CHÚA NHẬT 30 THƯỜNG NIÊN
Tiếp tục đề tài cầu nguyện: cầu nguyện trong khiêm nhường
Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa (Hc 35:12-14, 16-18; 2 Tm 4:6-8, 16-18; Lc 18:9-14)
Là một chủ đề lớn trong Kinh Thánh, đề
tài cầu nguyện được Phụng vụ trình bày liên tiếp mấy tuần lễ vừa qua. Lời Chúa hôm nay đặc biệt nhấn mạnh đến thái
độ khiêm nhường khi chúng ta cầu nguyện.
Bài đọc 1 đề cập tới sức mạnh và hiệu quả của lời cầu nguyện mà kẻ nghèo
hèn dâng lên Thiên Chúa vì Người không “coi thường” lời khấn nguyện của kẻ mồ
côi và người góa bụa. Trong bài đọc 2,
thánh Phao-lô biểu lộ niềm tin vào Chúa vì “Chúa đứng bên cạnh và ban sức mạnh”
cho ngài trong khi mọi người bỏ rơi ngài.
Đó cũng là một khía cạnh của đức khiêm nhường khi cầu nguyện. Sau hết trong dụ ngôn hai người lên Đền Thờ cầu
nguyện, Chúa Giê-su đã cho thấy rõ đức khiêm nhường là yếu tố không thể thiếu mỗi
khi chúng ta cầu nguyện.
Sách Huấn ca có rất nhiều lời khuyên
thực tế về đời sống đạo hạnh của dân Ít-ra-en.
Hầu hết nội dung sách Huấn ca nói đến những cách cư xử theo đức khôn
ngoan, không phải lẽ khôn ngoan của người đời, nhưng lẽ khôn ngoan của Chúa, nhất
là Lề Luật Người. Tuy nhiên, bên cạnh những
bài học luân lý về lối sống, sách cũng nhắc đến đời sống của những người không
may mắn trong xã hội, như kẻ nghèo hèn, người bị áp bức, kẻ mồ côi, người góa bụa. Họ không còn chỗ nương tựa nào chắc chắn hơn
là trông cậy vào tình yêu Thiên Chúa. Giữa
những nghịch cảnh của cuộc sống, họ chỉ còn biết ngước mắt nhìn lên Thiên Chúa,
“Đấng xét xử và chẳng thiên vị ai”. Vì
Chúa đặc biệt quan tâm đến những người nghèo hèn (anawim), nên lời cầu nguyện của
họ thực sự phát xuất từ cõi thẳm sâu của đức khiêm nhường, tuyệt đối tin tưởng
vào lòng nhân hậu và quảng đại của Thiên Chúa.
Càng khốn nạn, họ càng tin tưởng vào Chúa hơn. Do đó, sách Huấn ca mô tả sức mạnh lời cầu
nguyện của họ có thể “vọng tới các tầng mây và vượt ngàn mây thẳm”. Như thế, chẳng có không gian nào mà lời cầu
nguyện của họ không vượt qua được để đến với Thiên Chúa. Ngoài sức mạnh ra, lời cầu nguyện của họ còn
mang đặc tính kiên trì và không nao núng.
Kẻ kêu xin Chúa sẽ không an lòng, sẽ không bỏ đi nếu Chúa chưa đoái nhìn
và chưa xét xử cho người công chính.
Với bài Tin Mừng, bài học cầu nguyện
càng rõ ràng hơn. Tuy đây là câu chuyện
dụ ngôn, nhưng lại dựa trên những thực tại thường xảy ra ngoài đời đối với nhóm
Pha-ri-sêu, những người vẫn “tự hào cho mình là công chính mà khinh chê người
khác”. Như chúng ta đã thấy nhiều lần
Chúa Giê-su nói thẳng với nhóm Pha-ri-sêu và kinh sư về lối sống giả đạo đức của
họ, dụ ngôn hôm nay đúng ra không phải là dụ ngôn, mà là sự kiện ai chũng có thể
nhận thấy. Cầu nguyện ở đâu thì người
Pha-ri-sêu cũng muốn cho người khác thấy họ là người đạo đức, công chính. Nếu có dịp khoe khoang, họ sẽ không ngại kể lể
những “việc lành” của họ trước mặt người khác mà không chút xấu hổ. Thế mà hôm nay ông Pha-ri-sêu này còn dám kể
lể trong Đền Thờ và trước mặt Thiên Chúa những thành tích đạo đức của ông. Để đánh bóng mình trước mặt Chúa, ông còn ngạo
nghễ so sánh mình với “tên thu thuế kia” nữa!
Quả là kiêu căng hết cỡ rồi. Cầu
nguyện kiểu này, ông muốn bắt Chúa phải thưởng công ông, vì ông bảo ông xứng
đáng với những công nghiệp của mình: nào
là ăn chay (cho dù ông “không có tội” và không cần sám hối!), nào là ông “cho”
Chúa những một phần mười thu nhập của ông (không biết ông thu nhập kiểu gì, có
lẽ nhờ đã nuốt chửng gia tài của một bà góa nào đó!). Như vậy mà Chúa không ân thưởng cho ông thì
đúng là “trời không có mắt”.
Tuy nhiên một điều tuyệt vời trong dụ
ngôn này là sự tương phản giữa ông Pha-ri-sêu với tên thu thuế. Ông Pha-ri-sêu càng tôn mình lên cao bao
nhiêu thì người thu thuế càng hạ mình xuống bấy nhiêu. Một người đứng thẳng, còn một người thì chỉ
dám “đứng đằng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời”, luôn đấm ngực thú nhận
thân phận tội lỗi mình. Tuy không nói ra
đức khiêm nhường của người thu thuế, nhưng lối mô tả phong cách khiêm nhường của
người thu thuế khi cầu nguyện thì lại vô cùng sống động. Cuối câu chuyện dụ ngôn là kết quả của hai lối
cầu nguyện: người thu thuế trở về nhà
thì đã được nên công chính, còn ông Pha-ri-sêu thì không! Rồi Chúa Giê-su còn bồi thêm một bài học đích
đáng: Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên. Chúa muốn bảo: Nhớ nhé, khi con cầu nguyện thì phải khiêm
nhường!
Sống sứ điệp Lời Chúa
Hễ nói đến sống sứ điệp Lời Chúa là ta
không thể quên gương mẫu của thánh Phao-lô!
Từ trong tù viết cho môn đệ Ti-mô-thê, thánh nhân đã tâm sự về nỗi khốn
khổ của ngài khi rao giảng Tin Mừng cho dân ngoại. Ngoài hiểm nguy trên đường truyền giáo,
Phao-lô còn bị tấn công tư bề, nhất là do chính đồng bào của ngài khắp
nơi. Trong thư, ngài viết: “Khi tôi đứng ra tự biện hộ lần thứ nhất, thì
chẳng có ai bênh vực tôi. Mọi người đã bỏ
mặc tôi”. Nhưng một điều Phao-lô biết chắc,
đó là “Nhưng có Chúa đứng bên cạnh”. Nếu
ngài không khiêm nhường cầu nguyện với Chúa, thì sao ngài có thể cảm nghiệm được
Chúa ở bên để bênh vực ngài? Đây là kết
quả của đời sống khiêm nhường cầu nguyện, nhờ đó Phao-lô đã thắng được mọi trở
ngại. Bạn có muốn làm như thánh Phao-lô
khi thấy mình khốn khổ không?
Lm.
Đa-minh Trần đình Nhi