CHÚA NHẬT 27
THƯỜNG NIÊN C
Kb 1,2-3;2,2-4
; 2Tm 1,6-8.13-14 ; Lc 17,5-10
TIN YÊU VÀ KHIÊM NHƯỜNG PHỤC VỤ
I.HỌC LỜI CHÚA
1. TIN MỪNG: Lc 17,5-10
(5) Các Tông đồ thưa với Chúa Giê-su rằng: “Thưa
Thầy, xin thêm lòng tin cho chúng con”. (6) Chúa đáp: “Nếu anh em có
lòng tin lớn bằng hạt cải, thì dù anh em có bảo cây dâu này: “Hãy
bật rễ lên, xuống dưới biển kia mà mọc, nó cũng sẽ vâng lời anh em”.
(7) Ai trong anh em có người đầy tớ đi cày hay đi chăn chiên, mà khi nó
ở ngoài đồng về, lại bảo nó: “Mau vào ăn cơm đi !”, (8) chứ không
bảo: “Hãy dọn cơm cho ta ăn, thắt lưng hầu bàn cho ta ăn uống xong đã,
rồi anh hãy ăn uống sau !” (9) “Chẳng lẽ ông chủ lại biết ơn đầy tớ
vì nó đã làm theo lệnh truyền sao ? (10) Đối với anh em cũng vậy: Khi
đã làm tất cả những gì theo lệnh phải làm, thì hãy nói: Chúng tôi
là những đầy tớ vô dụng. Chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy
thôi”.
2. Ý CHÍNH: Nhân việc các Tông đồ xin Đức Giê-su ban thêm đức
tin, Người đã đề cao sức mạnh của một đức tin đích thực. Qua dụ ngôn
về một người đầy tớ luôn vâng lời và khiêm tốn, Người muốn các ông
phải tránh thái độ công thần khi đòi Chúa trả công ở đời này, nhưng
trái lại, phải có thái độ khiêm tốn phục vụ, chu toàn sứ vụ rao giảng
Tin mừng với tinh thần vô vụ lợi.
3. CHÚ THÍCH:
- C 5-6: + Tông đồ: Ở đây đức Giê-su nói riêng với nhóm Tông đồ chứ
không phải nói chung với các môn đệ. Tông đồ là tước hiệu dành riêng
cho Nhóm 12 được Đức Giê-su tuyển chọn từ nhóm 72 môn đệ (x. Lc 10,1;
6,12-13). Các Tông đồ phải từ bỏ mọi sự mà đi theo Đức Giê-su và sau
này sẽ được Người trao quyền lãnh đạo đoàn chiên và được sai đi rao
giảng Tin mừng Nước Thiên Chúa. + Xin thêm lòng tin cho chúng con: Đứng
trước những đòi hỏi của Luật Mới (x. Lc 17,1-4) và sứ vụ phải mở
rộng Nước Thiên Chúa, các Tông đồ cảm thấy bất lực. Các ông đã xin
Đức Giê-su gia tăng thêm lòng tin đang yếu kém của các ông (x. Lc 8,25).
Các ông đã xin Người mở rộng tâm hồn để đón nhận được ánh sáng đức
tin. + “Nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải”: Hạt cải là loại hạt giống
nhỏ nhất (x. Mt 13,32). Khi so sánh lòng tin với hạt cải, Đức Giê-su
muốn nhấn mạnh về phẩm chất hơn là số lượng của đức tin. Một sự
phó thác dù nhỏ bé đến đâu, nếu được thực hiện với đức tin, thì
vẫn có thể làm được những điều lớn lao kỳ diệu. Vì bấy giờ người
ta làm không do sức riêng, nhưng nhờ
quyền năng Thiên Chúa. + “Thì dù anh em có bảo cây dâu này: “Hãy
bật rễ lên, xuống dưới biển kia mà mọc, nó cũng sẽ vâng lời anh em”:
Cây dâu là một cây đại thụ, rễ của nó rất lớn và nó có thể
sống tới 600 năm. Nhưng chỉ một lời phát xuất từ niềm tín thác hoàn
toàn vào Thiên Chúa, cũng có thể bứng cây đó khỏi mặt đất xuống
mọc trong lòng biển hồ Ga-li-lê (x. Mt 17,20). Ở đây Đức Giê-su không
khuyến khích người ta cầu xin những phép lạ giật gân, và chắc không
bao giờ Người lại thực sự di dời cây dâu xuống trồng dưới lòng biển. Vì
Người luôn từ chối làm phép lạ để chứng minh Người là Con Thiên Chúa
như các đầu mục Do thái nhiều lần đòi hỏi. Đây chỉ là một kiểu nói
nhằm đề cao sức mạnh của lòng tin mà thôi.
