CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG
Những hình ảnh khiêm nhường của mầu nhiệm Giáng Sinh
Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa (Mk 5:1-4a;
Dt 10:5-10; Lc 1:39-45)
Hôm nay Phụng vụ Lời Chúa lại mời gọi
chúng ta chiêm ngưỡng mầu nhiệm Giáng Sinh với một đặc nét vô cùng độc đáo: Chúa thực hiện chương trình cứu độ bắt đầu bằng những gì là nhỏ bé, khiêm nhường. Các bài đọc hôm nay trình bày với chúng ta ba hình ảnh khiêm nhường của mầu nhiệm Giáng
Sinh. Thứ nhất, nơi Đấng Cứu Độ xuất
hiện là thành Bê-lem theo lời loan báo của ngôn sứ Mi-kha; thứ hai, Đức Trinh Nữ Ma-ri-a là mẹ sinh Đấng
Cứu Độ; và thứ ba, chính Đấng Cứu Độ là
Chúa Giê-su, Đấng đã tuyệt đối vâng phục Thiên Chúa Cha mà hiến dâng thân mình
làm lễ tế đền tội nhân loại.
Khi nói tới xuất xứ của một người, người
ta thường nghĩ ngay đến gia đình người ấy, nơi sinh ra, trường học, địa vị xã hội. Nhưng xuất xứ của Chúa Giê-su Na-da-rét lại chẳng
có gì là đặc biệt cả. Ông Na-tha-na-en
đã phải mỉa mai: “Từ Na-da-rét, làm sao
có cái gì hay được!” (Gio-an 1:46). Thế
còn Bê-lem, nơi Chúa sinh ra, thì
sao? Chắc chắn nhiều người vẫn thắc mắc
tại sao Chúa Giê-su không sinh ra tại Giê-ru-sa-lem trong một gia đình thế giá
nhất. Không có câu trả lời, vì đường lối
của Thiên Chúa khác với đường lối chúng ta.
Cho nên Chúa mới phán qua ngôn sứ Mi-kha rằng: “Phần ngươi, hỡi Bê-lem Ép-ra-tha, ngươi nhỏ
bé nhất trong các thị tộc Giu-đa, từ nơi ngươi, Ta sẽ cho xuất hiện một vị có sứ
mạng thống lĩnh Ít-ra-en”. Như chúng ta
biết, câu chuyện tương tự cũng đã xảy ra tại Bê-lem trước kia khi ông Sa-mu-en
đến xức dầu phong vương cho Đa-vít, con ông Giê-sê (đọc 1 Sa-mu-en 16). Mặc dù Bê-lem là thành “bé nhỏ nhất”, nhưng
Thiên Chúa lại chọn thành này để cho xuất hiện “một vị có sứ mạng thống lãnh
toàn thể Ít-ra-en”, giống hệt như Người đã tuyển chọn Đa-vít, một cậu bé “có
mái tóc hung, đôi mắt đẹp và khuôn mặt xinh xắn” để đánh bại tên dũng tướng
Gô-li-át. Nói tóm lại, Thiên Chúa thích
làm chuyện ngược đời! Nguồn gốc nơi sinh
ra làm sao quan trọng bằng nguồn gốc của Đấng sinh ra tại đấy, vì “nguồn gốc của
Người có từ thời trước, từ thuở xa xưa”.
Nguồn gốc của Bê-lem chỉ mới có khi ông Giô-suê chia phần đất cho chi tộc
Giu-đa (Giô-suê 15:58), còn nguồn gốc của Chúa Giê-su thì “có từ thời trước, từ
thuở xa xưa”, từ trước muôn đời (Gio-an 1:1).
Sở dĩ Bê-lem được trở nên một thành danh tiếng là nhờ “nguồn gốc” của Đấng
sinh ra tại đó. Từ Bê-lem, Đấng Cứu Độ sẽ
đứng lên chăn dắt nhà Ít-ra-en Mới và quyền lực cứu độ của Người “sẽ trải rộng
ra đến tận cùng cõi đất”.
