CHÚA NHẬT 29 THƯỜNG NIÊN
“Phải cầu nguyện
luôn, không được nản chí”
Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa (Xh 17:8-13;
2 Tm 3:14 – 4:2; Lc 18:1-8)
Phải cầu nguyện luôn và không được nản
chí. Đó là thông điệp rõ ràng của Phụng
vụ Lời Chúa hôm nay, đặc biệt là qua dụ ngôn bà góa xin quan tòa minh xét mà Chúa
Giê-su đã kể cho các môn đệ. Hiệu quả của
việc bền chí cầu nguyện cũng được minh chứng qua câu chuyện lịch sử dân
Ít-ra-en khi họ phải chiến đấu với quân A-ma-lếch và họ đã chiến thắng nhờ việc
cầu nguyện của ông Mô-sê. Ông Mô-sê cầu
xin Thiên Chúa cho dân Ít-ra-en thắng trận.
Còn dụ ngôn bà góa “quấy rầy” thì xin quan tòa minh xét cho bà, vì đối
phương hại bà. Đây là những mục đích đặc
biệt của việc cầu nguyện, nhưng cả hai mục đích đều nhắm vào việc chiến thắng kẻ
thù mưu hại. Từ điểm tương đồng này, có lẽ chúng ta rút ra bài học áp dụng cho
mỗi người chúng ta: chúng ta cầu xin
Chúa giúp chúng ta thắng “đối phương” là ma quỷ và những cám dỗ của chúng.
Câu chuyện Cựu Ước kể lại cuộc chiến
giữa Ít-ra-en và quân A-ma-lếch tại Rơ-phi-đim.
Thiên Chúa đã từng can thiệp để giúp đỡ dân Người, thí dụ giải phóng họ
khỏi ách nô lệ Ai-cập, hỗ trợ họ chiến đấu với những dân họ đi ngang qua trên
đường về Đất Hứa. Hôm nay họ phải đương
đầu với quân A-ma-lếch và là trận chiến đầu tiên của Ít-ra-en. Với kinh nghiệm giao chiến quá ít ỏi và khí
giới thô sơ, làm sao Ít-ra-en có thể chiến thắng được A-ma-lếch? Vậy mà họ đã toàn thắng, dường như không nhờ
khí giới và thiện chiến, nhưng nhờ ông Mô-sê đứng trên đỉnh đồi, “tay cầm cây gậy
của Thiên Chúa” giơ lên để cầu nguyện cho Ít-ra-en thắng trận. Hiệu quả lời cầu nguyện của ông Mô-sê thật hiển
nhiên, bởi vì “Khi nào ông Mô-sê giơ tay lên, thì dân Ít-ra-en thắng thế; còn khi ông hạ tay xuống, thì A-ma-lếch thắng
thế”. Tuy nhiên ông Mô-sê không sao giơ
tay lên mãi được vì sức người có hạn. Cho nên người ta kê một hòn đá cho ông ngồi,
rồi ông A-ha-ron và ông Khua đứng hai bên để đỡ tay ông Mô-sê. Hình ảnh cầu nguyện quả tuyệt vời. Hai ông đã tham dự trực tiếp vào việc cầu nguyện
của Mô-sê. Điều này khiến chúng ta nhớ lại
lời Chúa Giê-su dạy rằng ở đâu có hai ba người họp nhau cầu nguyện thì Người sẽ
hiện diện giữa họ. Đúng là vì Thiên Chúa
đã hiện diện giữa các ông Mô-sê, hai người hầu cận và toàn dân Ít-ra-en, thì
làm sao quân A-ma-lếch thắng nổi! Mọi
người đã kiên trì cầu nguyện cho đến khi mặt trời lặn và dân Ít-ra-en toàn thắng
quân A-ma-lếch.