-
C 7-8: + Có người đầy tớ đi cày hay đi chăn chiên...: Theo
tập tục thời đó, người đầy tớ không được tự do làm việc theo ý
mình, nhưng phải luôn làm theo ý của ông chủ. Ở đây, người đầy tớ vừa
cày ngoài ruộng về, hoặc vừa dẫn chiên từ đồng cỏ về nhà. Ông chủ
đòi anh ta phải tiếp tục phục vụ bữa ăn tối cho ông. Bổn phận của
người đầy tớ là phải làm hết việc này sang việc khác theo ý ông chủ.
-
C 9-10: + Chẳng lẽ ông chủ lại biết ơn đầy tớ vì nó đã làm
theo lệnh truyền sao ?: Qua hình ảnh đầy tớ. Đức Giê-su muốn
dạy người làm việc cho Chúa không được vênh vang đòi Chúa phải đền ơn mỗi
lần làm xong được một việc. Trái lại, họ cần ý thức thân phận tôi tớ thấp
hèn của mình để sẵn sàng làm mọi việc theo lệnh Chúa truyền. + “Chúng
tôi là những đầy tớ vô dụng. Chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận
đấy thôi”: “Đầy tớ vô dụng” không có nghĩa là không làm được
gì. Ở đây, “đầy tớ vô dụng” là một kiểu nói cường điệu ám chỉ
“mang thân phận hèn kém”. Người Tông đồ cần tránh thái độ “công
thần”. Vì các thành quả tuy bề ngoài do các ông làm, nhưng thực sự đều
nhờ ơn Chúa giúp, như lời Người phán: “Không có Thầy, anh em không làm
được gì” (Ga 15,5). Thánh Phao-lô cũng khiêm tốn nhận rằng: “Tôi trồng,
anh A-pô-lô tưới, nhưng Thiên Chúa mới cho lớn lên” (1 Cr 3,6). Tóm lại,
khi rao giảng Tin Mừng ta cần phải biết noi gương khiêm hạ của Đức Giê-su
(x. Pl 2,6-8).
4. CÂU HỎI: 1) Tông đồ là những ai ? 2) Tại sao các
ông lại xin Đức Giê-su gia tăng thêm lòng tin ? 3) Khi so sánh đức tin
với hạt cải, Đức Giê-su muốn dạy điều gì ? 4) Đức Giê-su nói về sức
mạnh của một đức tin chân chính qua câu nói nào ? 5) Tại sao Người
lại muốn các Tông đồ phải tránh thái độ “công thần” ? 6) Tại sao Đức
Giê-su muốn các Tông đồ phải luôn tự nhủ: mình chỉ là “những đầy tớ
vô dụng”?
II.SỐNG LỜI CHÚA
1. LỜI CHÚA: “Thưa Thầy, xin thêm lòng tin cho chúng
con” (Lc 17,5).
