CHÚA NHẬT LỄ LÁ C
Lc 19,28-40 ; Is 50,4-7 ; Pl
2,6-11 ; Lc 22,14-23,56
CÙNG CHÚA QUA ĐAU KHỔ VÀO TRONG
VINH QUANG
I. HỌC LỜI CHÚA
1. TIN MỪNG : Lc 19,28-40
(28) Đức Giê-su nói những lời ấy xong, Người đi đầu, tiến lên
Giê-ru-sa-lem. (29) Khi đến gần làng Bết-pha-ghê và làng Bê-ta-ni-a, bên
triền núi gọi là núi Ô-liu, Người sai hai môn đệ và bảo : (30) “Các anh đi vào làng trước mặt kia. Khi vào sẽ thấy một
con lừa con chưa ai cỡi bao giờ, đang cột sẵn đó. Các anh tháo dây ra
và dắt nó đi. (31) Và nếu có ai hỏi : “Tại sao các anh tháo lừa người ta ra”, thì cứ nói : “Chúa cần đến nó”. (32) Hai người được sai ấy ra đi và thấy y
như Người đã nói. (33) Các ông đang tháo dây lừa, thì những người chủ
con lừa nói với các ông : “Tại sao các anh lại tháo con lừa
ra?” (34) Hai ông đáp: “Chúa cần đến nó”. (35) Các ông dắt lừa về cho
Đức Giê-su, rồi lấy áo choàng của mình phủ lên lưng lừa, và đặt Đức
Giê-su lên. (36) Người tới đâu, người ta cũng lấy áo mình trải xuống
đường. (37) Khi Người đến gần chỗ dốc xuống núi Ô-liu, tất cả đoàn
môn đệ vui mừng bắt đầu lớn tiếng ca tụng Thiên Chúa, vì các phép
lạ họ đã được thấy. (38) Họ hô lên : “Chúc tụng Đức Vua, Đấng ngự đến nhân danh Chúa ! Bình an trên
cõi trời cao, vinh quang trên các tầng trời !”(39) Trong đám đông có
vài người thuộc nhóm Pha-ri-sêu nói với Đức Giê-su : “Thưa Thầy, Thầy quở trách môn đệ Thầy đi chứ !” (40) Người đáp : “Tôi bảo các ông : Họ mà làm thinh, thì sỏi đá cũng sẽ kêu lên !”.
2. Ý CHÍNH :
Hai bài Tin mừng Chúa Nhật Lễ Lá hôm nay gồm hai phần :
- Phần thứ nhất (Lc 19,28-40) : Tường thuật việc Đức Giê-su khải
hoàn vào thành Giê-ru-sa-lem để làm vua Thiên Sai.
- Phần thứ hai (Lc 22,14-23,56) : Tường thuật việc Đức Giê-su thi hành sứ
vụ Thiên Sai bằng con đường “Qua đau khổ vào trong vinh quang”. Bài Thương Khó quá dài nên sẽ đọc
trong sách Tân Ước hay trong Bài Tin Mừng CN Lễ Lá năm C.
3. CHÚ THÍCH :
- C 28-34 : + Người đi đầu : Với tư cách là Vua Mê-si-a, Đức Giê-su can đảm đi đầu như một
mục tử đi trước dẫn đường cho đoàn chiên theo sau (x. Ga 10,4). + Tiến
lên Giê-ru-sa-lem : Đức Giê-su từ thành Giê-ri-cô tiến
lên thủ đô Giê-ru-sa-lem. Giê-ru-sa-lem nằm trên đỉnh núi cao hơn mặt biển
700 mét, nơi Đức Giê-su sẽ hoàn tất sứ vụ cứu độ bằng việc chịu chết và
sống lại. + Làng Bê-ta-ni-a : Tên một ngôi làng nhỏ nằm trên triền núi Ô-liu về hướng Đông,
cách Giê-ru-sa-lem khoảng 5 cây số. Làng này có nhà của ba chị em là
Mát-ta, Ma-ri-a và La-da-rô. Đức Giê-su và các môn đệ thường nghỉ lại
đây mỗi lần hành hương về Giê-ru-sa-lem (x. Mt 21,17). + Con lừa : Theo quan niệm của Cựu ước, lừa là một con vật giống như con
ngựa, dành cho đức vua và các nhà quý tộc cưỡi. Áp-sa-lôm là con trai
vua Đa-vít cũng đã cưỡi lừa trong cuộc nổi loạn chống lại vua cha
Đa-vít (x. 2 Sm 18,9). + Chưa ai cưỡi bao giờ : Nghĩa là đang còn tinh tuyền chưa
bị mang ách trên cổ (x. Ds 19,2), nên xứng đáng dành cho Vua Thiên Sai sử
dụng (x.1 Sm 6,7). + Vì “Chúa” cần đến nó : Dưới ánh sáng mầu nhiệm Phục Sinh, Đức Giê-su được môn đệ gọi
là “Chúa” hay “Chủ”. Đây là tước hiệu được gán cho Đức Giê-su từ
thời Giáo hội Sơ khai. Từ ngữ này diễn tả mầu nhiệm Đức Giê-su vừa
là Con Người vừa là Con Thiên Chúa (x. Rm 10,9 ; Pl 2,10-11).
