CHÚA NHẬT 27 THƯỜNG NIÊN
Kiên trì trong đức tin
Lắng nghe sứ điệp Lời
Chúa (Kb 1:2-3; 2:2-4; 2 Tm 1:6-8, 13-14; Lc 17:5-10)
Sống trong một thế giới đầy bất công,
tội ác và đạo đức bị khinh thường, như Lời Chúa đã trình bày trong mấy Chúa Nhật
trước, Ki-tô hữu chúng ta phải làm gì ? Hãy kiên trì trong đức tin. Đó là câu trả lời chúng ta có thể gặp thấy
trong Phụng vụ Lời Chúa hôm nay. Đáp lại
câu hỏi của ngôn sứ Kha-ba-cúc: “Sao
Ngài bắt con phải chứng kiến tội ác hoài, còn Ngài cứ đứng nhìn cảnh khổ đau?”,
Thiên Chúa phán: Cứ an tâm, giờ của Ta
chưa đến thôi, vì kẻ ác sẽ ngã gục và người công chính sẽ được sống! Còn thánh Phao-lô thì khuyên môn đệ thân tín
Ti-mô-thê cứ “đồng lao cộng khổ” với ngài để loan báo Tin Mừng. Sau hết, Chúa Giê-su cũng dạy môn đệ Người hãy
tiếp tục chu toàn việc bổn phận mà “ông chủ” là Thiên Chúa đã trao phó cho
chúng ta.
Chắc chắn đã nhiều lần chúng ta thắc mắc: tại sao những kẻ ác vẫn sống nhởn nhơ mà
không bị Thiên Chúa trừng phạt? Rồi từ
đó nhiều khi chúng ta nghi ngờ Chúa không công bằng. Đây không chỉ là thắc mắc của chúng ta thời
nay. “Trong Kinh Thánh, ngôn sứ
Kha-ba-cúc là người đầu tiên dám cật vấn Thiên Chúa. Suốt nhiều thế kỷ, đức tin vẫn tuyên xưng
công lý của Thiên Chúa. Tuy nhiên, công
lý ấy không phải bao giờ cũng rõ ràng, và nhiều người phải im lặng giấu đi mối
ngờ vực của mình. Ngôn sứ Kha-ba-cúc là
người đầu tiên đặt câu hỏi: Tại sao Đức
Chúa cho phép sự bất công chiến thắng?
Khi Người trừng phạt một kẻ áp bức, tại sao Người lại thay thế kẻ ấy bằng
một người khác tệ hại hơn?” (Dẫn nhập sách Kha-ba-cúc, Bản dịch Kinh Thánh cho
mọi người, do nhóm Các Giờ kinh Phụng vụ).
Để giúp chúng ta bỏ đi mối nghi ngờ, câu trả lời của Thiên Chúa qua ngôn
sứ Kha-ba-cúc nhấn mạnh đến hai điểm: thứ
nhất, công lý của Thiên Chúa nhất định sẽ được thực hiện “vào thời ấn định”, vậy
nếu nó chậm tới, thì cứ đợi chờ; thứ
hai, trong khi chờ đợi, kẻ nào không có tâm hồn ngay thẳng sẽ ngã gục, còn người
công chính sẽ được sống nhờ lòng thành tín của mình. Hôm nay hoặc bất cứ thời nào, nếu chúng ta phải
chứng kiến những kẻ ác, nhất là những kẻ có quyền thế, hà hiếp bóc lột người
khác, thì đừng vội nản lòng. Chúng ta cứ
tiếp tục sống công chính trong đức tin Ki-tô giáo và tích cực hơn nữa, cứ tiếp
tục cầu nguyện cho họ biết sám hối và cho tình thế được mau thay đổi.
Nói về đức tin, một đề tài Chúa Giê-su
rất yêu thích khi rao giảng Tin Mừng, hôm nay Người đã trả lời các môn đệ xin
Người “thêm lòng tin” cho họ: “Nếu anh
em có lòng tin lớn bằng hạt cải…” Chúa lấy
hình ảnh hạt cải để mô tả sức mạnh của đức tin.
