CHÚA NHẬT II MÙA VỌNG
Ơn Cứu Độ Của Thiên Chúa Được Tỏ Hiện
Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa (Br 5:1-9;
Pl 1:4-6, 8-11; Lc 3:1-6)
Trong Phụng vụ Chúa Nhật trước, chúng
ta đã chiêm ngưỡng Chúa Giê-su như Đấng Công Chính được Thiên Chúa sai đến trần
gian để phục hồi sự công chính cho chúng ta trước mặt Thiên Chúa trong kế hoạch
cứu độ của Người. Hôm nay Lời Chúa mời gọi
chúng ta suy niệm về chính ơn cứu độ sẽ được tỏ hiện như thế nào. Giê-ru-sa-lem là biểu tượng nói lên ơn cứu độ
ấy và được ngôn sứ Ba-rúc trình bày qua viễn ảnh dân Do-thái mong chờ ngày hồi
hương về thánh đô. Còn Gio-an Tẩy Giả, vị
ngôn sứ chuyển tiếp thời Cựu Ước sang Tân Ước, thì lập lại sự bảo đảm của ơn cứu
độ dành cho mọi người: “Rồi hết mọi người
phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa”.
Để khích lệ chúng ta tiếp nhận ơn cứu độ, thánh Phao-lô cầu xin Chúa cho
chúng ta “được nên tinh tuyền và không làm gì đáng trách, trong khi chờ đợi
ngày Đức Ki-tô quang lâm”.
Ngôn sứ Ba-rúc, một người Do-thái sống
lưu đày tại Ba-by-lon và cũng là thư ký của ngôn sứ Giê-rê-mi-a, đã hướng về
thánh đô Giê-ru-sa-lem để tìm thấy ở đó hình ảnh Thiên Chúa cứu thoát dân lưu
đày. Từ một Giê-ru-sa-lem khoác “áo tang
khổ nhục”, thành thánh sẽ được “mặc lấy ánh vinh quang vĩnh cửu”. Đây chính là hình ảnh tiên báo một nhân loại đã
chết vì tội lỗi sẽ được phục sinh trong cuộc sống trường sinh do ơn cứu độ mang
lại. Bản chất của ơn cứu độ Thiên Chúa
ban cho Giê-ru-sa-lem, tức nhân loại mới, sẽ là “bình an xây dựng trên công
chính” và “vinh quang phát xuất từ lòng kính sợ Thiên Chúa”. Nói khác đi, Thiên Chúa cứu độ có nghĩa là Người
ban cho chúng ta được bình an và vinh quang: được bình an là nhờ đức công chính của Chúa
Giê-su và được vinh quang là do chúng ta kính sợ Chúa. Sự khác biệt giữa cảnh ngày xưa dân lưu đày
phải lầm lũi bước đi dưới sự áp giải của quân thù và cảnh hiện tại dân Chúa hồi
hương được ngồi trên kiệu vinh quang rực rỡ đã nói lên hai thực tại đối nghịch: nỗi nhục nhằn dưới ách nô lệ của tội lỗi và
niềm hân hoan tự do nhờ ơn cứu độ của Thiên Chúa. Tuy nhiên ơn cứu độ chỉ được thể hiện nếu người
ta tuân chỉ mệnh lệnh của Thiên Chúa như sau:
“Phải bạt thấp núi cao và gò nổng có tự lâu đời, phải lấp đầy thung lũng
cho mặt đất phẳng phiu”. Đối với
Ít-ra-en, núi cao và gò nổng có tự lâu đời được hiểu như thói kiêu căng ngang
bướng của dân Chúa luôn chống đối Thiên Chúa và đường lối của Người. Với chúng ta ngày nay, ý nghĩa của núi cao và
gò nổng vẫn giống như thế. Dẫu vậy, hy vọng
của Thiên Chúa về việc cứu độ nhân loại luôn luôn là dẫn dắt chúng ta “đi trong hoan lạc, dưới ánh sáng vinh quang
của Chúa, cùng với lòng từ bi và sự công chính của Người”. Hoan lạc, ánh sáng, lòng từ bi, sự công chính
của Chúa, đó là những đặc nét của ơn cứu độ vậy.
