LỄ THÁNH GIA

Gia đình được hiến dâng cho Thiên Chúa để chu toàn sứ mệnh

 

Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa  (1 Sm 1:20-22, 24-28;  1 Ga 3:1-2, 21-24;  Lc 2:41-52)

        Thánh Gia nghĩa là một gia đình thánh thiện.  Các nhân vật trong Thánh Gia là những người thánh thiện, không phải vì các ngài khác với chúng ta, nhưng vì lối sống của các ngài khác thường, đặc biệt là các ngài đã dâng trọn cuộc đời để phụng sự Chúa và phục vụ tha nhân.  Các bài đọc Phụng vụ Lời Chúa hôm nay đã nói lên lối sống đó.  Bài đọc 1 thuật lại sự kiện ông Sa-mu-en được bà mẹ An-na đích thân đem ông lên nhà Đức Chúa tại Si-lô để dâng hiến cho Thiên Chúa hầu phụng sự Người.  Bài Tin Mừng thì kể lại biến cố Chúa Giê-su khi lên mười hai tuổi đã tự ý ở lại Đền Thờ để chu toàn “bổn phận ở nhà của Chúa Cha”.  Còn bài đọc trích thư I của thánh Gio-an khích lệ gia đình chúng ta hãy sống thế nào để đền đáp tình yêu Thiên Chúa vì Người đã đoái thương gọi chúng ta là con.

 

        1.  Ông Sa-mu-en “được nhượng cho Đức Chúa” để hoàn toàn phụng sự Người.  Bài đọc 1 cho chúng ta một hình ảnh gia đình tuyệt vời, đó là gia đình ông En-ca-na, bà An-na và cậu bé Sa-mu-en.  Như chúng ta đã rõ, bà An-na vợ ông En-ca-na không thể sinh con cho ông nên bà buồn rầu lắm.  Đến ngày ông phải lên Nhà của Đức Chúa tại Si-lô để dâng hy lễ, bà theo chồng lên nhà Chúa.  Tại đây bà tha thiết cầu xin Đức Chúa đoái thương cho bà sinh được một mụn con trai.  Bà khóc lóc đến nỗi tư tế Ê-li phải an ủi bà và ông đã cho bà biết Chúa đã nhận lời bà cầu xin.  Đúng vậy, sau khi trở về nhà, bà có thai và sinh hạ con trai.  Bà đặt tên cho nó là Sa-mu-en, vì bà nói:  “Tôi đã xin Đức Chúa được nó”.  Chúa đã ban nó cho bà để rửa nỗi nhục son sẻ.  Sau khi cai sữa cho con, bà đích thân đem nó lên Nhà của Đức Chúa tại Si-lô.  Bà nói với thầy tư tế Ê-li:  “Tôi đã cầu nguyện để được đứa trẻ này, và Đức Chúa đã ban cho tôi điều tôi đã xin Người.  Đến lượt tôi, tôi xin nhượng nó lại cho Đức Chúa.  Mọi ngày đời nó, nó sẽ được nhượng cho Đức Chúa”.  Chúng ta hãy dừng lại ở đây để suy nghĩ về việc làm của vợ chồng ông En-ca-na.  Hai vợ chồng cầu xin Chúa ban cho họ một đứa con.  Bình thường, cha mẹ hy vọng đứa con sẽ nối dòng họ nhà mình và làm cho gia đình vẻ vang.  Nhưng ở đây, họ đã quảng đại dâng hiến đứa con duy nhất cho Chúa để nó suốt đởi ở lại trong nhà Đức Chúa mà phụng sự Người.  Tuy nhiên Chúa đã ân thưởng lòng quảng đại ấy, vì bà An-na còn sinh thêm cho ông En-ca-na ba trai và hai gái nữa.

        Rõ ràng gia đình bà An-na là hình ảnh ám chỉ Thánh Gia của Chúa Giê-su, Mẹ Ma-ri-a và thánh cả Giu-se sau này.  Lòng quảng đại của thánh Giu-se và Mẹ Ma-ri-a khi dâng Chúa Giê-su vào Đền Thờ và sẵn sàng chấp nhận những đau khổ đã được ông Si-mê-ôn tiên báo dường như đã làm vang lên chính những lời bà An-na nói với tư tế Ê-li:  “Đến lượt tôi, tôi xin nhượng nó lại cho Đức Chúa”.  Quả thực Mẹ Ma-ri-a đã để cho Chúa Giê-su ra đi thi hành “bổn phận ở nhà của Cha Người” và hoàn toàn tin tưởng sống trong sự quan phòng của Thiên Chúa.  Phần thưởng dành cho lòng quảng đại ấy, đó là Mẹ Ma-ri-a đã có được “một đàn em đông đúc” của Chúa Giê-su, Đấng là Trưởng Tử của một nhân loại mới.