Một đức tin cỡ hạt cải, nghĩa là chỉ lớn bằng cái đầu mũi kim, mà lại có
sức mạnh sai khiến được một cây dâu to lớn.
Làm sao chúng ta có được một đức tin dù chỉ bằng tầm cỡ ấy? Ai sẽ ban cho đức tin chúng ta một sức mạnh
kinh hồn như vậy? Để trả lời, chúng ta cứ
đọc lại lời các tông đồ thưa với Chúa Giê-su: “Thưa Thầy, xin thêm lòng tin cho
chúng con”. Quá rõ ràng rồi nhé! Lòng tin phát xuất từ Chúa chứ không phải từ
chúng ta. Chắc chắn Chúa có tất cả những
gì khiến chúng ta dám đặt mọi sự tin tưởng của chúng ta vào đó. Nếu các tông đồ không nhận biết Chúa là ai
thì các ông đâu có đến xin Chúa thêm lòng tin cho họ! Sau này, chúng ta còn thấy ông Phê-rô tuyên
xưng lòng tin vào Chúa khi ông thưa: Lạy
Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết theo ai bây giờ, vì chỉ Thầy mới có những lời
ban sự sống đời đời. Nói theo ngôn từ thần
học, chúng ta gọi “đức tin là nhân đức đối thần”, nghĩa là trong đức tin, Thiên
Chúa là đối tượng. Chúng ta tin Chúa
không phải là hành vi chủ động phát xuất từ chúng ta đối với Chúa, nhưng là
hành vi đáp trả của chúng ta khi Chúa tỏ ra cho chúng ta biết những đức tính
cao cả của Người. Trở lại với trường hợp
ông Phê-rô, chúng ta thấy vì Chúa “có những lời ban sự sống đời đời”, nên ông nhận
ra mình thật diễm phúc được đón nhận những lời ban sự sống từ nơi Chúa mà ông
không bao giờ nhận được từ một người nào khác, do đó Chúa đã làm cho ông tin
vào Người. Càng nhận biết Chúa tốt lành,
nhân hậu, quyền năng…, thì đức tin chúng ta càng mạnh. Nhưng còn một vấn đề không kém quan trọng, đó
là sống đức tin ấy thế nào? Dễ
thôi. Chúa Giê-su cho chúng ta một hình ảnh
cụ thể: cứ làm giống như người đầy tớ
làm cho ông chủ mình. Sau khi anh ta đi
cày hoặc đi chăn chiên về, thì anh lại tiếp tục phục vụ ông chủ theo lệnh của
ông. Chẳng những anh phục vụ chu đáo, mà
còn phục vụ với thái độ thật khiêm tốn khi anh thú nhận: “Chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi
đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi”. Mục
đích anh phục vụ không phải để được thưởng, nhưng để chu toàn bổn phận.
Sống sứ điệp Lời Chúa
Chúng ta gặp được gương mẫu sống đức
tin rất sống động qua đoạn thư thánh Phao-lô gửi anh Ti-mô-thê. Trước hết là gương thánh Phao-lô. Vì rao giảng Tin Mừng, Phao-lô đã bị cầm tù
như một tội phạm của xã hội. Ngài hãnh
diện là bị giam cầm vì Chúa Ki-tô. Hơn nữa,
ngài còn khuyên Ti-mô-thê “cũng đừng hổ thẹn vì tôi, người tù của Chúa” và
khuyên anh hãy đồng lao cộng khổ với ngài để loan báo Tin Mừng. Làm sao các ngài giữ vững đức tin? Phao-lô trả lời Ti-mô-thê: “Với đức tin và đức mến của một người được kết
hợp với Đức Ki-tô Giê-su, anh hãy lấy làm mẫu mực những lời lành mạnh anh đã
nghe tôi dạy”. Phải, chính sự kết hợp với
Chúa Giê-su là nguồn sức mạnh giúp ta thể hiện đức tin trong cuộc sống!
Lm.
Đa-minh Trần đình Nhi