LỄ CHÚA HIỂN
LINH
Qua Hài Nhi
Giê-su, Thiên Chúa tỏ mình ra cho chúng ta
Lắng nghe sứ điệp Lời
Chúa (Is 60:1-6;
Ep 3:2-3a, 5-6; Mt 2:1-12)
Chúng
ta đã chiêm ngưỡng Chúa Giê-su giáng sinh khi tham dự ba Thánh lễ: Nửa đêm, Bình minh và Ban ngày, để khám phá
những nét đẹp Ánh Sáng cứu độ của Người đến với trần gian. Hôm nay Giáo Hội mời gọi chúng ta suy niệm việc
Thiên Chúa tỏ mình ra thế nào qua Chúa Giê-su mà chúng ta quen gọi là lễ Chúa
Hiển Linh hoặc ngày xưa cha ông chúng ta thường gọi là lễ Ba Vua. Thực ra truyền thống của Giáo Hội chính thức
mừng lễ Hiển Linh không chỉ vào dịp ba nhà đạo sĩ đến triều bái Chúa Giê-su mới
ra đời, nhưng còn vào hai biến cố khác là Chúa Giê-su làm phép lạ đầu tiên tại
tiệc cưới Ca-na và Người biến hình trên núi trước khi lên Giê-ru-sa-lem chịu cuộc
Thương Khó. Vậy Phụng vụ Lời Chúa hôm
nay nói gì với chúng ta về sự kiện Hài Nhi Giê-su tỏ mình ra cho ba nhà đạo sĩ
thay mặt cho dân ngoại? Nói khác đi, qua
Hài Nhi Giê-su, Thiên Chúa muốn cho dân ngoại và cả người Do-thái biết điều
gì? Trong Cựu Ước, ngôn sứ I-sai-a đã
nhìn thấy hình ảnh Giê-ru-sa-lem chiếu tỏa vinh quang Thiên Chúa ám chỉ nơi Hài
Nhi Giê-su đã bừng lên Ánh Sáng cứu độ khi Người giáng trần (bài đọc 1). Trong Tân Ước, thánh Phao-lô chia sẻ quan điểm
truyền giáo của ngài về mầu nhiệm Giáng Sinh:
trong Đức Ki-tô và nhờ việc rao giảng Tin Mừng, dân ngoại cũng được cùng
thừa kế ơn cứu độ với dân Do-thái (bài đọc 2).
Sau cùng, chúng ta được nghe thánh sử Mát-thêu thuật lại chính biến cố
ba vị đạo sĩ từ phương Đông đến triều bái Hài Nhi Giê-su tại nơi Người ở (bài
Tin Mừng). Câu chuyện Tin Mừng nói với
chúng ta rằng ơn cứu độ của Thiên Chúa là hồng ân Người ban cho cả nhân loại,
chứ không riêng cho dân Do-thái.
1. Hiển Linh:
Chúa Giê-su tỏ mình ra cho dân Do-thái và muôn dân. Đoạn sách ngôn sứ I-sai-a muốn nói gì với
chúng ta? Trước hết đây có thể là lời
tiên tri về việc dân Ít-ra-en lưu đày được trở về cố hương. Qua bao năm, dân Ít-ra-en đã phải sống kiếp
lưu đày nơi xứ lạ như một hình phạt cho sự bất trung của họ đối với Thiên Chúa. Dân bị quân thù bắt đi biệt xứ. Giê-ru-sa-lem bị chiếm giữ và giống như sống
trong bóng đêm. Chính trong hoàn cảnh
này, Thiên Chúa đã cho ngôn sứ I-sai-a thấy một thị kiến là một ngày kia vinh
quang của Đức Chúa sẽ chiếu tỏa trên Giê-ru-sa-lem, vì “ánh sáng của ngươi đến
rồi”. Ánh sáng ám chỉ sự tự do hoặc một
người đem lại sự tự do cho dân Chúa. I-sai-a loan báo ánh sáng đến rồi có nghĩa là
dân sắp được tự do hoặc là Đấng giải phóng đã đến rồi. Đúng vậy, điều này đã xảy ra khi vua Ky-rô ra
lệnh cho phép dân Do-thái lưu đày tại Ba-by-lon được trở về cố hương và xây dựng
lại Giê-ru-sa-lem. Thành thánh từ lâu đã
hoang tàn nay được tái thiết và lấy lại vẻ huy hoàng ngày xưa. Giê-ru-sa-lem hôm nay khác nào được vinh quang
Thiên Chúa chiếu tỏa và dân chúng lũ lượt từ khắp nơi kéo về.