2. CÂU CHUYỆN:
1.ĐỨC TIN CỦA MẸ THÁNH TÊ-RÊ-SA
CAN-QUÝT-TA:
Ngày nay, trên thế giới, ít có người không biết
đến tên Mẹ TÊ-RÊ-SA CAN-QUÝT-TA. Mẹ là một nữ tu đã được tặng nhiều
giải thưởng cao quý nhất: Năm 1963, Ấn Độ đã tặng Mẹ giải thưởng
“Bông Huệ Tuyệt Vời”; Phi-líp-pin thì tặng giải thưởng Mas-say-say; Năm
1974 Rô-ma tặng Mẹ giải “Hòa Bình Gio-an 23” và đến năm 1979, Mẹ được
tặng giải No-ben Hòa Bình thế giới. Mẹ đã qua đời vào năm 1997 hưởng
thọ 87 tuổi. Dù chỉ là một nữ tu không chút địa vị quyền hành,
không có nhiều tiền bạc hay quyền lực... thế mà khi qua đời, Mẹ lại
được nhiều vị đứng đầu quốc gia như Tổng Thống, Cựu Chủ Tịch Nhà
Nước của các nước lớn như Liên Xô, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Ấn Độ... hay
các nước nhỏ như Việt Nam, Lào, Cam-pu-chia... hiện diện hay cử đại
biểu đến dự lễ an táng, tiễn đưa Mẹ đến nơi an nghỉ cuối cùng.
Vào
năm 1948, Mẹ đã nhìn thấy một người đàn bà đang đói ăn và đứa con
nhỏ mới sinh đang nằm bên một đống rác hôi thối, ruồi nhặng bu đầy
chung quanh. Cảnh ấy làm Mẹ xúc động như nhìn thấy Đức Giê-su đang bị
bỏ rơi trên cây thập giá. Từ đó Mẹ đã quyết hiến trọn cuộc đời để
phục vụ những người cùng khổ. Họ là những người đang bệnh hoạn, bị
đói rách không nhà và phải nằm ngủ trên các hè phố hay bãi rác công
cộng chờ chết mà không được chăm sóc. Mẹ đã mang họ về nhà dòng và
phục vụ họ thật chu đáo, cho đến khi qua đời. Nhờ lời cầu nguyện và
sự cộng tác giúp đỡ của nhiều nhà hảo tâm, Mẹ và các nữ tu dòng
Thừa Sai Bác Ái đã lập được gần 300 nhà hấp hối như thế. Cuộc đời
và công việc của Mẹ Tê-rê-sa, một nữ tu nghèo nhưng đã làm được
những việc lớn lao phi thường nhờ đức tin, đã minh chứng cho Lời Chúa
dạy hôm nay: “Nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải, thì dù anh em
có bảo cây dâu này: Hãy bật rễ lên, xuống dưới biển kia mà mọc, nó
cũng sẽ vâng lời anh em” (Lc 17,6). Vậy đức tin là gì? Tại sao chúng
ta phải xin Chúa ban thêm đức tin cho chúng ta?
2. KHIÊM NHƯỜNG
LÀ NỀN TẢNG CỦA MỌI NHÂN ĐỨC:
Một thầy Ráp-bi già bị bệnh phải nằm
liệt giường. Các môn đệ rủ nhau đến thăm và thì thầm nói chuyện với nhau cố ý
làm vui lòng ông. Họ hết lời ca tụng các nhân đức tuyệt vời của thầy.
Một người trong bọn nói: "Từ
thời vua Sa-lo-mon đến nay, chưa có ai khôn ngoan được như thầy mình".
Người khác nói: "Đức tin của thầy ngang ngửa với đức tin của tổ phụ
Áp-ra-ham”. Người thứ ba nói: "Chắc chắn sự kiên nhẫn của thầy không thua
sự kiên nhẫn của thánh Gióp". Người thứ tư thêm vào: "Về sự cầu
nguyện thân mật với Chúa, thì chỉ có hai vị đứng đầu là ông Mô-sê và thầy chúng
ta mà thôi".
