CHÚA NHẬT LỄ THIÊN CHÚA BA NGÔI
Hoạt động của Thiên Chúa Ba Ngôi cho chúng ta
Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa (Cn 8:22-31;
Rm 5:1-5; Ga 16:12-15)
Chúng ta
đã trải qua hai đại lễ quan trọng là Giáng Sinh và Phục Sinh. Mỗi đại lễ đều có thời gian chuẩn bị trước lễ
và suy niệm sau lễ. Mùa Vọng giúp ta chuẩn
bị mừng Chúa ra đời và mấy lễ trọng theo sau lễ Giáng Sinh liên hệ với biến cố Ngôi
Hai giáng trần. Mùa Chay giúp ta sống
tinh thần sám hối để mừng Mầu nhiệm Phục Sinh, tiếp theo là các Chúa Nhật kéo
dài lễ Phục Sinh thêm sáu tuần lễ cho đến lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Trước khi tiếp tục Mùa Thường niên, Giáo Hội
muốn tổng kết những gì Thiên Chúa đã làm cho chúng ta qua hoạt động của Chúa
Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Chúng
ta có thể nhận ra hoạt động này của Thiên Chúa qua ba bài đọc của Phụng vụ Lời
Chúa hôm nay.
1. Vai trò của Ngôi Con trong công cuộc tạo dựng
(Bài đọc 1: Châm Ngôn 8:22-31).
Nhìn công
cuộc tạo dựng kỳ diệu của Thiên Chúa, ai cũng phải nhìn nhận đức Khôn Ngoan của
Người. Tạo dựng là thể hiện đức Khôn
Ngoan qua Ngôi Lời, tức Chúa Giê-su Ki-tô, vì mỗi khi tạo dựng là Thiên Chúa
dùng Lời phán của Người như ta thấy trong chương 1 sách Sáng Thế. Thí dụ: “Thiên Chúa phán: ‘Phải có ánh sáng’. Liền có ánh sáng” (Sáng Thế 1:3). Cụm từ “Thiên Chúa phán” được lập đi lập lại
khi Thiên Chúa tạo dựng muôn vật muôn loài và sau mỗi lần Người phán, thì “Liền
có…” như vậy. Nhờ Ngôi Lời, Thiên Chúa
cho mọi tạo vật được hiện hữu và hiện hữu theo đức Khôn Ngoan của Người. Thiên Chúa dùng Lời để hành động trong công
cuộc tạo dựng, nhưng Người cũng dùng Lời trong những việc khác nữa, cụ thể nhất
là việc thực hiện kế hoạch cứu độ nhân loại.
Chiêm ngưỡng hành động của Thiên Chúa qua Ngôi Lời, đoạn sách Châm Ngôn
hôm nay cho chúng ta nghe chính Đức Khôn Ngoan của Thiên Chúa nói với chúng ta
về Người.
Trước hết
Đức Khôn Ngoan khẳng định với chúng ta rằng Người không phải là một đức tính giống
như các đức tính của loài người chúng ta, thí dụ đức kiên nhẫn, đức công
chính…, nhưng Người là một Ngôi Vị trong ba Ngôi Thiên Chúa. Ngôi Vị này chính là Ngôi Lời hoặc Ngôi Hai
và là Đức Giê-su Ki-tô. Người được sinh
ra từ Đức Chúa Cha từ trước muôn đời và trước khi có trời đất và mọi sự trong
đó. Tuy nhiên điều giúp chúng ta nhận biết
vai trò quan trọng của Người trong công cuộc tạo dựng, đó là: “Ta hiện diện bên Người (Thiên Chúa Cha) như tay thợ cả”. Trong bất cứ công trình xây dựng nào, vai trò
của “tay thợ cả” luôn vô cùng quan trọng,
cần thiết và không thể thiếu. Cũng thế,
Ngôi Lời là nguyên lý cho mọi sự hiện hữu của muôn loài muôn vật, vì giả như
Thiên Chúa không dùng Lời để phán thì sẽ chẳng có thụ tạo nào được hiện hữu cả! Có khi nào chúng ta ý thức rằng sở dĩ chúng
ta có mặt trên đời này là do hoạt động của Đức Khôn Ngoan không? Nên nhớ chúng ta là tác phẩm của Đức Khôn
Ngoan và hãy nhìn nhận giá trị của chính mình.
Ngoài hoạt động trong công trình tạo dựng của Thiên Chúa, Đức Khôn Ngoan
còn cho chúng ta biết một công việc thật thú vị về tương quan giữa chúng ta với
Thiên Chúa: “Trước mặt Người (Thiên
Chúa), ta không ngớt vui chơi, vui chơi trên mặt đất, ta đùa vui với con cái
loài người”. Với điều mặc khải này,
chúng ta không thể ngờ được làm sao Đức Khôn Ngoan, tức Chúa Giê-su Ki-tô, lại
có thể là mối dây liên kết Thiên Chúa với nhân loại mật thiết đến như thế. Chúng ta được “đùa vui” với Chúa Giê-su Ki-tô
trên mặt đất này và được “vui chơi” trước mặt Thiên Chúa nữa!
2. Thiên Chúa mở đường cho chúng ta được đến với
Người (Bài đọc 2: Rô-ma 5:1-5).
