm thương, đang khi do thiếu
hiểu biết mà nhiều kẻ đã đang tâm hành hạ chị không chút thương tiếc.
Còn chúng ta thì
sao ? Có khi nào chúng ta đã làm ngơ trước nỗi đau của tha nhân, thậm chí còn
vào hùa với kẻ gian ác để chế diễu hay hành hạ những kẻ điên loạn nghèo đói gặp
phải giữa đời thường hay không ?
2) CHO THÌ CÓ PHÚC HƠN LÀ NHẬN:
Ngày nọ, một
cậu bé dòng dõi quí tộc đang đi chung với một người giám hộ
dọc theo bờ ruộng của gia đình, trong thửa ruộng đó, có một bác
nông dân đang làm việc cày bừa cho nhà cậu. Bác
tá điền đã để đôi giày ủng trên bờ ruộng. Cậu bé tinh nghịch
muốn giấu đôi giày ủng ấy
để trêu chọc người nông dân. Bấy giờ người giám hộ đã
khuyên bảo cậu bé rằng: "Con đừng làm cho người tá điền
nghèo khổ kia buồn phiền, nhưng hãy làm cho ông ta
vui mừng thì tốt hơn. Thầy khuyên con thay vì giấu giày đi thì
con hãy bỏ tiền vào trong mỗi chiếc ủng, chúng ta
sẽ đến núp trong đám bụi cây đằng kia để xem phản ứng của người
nông dân thế nào?" Cậu
bé liền làm theo lời thầy dạy. Chờ tới
lúc người nông dân quay lưng đi chỗ khác, cậu
đã lén đến gần đôi ủng và bỏ vào trong mỗi chiếc
một quan tiền.
Một lát
sau, khi đến giờ nghỉ trưa, người nông dân đến
gần đôi giày và xỏ chân vào giày, ông ta vui mừng khi khám phá
ra có hai quan tiền trong đôi giày ủng của ông. Ông ta
đã qùy gối ngước mắt lên trời dâng lời tạ ơn
Thiên Chúa đã thương cứu giúp gia đình ông qua cơn túng
cực vợ đang đau nặng phải nằm liệt giường. Ông cũng cầu Chúa chúc
lành và trả công cho vị ân nhân vô danh đã cho tiền.
Chứng kiến niềm vui
và nghe được những lời cầu nguyện của người nông dân, cậu bé cảm động muốn
khóc. Đây là lần đầu tiên trong đời cậu cảm thấy hạnh phúc khi làm cho người
khác được vui theo lời Chúa dạy: “Cho thì có phúc hơn là nhận” (Cv 20,35).
3)
ƯỚC GÌ TÔI LÀ MỘT NGƯỜI BẠN NHƯ THẾ:
Một nhà doanh nghiệp
đậu chiếc xe đời mới của ông vào bên lề đường để đi làm một vài công việc. Khi
ông trở lại chiếc xe, ông thấy một cậu bé nghèo khoảng mười một tuổi đang quan
sát chiếc xe với đôi mắt thán phục và thèm muốn.
- Thưa ông, đây có
phải là chiếc xe của ông không ? - Cậu bé hỏi.
- Phải.- Ông đáp.
- Nó đẹp quá. Ông
mua chiếc xe này hết bao nhiêu tiền ?
-
Nói thật với chú bé là tôi không biết. Đây
là một món quà mà bạn tôi đã tặng cho tôi.
- Như vậy chiếc xe
là do bạn ông tặng và ông không phải bỏ ra đồng nào để mua?
- Đúng
thế!
- Ước gì tôi…
Nhà doanh nghiệp tin
chắc rằng cậu bé sẽ nói tiếp “Ước gì tôi có một người bạn có lòng quảng
đại như thế”. Nhưng cậu bé lại nói: “Ước gì tôi là một người bạn
có lòng quảng đại như thế”.