- C 35-38 : + Các ông dắt lừa về, lấy áo
choàng của mình phủ lên lưng lừa, và đặt Đức Giê-su lên: Những chi tiết này gợi lại cuộc đăng quang lên làm vua của nhà vua
Sa-lô-môn do vua cha là Đa-vít đã chuẩn bị trước (x. 1V 1,33.38.40). Việc
Đức Giê-su ngồi trên mình lừa thay vì ngựa chiến nhằm diễn tả sứ vụ của
Người là vua Thiên Sai hòa bình, chinh phục lòng người bằng tình yêu
thương thay vì bằng bạo lực chiến tranh. + “Chúc tụng Đức Vua.”.. : là lời Thánh vịnh 117,25-26 được
hát ca tụng Đức Chúa trong các buổi lễ long trọng khi đòan rước tiến vào
Đền thờ.
- C 39-40 : + Thưa Thầy, Thầy quở mắng môn
đệ Thầy đi chứ : những người Pha-ri-sêu nhắc Đức Giê-su
cấm môn đệ hò hét tôn vinh Người, vì họ không tin Người là Vua Thiên Sai. +
“Họ mà làm thinh thì sỏi đá cũng sẽ kêu lên” : Không gì có thể ngăn cản thành
Giê-ru-sa-lem nghênh đón Đức Giê-su vào Thành đăng quang như một Đấng Thiên
Sai. Số phận của Thành Giê-ru-sa-lem là sẽ bị tàn phá bình địa vì tội đã
từ chối đón nhận Đức Giê-su là Đấng Thiên Sai (x. Lc 19,44).
4. MẤY GỢI Ý SUY NIỆM : TIN MỪNG TRƯỚC KHI RƯỚC LÁ (Lc 19,28-40) :
Hôm nay, Chúa Giê-su cưỡi trên lưng một con lừa để tiến vào thành
Giê-ru-sa-lem giữa những tiếng tung hô vạn tuế của dân chúng.
- Vua Mục Tử Giê-su khải hoàn vào thành
Giê-ru-sa-lem : Vào thời Đức Giê-su, mọi người Do thái đều quan niệm về sứ mạng của Đấng
Thiên Sai đến nhằm đánh đuổi quân Rô-ma ra khỏi bờ cõi và thiết lập một triều đại
huy hoàng giống như triều đại vua Đa-vít và vua Sa-lô-môn. Thế nhưng, khi cưỡi
trên lưng con lừa hiền lành tiến vào thành Giê-ru-sa-lem, Đức Giê-su lại muốn
cho thấy điều ngược lại : Đấng Thiên Sai không phải là một ông
vua của chiến tranh, nhằm tiêu diệt kẻ thù và bắt chúng làm nô lệ. Người là Vua
nhưng là Vua Mục Tử. Người đến không đòi con chiên hầu hạ nhưng để
hầu hạ và sẵn sàng chết thay cho đoàn chiên. Người không ngồi trên mình ngựa để
đi giao chiến với các dân khác, nhưng ngồi trên mình lừa như ông Vua Hòa Bình với
sứ mạng giải thoát nhân loại khỏi đau khổ, bệnh tật, sự chết và mọi bất công là
hậu quả của tội lỗi do ma quỷ xúi giục.
- Ngài đến để mở ra một con đường sống
cho loài người : Người đến để xây dựng một “Trời Mới Đất Mới”, kêu gọi mọi người hãy “bỏ
mình” nghĩa là bỏ đi cái tôi ích kỷ tự mãn, bỏ đi tội lỗi và các thói hư và
“vác thập giá mình hằng ngày” là chu toàn bổn phận đối với với bản thân, gia
đình và xã hội mà “đi theo Người”. Con đường Chúa đi tuy là đường đau khổ thập
giá nhưng lại dẫn đến vinh quang phục sinh và hạnh phúc Thiên Đàng đời sau. Đó
là đường Mến Chúa yêu người.