Nghe các môn đệ khen như vậy, nhưng xem
ra thầy ráp-bi vẫn tỏ ra bồn chồn không vui. Chờ cho đám môn đệ ra về rồi, vợ thầy
mới lên tiếng:
- Ông có nghe thấy họ ca tụng ông
không?
- Có.
- Thế tại sao ông vẫn không cảm thấy
vui ?
Vị ráp-bi liền
than phiền:
- Vì không có ai nhắc đến sự khiêm
tốn của tôi cả.
Đòi người ta phải ca ngợi sự khiêm
tốn của mình thì thầy ráp bi này lại chẳng khiêm tốn chút nào! Cho dù thầy có
khôn ngoan như vua Sa-lo-mon, đức tin có mạnh mẽ ngang ngửa với tổ phụ
Áp-ra-ham, lòng kiên nhẫn có được như thánh Gióp và có sống thân mật với Đức Chúa
như mục tử Mô-sê… mà không có lòng khiêm hạ thì tất cả các nhân đức nói trên cũng
chỉ là số không to tướng. Cũng vậy, nếu chúng ta tập thành được nhiều nhân đức,
có chu toàn được các bổn phận đạo đức hằng ngày, có làm được nhiều việc từ
thiện lớn lao, nhưng chúng ta lại tự mãn và khoe khoang thành tích ấy để tìm
tiếng khen nơi người đời, thì chúng ta lại không còn thực sự thánh thiện nữa.
Vì khiêm tốn là nền tảng của mọi
nhân đức, nên hôm nay Chúa Giê-su đã dạy các môn đệ: "Khi đã làm tất cả
những gì theo lệnh phải làm, thì hãy nói: "Chúng tôi là những đầy tớ vô
dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi" (Lc 17, 10).
3. QUAN TÂM PHỤC
VỤ THA NHÂN SẼ MANG LẠI HẠNH PHÚC THỰC SỰ:
Tại văn phòng của một Cố vấn Tâm lý,
một thiếu phụ vừa trẻ vừa giàu giải bày tâm sự: "Bất cứ thứ gì tôi muốn
thì chồng tôi đều cho cả. Tôi có đủ mọi "sự" nhưng trong lòng trống
vắng vô cùng. Xin bà hãy cho tôi một lời khuyên". Nhà Cố vấn tâm lý không
trả lời, nhưng bảo cô thư ký của bà hãy kể chuyện đời tư của cô. Cô này kể:
Chồng tôi đã chết, cách nay 3 tháng con tôi cũng chết vì xe đụng. Tôi cảm
thấy như bị mất tất cả và tôi không ngủ được, cũng chẳng thiết ăn uống và không
bao giờ nở được nụ cười với ai. Một hôm tôi đi làm về hơi khuya. Có một chú mèo
con cứ đi theo sau tôi. Ngoài trời đang rất lạnh và tôi thấy tội nghiệp con mèo,
nên tôi mở cửa cho nó vào trong nhà. Tôi pha cho nó một ly sữa và cho nó uống.
Nó kêu meo meo đến ngồi bên và cọ mình vào chân tôi. Lần đầu tiên tôi cười. Rồi
tôi lại nghĩ: nếu việc giúp cho một chú mèo con có thể làm tôi cười được, thì
việc giúp cho một người nào đó chắc có thể còn làm tôi được hạnh phúc.
Thế là hôm sau tôi nướng vài ổ bánh mì mang sang cho một bà cụ hàng xóm đang bị bệnh. Từ đó mỗi ngày tôi đều để tâm làm vài việc gì đó giúp
cho những chung quanh được vui vẻ. Và quả thực tôi đã cảm thấy tâm hồn được hạnh
phúc. Tôi nghiệm ra được điều này là: ta sẽ không có hạnh phúc khi ta chỉ chờ mong
người khác đem lại hạnh phúc cho ta; Trái lại ta sẽ có hạnh phúc thực sự khi ta
quan tâm phục vụ tha nhân, làm cho người khác được hạnh phúc". Nghe đến
đó, người thiếu phụ trẻ đã bật khóc. Quả thật, cô đã có rất nhiều thứ mà đồng
tiền mang lại, nhưng cô lại không cảm thấy hạnh phúc là thứ mà đồng tiền không thể
mua được. Và cô đã quyết định sẽ thực hành theo gương cô thư ký kia là làm cho
người khác vui. Chính khi quên mình để nghĩ đến người khác lại là cách mang lại
niềm vui cho mình (Charlene Johnson).
