Hãy Cứu Lấy Trẻ Thơ

SUY NIỆM LỄ KÍNH THÁNH GIA

(Mt 2, 13-15. 19.23)

Hôm nay, chúng ta cử hành lễ kính Thánh Gia Thất trong cảnh đại dịch gây ra bao nhiêu mất mát và đau thương cho gia đình nhân loại nói chung và mỗi gia đình nói riêng. Theo The Conversation đăng tải cho biết, dịch Covid-19 bùng phát khiến gần 2 triệu trẻ em trên thế giới mất đi người chăm sóc chính (có thể là cha mẹ, ông bà hoặc người giám hộ). Riêng tại Việt nam, theo báo cáo nhanh của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, cả nước có hơn 2.184 trẻ mồ côi, không nơi nương tựa do ảnh hưởng của dịch. Trong đó, có 2.084 trẻ mồ côi cha hoặc mẹ, hơn 41 trẻ là mồ côi cả cha, mẹ do đại dịch. Còn số sẽ còn hơn theo thời gian.

Trong hoàn cảnh xã hội hiện nay, cùng với sự tăng lên của các gia đình ly hôn, nhất là nơi đô thị, số lượng trẻ em trong các gia đình ly hôn cũng tăng lên và rơi vào hoàn cảnh cực kỳ khó khăn. Trong số tỷ lệ 65%-70% gia đình ly hôn, có tới hàng nghìn trẻ em chưa đến tuổi trưởng thành đã sống trong hoàn cảnh không có cha, hoặc không có mẹ, hoặc không có cả cha lẫn mẹ, phải sống với ông, bà, chú, bác nội ngoại, dì ghẻ hoặc bố dượng. Nhiều em rơi vào hoàn cảnh lang thang đường phố để kiếm sống, lao động sớm, hoặc rơi vào tình trạng nghiện hút, bị lạm dụng tình dục, mất mát những quan hệ thiêng liêng như mẹ con, quan hệ huyết thống trong một gia đình truyền thống.

Một vài dẫn chứng trên cho thấy tiếng chuông báo động đã kêu vang, nay kêu to hơn : Hãy cứu lấy gia đình và hãy cứu lấy trẻ em.

Đẹp biết bao khi nhìn vào hang đá chúng ta thấy Chúa Cứu Thế đến trần gian, đã chọn sinh ra trong một gia đình nhân loại, mà chính Người đã thành lập, để cứu các gia đình, nhất là bảo vệ và tôn trọng trẻ thơ. Mừng Chúa Cứu Thế đến cũng là mừng Thánh Gia Thất, nơi Người sinh sống.

Gia đình là tác phẩm tuyệt đẹp của Thiên Chúa

Quả thật, Gia đình là điều đẹp đẽ nhất mà Thiên Chúa đã dựng nên. Người dựng nên loài người có nam có nữ, và ban cho họ mọi sự. Người ban cho họ quyền toàn thế giới! Họ chan hòa trong tình yêu của Người. Mọi tình yêu Thiên Chúa, mọi vẻ đẹp Thiên Chúa, mọi sự thật Thiên Chúa có trong Chúa, Chúa đều ban hết cho gia đình. Ađam và Evà sống tình thân nghĩa thiết với Thiên Chúa và với nhau, rất hạnh phúc, không phải đau khổ và không phải chết.

Gia đình tan vỡ do Tội Nguyên Tổ

Nhưng rồi con người tự tách mình ra khỏi Đấng đã dựng nên họ. Thế là đánh mất tất cả, tình nghĩa vợ chồng phân tán, hết anh em (huynh đệ tương tàn), hết hòa bình, hết tình yêu, cái đẹp và sự thật. Hậu quả là từ đó cho đến nay gia đình luôn ở trong tình trang bị đe dọa do tội lỗi, phá thai, coi thường người già, bất hiếu, sống chung, ly dị, khiến cho nhiều trẻ thơ dù sống với mẹ hay với cha vẫn thiếu tình thương, hơi ấm của cha hoặc mẹ cho dù cha hoặc mẹ có quyền thăm nom chúng. Chung qui lại là chúng sống thiếu tình thương. Các tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật, trộm cắp, cờ bạc, đánh nhau… là điều chúng dễ đến. Gia đình tan nát, xã hội không có tương lai.

