CHÚA NHẬT 3 MÙA VỌNG, NĂM C
HÃY
SỐNG TRONG NIỀM VUI!
(Xp 3, 14-18a; Pl 4,
4-7; Lc 3, 10-18)
Lúc còn sinh thời, Mẹ
Têrêxa Calcutta đã được thế giới biết đến nhờ vào lòng bao dung qua tình thương
của Mẹ dành cho người nghèo! Tuy nhiên, điều mà thế giới ít biết đến, đó là món
quà thiêng liêng mà mẹ dành tặng cho bất cứ ai, trong bất cứ hoàn cảnh nào, đó
là: nụ cười.
Đã có nhiều cá nhân,
đoàn thể, với những đối tượng khác nhau, họ đã xin Mẹ lời khuyên để sống bình
an, hạnh phúc và tốt đẹp hơn! Khi được đề nghị như vậy, Mẹ đã nói: "Quí vị hãy về và ban tặng cho nhau những
nụ cười... Hãy cười tươi với tất cả mọi người, bất luận người đó là ai! Với những
nụ cười tươi như thế, quí vị sẽ lớn lên trong tình yêu hỗ tương”.
Còn đối với người Việt
Nam, chúng ta cũng thấy mẫu gương này của Đấng Đáng Kính - Đức Hồng Y Fx. Nguyễn
Văn Thuận: ngài đã cười với mọi người, kể cả kẻ thù; ngài cười lúc bình an; khi
chịu đau khổ; hiểu lầm, thử thách; ngài cười lúc tự do; nhưng cũng không thiếu
những nụ cười ngay khi bị tù đầy khốn cùng nơi nhà lao... lý giải cho điều này,
ngài đã chia sẻ trong sách Đường Hy Vọng như sau: “Vui với người thương con.Vui với người ghét con.Vui lúc con hớn hở.Vui
lúc lòng con đau khổ tê tái.Vui lúc mọi người theo con.Vui lúc con cô đơn bị bỏ
rơi.Vui tươi và làm cho mọi người đến với con cũng cảm thấy bầu khí vui tươi, mặc
dù lòng con tan nát. Đó là thánh thiện hơn mọi sự ăn chay, hãm mình” (ĐHV.
số 539), bởi lẽ: một ông thánh buồn là một ông thánh đáng buồn.
Và ngài khuyên: “Con không có tiền? Con không có quà để tặng?
Con không có gì cả. Con quên tặng họ niềm vui, tặng sự bình an mà thế gian
không thể cho được, kho tàng vui tươi của con phải vô tận” (ĐHV. số 540).
Qua những mẫu gương đó,
chắc hẳn chúng ta không khỏi thắc mắc rằng: tại sao các ngài có được niềm vui
như thế? Thưa! Đơn giản: vì các ngài có Chúa trong mình và làm mọi việc vì lòng
yêu mến Chúa và con người.
Chúa Nhật thứ 3 Mùa Vọng
hôm nay còn được gọi là Chúa Nhật của niềm vui, hay Chúa Nhật Hồng. Phụng vụ
Giáo Hội mời gọi chúng ta hãy vui lên trong Chúa; hãy cảm nghiệm được tình
thương và sự giải thoát của Thiên Chúa trong cuộc đời, nhất là tình thương cứu
chuộc qua con của Người là Đức Giêsu. Tuy nhiên, để làm sao có được niềm vui cứu
độ! Đây là điều chúng ta cùng nhau tìm hiểu qua ba bài đọc trong phụng vụ hôm
nay.
1.
Ý nghĩa Lời Chúa
Khi nói về niềm vui, chúng ta
không thể chấp nhận một niềm vui giả tạo, nhưng niềm vui phải khởi đi từ chính
nội tâm. Tâm tình này đã được tiên tri Sôphônia cảm nghiệm trong thời của Ngài.
Khi đối diện với cảnh
nhiễu nhương, loạn lạc, cướp bóc, trả thù, tất cả những cái đó đã làm cho dân
chúng thời bấy giờ rơi vào tình trạng hoang mang, sợ hãi và làm hao mòn thể
xác, héo hon tinh thần... Hơn nữa, khi sống trong thảm trạng cơ cực, nhục nhã,
đắng cay, bên trong thì suy đồi đạo đức, bên ngoài thì họa xâm lăng tứ phía....
Điều này đã làm cho dân Chúa luôn khao khát, mong chờ từng ngày với hy vọng được
giải thoát khỏi cảnh khổ đau sầu thương họ đang chịu...