II.SỐNG LỜI CHÚA
1.LỜI CHÚA : “Sau khi ăn miếng bánh, Giu-đa liền đi ra. Lúc đó trời đã
tối”(Ga 13,30).
2. CÂU CHUYỆN :
1) GIÁ TRỊ CỦA CHÚ LỪA :
Đối với nhiều người, hình ảnh con lừa không mấy hấp dẫn, vì lừa là một con
vật đần độn và ưa nặng. Tuy nhiên, trong một bài thơ, CHES-TER-TON đã nói về một
chú lừa ý thức thân phận của mình và đã tự nhủ như sau :
"Chắc hẳn tôi đã được sinh ra khi mảnh trăng nhuốm máu, khi cá lượn
trên không, lúc cây rừng im lặng và cây vả trổ gai. Ôi chiếc đầu kỳ quái,
tiếng kêu ghê tởm, đôi tai khác nào cặp cánh lạc loài và dáng đi kỳ cục nhất
trong các loài động vật bốn chân. Thế nhưng, tôi cũng có giờ của tôi chứ. Một
giờ thật oanh liệt và êm dịu, khi bên tai văng vẳng tiếng reo và ngành thiên tuế
chập chờn dưới bước chân tôi đấy". Và chú lừa đã thốt lên : "Quí vị cứ cười nhạo tôi đi, nhưng nên nhớ rằng tôi đã được chọn
trong tất cả thú vật trần gian, để cõng trên mình Đấng Cứu Độ nhân loại".
Mặc dù chúng ta thường nhạo báng con lừa, nhưng Kinh Thánh lại nhiều lần
ngợi khen chúng : Lừa là một giống vật hiền hoà, khác hẳn
với loài ngựa háo thắng và chuyên dùng để đi chinh chiến. Ngôn sứ Gia-ca-ri-a đã tiên
báo về Đấng Mê-si-a (Thiên Sai) sẽ cưỡi trên lưng lừa khải hoàn vào thành
Giê-ru-sa-lem. Trong Lễ Lá hôm nay Đức Giê-su đã thực hiện lời
tiên báo ấy để chứng minh Người chính là Đấng Thiên Sai với sứ mạng cứu độ nhân
loại.
2) DƯỚI CHÂN THẬP GIÁ CỦA CHÚA GIÊ-SU :
Một trong những nhà danh họa nổi tiếng nhất người Hoà Lan là REM-BRANDT, sống
vào thế kỷ 17, đã vẽ bức tranh "ba thập giá" diễn tả về cuộc thương
khó của Chúa Giê-su.
Nhìn vào tác phẩm, mọi người đêu bị thu hút chú ý vào trung tâm bức tranh:
giữa thập giá của hai tên bất lương, nổi bật lên thập giá của Chúa Giê-su. Dưới
chân thập giá Chúa là cả một đám đông mà gương mặt người nào cũng đằng đằng sát
khí... Qua đó Rem-brandt muốn khẳng định rằng : Tất cả mọi người đều hiện diện góp phần vào tội đã đóng đinh Chúa
Giê-su vào thập giá.
Nhìn kỹ vào đám đông này, người ta thấy nổi lên một gương mặt mà các nhà
chuyên môn đều khẳng định đó là khuôn mặt của nhà danh hoạ Rem-brandt, tác giả
của bức tranh.
Tại sao giữa đám đông của những kẻ đằng đằng sát khí, Rem-brandt lại cố
tình vẽ chen vào khuôn mặt của mình ? Lời giải thích hợp lý duy nhất đó là ý
thức về tội lỗi. Rem-brandt muốn thú nhận rằng : chính tội lỗi của ông hôm nay đã góp phần vào việc đóng đinh Chúa Giê-su
lên cây thập giá xưa kia. Qua đó, tác giả muốn nhắn nhủ : mọi người đều phải hồi tâm sám hối tội lỗi...
3) MỘT CUỘC SĂN ĐÊM :
Tuần báo THIS WEEK đã đăng bài giới thiệu với độc giả một vườn
bách thú nổi tiếng tên là Nai Hăng Tinh (Night Hunting)- “Cuộc săn đêm”.
Đây là một vườn bách thú duy nhất trên thế giới mở cửa vào mỗi
buổi tối từ 19g30 đến 24g00. Vườn tọa lạc trên một khu đất rộng
khoảng 40 mẫu tây. Vườn bách thú này hiện có trên 1000 con thú thuộc
100 chủng loại khác nhau,. Chúng đến từ khắp các quốc gia trên thế
giới. Trong số này có khoảng 40 con thuộc lọai thú quý hiếm. Mỗi đêm
có khỏang 3000 du khách đến tham quan cảnh sống của các thú vật về
đêm. Dưới ánh sáng mờ ảo, thú vật xem ra đang chìm đắm trong giấc
ngủ thư thái và bình an.