Và ông ta kết luận:
“Tôi là người mặc áo quần bảnh bao và đang là sở hữu một chiếc xe hơi đời mới
rất mắc tiền. Còn cậu bé kia ăn mặc rách rưới và thuộc tầng lớp nghèo đói trong
xã hội. Tuy nhiên tâm hồn cậu bé lại có nhiều tình thương hơn tôi, nên cậu thực
sự là người giàu sang hơn tôi”…
Sau đó tôi đã dùng
chiếc xe hơi này chở cậu bé và anh bạn chân tay bị co quắp do bệnh sốt tê liệt
gây ra. Anh cho 2 người này ngồi lên xe đi một vòng. Có thể nói: đây chính là giây
phút hạnh phúc nhất trong cuộc đời tôi !”.
4) CẢM THÔNG
TRỢ GIÚP NHỮNG NGƯỜI BẤT HẠNH :
Có một đứa trẻ bị khuyết tật bẩm sinh, hằng ngày đi học, cậu thường bị
chúng bạn chế nhạo, bắt nạt, đó là điều khiến cậu trở nên lạnh lùng và khép
kín. Một hôm cha cậu nhặt được một con chó sắp chết rét từ trong đống tuyết…
con chó được đặt nằm xuống gần chân cậu bé, nó run cầm cập. Cậu bé không thích
con chó dơ dáy này, cậu dùng chiếc nạng của mình đuổi nó đi, nó không biết đi
đâu, nên nằm ngoài cửa kêu ăng ẳng thảm thiết.
Cha cậu nghe tiếng chó kêu thì biết chuyện. Vì thế, ông đến phòng để
trò chuyện với cậu bé. Khi nghe cậu bé kể ở trường cậu thường bị bạn bè bắt
nạt, ông nói: “Tại sao những đứa trẻ ấy lại bắt nạt con?”. Cậu bé nói: “Bởi vì
chân con có tật, con không thể chơi lại chúng nên chúng mới bắt nạt con”. Người
cha lúc đó mới ôn tồn nói: “Chúng khỏe mạnh, còn con yếu, cho nên chúng bắt nạt
con. Còn bây giờ thì con rất mạnh, con chó lại rất yếu, vậy tại sao con lại
không biết thương cảm nó?”. Nghe xong, cậu bé ngân ngấn nước mắt, một lúc sau
cậu ẵm con chó vào đặt cạnh lò sưởi và vuốt ve nó… Sau này cậu bé lớn lên trở
thành một vị bác sĩ nổi tiếng về lòng nhân hậu và cậu đã được mọi người chung
quanh yêu thương và kính trọng.
3. SUY NIỆM:
1) Thực trạng giàu nghèo trên thế giới
hiện nay:
Hiện
nay tài sản của ba người Mỹ giàu nhất thế giới còn lớn hơn tài sản
của 48 nước kém phát triển. BIU GHẾT (Bill Gates) giàu hơn 100 triệu
người Mỹ nghèo nhất. Chỉ cần 40 tỉ đô la của ông thì Liên Hiệp Quốc
sẽ có đủ tiền chi cho công cuộc cải cách giáo dục căn bản, phục vụ
sức khỏe, nước sạch và vệ sinh cho cả thế giới trong một thời gian
dài. Hiện nay hố sâu ngăn cách giữa người giàu kẻ nghèo đang sống tại đô
thị và vùng nông thôn càng lúc càng lớn. Có 800 triệu “La-da-rô” đang
lâm cảnh đói nghèo cùng cực. Hơn một tỉ “La-da-rô” đang bệnh tật mà
không được thuốc thang chữa trị. Hàng ngày vẫn có bao người bị chết
đói, vì không được hưởng những thực phẩm dư thừa từ các bàn tiệc
của những người giàu có. Dửng dưng trước sự đau khổ của người khác
cũng chính là một tội ác lớn lao.