Thiên Chúa cứu vớt trong tình thương

Tuy nhiên, Thiên Chúa không bỏ rơi gia đình. Vì gia đình được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa trong tình yêu. Nếu Thiên Chúa không yêu thương chúng ta thì Ngài không tạo dựng nên chúng ta. Ngài không dựa vào những gì chúng ta làm, hay thành quả chúng ta có được, Ngài chỉ nhờ vào công nghiệp của Con Ngài là Đức Giêsu giáng thế. Ngài yêu thương chúng ta vô bờ bến. Không ai yêu chúng ta bằng Thiên Chúa. Ngài yêu chúng ta hơn cả chúng ta yêu chúng ta. Muốn cứu vớt gia đình nhân loại, muốn tôn trọng trẻ thơ, Thiên Chúa đã chọn một gia đình để đến cứu vớt!

Hãy cứu lấy trẻ thơ

Sống trong xã hội hiện đại không phải gia đình nào cũng sẽ êm đềm hạnh phúc. Sẽ có những cãi vã, mâu thuẫn mà không phải ai cũng có thể hi sinh, nhẫn nhịn để bảo vệ hạnh phúc gia đình. Trẻ thơ rất dễ tổn thương khi chông chênh đứng giữa những chọn lựa ở với mẹ hoặc bố, hay sống với ông bà, người thân. Vậy nên, để có được tương lai an toàn, hạnh phúc cho những đứa trẻ, rất cần sự cố gắng, nỗ lực của những bậc làm cha, làm mẹ.

Có nhiều vết thương lớn hằn sâu nơi các gia đình và con cái, do thiếu thốn nhu cầu cần thiết, thiếu tiền bạc, thiếu giáo dục. Những chính sách không ủng hộ gia đình, kỳ thị tôn giáo, văn hoá, hành hạ trẻ em, bạo động trong gia đình, chiến tranh, xung khắc giữa các chủng tộc, biến đổi khí hậu. Tất cả đều để lại những vết thương. Đó là những lý do khiến Đức Giêsu Kitô phải thân hành xuống thế để rao giảng, để chữa lành những vết thương. Người không chỉ cứu chúng ta khỏi sự yếu đuối, nhưng Ngài muốn trở nên như chúng ta để cảm nghiệm được những đau khổ, sự thất lạc, vô gia cư, sỉ nhục khi ở trên thánh giá, chết và an táng trong một ngôi mộ không phải của mình. Người mang lấy vào thân những đau khổ của chúng ta, ngoại trừ tội lỗi, Ngài sống lại vẫn còn vết thương. Gia đình nào trong chúng ta cũng cần được Chúa yêu thương, thì chúng ta phải thương yêu nhau.

Những trẻ em sống cảnh cha mẹ ly hôn thường cảm thấy sợ hãi, vì không phải cha mẹ từ bỏ nhau mà là từ bỏ chính chúng. Chúng gặp phải rất nhiều khó khăn trong quá trình thích ứng tâm lý – xã hội như: khó khăn trong học tập, sinh ra tâm lý mặc cảm, tự ti, ngại tiếp xúc, có xu hướng co mình.. Theo nhiều nghiên cứu cho thấy, nhóm trẻ trai này có tỷ lệ nghiện rượu, nghiện ma túy và có nguy cơ xuất hiện các rối nhiễu tâm lý cao hơn hẳn nhóm trẻ bình thườngNhững đứa trẻ phải sống cùng mẹ kế hay bố dượng thì vấn đề “con anh con tôi”, khả năng được đảm bảo về giáo dục và khả năng an toàn cho bản thân là thấp.

Lạy Chúa Hài Nhi, Chúa đã trở nên bé thơ, sinh ra trong gia đình để cứu các gia đình, xin dạy chúng con tôn trọng trẻ em. Amen.

Lm. Antôn Nguyên Văn Độ

 


Suy Niệm Lời Chúa Năm C