Tuy
nhiên, đây không chỉ là lời tiên tri loan báo đoàn dân Ít-ra-en lưu lạc trở về
cố hương, nhưng hình ảnh Giê-ru-sa-lem tràn ngập vinh quang Thiên Chúa ám chỉ một
thời đại cứu độ sắp khởi đầu. Đấng Cứu Độ
giáng sinh tại Bê-lem đã được ngôn sứ I-sai-a diễn tả bằng hình ảnh bình minh
chiếu tỏa trên Giê-ru-sa-lem. Giống như
Giê-ru-sa-lem bừng sáng đã mời gọi muôn dân đến với mình thế nào, thì Chúa
Giê-su cũng sẽ lôi kéo mọi người đến lãnh nhận ơn cứu độ như vậy. Ngoài ra, khi nói lên việc chư dân sẽ đi về
phía ánh sáng của Giê-ru-sa-lem và vua chúa hướng về ánh bình minh của
Giê-ru-sa-lem mà tiến bước, thì ngôn sứ I-sai-a muốn diễn tả rằng ơn cứu độ là
phổ quát, dành cho mọi người chứ không riêng một dân tộc. Mai đây khi Chúa Giê-su bắt đầu sứ vụ, Tin Mừng
sẽ được loan báo khắp nơi và Triều Đại Thiên Chúa sẽ phát triển mạnh mẽ, như hạt
cải li ti mọc thành cây lớn cho chim trời trú ngụ. Bài đọc trích sách ngôn sứ I-sai-a được sử dụng
cho lễ Hiển Linh hôm nay giúp chúng ta hiểu rằng Hài Nhi Giê-su đã tỏ mình ra
cho chúng ta biết Người chính là Đấng Cứu Độ đã đến, tựa như ánh sáng chiếu tỏa
trên Giê-ru-sa-lem. Mỗi người chúng ta
phải là một Giê-ru-sa-lem, sẵn sảng mở tâm hồn đón nhận ơn cứu độ Người đem tới.
2. Hiển Linh:
Chúa Giê-su tỏ mình ra cho dân ngoại. Song song với cái nhìn của ngôn sứ I-sai-a về
ơn cứu độ, chúng ta có một cái nhìn đặc biệt của thánh Phao-lô, vị tông đồ truyền
giáo, về mầu nhiệm Đức Ki-tô. Thánh
Phao-lô nhìn biến cố Giáng Sinh như khởi đầu của Mầu nhiệm Đức Ki-tô. “Mầu nhiệm này, Thiên Chúa đã không cho những
người thuộc các thế hệ trước được biết, nhưng nay Người đã dùng Thần Khí mà mặc
khải cho các thánh Tông Đồ và ngôn sứ của Người”. Thánh Phao-lô là một trong những người được
Thiên Chúa mặc khải và ngài còn được trao cho một sứ mệnh đặc biệt: đem Tin Mừng đến với anh chị em lương
dân. Vì thế ngài luôn lên tiếng bênh vực
họ và tranh đấu cho quyền lợi đặc biệt do Chúa Ki-tô mang lại cho họ, đó là ơn
cứu độ. Thiên Chúa không chỉ dành ơn cứu
độ cho người Do-thái, mà cho cả dân ngoại nữa.
Đây là một mầu nhiệm đối với ngài.
