Chúa Nhật Lễ Chúa Ba Ngôi – Ngày 12 tháng 6, 2022

Lm. Patrick Riviere

Các bài đọc: Prv 8:22–31 • Ps 8:4–5, 6–7, 8–9 • Rom 5:1–5 • Jn 16:12–15    

bible.usccb.org/bible/readings/061222.cfm

Trong nhiều năm qua, các nhà khoa học đã khám phá ra nhiều yếu tố khác nhau của thế giới, dường như đang khiến cho sự hiểu biết của chúng ta bị giới hạn. Nào là thuyết cho rằng thời gian thực sự trôi qua tương ứng với tốc độ của cá nhân, nào là thực tại cho thấy mọi sự đều được cấu tạo từ các tập hợp khác nhau của những hạt vi nguyên tử, nào là sự rộng lớn vô tận và sự bành trướng liên tục của toàn bộ vũ trụ - tất cả những lý thuyết này đều làm rối trí óc. Thật khó để bạn tìm biết và thực sự hiểu được khả thể của một số lý thuyết này.

Điều này gợi cho tôi cảm giác tôi thường có mỗi khi đến lớp học về Chúa Ba Ngôi trong chủng viện. Lớp đó có tiếng là khó hiểu nhất. Bạn thường nghe nhiều người nói rằng họ đã hoàn tất môn học, nhưng kiến thức về Chúa Ba Ngôi lại kém hơn trước khi họ bắt đầu học. Có vẻ kỳ cục khi nói rằng chúng ta có một Thiên Chúa, Đấng tuy là ba ngôi vị nhưng lại không phải là ba thiên chúa. Nhưng cũng có thể là kỳ cục khi nói rằng tốc độ của chúng ta có thể kiểm soát thời gian di chuyển nhanh hay chậm đối với một người nào đó. Nếu chỉ có vẻ là kỳ cục bề ngoài thôi thì không có nghĩa là không có một chân lý cực kỳ quan trọng được mặc khải cho chúng ta. Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là điều thiết yếu, bởi vì đó là mầu nhiệm về Thiên Chúa là Đấng nào, và nếu chúng ta không biết được Thiên Chúa là Đấng nào, thì làm sao chúng ta có thể hy vọng yêu mến Người hoặc có mối tương quan với Người được?

Thánh Gio-an Tông Đồ cho chúng ta một định nghĩa có lẽ ngắn gọn nhất nhưng cũng vô cùng sâu xa về Thiên Chúa là Đấng nào. Đó là "Thiên Chúa là tình yêu." Khẳng định ấy tuy đơn giản, nhưng cho thấy rất nhiều về Thiên Chúa là Đấng nào và tại sao chúng ta nói rằng Người là Thiên Chúa Ba Ngôi. Chúng ta không nói Thiên Chúa yêu thương, nhưng nói Thiên Chúa là chính tình yêu. Nếu nhìn vào Thiên Chúa, chúng ta sẽ biết được tình yêu là gì, tình yêu như thế nào. Chỉ một người thôi thì không đủ tạo nên tình yêu. Tình yêu là một tương quan, có nghĩa là cần hai người tham dự vào điều này. Tối thiểu cần phải có hai người để có mối tương quan yêu thương. Chúa Cha yêu Chúa Con bằng tất cả những gì Chúa Cha đang có và đang là. Chúa Con nhận tình yêu ấy từ Chúa Cha và đáp lại, Chúa Con yêu mến Chúa Cha. Tình yêu đền đáp tình yêu - khi chúng ta được ai đó yêu tha thiết, phản ứng tự nhiên là chúng ta yêu người ấy lại. Tình yêu có khuynh hướng rút tình yêu ra từ người khác. Và tình yêu từ Chúa Cha và Chúa Con thì rất thật, rất trọn vẹn, rất hoàn hảo, đến nỗi chúng ta gọi tình yêu ấy là một Ngôi vĩnh cửu - tình yêu của Chúa Cha và Chúa Con là Chúa Thánh Thần, là chính sự hiện diện của tình yêu Thiên Chúa. Và bởi vì tình yêu kết hợp người yêu và người được yêu, nên Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần tất cả được kết hợp nên một Thiên Chúa. Vậy, nếu Thiên Chúa là tình yêu, thì Thiên Chúa là Ba Ngôi - đó là cách hoàn hảo nhất để diễn tả tình yêu.

Và khi tôi biết được Thiên Chúa như thế, thì có một nền tảng được xây dựng không thể bị lung lạc. Chính nhờ biết được Thiên Chúa như thế, nên Thánh Phao-lô có thể khoe khoang về những khó nhọc và đau khổ của ngài. Trong Bài đọc 2, thánh tông đồ kể ra một chuỗi những biến cố mà tất cả chúng ta đều cảm nghiệm là chúng đâm rễ sâu trong thực tại Thiên Chúa là tình yêu. Mỗi khi chúng ta tự mình cảm nghiệm đau khổ, thì nhất định điều đó sẽ đưa tới chán nản, thất vọng và tuyệt vọng. Nhưng bạn hãy nhìn vào diễn trình mà Thánh Phao-lô vạch ra: gian truân sinh chịu đựng, hoặc kiên nhẫn, một sự trung kiên không lùi bước hay bỏ cuộc trước thử thách. Và sự kiên nhẫn đã chứng minh cho một mẫu người, một người đã được thử thách và có thể đứng vững. Và mẫu người đã trải qua thử thách ấy sẽ tạo ra hy vọng, hy vọng ấy không phải là sự lạc quan mù quáng mà là sự tin tưởng vào Đấng chúng ta biết Người sẽ đến trong ngày tận thế. Nguồn gốc cũng như nền tảng của niềm hy vọng ấy, của tất cả diễn trình ấy chính là tình yêu Thiên Chúa đổ vào tâm hồn chúng ta.

Không có tình yêu thì sự nối kết sẽ tan rã. Nhưng với Thiên Chúa là tình yêu, Đấng sẵn sàng chịu đau khổ và tự hiến thân mình để bị giết vì chúng ta, Đấng luôn hiện diện với chúng ta, thì gian truân kia sẽ thực sự trở thành nguồn tăng trưởng mạnh mẽ nhất. Điều đó cho chúng ta cơ hội nhận thấy Thiên Chúa hiện diện trong mọi lãnh vực đau đớn nhất của cuộc sống chúng ta và do đó cần sự hiện diện của Người nhiều nhất. Và làm sao tình yêu có thể thực sự tồn tại được nếu nó không trải qua con đường đau khổ?

Có vẻ thật nghịch lý khi nói rằng đau khổ và tình yêu cùng tồn tại, cũng thật nghịch lý khi nói rằng có một Thiên Chúa nhưng lại ba Ngôi. Nghịch lý ấy không phải là một mâu thuẫn nhưng một tình yêu không thể bị ngăn chặn, một tình yêu mang lại niềm hy vọng cho bất cứ ai sẵn sàng chấp nhận nó. Khi chúng ta cử hành Chúa Nhật lễ Chúa Ba Ngôi hôm nay, bạn hãy nhìn vào Thiên Chúa là tình yêu, và đón nhận tình yêu Người dành cho bạn.

 

Chuyển ngữ :JB. Đào Ngọc Điệp 

Nguồn: https://www.hprweb.com/

 

 


Suy Niệm Lời Chúa Năm C