Sau Bê-lem, nơi sinh của Chúa, Phụng vụ
Lời Chúa giới thiệu Đức Trinh Nữ Ma-ri-a
là mẹ Người. Ma-ri-a không phải là một
công chúa trong hoàng cung, nhưng là một thiếu nữ Na-da-rét chẳng ai biết đến. Nàng là một thiếu nữ khiêm tốn đến nỗi khi được
sứ thần Gáp-riên chào là “Đấng đầy ân sủng” thì đã “rất bối rối và tự hỏi lời
chào như vậy có nghĩa gì”. Quả thực,
Thiên Chúa đã bắt đầu một cuộc hành trình từ trời xuống trần gian để làm người
và đã chọn một thiếu nữ tầm thường làm Mẹ của Đấng là Ân Sủng của mọi ân sủng
(Gio-an 1:16). Thiếu nữ Ma-ri-a đã khiêm
tốn nhìn nhận rằng “Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả”. Rồi đến người chị họ Ê-li-sa-bét “được đầy
Thánh Thần” lên tiếng ca tụng đức tin của Ma-ri-a: “Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực
hiện những gì Người đã nói với em”. Đức
tin và khiêm nhường là hai điều liên kết chặt chẽ với nhau. Cũng chính vì hai nhân đức này mà Thiên Chúa
đã chọn Trinh Nữ Ma-ri-a làm mẹ của Đấng tuy “địa vị ngang hàng với Thiên Chúa,
nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm
nhân, sống như người trần thế” (Phi-líp-phê 2:6-7). Đức khiêm nhường của Mẹ Ma-ri-a còn được thấy
rõ sau lời ca tụng của bà Ê-li-sa-bét: Mẹ
không tự đắc, nhưng mở lời ngợi khen lòng thương xót của Thiên Chúa. Rõ ràng là Thiên Chúa muốn khởi sự chương
trình cứu độ bằng tất cả những gì là khiêm nhu, bé nhỏ, tầm thường. Một thành Bê-lem “bé nhỏ nhất”. Một trinh nữ khiêm nhường nhất và có lòng tin
mạnh nhất.
Xuất thân từ hoàn cảnh khiêm nhường, Đấng Cứu Độ của chúng ta cũng sống cuộc
đời thật khiêm nhường và vâng phục. Là một
người con của Thánh gia tại Na-da-rét, cậu bé Giê-su là người con vâng lời và
hiếu thảo với cha mẹ trần gian. Còn đối
với Cha trên trời, Chúa Giê-su đã chu toàn lý tưởng: “Này con đây, con đến để thực thi ý
Ngài”. Người đã vâng lời và khiêm nhường
hy sinh mạng sống mình trên thập giá để làm trọn thánh ý Chúa Cha. Đức khiêm nhường của Chúa Giê-su trải dài và
liên tục, khởi đầu từ mầu nhiệm Nhập Thể tới mầu nhiệm Phục Sinh. Hôm nay ta hãy dừng lại chiêm ngưỡng đức
khiêm nhường của Giáng Sinh.
Sống sứ điệp Lời Chúa
Rất nhiều người phàn nàn ngày nay người
ta “mừng Giáng Sinh” quá tốn kém và quá phô trương nên đã làm mất đi đặc nét
khiêm nhường của mầu nhiệm Chúa sinh ra.
Giáng Sinh phải xảy ra trong tâm hồn ta, một Bê-lem khó nghèo chứ không
phải một Giê-ru-sa-lem hùng vĩ. Đường lối
cứu độ của Thiên Chúa là đường lối khiêm nhượng. Lý do Người chọn đường lối này là vì Người
nghĩ đến tình trạng khốn khổ hèn hạ của ta, bởi nếu Người đến trong cung cách
cao trọng tôn nghiêm thì đâu có ai dám tiếp nhận Người! Thiên Chúa chọn làm người ở giữa chúng ta để
ta dễ dàng được Người đưa về với Thiên Chúa.
Lm.
Đa-minh Trần đình Nhi