4. THỰC THI
BÁC ÁI LÀ PHƯƠNG THẾ HỮU HIỆU ĐỂ CỦNG CỐ ĐỨC TIN:
Có một bà cụ già nọ đã trải qua một thời gian nghi ngờ về sự hiện diện
của Thiên Chúa khi phải đương đầu với những tai ương hoạn nạn liên tiếp xảy ra
cho mình. Trong lúc tâm hồn bối rối hoang mang, bà đến gặp cha linh hướng để xưng
tội và xin ngài cho một lời khuyên. Bà hy vọng vị linh mục này sẽ nói với bà chứng
minh sự hiện hữu và lòng nhân từ yêu thương của Thiên Chúa. Nhưng bà rất ngạc
nhiên khi cha linh hướng lại cho bà lời khuyên không mấy ăn nhập với thắc
mắc của bà: Cha khuyên bà hãy về nhà thực thi những cử chỉ đẹp, luôn tỏ ra cảm
thông với những nỗi đau khổ bất hạnh của người chung quanh. Dù không mấy thỏa
mãn nhưng bà vẫn làm theo lời khuyên của cha và quả thật một thời gian sau, bà
đã lấy lại được niềm tin trước đó. Những nghi ngờ về sự hiện hữu và lòng nhân
từ của Thiên Chúa cũng tự nhiên biến mất.
3. SUY NIỆM:
Nhân việc các Tông đồ xin Đức Giê-su ban thêm đức
tin, Người đã cho biết đức tin là một hồng ân nên các ông phải biết cầu xin
Chúa ban cho. Tiếp đến Người đề cao sức mạnh của một người có đức tin
đích thực. Qua dụ ngôn về một người đầy tớ luôn vâng lời và khiêm
tốn, Đức Giê-su muốn các môn đệ phải tránh thái độ “công thần”, tự hào
khi làm được việc tốt và đòi Chúa phải trả công ngay cho mình. Trái lại họ
phải biết phục vụ cách khiêm tốn, chu toàn sứ vụ rao giảng Tin mừng
với tinh thần vô vụ lợi.
1) “Thưa Thầy, xin thêm lòng tin cho
chúng con”:
- Đức tin do Chúa
ban: Trong cuộc sống chúng ta thường nghe nói: “Vô tri bất mộ” - Không biết
sẽ không yêu. Tuy nhiên lời Chúa hôm nay lại cho thấy về phạm vi đức tin không
giống như vậy: Các Kinh sư và các biệt phái tuy am hiểu Kinh Thánh, nhưng họ
đâu có tin Đức Giê-su là Đấng Thiên Sai, đang khi những người nghèo đói, bệnh
tật, tội lỗi… tuy ít học, nhưng lại trọn niềm tin cậy nơi Nguời. Như vậy cho
thấy đức tin không luôn đi đôi với sự
khôn ngoan thế gian nhưng chính là một ơn Chúa ban, như lời Đức Giê-su đã
ngợi khen Chúa Cha: “Lay Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan
thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn”
(Mt 11,25). Do đó, muốn có đức tin vững mạnh chúng ta phải cầu xin như các Tông
đồ trong Tin Mừng hôm nay đã xin Đức Giê-su: "Thưa Thầy, xin thêm lòng tin
cho chúng con" (Lc 17,5).