Câu chuyện Tân Ước là một dụ
ngôn. Nếu ta gọi là dụ ngôn ông quan tòa
bất chính thì mục đích câu chuyện là để nói lên sự tương phản giữa động lực
hành xử của Thiên Chúa và động lực hành xử của một kẻ bất chính. Ông quan tòa bất chính minh xét cho bà góa vì
sợ bị quấy rầy, còn Thiên Chúa minh xét cho chúng ta vì Người đầy lòng thương
xót. Tuy nhiên chúng ta cũng có thể gọi
đây là dụ ngôn bà góa quấy rầy, để nói về thái độ kiên trì chúng ta phải có khi
cầu nguyện. Trước hết chúng ta hãy chú đến
lý do tại sao bà góa đến quấy rầy ông quan tòa.
Đó là vì bà bị đối phương hại bà.
Cũng thật dễ hiểu. Các bà góa thường
là nạn nhân của bất công, vì các bà thân cô thế cô và dễ bị coi khinh. Một tệ nạn khá thông thường là gia tài của
các bà có thể bị người khác chiếm đoạt.
Đã có lần Chúa Giê-su tố cáo các Pha-ri-sêu và kinh sư là những kẻ “nuốt
hết gia tài của các bà góa” (Mt 23:14). Ở
đây câu chuyện chỉ kể là bà bị đối phương hại.
Cho nên bà muốn đòi lại lẽ công bằng, nhưng ông quan tòa cứ lờ đi, như
ông đã tự nhận mình “chẳng kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng coi ai ra
gì”. Đã tự nhận là kẻ bất chính như thế,
thì ông ta cần gì quan tâm đến công bằng và minh xét cho bà góa kia! Ông ta không sợ gì và không sợ ai, nhưng lại
sợ chính mình bị quấy rầy, sợ bị “nhức đầu nhức óc”. Cho nên để thoát cái sợ này, ông ta mới ra
tay minh xét cho bà. Cái sợ này là động
lực ích kỷ của ông, muốn được yên thân mà thôi.
Thất bại của ông là vì sợ bị quấy rầy, còn chiến thắng của bà góa là nhờ
sự kiên trì lì lợm. Câu chuyện dụ ngôn
chất chứa nhiều ý nghĩa khác nhau, dễ dàng cho chúng ta lựa chọn một ý nghĩa thích
hợp để cầu nguyện. Tôi có thể suy nghĩ về
việc bị “đối phương” hại mình. Chị có thể
suy niệm về lòng Chúa thương xót qua điều Chúa Giê-su khẳng định: “Chẳng lẽ Thiên Chúa lại không minh xét cho
những kẻ Người đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu Người sao?” Hoặc tất cả chúng ta đều phải xét mình qua
câu hỏi của Chúa Giê-su: “Nhưng khi Con
Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng?”
Sống sứ điệp Lời Chúa
Đối với cá nhân tôi, có lẽ tư tưởng của
thánh Phao-lô trong bài đọc 2 về “người của Thiên Chúa nên thập toàn để làm mọi
việc lành” giúp tôi suy nghĩ và rút bài học về việc bền chí cầu nguyện. “Người của Thiên Chúa nên thập toàn” là mẫu
người thánh thiện chúng ta phải đạt tới.
Nhưng “đối phương” của ta là ma quỷ và tội lỗi, chúng chẳng bao giờ để
ta được yên, mà lúc nào cũng như “sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé” (1
Pr 5:8). Cho nên ta mới phải cầu nguyện
luôn, không được nản chí, để kiên trì trên con đường nên thập toàn thánh thiện. Chắc chắn Thiên Chúa giàu lòng thương xót sẽ
không để ta bị ma quỷ cắn xé, nhưng vì lời cầu nguyện bền lòng của chúng ta,
Người sẽ “minh xét” và sẽ giúp ta chiến thắng ma quỷ như Ít-ra-en đã chiến thắng
quân A-ma-lếch nhờ việc cầu nguyện của ông Mô-sê vậy.
Lm. Đa-minh Trần đình Nhi