2) Thế nào là sự giàu có và nghèo khó thực sự ?:
Sự giàu có đích
thật được đo không phải bởi những thứ người ta ích kỷ thu tích, mà bởi những
thứ người ta quảng đại cho đi.
Người giàu đích
thật là người biết cho đi, còn người nghèo thật sự lại là người chỉ biết mở tay
đón nhận.
Người giàu đích
thật là người có ít nhu cầu nên luôn cảm thấy đầy đủ, đang khi người nghèo thật
sự lại có quá nhiều nhu cầu cần được thỏa mãn nên lúc nào họ cũng cảm thấy thiếu
thốn. Sự giàu đáng giá nhất là giàu có tâm hồn. Khi ta đóng cửa lòng mình lại
là lúc ta bắt đầu chết. Khi ta mở cửa lòng mình ra là lúc ta bắt đầu sống
(McCarthy). Khi một người chỉ biết tìm kiếm cho mình thật nhiều tiền, thì con mắt
của họ sẽ bị che mờ đến nỗi không còn nhận ra Thiên Chúa đang hiện thân nơi tha
nhân đang sống bên cạnh.
3) Phải tránh thái độ ích kỷ: Tội làm ngơ trước nhu cầu của tha nhân:
Có người nói:
Ông phú hộ trong bài Tin
Mừng không đáng bị phạt trong hỏa ngục: Ông ta đâu
có gian tham trộm cắp, đâu có bóc lột người nghèo…
Cuộc sống của ông ta chỉ là ngày ngày ăn nhậu tiệc
tùng dư thừa. Nhưng hưởng thụ những gì thuộc về mình thì đâu phải là
tội? …
Thực ra tội của ông
phú hộ không phải là sự giàu có, mà ở chỗ đã tỏ ra ích kỷ khi làm ngơ, không
quan tâm đến anh La-da-rô nghèo đói bệnh tật đang nằm ngay trước cổng nhà ông
ta. Ở liền kề bên nhau mà không nhìn thấy, không
giúp đỡ thì quả là một con người bất nhân thất
đức. Tội ích kỷ làm ngơ của ông phú hộ đã
trở thành tội ác khi do không chịu ra tay giúp đỡ kịp thời, khiến anh
La-da-rô bị kiệt sức và chết, nên ông ta đáng bị Chúa trừng phạt
trong lửa hỏa ngục! Tương tự như: khi thấy một người sắp bị chết đuối
đang kêu cứu mà ta không cấp thời cứu giúp, lại lấy điện thoại ra quay phim
chụp hình làm tư liệu cảnh một người đang bị chết đuối !!! như đã xảy ra nơi một số giới trẻ sinh
viên học sinh; Thấy nhà hàng xóm bốc cháy mà vẫn bình chân như vại, không cấp
thời báo đông dập lửa; Thấy một người khuyết tật mù và điếc sắp bị xe lửa cán
chết mà không cấp thời ra tay cứu họ tránh bị tai nạn...
Bác sĩ AN-BỚT
SUÝT-DƠ (Albert Schweitzer), người đã bán hết gia tài to lớn để xây dựng một
bệnh viện cứu giúp những người cùng khổ ở Châu Phi, đã đặt vấn đề như sau: "Làm sao
chúng ta có thể sống hạnh phúc khi còn biết bao người khác đang bị đau
khổ ở chung quanh ta ?".
4) Phải bắt đầu từ đâu? :
- phải bắt đầu từ gia đình mình trước:
Mẹ Tê-rê-sa CAN-QUÝT-TA nói : "Tôi
luôn nghĩ rằng tình thương phải bắt
đầu từ gia đình mình trước, rồi đến khu xóm, đến thành phố. Yêu thương
những người ở xa thì rất dễ, nhưng yêu thương những người đang sống với mình
hoặc đang ở sát bên cửa nhà mình mới là khó. Tôi không đồng ý với những cách
làm việc bác ái ồn ào”.