Để mô tả
mối tương quan giữa chúng ta với Thiên Chúa, trong thư gửi tín hữu Rô-ma, thánh
Phao-lô đã ví mối tương quan ấy như hành trình của chúng ta đến với Thiên
Chúa. Giữa Thiên Chúa và nhân loại đã có
một sự ngăn cách do tội lỗi gây ra khi ông A-đam và bà E-va không tuân thủ mệnh
lệnh của Thiên Chúa. Sự ngăn cách ấy
không ai trong loài người có thể nối lại được, mà chỉ có Thiên Chúa do tình yêu
vô biên mới có thể xóa đi ngăn cách ấy.
Thiên Chúa Cha đã sai Con Một đến thế gian, vui lòng chịu chết để chuộc
lại lỗi lầm ấy và hòa giải nhân loại với Thiên Chúa. Như vậy, nhờ tin vào Đức Giê-su mà chúng ta
được nên công chính và được bình an với Thiên Chúa. Thánh Phao-lô giải thích thêm: “Vì chúng ta tin, nên Đức Giê-su đã mở lối
cho chúng ta vào hưởng ân sủng của Thiên Chúa”.
Vậy ân sủng đó là gì? Là được sống
trong mối tương quan mật thiết với Thiên Chúa, “vì Thiên Chúa đã đổ tình yêu của
Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta”. Đúng vậy, chính nhờ Thánh Thần nên chúng ta mới
có đủ tư cách để gọi Thiên Chúa là “Áp-ba!
Cha ơi!” (Gl 4:6).
3. Nhờ Thánh Thần, Thiên Chúa kiện toàn mối
tương quan giữa Người với nhân loại (Bài
Tin Mừng: Gio-an 16:12-15).
Mở lối
cho chúng ta đến với Thiên Chúa đã là một việc ngoài sức tưởng tượng của chúng ta. Nhưng Thiên Chúa còn muốn hơn thế nữa; Người muốn chia sẻ với chúng ta “mọi sự Người
có”. Trong đêm tâm sự bữa Tiệc Ly, Chúa
Giê-su nói thẳng với các môn đệ Người rằng:
“Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy.
Vì thế, Thầy đã nói: Người lấy những
gì là của Thầy mà loan báo cho anh em”.
Vậy chúng ta hiểu thế nào về “mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy”? Thiên Chúa là Tình Yêu. Định nghĩa này nói lên mọi sự Chúa Cha có và
cũng là mọi sự Chúa Con có. Các Ngài chỉ
có Tình Yêu là phẩm tính cao quý nhất. Vậy
mà Thiên Chúa đã ban Tình Yêu này cho thế gian, ban hết không giữ lại gì cả, đến
nỗi ban chính Con Một Yêu Dấu cho thế gian, để ai tin vào Người Con này sẽ được
cứu độ và được sống muôn đời.
Thiên
Chúa yêu thương nhân loại là một mầu nhiệm ngoài tầm hiểu biết của chúng ta. Đây là một sự thật chúng ta chưa hiểu được trọn
vẹn. Hoặc nói theo lối nói của Chúa
Giê-su, là “Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em. Nhưng bây giờ, anh em không có sức chịu nổi!” Vậy làm sao và khi nào chúng ta mới có thể hiểu
được, hoặc “có sức chịu nổi”? Chúa
Giê-su trả lời: “Khi nào Thần Khí sự thật
đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn”.
Phải, sự thật toàn vẹn chính là thực tại “Thiên Chúa yêu thế gian…” Nếu Thánh Thần giúp chúng ta có tư cách để gọi
Thiên Chúa là “Áp-ba”, thì Người cũng giúp chúng ta chấp nhận sự thật “Thiên
Chúa yêu thế gian…” vậy! Thế gian đó
chính là anh, là chị, là tôi. Cho nên mỗi
người chúng ta phải xin ơn Chúa Thánh Thần giúp chúng ta nhìn nhận và trân quý
“sự thật toàn vẹn” này trong tâm tình cảm tạ.
Sống sứ điệp Lời
Chúa
Mỗi khi
suy niệm về đề tài “Thiên Chúa Ba Ngôi”, tôi cố gắng không dám nghĩ tới những
giáo lý về mầu nhiệm này, vì người ta thường sử dụng ngôn ngữ triết học và thần
học về ngôi vị, bản thể, ngôi hiệp… Nhưng tôi thường suy gẫm về những gì Ba
Ngôi Thiên Chúa làm cho tôi, nhất là các Ngài liên hệ với tôi như thế nào trong
kế hoạch cứu độ. Hôm nay Phụng vụ Lời
Chúa nêu lên một số hoạt động của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần nhằm
giúp chúng ta ý thức hơn rằng Thiên Chúa luôn yêu thương chúng ta và làm mọi sự
vì động lực yêu thương chúng ta. Người
đã dựng nên chúng ta, cứu chuộc chúng ta, kêu gọi chúng ta tiếp tục đến với Người
trên con đường Giê-su và trong sức mạnh của Thánh Thần. Mặc dù hành trình đến với Thiên Chúa có “gian
truân”, nhưng nhờ gian truân chúng ta sẽ “quen chịu đựng” để trở thành “người
trung kiên” và cuối cùng chúng ta là những người sống với “niềm hy vọng” (Rô-ma
5:3-5). Sáng danh Đức Chúa Cha, và Đức
Chúa Con, và Đức Chúa Thánh Thần. Như đã
có trước vô cùng, và bây giờ, và hằng có, và đời đời chẳng cùng. A-men.
Lm. Đa-minh Trần
đình Nhi