- Sức mạnh của
đức tin: Tiếp theo, Đức Giê-su đã đề cao sức
mạnh của đức tin khi nói: “Nếu anh em
có lòng tin lớn bằng hạt cải, thì dù anh em có bảo cây dâu này: Hãy
bật rễ lên, xuống dưới biển kia mà mọc, nó cũng sẽ vâng lời anh em”
(Lc 17,6). Nói câu này, Đức Giê-su không khuyến khích các Tông đồ làm phép lạ
cho người ta tin, nhưng Người muốn các ông ý thức về sức mạnh của một đưc tin
đích thực. Nếu có đức tin vững vàng, chúng ta sẽ làm được những việc lớn lao
vượt quá khả năng giới hạn của chúng ta như Người đã hứa: “Thầy bảo thật anh em, ai tin vào Thầy,
thì người đó cũng sẽ làm được những việc
Thầy làm. Người đó còn làm những việc lớn hơn nữa, bởi vì Thầy đến cùng
Chúa Cha.” (Ga 14,12-13).
- Thành quả của đức tin: Quả thật,
sau khi Đức Giê-su lên trời, nhờ quyền năng Thánh Thần, các Tông đồ đã thực hiện
được nhiều dấu lạ: Sau bài giảng của Si-mon Phê-rô, đã có ba ngàn người xin
tòng giáo. Các Tông đồ còn làm nhiều phép lạ trên những người tin (x. Cv 2,41;
5,12-16). Như vậy, dù yếu
đuối, các ông cũng đã trở nên mạnh mẽ nhờ cậy
nhờ vào ơn Chúa giúp. Về vấn đề này, thánh Phao-lô viết : “Chúa quả quyết
với tôi: Ơn của Thầy đã đủ cho con, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn
trong sự yếu đuối. Thế nên, tôi rất vui mừng và tự hào vì những yếu đuối
của tôi… Khi tôi yếu chính là lúc tôi mạnh” (2 Cr 12,9-10c).
2) Đức tin phải
đi đôi với khiêm tốn phục vụ:
-Phục vụ cách
khiêm tốn: Người tín hữu phải biết phục vụ
Chúa và tha nhân một cách khiêm tốn vô điều kiện, giống như một người đầy tớ,
sau khi đã đi cày hay đi chăn chiên về, sẽ tự thấy có bổn phận
phải tiếp tục phục vụ bữa tối cho chủ, rồi
sau đó mình mới được ăn.
-Phải
tránh thái độ “công thần”: Đức
Giê-su đã dạy các môn đệ: "Đối với anh em cũng vậy: Khi đã làm tất cả những
gì theo lệnh phải làm, thì hãy nói : "Chúng tôi là những đầy tớ vô dụng,
chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi" (Lc 17,10). Phải tránh thái độ
vênh vang “công thần”, nghĩa là tự hào về công khó của mình để đòi Chúa phải trả
công như người biệt phái trong dụ ngôn hai người lên Đền thờ cầu nguyện (x. Lc
18,11.13).
3)
Chúng ta phải làm gì ?
-Xin thêm đức tin: Noi gương các Tông đồ xưa, chúng ta
hãy năng cầu xin Chúa: "Thưa Thầy,
xin thêm lòng tin cho chúng con" (Lc 17,5). Chính nhờ ơn Chúa, chúng
ta sẽ làm được những điều lớn lao. Chẳng hạn: Sẽ giúp cho nhiều tội nhân hồi
tâm trở về; Sẽ giúp nhiều người lương nhận biết tin thờ Thiên Chúa; Sẽ kêu
gọi được nhiều người rộng rãi đóng góp công sức tiền bạc để làm các việc từ
thiện bác ái lớn lao, noi gương Mẹ Tê-rê-sa CAN-QUÝT-TA đã làm. Đàng khác, Tin và yêu luôn phải đi đôi với nhau:
Có yêu Chúa nhiều thì mới tin vững vào Chúa được. Do đó, ngoài việc năng cầu
xin Chúa ban thêm đức tin, chúng ta còn phải xin Chúa ban thêm lòng yêu mến Chúa nữa.
