CHÚA NHẬT 32 THƯỜNG NIÊN
Tin Thiên Chúa hằng sống thì phải tin vào sự sống lại
Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa (2 Mcb 7:1-2, 9-14; 2 Tx 2:16 – 3:5; Lc 20:27-38)
Nói tới đức tin là nói tới ý nghĩa và
thực hành đức tin, đồng thời cũng đề cập đến những hiệu quả do đức tin đem lại. Chu kỳ Phụng vụ trình bày kế hoạch cứu độ của
Thiên Chúa được thực hiện do cuộc đời và sứ mệnh của Chúa Giê-su Ki-tô, nhưng
theo một ý nghĩa cũng nói lên cuộc sống của Ki-tô hữu trên trần gian giống như
một hành trình đức tin để trở về nhà Cha trên trời. Vậy trong hành trình đức tin ấy, tin vào sự sống
lại là điều cần thiết, như thánh Phao-lô khẳng định: “Nếu kẻ
chết không sống lại, thì Đức Ki-tô đã không trỗi dậy. Mà nếu Đức Ki-tô đã không trỗi dậy, thì lời
rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng” (1 Cr 15:13-14).
Hôm nay Phụng vụ Lời Chúa nói lên niềm tin ấy qua câu chuyện của những
người tin vào sự sống lại được kể trong sách Ma-ca-bê, nhất là qua lời dạy của
Chúa Giê-su: “Những ai được xét là đáng
hưởng phúc đời sau và sống lại từ cõi chết… Họ là con cái Thiên Chúa, vì là con
cái sự sống lại” (Lc 20:35, 36).
Trước hết, chúng ta hãy xét niềm tin
vào sự sống lại được biểu dương qua hành vi anh hùng của những người Do-thái chịu
bách hại vì đức tin. Dưới triều vua
Antiôkhô Êpiphanê, nền phụng tự ngoại giáo được thiết lập trong nước
Ít-ra-en. Luật Mô-sê cấm ăn thịt heo hay
thịt cúng thần, nên vua Antiôkhô cho lấy roi và gân bò đánh người Do-thái để bắt
họ phải ăn thịt heo; nếu không ăn, họ sẽ
bị hành hình và bị xử tử. Câu chuyện bảy
anh em chịu tử đạo không chỉ nói lên tính anh hùng của những người quyết tuân
giữ luật Chúa, mà còn nói lên niềm tin của họ vào sự sống lại nữa. Những lời đối đáp của họ là những lời tuyên
xưng rõ ràng: “Bởi lẽ chúng tôi chết vì
Luật pháp của Vua vũ trụ, nên Người sẽ cho chúng tôi sống lại để hưởng sự sống đời đời”.
Hoặc: “Chúng tôi thà chết vì tay người đời đang khi dựa vào lời Thiên
Chúa hứa mà hy vọng sẽ được Người cho sống
lại. Còn vua, vua sẽ không được sống
lại để hưởng sự sống đâu”. Cả bảy anh em
đều can đảm tuyên xưng đức tin vào Thiên Chúa, quyết tuân giữ lề luật, nhất là
tin rằng Thiên Chúa, Đấng ban sự sống, sẽ cho họ được sống lại. Nhưng làm sao họ có lòng tin mạnh mẽ như vậy? Chính là do sự giáo dục, nhất là nhờ bà mẹ đạo
đức của họ. Điều này được chứng tỏ qua lời
khuyên nhủ của bà nói với người con út:
“Mẹ xin con hãy nhìn xem trời đất và muôn loài trong đó, mà nhận
biết rằng Thiên Chúa đã làm nên tất cả từ hư vô, và loài người cũng được tạo
thành như vậy. Con đừng sợ tên đao phủ này; nhưng hãy tỏ ra xứng đáng với các
anh con, mà chấp nhận cái chết, để đến ngày Chúa thương xót, Người sẽ trả con
và các anh con cho mẹ". Đúng vậy, trong ngày sau hết, Thiên Chúa sẽ
cho các con bà được sống lại và trả họ lại cho bà. Đó cũng là niềm tin của bà vào sự sống lại.
Bảy anh em chịu tử đạo để chứng tỏ
lòng tin vào Thiên Chúa và sự sống lại.
Câu chuyện thật và lịch sử này tương phản với câu chuyện do mấy người
nhóm Xa-đu-kêu bịa ra về bảy anh em trai lấy cùng một người phụ nữ “để sinh con
nối dòng cho anh hay em mình”! Câu chuyện
thật nhắm mục đích nói lên lòng tin vào sự sống lại. Còn câu chuyện bịa của nhóm Xa-đu-kêu chỉ là
để chế nhạo những ai tin vào sự sống lại mà thôi. Tuy nhiên, từ điểm tiêu cực chế nhạo trong
câu chuyện của họ, Chúa Giê-su lại nhắc nhở chúng ta chân lý về Thiên
Chúa: Đức Chúa không phải là Thiên Chúa
của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống.
Tại sao vậy? “Vì đối với Người, tất
cả đều đang sống”. Đúng vậy, trước mặt
Thiên Chúa chỉ có những người mang sự sống của Chúa Ki-tô mới là những người
thuộc về Thiên Chúa; còn những người đã
chết trong tội lỗi thì thuộc về ma quỷ nên Thiên Chúa không còn là Thiên Chúa của
họ nữa. Chúa Ki-tô đã sống lại từ kẻ chết
là để bảo đảm cho sự sống vĩnh cửu của chúng ta sau này nếu chúng ta cứ tiếp tục
sống như con cái Thiên Chúa cho đến lúc lìa trần. Hiện nay, lý tưởng của chúng ta phải là “tất
cả đều đang sống” trong ân nghĩa với Thiên Chúa, để mai sau chúng ta sẽ là “con
cái sự sống lại” và được hưởng gia nghiệp đời đời với Chúa Ki-tô. Nói khác đi, trong những ngày còn sống trên
trần gian này, chúng ta hãy cố gắng sống thế nào để chứng tỏ niềm tin vào Chúa
Ki-tô, Đấng đã phán: "Chính
Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được
sống. Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải
chết” (Ga 11:25-26).
Sống sứ điệp Lời Chúa
“Ai sống và tin vào Thầy” nghĩa là gì? Đó chính là sống niềm tin vào sự sống lại và
sự sống đời đời. Phải, chính Chúa Giê-su
đã sống cuộc đời trần thế với niềm tin và chờ đợi thời điểm Phục Sinh. Phục Sinh không chỉ là kết thúc sứ vụ cứu độ
của Chúa Giê-su, mà còn là bảo đảm cho sự sống lại của những ai tin vào Người. Thánh Phao-lô dạy rằng Chúa Ki-tô Phục Sinh
là “niềm an ủi bất diệt và niềm cậy trông tốt đẹp” Thiên Chúa ban cho ta như ân
sủng để “làm cho chúng ta được vững mạnh và bảo vệ chúng ta khỏi ác thần”. Như thế, chúng ta được an tâm sống đức tin
trung thành, khi chúng ta “làm và nói tất cả những gì tốt lành”. Một điều thực tế khác nữa, đó là ân sủng
“Ki-tô” sẽ giúp chúng ta “biết yêu mến Thiên Chúa và biết chịu đựng như Đức
Ki-tô”. Vậy hiện nay bạn “đang sống” hay
“đang chết” trước mặt Chúa?
Lm.
Đa-minh Trần đình Nhi