Ngài giải thích mầu nhiệm ấy như sau:
“Trong Đức Ki-tô Giê-su và nhờ Tin Mừng, các dân ngoại được cùng thừa kế
gia nghiệp với người Do-thái, cùng làm thành một thân thể và cùng chia sẻ điều
Thiên Chúa hứa”. Đúng vậy, ơn cứu độ chỉ có thể tìm thấy “trong Đức Ki-tô
Giê-su” vì đó là kế hoạch của Thiên Chúa Cha.
Nhưng để anh chị em dân ngoại biết được kế hoạch cứu độ ấy thì họ phải
được đón nhận Tin Mừng qua lời giảng của các vị truyền giáo. Đón nhận Tin Mừng và tin vào Chúa Giê-su
Ki-tô là điều kiện để bất cứ ai cũng có thể trở thành chi thể của thân thể mầu
nhiệm Đức Ki-tô và được cùng chia sẻ điều Thiên Chúa hứa, tức là ơn cứu độ. Còn rao giảng Tin Mừng cũng có nghĩa là giúp
cho những anh chị em chưa biết Chúa Ki-tô đón nhận Người và ơn cứu độ của Người. Nói khác đi, sứ mệnh truyền giáo là dấn thân
vào việc Chúa tỏ mình ra cho dân ngoại.
3. Hiển Linh:
Chúa Giê-su tỏ mình ra cho mỗi người chúng ta. Câu chuyện ba vị đạo sĩ (ba nhà chiêm tinh hoặc
ba vua) từ phương Đông đến bái lạy Hài Nhi Giê-su là câu chuyện quen thuộc và
chúng ta thường hiểu đây là việc Chúa tỏ mình ra như một vì Thiên Chúa và Đấng
Ki-tô. Những người nhận ra Người đó là
các vị đạo sị từ phương Đông. Nhưng nếu
đọc toàn bộ câu chuyện, có lẽ chúng ta phải nói rằng mọi người có mặt trong câu
chuyện này đều là những người cần phải nhận biết Chúa Giê-su là ai. Trước hết là các vị đạo sĩ. Những người này đã trải qua bao gian khổ đi
tìm “Đức Vua dân Do-thái” và cuối cùng họ đã nhận ra chân tính của Hài Nhi
Giê-su. Tiếp đến là vua Hê-rô-đê. Ông này cũng muốn biết rõ gốc gác của Hài Nhi
Giê-su, nhưng nhận biết Người với ý đồ độc ác là muốn giết hại Người. Thứ ba là các thượng tế và kinh sư. Đáng lẽ họ phải là những người nhận biết rõ
được Hài Nhi Giê-su là ai. Nhưng họ chỉ
là những con mọt sách, tra cứu Kinh Thánh bằng đầu óc chứ không phải tâm hồn,
do đó không tha thiết gì đến kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa mà chỉ lo cho lợi
ích của riêng mình. Sau hết, dân thành
Giê-ru-sa-lem thì bối rối. Tại sao họ lại
phải bối rối? Có lẽ họ chỉ mong đợi một
ông vua giúp họ dành lại độc lập, thoát ách đô hộ của người Rô-ma, chứ không hề
nghĩ tới một Đấng Cứu Độ tâm hồn giúp họ thoát ách nô lệ của tội lỗi và sự chết.
Sống sứ điệp Lời Chúa
Ngoài ba biến cố chính về Chúa Hiển Linh theo truyền
thống Phụng vụ của Giáo Hội, chắc chắn chúng ta còn thấy Chúa hiển linh khi Người
làm những phép lạ, giảng dạy, thậm chí cả khi Người chết trên thập giá nữa. Nhưng nhất là Chúa vẫn tiếp tục “hiển linh”,
tức tỏ mình ra trong những biến cố của cuộc đời mỗi người chúng ta. Điều quan trọng là chúng ta có nhận ra sự hiện
diện của Người không. Vậy, sống “linh đạo
Hiển Linh” chính là luôn luôn nhận ra sự hiện diện và hoạt động của Chúa trong
cuộc sống chúng ta, nhất là đáp lời Người kêu gọi để sống mối tương quan mật
thiết với Người và theo lối sống của Người.
Lm. Đa-minh Trần đình Nhi