        Khi chúng ta được rửa tội, không biết cha mẹ chúng ta có cảm nhận được tâm tình của bà An-na là “nhượng” chúng ta lại cho Chúa không.  Dù thế nào đi nữa, chúng ta cũng đã được dâng hiến cho Chúa khi chúng ta được rửa tội rồi.  Chúng ta được lớn lên, được dưỡng dục thành con cái Chúa trong Nhà của Thiên Chúa là Giáo Hội.  Liệu chúng ta có hết lòng phụng sự Chúa giống như ông Sa-mu-en đã làm trong Nhà Đức Chúa và trong những công việc Chúa trao phó cho chúng ta hay không?  Mỗi ngày trong cuộc đời chúng ta, chúng ta sẽ thuộc về Thiên Chúa và luôn được Người kêu gọi giống như Người đã kêu gọi cậu Sa-mu-en trong đền thờ.  Còn chúng ta, với vinh dự “được nhượng lại cho Thiên Chúa” trong Bí tích Rửa Tội, chúng ta hãy thưa với Người mỗi ngày:  “Lạy Chúa, xin hãy phán, vì tôi tớ Ngài đang lắng nghe!”

 

        2.  “Sao cha mẹ lại tìm con?  Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?”  Đây là câu chuyện duy nhất kể lại sinh hoạt của Thánh Gia tại Na-da-rét.  Câu chuyện không được vui mấy và khiến cho Mẹ Ma-ri-a “hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng”!  Thánh Giu-se và Đức Mẹ đã “lạc mất” con!  Các ngài đôn đáo chạy tìm khắp nơi có thể, nhà người quen, các nhóm họ hàng thân thuộc và bạn bè tại Na-da-rét cùng lên Đền Thờ với các ngài để dự lễ.  Cuối cùng, các ngài gặp lại Chúa ngay trong Đền Thờ mà Chúa Giê-su gọi là “nhà của Cha con”.  Gặp lại con, Mẹ lên tiếng trách nhẹ con vì đã làm cho cha mẹ phải lo lắng.  Đáp lại, Chúa Giê-su nói một câu thật khó hiểu.  Người giải thích Người phải ở lại Đền Thờ là vì Người “có bổn phận ở nhà của Cha Người”.  Tuy lời nói khó hiểu, nhưng có lẽ nó làm cho Mẹ nhớ lại ngày Mẹ đem Con vào Đền Thờ để dâng cho Thiên Chúa, lời tiên tri của ông Si-mê-ôn đã bắt đầu ứng nghiệm.  Mẹ “ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng” để sẵn sàng đón nhận ngày Chúa lên đường thi hành “bổn phận ở nhà Cha Người”:    bổn phận rao giảng Tin Mừng và biểu lộ lòng Thương xót của Thiên Chúa       .

        Tuy nhiên, bao lâu ngày Chúa lên đường làm việc bổn phận chưa tới thì Thánh Gia vẫn tiếp tục sống cuộc đời dâng hiến.  Thánh Giu-se và Mẹ Ma-ri-a dâng hiến cho Thiên Chúa tất cả những gì mình có để nuôi sống gia đình và giáo dục người Con được Thiên Chúa ký thác.  Thánh Giu-se đã dâng hiến sức lực và tài khéo của ngài để mưu sinh cho gia đình.  Mẹ Ma-ri-a cũng dâng hiến những gì Mẹ có để đem lại cho Thánh Gia những bữa cơm ngon, những lời an ủi khích lệ, những nụ cười dịu hiền.  Còn Chúa Giê-su cũng vậy.  Trước khi dâng hiến trọn đời cho công cuộc rao giảng Tin Mừng và cuối cùng là thân xác chịu đóng đinh vào thập giá, Chúa Giê-su đã tập dâng hiến trong cuộc sống gia đình nhỏ bé Na-da-rét.  Chính khi cho đi là lúc Chúa Giê-su đã nhận lại được nhiều gấp bội.  Việc dâng hiến đã giúp cho Chúa Giê-su “ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa trước mặt Thiên Chúa và người ta”.