Tuy nhiên, ngay thời điểm
đó, tiên tri Sôphônia đã tìm được niềm vui khi nhận ra sự tha thứ của Thiên
Chúa, nên ngài hân hoan kêu gọi cũng như loan báo cho dân tin vui mừng: “Hỡi thiếu nữ Sion, hãy cất tiếng ca! Hỡi
Israel, hãy hoan hỉ! Hỡi thiếu nữ Giêrusalem, hãy hân hoan và nhảy mừng hết tâm
hồn! Chúa đã rút lại lời kết án ngươi và đã đẩy lui quân thù của ngươi. Vua
Niềm vui ấy cũng được
thánh Phaolô diễn tả qua bài đọc 2 trong thư gửi giáo đoàn Philipphê khi mời gọi
và loan báo về ơn giải thoát qua sự kiện Chúa gần đến, ngài nói: “Anh em hãy vui luôn trong Chúa! Tôi nhắc lại
một lần nữa: anh em hãy vui lên! Ðức ôn hoà của anh em phải sáng tỏ trước mặt mọi
người, vì Chúa đã gần đến” (Pl 4,5).
Sang bài Tin Mừng, Gioan
Tẩy Giả đã chỉ ra cho dân chúng thấy đâu là niềm vui thật và đâu là niềm vui giả
tạo! Muốn có được niềm vui thực sự thì phải làm gì!
Giáo huấn của Gioan Tẩy
Giả được bắt đầu bằng câu hỏi của dân chúng sau khi nghe ông rao giảng và kêu gọi
sám hối để được hưởng trọn niềm vui của ơn cứu độ qua Đấng Cứu Thế: “Chúng tôi phải làm gì?”.
Để giúp cho mọi thành phần
được ơn cứu độ, và hưởng trọn niềm vui đích thực, Gioan đã mời gọi họ dân chúng
sống tình huynh đệ, sẻ chia: "Ai có
hai áo, hãy cho người không có; ai có của ăn, cũng hãy làm như vậy"; với
những người thu thuế, ngài dạy họ: "Các
ngươi đừng đòi gì quá mức đã ấn định cho các ngươi"; còn với quân
nhân, Gioan lên tiếng dạy họ cách dứt khoát: "Ðừng ức hiếp ai, đừng cáo gian ai; các ngươi hãy bằng lòng với số
lương của mình".
Những lời dạy của Gioan
thật chí lý, thấu tình và thiết thực, không vòng vo, không trừu tượng, cũng như
không quá khó! Những đường lối mà Gioan định hướng cho dân, ai cũng có thể làm
được, nếu họ có đủ lòng khiêm tốn, sám hối và chân thành, nhất là nếu họ đặt mục
đích tối hậu của cuộc đời mình nơi Chúa.
Khi dạy như thế, Gioan
đã không buộc họ phải thay đổi nghề nghiệp, nhưng nếu để được hưởng trọn niềm
vui đích thực thì phải thay đổi lối sống và cung cách hành xử.
2.
Sống Lời Chúa
Phụng vụ Lời Chúa hôm
nay mời gọi mỗi người chúng ta: hãy sám hối để thay đổi lối sống cho phù hợp với
thánh ý Chúa.
Nếu lối sống cũ là một lối
sống ích kỷ, nhỏ nhen, ưa sống hào nhoáng, hình thức bên ngoài, thì từ nay, hãy
sống quảng đại, bao dung, tha thứ, nhất là tình thương ấy được ưu tiên cho người
nghèo.
Nếu trước kia, chúng ta
sống kiểu bề trên kẻ cả, lộng quyền, gian tham, bóc lột, thì từ nay, chúng ta
phải sống trong tinh thần phục vụ, mình vì mọi người, chứ không phải mọi người
vì mình, xây dựng sự công bằng, bác ái với nhau.
Nếu trước kia, chúng ta
thường hay nói hành, nói xấu, vu vạ cáo gian, nhất là nhân danh điều tốt để làm
chứng gian hại người, thì từ nay, chúng ta hãy sống trong sự thật, đơn sơ, chân
thành...
Sống được như thế, chúng
ta sẽ có niềm vui Tin Mừng đích thực, bởi tất cả những điều thiện hảo đó chính
là hoa trái của sự sám hối.
Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa
ban cho chúng con có được niềm vui sâu xa từ bên trong tâm hồn bằng việc thay đổi
lối sống cho phù hợp với tinh thần của Chúa. Có được niềm vui đó, chúng con mới
xứng đáng trở thành con của Chúa. Amen.
Ts
Jos. Vinc. Ngọc Biển, S.S.P