-Tình thương phải thực hiện từ một cá nhân
cụ thể: Muốn yêu thương một người, bạn phải tiếp xúc trực tiếp với người
đó, gần gũi với người đó. Mẹ Tê-rê-sa kể tiếp: "Lần kia tôi đi dự một
hội nghị ở Bom-bay về việc cứu giúp những người nghèo. Đến cửa phòng hội, tôi
thấy một người đang hấp hối. Tôi đưa người ấy về nhà, sau đó người ấy chết,
chết vì đói. Đang lúc đó bên trong phòng hội, hàng trăm người đang hăng hái bàn
luận về nạn đói và về vấn đề lương thực: làm thế nào để có lương thực, để có
cái này, để có cái kia... Đang lúc họ vạch ra kế hoạch cho cả 15 năm, thì người
này đã phải bị chết đói !".
-Tích tiểu thành đại: Theo Mẹ Tê-rê-sa: "Tôi không bao
giờ nhìn những đám đông như là trách nhiệm của tôi. Tôi chỉ nhìn đến từng cá
nhân, bởi vì mỗi lần tôi chỉ yêu thương
được một người, mỗi lần tôi chỉ nuôi được một người. Tôi đã đưa một người
về nhà, nhưng nếu tôi không đưa một
người ấy về nhà thì tôi đã không đưa 42.000 người về nhà. Công việc của tôi
chỉ là một giọt nước trong đại dương. Nhưng nếu tôi không góp một giọt nước ấy
thì đại dương sẽ thiếu mất nhiều giọt nước khác".
-Đức Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II trong bài giảng lễ Chúa nhật tại vận động
trường Yăng-ki (Yankee) Nữu Ước trong chuyến thăm nước Mỹ 1979 đã phát
biểu về việc chia sẻ bác ái như sau: “Người nghèo khổ nước Mỹ cũng như
trên toàn thế giới đều là anh em
của các bạn trong Chúa Ki-tô. Các bạn đừng bao giờ bằng lòng với hành vi chỉ cho họ những mẩu bánh
vụn nơi bàn tiệc. Các bạn chỉ nên lo cho mình cái chính yếu của cuộc sống, và đừng tìm sống sung túc, để nhờ
đó, các bạn có thể giúp đỡ cụ
thể cho những người nghèo khổ. Ngoài ra các bạn còn phải đối xử với họ như những vị khách
quí trong gia đình các bạn nữa”.
4. THẢO LUẬN: 1) Một văn sĩ nổi tiếng đã nói:
“Mỗi khẩu súng được chế tạo, mỗi tàu chiến được hoàn thành, mỗi
hỏa tiễn được bắn ra... Xét cho cùng, chính là một lần ăn trộm của
những kẻ đói khát vì không được nuôi dưỡng, của những kẻ bị lạnh
lẽo vì thiếu quần áo che thân !”. Bạn có đồng ý với lời đó hay
không ? Tại sao ? 2) Bạn sẽ làm gì trong những ngày sắp tới để giúp đỡ
cụ thể cho một cụ già neo đơn, một trẻ em mồ côi hay một bệnh nhân
không tiền thuốc thang chữa trị mà bạn quen biết... ?
5. NGUYỆN CẦU:
LẠY CHÚA GIÊ-SU, Xin cho con nhìn
thấy những La-da-rô nghèo khó đang ở chung quanh con và đang cần đến
sự giúp đỡ của con. Xin cho con nhìn thấy Chúa đang hiện thân trong
những người nghèo khó đến với con, để con không xua đuổi, nhưng tiếp
đón họ cách thân tình. Cảm tạ Chúa vì đã dựng nên loài người chúng
con ai cũng nghèo về một phương diện nào đó, và ai cũng cần đến sự
giúp đỡ của người khác... Như vậy chúng con được mời gọi sống cho
nhau, làm cho hết mọi người đều được nên sung túc giàu có.
X) HIỆP
CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON
LM ĐAN VINH –
HHTM