 

        3.  “Chúng ta được gọi là con Thiên Chúa, mà thực sự chúng ta là con Thiên Chúa”.  Khi mọi người trong một gia đình thực sự ý thức được mình là ai, thì chắc chắn họ cũng ý thức được bổn phận của mình và cùng nhau chọn lựa một lối sống có thể nói lên chỗ đứng của mình.  Thánh Gio-an tông đồ đã hiểu rõ điều ấy nên ngài nhắc nhở chúng ta hãy nhớ rằng tất cả chúng ta đều được gọi là con Thiên Chúa.  Đúng vậy, khi lãnh nhận bí tích Rửa tội, ý nghĩa con Thiên Chúa và anh chị em trong Đức Ki-tô lại càng rõ rệt hơn, đòi hỏi chúng ta phải sống hiếu thảo với Thiên Chúa và yêu thương nhau như anh chị em.  Chúng ta sống với nhau trong liên hệ với Thiên Chúa và với Đức Ki-tô.  Với Thiên Chúa, chúng ta là con cái Người;  với Đức Ki-tô, chúng ta là anh chị em với nhau.  Tư tưởng này của thánh Gio-an nếu đem áp dụng vào đời sống Thanh Gia lại càng vô cùng thích hợp.  Cùng người con là Chúa Giê-su, Mẹ Ma-ri-a và thánh Giu-se đều ý thức các ngài là con Thiên Chúa vì các ngài đang thực sự sống dưới mái nhà Na-da-rét với Con Thiên Chúa.  Với sự hiện diện của Chúa Giê-su, các ngài sống trong tình nghĩa gia đình yêu thương nhau và giúp đỡ lẫn nhau.  Thánh Gio-an tông đổ cho thấy lối sống của những người được gọi là con Thiên Chúa là lối sống “yêu thương nhau” và “tin vào danh Đức Giê-su Ki-tô”.  Đây thực sự là lối sống của Thánh Gia:  Chúa Giê-su thì tin vào Chúa Cha và kế hoạch cứu độ của Người;  Đức Mẹ và thánh Giu-se thì tin vào người Con các ngài đang có bổn phận chăm sóc.  Đặc biệt là các ngài sống trong sự hiện diện của Thiên Chúa.  Thánh Gio-an viết:  “Ai tuân giữ các điều răn của Thiên Chúa thì ở lại trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở lại trong người ấy”.  Mà chúng ta thấy rõ điều này khi Thánh Gia tuân giữ các điều răn của Thiên Chúa!  Nhất là Mẹ Ma-ri-a và thánh Giu-se “ở lại trong Thiên Chúa” khi Thiên Chúa làm người ở lại ngay bên cạnh các ngài dưới cùng một mái nhà.  Chúng ta có cảm tưởng ở đây thánh Gio-an đang mô tả đời sống của chính Thánh Gia, chứ không chỉ nói đến đời sống của tín hữu chúng ta.

 

Sống sứ điệp Lời Chúa

        Mừng lễ Thánh Gia là cơ hội để chúng ta nhìn lại đời sống gia đình của chính mình.  Chúng ta đã thấy rõ lòng quảng đại dâng hiến của gia đình bà An-na, mẹ ông Sa-mu-en.  Chúng ta lại có Thánh Gia của thánh Giu-se, Mẹ Ma-ri-a và Chúa Giê-su, một gia đình sống yêu thương gương mẫu và hoàn toàn dâng hiến cho chương trình cứu độ của Thiên Chúa.  Chính chúng ta cũng được dâng hiến cho Chúa khi chúng ta được lãnh nhận bí tích Rửa tội để sống như con cái Chúa.  Tuy nhiên nhìn vào đời sống gia đình trong xã hội ngày nay, chúng ta phải run sợ vì đời sống ấy đã bị tàn phá quá nhiều.  Biết bao sóng gió đang ập vào mái nhà gia đình:  nào là tệ nạn phá thai, những phong trào phế bỏ các liên hệ gia đình như thay vì gọi bậc sinh thành là cha mẹ thì gọi là “những người sinh” khác gì cái máy đẻ, tránh phân biệt phái tính, dạy học sinh còn nhỏ những điều dành cho người lớn… Xã hội Hoa-kỳ đang bị phong trào “bài trừ văn hóa” áp bức bằng những phương tiện truyền thông, những thầy cô “mất dậy” đang đầu độc các em học sinh ngay tại trường học.  Trong khi “Đức Giê-su ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa trước mặt Thiên Chúa và người ta”, thì con em chúng ta ngày càng thêm ích kỷ, ác độc, to xác nhưng tâm hồn èo ọt và bệnh hoạn.  Chủ nghĩa xã hội dân chủ đang tàn phá và triệt hạ gia đình.  Cầu xin Thánh Gia giúp gia đình chúng ta ý thức và đề phòng hiểm họa này.  Xin Thánh Gia dạy gia đình chúng ta thể hiện lối sống quảng đại hiến dâng cho Thiên Chúa để phụng sự Người và phục vụ lẫn nhau.  A-men.

 

Lm. Đa-minh Trần đình Nhi


Suy Niệm Lời Chúa Năm C