-Loan Tin Mừng bằng việc bác ái: Ngày nay, loan báo Tin Mừng không
những phải dựa vào ơn Chúa giúp, mà còn phải khiêm nhường dấn thân phục vụ tha
nhân noi gương Chúa Giê-su (x. Ga 13,6.13-15). Thực tế cho thấy: Việc chia sẻ bác ái cụ thể có sức thuyết
phục khiến nhiều người dễ dàng đón nhận đức tin hơn bài giảng hùng hồn, như
Đức Giáo hoàng Phao-lô VI đã dạy: “Người thời nay sẵn sàng nghe những chứng nhân hơn là thầy dạy và
người ta có nghe theo thầy dạy là vì thầy dạy cũng là chứng nhân” (Thông điệp Evangelii nuntiandi, số 41).
-Yêu
phải đi đôi với tin: Có yêu Chúa
nhiều thì mới vững tin vào Chúa. Trươc khi trao quyền chăn chiên cho Si-mon
Phê-rô, Chúa Phục Sinh đã ba lần sát hạch ông về lòng mến dành cho Người: “Này anh Si-mon, con ông Gio-an, anh có mến
Thầy hơn các anh em này không ?” (x. Ga 21,15-17). Do đó, ngoài việc năng cầu
xin Chúa ban thêm đức tin, mỗi tín hữu chúng ta cũng cần xin Chúa ban thêm lòng mến Chúa cho chúng ta.
-Phục
vụ trong khiêm hạ: khi đã làm tất
cả những việc được giao rồi, chúng ta cần
tránh thái độ tự mãn khoe khoang thành quả đạt được, nhưng phải luôn tự nhủ: “Chúng tôi là những đầy
tớ vô dụng. Chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi”. Phải chờ
đến ngày tận thế, Vua Thẩm Phán Giê-su sẽ
ban thưởng cho các tôi trung của Người, cho họ được tham dự bàn tiệc Nước Trời
và sẽ quan tâm phục vụ lại họ (x. Lc
12,37).
4. THẢO LUẬN: 1) Khi bạn làm việc tông đồ mà cảm
thấy chán nản và muốn buông xuôi tất cả thường do những nguyên nhân
nào ? 2) Bạn cần làm gì để lấy lại tinh thần hăng say phục vụ Tin Mừng
Nước Thiên Chúa ?
5. NGUYỆN CẦU:
LẠY CHÚA GIÊ-SU. Xin ban cho con một đức tin như hạt cải, để con loại bỏ
các thói hư tật xấu khỏi lòng trí con. Xin cho con một đức tin can đảm, để con không sợ
bị thiệt thòi khi dấn thân, sẵn sàng từ bỏ những điều con thường cậy
dựa xưa nay. Xin cho con một đức tin
sáng suốt, để con nhìn thấy Chúa đang hoạt động trong vũ trụ và
trên thế giới, thấy Chúa đang hiện thân trong những người nghèo khổ
chung quanh con. Xin cho con một đức
tin quảng đại, dám hy sinh
bản thân vì Chúa và tha nhân. Xin cho con một đức tin liều lĩnh, dám lội ngược dòng và khước từ những
cám dỗ của ma quỷ và thế gian. Xin cho con một đức tin vui tươi, vì biết những gì đang chờ đợi con ở cuối
đời, sung sướng và hy vọng vì biết mình sẽ được Chúa yêu thương đón
nhận. Cuối cùng, xin cho con một đức
tin trưởng thành, để con luôn kiên vững khi gặp những khó khăn gian
khổ, dù phải trải qua bao thăng trầm của cuộc sống, nhưng vẫn luôn
cậy trông và phó thác cho một mình “Thiên Chúa Tình Yêu”.
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.-
Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON
LM ĐAN VINH - HHTM