Nếu trong Cựu Ước, ngôn sứ Ba-rúc đã
giúp chúng ta hiểu bản chất của ơn cứu độ như thế nào, thì vị ngôn sứ của Tân Ước
là ông Gio-an cũng mời gọi chúng ta suy nghĩ về ơn cứu độ dưới một góc độ
khác. Ông khiêm nhường chỉ nhận mình là
một tiếng hô chứ không phải là người hô trong hoang địa; tiếng nói là ông, còn
người nói là chính Thiên Chúa. Vậy điều đầu tiên ông muốn quả quyết là: “Hết mọi
người phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa”. Đúng thế, ơn cứu độ là ơn phổ quát, nghĩa là
dành cho mọi người, ai cũng có thể được cứu độ vì Thiên Chúa là Đấng giàu lòng
thương xót (2 Cô-rin-tô 1:3). Thiên Chúa
hứa cứu độ chúng ta và hiện nay giờ cứu thoát đã đến qua việc Người sai Con Một
tới trần gian. Chắc hẳn ông Gio-an đã
suy niệm và cầu nguyện về lời hứa của Thiên Chúa và việc loan báo qua miệng các
ngôn sứ như I-sai-a, Giê-rê-mi-a và đặc biệt là ngôn sứ Ba-rúc trong bài đọc 1
hôm nay. Ông Gio-an xác tín sứ mệnh của
mình là được Chúa sai đến để “hô” cho mọi người biết phải “dọn sẵn con đường
cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi”.
Nhìn thấy ơn cứu độ là điều hiển nhiên, nhưng tiếp nhận ơn cứu độ là điều
quan trọng hơn và cần phải chuẩn bị cho việc tiếp nhận này. Ông Gio-an không làm gì hơn ngoài việc lập lại
sứ điệp của ngôn sứ Ba-rúc: bạt thấp núi
đồi, uốn thẳng mọi quanh co, san phẳng nơi lồi lõm, tất cả là những hình ảnh sống
động diễn tả một cuộc chuẩn bị tâm hồn.
Tiếp nhận Đấng Thiên Chúa sai đến chính là ý nghĩa của ơn cứu độ vậy.
Sống sứ điệp Lời Chúa
Ngôn sứ Ba-rúc và thánh Gio-an Tẩy Giả
dùng những hình ảnh để ám chỉ cuộc canh tân tâm hồn, còn thánh Phao-lô thì đưa
ra những ý tưởng cụ thể áp dụng vào cuộc sống, giúp chúng ta đón nhận Đấng Cứu
Độ. Trước hết ngài nêu lên một công việc
cụ thể anh chị em tín hữu cộng đoàn Phi-líp-phê đã làm để chuẩn bị cho Chúa đến
trong tâm hồn: họ đã “góp phần vào việc
rao giảng Tin Mừng”. Ngài tin rằng việc
họ rao giảng Tin Mừng là một công việc tốt lành đã được Thiên Chúa khởi đầu nơi
họ và sẽ được hoàn thành trong ngày Chúa Giê-su quang lâm. Nói khác đi, tín hữu Phi-líp-phê đã chuẩn bị
đón nhận ơn cứu độ bằng cách rao giảng Tin Mừng cứu độ! Điều này có nghĩa là việc rao giảng Tin Mừng
cứu độ sẽ mang lại cho họ hoa trái dồi dào là một đời sống công chính. Mà đời sống công chính là gì nếu không phải
là “được nên tinh tuyền và không làm gì đáng trách trong khi chờ đợi ngày Đức
Ki-tô quang lâm”? Ơn cứu độ của Thiên
Chúa đã ở trong tầm tay của mọi người chúng ta rồi! Chúng ta còn chần chờ gì nữa mà không tiếp nhận?
Lm.
Đa-minh Trần đình Nhi