CHÚA NHẬT CHÚA THĂNG THIÊN
Ý nghĩa biến cố Chúa Giê-su Lên Trời
Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa (Cv
1:1-11; Dt 9:24-28; 10:19-23; Lc 24:46-53)
Trong kế
hoạch cứu độ của Thiên Chúa, các mầu nhiệm trong Mầu Nhiệm Đức Ki-tô đều có những
tầm quan trọng riêng biệt như chúng ta vẫn từng suy niệm các mầu nhiệm Kinh Mân
Côi: Các Mầu nhiệm Vui, Sự Sáng, Thương
và Mừng. Hôm nay Giáo Hội mừng mầu nhiệm
Chúa Giê-su Lên Trời. Đây cũng là dịp để
chúng ta nhìn lại ý nghĩa của biến cố
long trọng này dựa trên Phụng vụ Lời Chúa của ngày đại lễ. Trước hết chúng ta nghe các Tông Đồ thắc mắc
hỏi Chúa về thời điểm Chúa Lên Trời: có
phải bây giờ là lúc Thầy khôi phục vương quốc Ít-ra-en không? (bài đọc 1). Trong cách giải thích hết sức cảm động, đoạn
thư gửi tín hữu Do-thái đã trình bày với chúng ta ý nghĩa biến cố Chúa Lên Trời
được hiểu như hành vi của Vị Thượng Tế Tối Cao là Chúa Giê-su, Đấng đã hiến tế
thân mình, để “mở cho chúng ta một con đường mới và sống động qua bức màn, tức
là chính thân xác của Người”. “Người đã vào
chính cõi trời, để giờ đây ra đứng trước mặt Thiên Chúa chuyển cầu cho chúng
ta” (bài đọc 2). Tuy nhiên, ý nghĩa quan
trọng nhất của biến cố Chúa Lên Trời đối với chúng ta vẫn là nhận lãnh mệnh lệnh
của Chúa: phải nhân danh Người mà rao giảng
và làm chứng rằng Đấng Ki-tô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống
lại (bài Tin Mừng).
1. “Có phải bây giờ là lúc Thầy khôi phục vương
quốc Ít-ra-en không? Để mở đầu sách Công Vụ Tông Đồ, thánh Lu-ca
đã nhắc đến những gì ngài làm khi viết sách Tin Mừng, là “tường thuật tất cả những
việc Đức Giê-su làm và những điều Người dạy, kể từ đầu cho tới ngày Người được
rước lên trời”. Quả thực sách Tin Mừng
thứ ba đã tường thuật về một Chúa Giê-su hiện diện trong lịch sử nhân loại, “kể
từ đầu” tức là từ giây phút thiên sứ Gáp-riên truyền tin cho Đức Ma-ri-a cho tới
“ngày Người được rước lên trời”. Sau khi
trỗi dậy từ cõi chết, trong bốn mươi ngày Chúa đã nhiều lần hiện ra với các
Tông Đồ và nhiều người khác. Đặc biệt
Chúa đã hiện ra “nói chuyện” với các Tông Đồ về Nước Thiên Chúa, hay nói khác
đi, trước khi lên trời, Người tiếp tục dạy dỗ họ để chuẩn bị cho họ thi hành sứ
mệnh rao giảng Tin Mừng.
Tuy nhiên,
cho đến giờ phút này họ vẫn chưa được nhận lấy Thánh Thần. Do đó, họ vẫn chưa hoàn toàn hiểu được sứ mệnh
của Chúa Giê-su và vẫn tiếp tục đưa ra những quan điểm trần tục khi họ hỏi Người: “Thưa Thầy, có phải bây giờ là là lúc Thầy
khôi phục vương quốc Ít-ra-en không?”
Chúa Giê-su gạt phắt đi mong đợi thầm kín của họ. Người bảo họ không cần biết bất cứ điều gì
khác vào lúc này. Rồi Người nhấn mạnh rằng
họ sẽ nhận được sức mạnh của Chúa Thánh Thần khi Người ngự đến trên họ, để biến
họ trở thành chứng nhân của Người tại Giê-ru-sa-lem, khắp các miền Giu-đê,
Sa-ma-ri và đến tận cùng trái đất. Chúa
Giê-su muốn họ bỏ đi những ước mơ trần tục về một “vương quốc Ít-ra-en” trong
đó họ sẽ được nắm giữ địa vị này hoặc chức tước kia. Không phải là vương quốc Ít-ra-en nhỏ bé ở một
góc nhỏ vùng Trung Đông, nhưng là Nước Thiên Chúa vĩ đại gồm toàn thể nhân loại
cho đến tận cùng trái đất! Đó mới thực sự
là giấc mơ của Thiên Chúa và Người truyền lệnh cho các môn đệ Người phải tích cực
làm cho giấc mơ của Thiên Chúa trở nên hiện thực. Chúa Giê-su đã ban cho họ điều răn trọng nhất
về yêu thương trước khi Người bước vào cuộc Thương Khó, giờ đây Người cũng đưa
ra một mệnh lệnh truyền giáo quan trọng nhất trước khi Người lên trời. Cho nên, “bây giờ” là lúc Thầy lên trời về
cùng Chúa Cha và “bây giờ” cũng là lúc Thầy truyền cho anh em phải làm chứng
nhân của Thầy khắp nơi cho đến tận cùng trái đất!
2. “Đức Ki-tô đã vào chính cõi trời, để giờ đây
ra đứng trước mặt Thiên Chúa chuyển cầu cho chúng ta”. Quả thực là điều vô cùng bất ngờ và thú vị
khi tác giả thư gửi tín hữu Do-thái đã so sánh hành động Chúa Giê-su Lên Trời để
vào cung thánh thật, nơi Chúa Cha ngự, với hành động của vị thượng tế đi qua bức
màn để vào nơi cung thánh của Đền Thờ! Băng
qua các tầng trời, Chúa Giê-su được cất lên ngay trước mắt các môn đệ và có đám
mây quyện lấy Người. Còn vị thượng tế
thì mỗi năm phải đem theo máu bò máu dê mà và cung thánh làm lễ xá tội cho mình
và toàn dân. Cung thánh là nơi thượng tế
được gặp gỡ Thiên Chúa để cầu xin Người tha thứ tội lỗi cho con cái
Ít-ra-en. Còn Chúa Giê-su, Người “chẳng
vào một cung thánh do tay người phàm làm ra”.
Nhưng khi Người lên trời là “Người đã vào chính cõi trời, để giờ đây ra
đứng trước mặt Thiên Chúa chuyển cầu cho chúng ta”. Trong khi vị thượng tế năm nào cũng phải vào
cung thánh để dâng lễ xá tội, thì Chúa Giê-su “đã tự hiến chỉ một lần” để xóa bỏ
tội lỗi nhân loại, chỉ một lần chịu chết
để đền tội nhân loại và chỉ một lần lên trời là Người đã vào chính cõi trời để
chuyển cầu cho chúng ta trước mặt Thiên Chúa! Trước đây không ai có thể đứng trước mặt Thiên
Chúa mà được sống cả. Ông Mô-sê và dân
Ít-ra-en đã từng cảm nghiệm điều này. Mới
chỉ nhìn thấy vinh quang Thiên Chúa còn phảng phất trên khuôn mặt ông Mô-sê mà
con cái Ít-ra-en đã không chịu nổi và van xin ông hãy che mặt đi. Vậy mà giờ đây, khi lên trời về cùng Thiên
Chúa Cha, Chúa Giê-su “đã mở cho chúng ta một con đường mới và sống động qua bức
màn, tức là chính thân xác của Người”. Người là con đường nối liền và đưa chúng ta đến
với Thiên Chúa, đúng như Người đã dạy:
“Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai có thể đến với Chúa Cha mà không qua
Thầy” (Ga 14:6). Như vậy, tác giả thư
Do-thái mới dám hô hào: “Vì thế, chúng
ta hãy tiến lại gần Thiên Chúa với một lòng chân thành và một đức tin trọn vẹn”.
3. “Đấng Ki-tô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba,
từ cõi chết sống lại. Chính anh em là chứng
nhân về những điều này”. Làm chứng
không phải là việc dễ dàng đối với chúng ta.
Khó nhất là điều chúng ta làm chứng lại không phải là điều rõ ràng, mắt
thấy tai nghe. Nhưng ở đây, trước khi dạy
chúng ta phải làm chứng nhân cho Chúa, Người đã cho chúng ta thấy rõ điều chúng
ta phải làm chứng, đó là làm chứng rằng Đấng Ki-tô đã phải chịu khổ hình, rồi
ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại. Thoạt
nghe mệnh lệnh của Chúa trước khi Người lên trời, chúng ta không nghĩ đây là điều
có thể làm được. Làm sao làm chứng rằng
một người đã chịu khổ hình, đã chết và được mai táng, rồi ngày thứ ba có thể sống
lại từ cõi chết? Không thể nào có chuyện
đó được! Bó tay! Vậy làm thế nào bây giờ? Đừng lo!
Chúa Giê-su đã biết như thế rồi.
Cho nên Người trấn an chúng ta:
“Thầy sẽ gửi cho anh em điều Cha Thầy đã hứa”. Điều Chúa Cha đã hứa chính là Chúa Thánh Thần. Chúa Cha sẽ cử Thánh Thần đến để thêm sức mạnh
và những hồng ân khác của Thánh Thần cho chúng ta, nhờ đó chúng ta sẽ tin vào sự
Phục Sinh của Đức Ki-tô, để mạnh dạn rao giảng Đức Ki-tô chịu đóng đinh thập
giá, đã chết, đã sống lại và sẽ đến trong vinh quang. Ngày Chúa Giê-su lên trời chính là lúc Người
phát lệnh truyền giáo, để các môn đệ Người lên đường đem Tin Mừng đến cho muôn
dân.
Sống sứ điệp Lời
Chúa
Có khi
nào chúng ta đặt mình vào tâm trạng các môn đệ Chúa, mặc dù không còn nhìn thấy
Chúa nữa, nhưng họ vẫn còn “đăm đăm nhìn lên trời phía Người đi”, cho đến khi họ
được các thiên sứ nhắc nhở không? Họ
đang nghĩ gì? Chúng ta cũng nghĩ gì khi
mừng mầu nhiệm Chúa Lên Trời? Có lẽ lời
nhắc nhở của thiên sứ làm cho cả các môn đệ Chúa và chúng ta hôm nay phải suy
nghĩ và trở về với bổn phận hiện tại của chúng ta. Đấng vừa được cất lên trời cũng sẽ ngự đến để
phán xét mọi người trong ngày tận thế.
Đo đó chúng ta hãy sống với hiện tại mà chuẩn bị cho ngày Chúa đến. Chuẩn bị bằng cách lên đường truyền giáo để
đem Tin Mừng đến với mọi người!
Lm. Đa-minh Trần
đình Nhi