Tuy nhiên ông giám đốc vườn bách thú lại cho biết suy nghĩ của
ông như sau : “Một trong những điều đáng lo
ngại của chúng tôi là hành động nghịch phá của một số du khách. Chẳng
hạn : Một số người thì đập mạnh vào chuồng của thú dữ, số khác
thì la lối om sòm phá tan sự thinh lặng cần cho việc thưởng lãm vẻ
đẹp tự nhiên”. Và tờ báo bình luận bằng một câu đáng cho chúng ta suy
nghĩ, và cũng phù hợp với tâm tình người tín hữu phải có trong Tuần
Thánh này : “Bóng đêm làm cho nhiều loài thú
hoang thiếp ngủ, nhưng lại làm cho thú tính trong lòng một số người
thức dậy !”.
4) GIỚI HẠN CỦA TÌNH CẢM NGƯỜI ĐỜI :
Một anh học
trò đến gặp vị đạo sĩ ngỏ ý muốn đi tu, nhưng lại không nỡ rời xa những người
thân trong gia đình. Anh nói với vị đạo sĩ : “Vợ con tôi rất thương yêu tôi và
không thể sống thiếu tôi, nên chắc họ sẽ không cho tôi thoát tục đâu”.
Vị đạo sĩ
muốn anh học trò biết sự thật tình yêu của người đời, nên dạy anh kỹ thuật giả
chết và bảo anh hãy áp dụng khi về nhà. Anh đã giả chết nằm trong quan tài,
nhưng vẫn nghe được tiếng khóc thương của vợ con. Hôm sau, vị đạo sĩ đến nhà phân
ưu. Ông nghiêm nghị bảo vợ con anh học trò : “Tôi có bí quyết cứu sống được anh
ta, với điều kiện có ai trong gia đình sẵn sàng hy sinh chịu chết thay anh”.
Anh chàng
giả chết rất ngạc nhiên khi nghe các người thân đều lần lượt từ chối. Cuối cùng
bà vợ nghĩa thiết của anh đã tóm kết ý chung của gia đình như sau : “Tôi nghĩ
không ai trong gia đình chúng tôi bằng lòng chết thay cho chồng tôi đâu. Hãy cứ
để cho ông ta chết luôn đi. Không có ông ta, chúng tôi vẫn sống được mà !”.
Tham sống sợ chết là lẽ thường tình của con người. Cho dù
có những người yêu thương nhau và từng thề thốt sẵn sàng chịu chết cho nhau. Nhưng
khi đối diện cái chết, họ lại tìm đủ lý do để hủy bỏ lời đã thề hứa trước đó.
3. THẢO LUẬN : Trong những ngày mùa Chay
này, mỗi người chúng ta nên làm những việc cụ thể nào để xua trừ
bóng tối tội lỗi ra khỏi con người chúng ta ?
4. SUY NIỆM :
Khi suy niệm cuộc khổ nạn, mỗi người chúng ta sẽ nhận ra con người thật của mình qua từng nhân vật
then chốt để quyết tâm đổi mới đời sống như sau :
1) XÉT MÌNH QUA CÁC NHÂN VẬT TRONG CUỘC KHỔ NẠN ĐỨC GIÊ-SU :
- Si-mon phê-rô : môn đệ hèn yếu :
PHÊ-RÔ, một người luôn tự hào về tình yêu mãnh liệt dành
cho Thầy, nhưng rồi lại tỏ ra hèn nhát khi chối Thầy trước
các tôi tớ giúp việc cho thượng tế (x. Lc 22,56-60). Nhưng chính ánh mắt
yêu thương của Đức Giê-su nhìn ông sau tiếng gà gáy khiến ông nhớ
lại lời Thầy tiên báo trước đó: “Hôm nay, gà chưa kịp gáy, thì anh đã chối Thầy
ba lần”, và ông đã ra ngoài khóc lóc thảm thiết (Lc 22,61-62).
Ngày hôm nay vẫn không thiếu những tiếng gà cảnh
báo và ánh mắt yêu thương của Chúa trong cuộc đời chúng
ta. Nhưng liệu chúng ta có tỉnh ngộ và cấp thời hồi tâm sám hối như ông Phê-rô
hay không?
- Giu-đa : môn đồ phản bội :
GIU-ĐA, một người được Chúa chọn vào Nhóm 12, được
yêu thương và trao nhiệm vụ quản lý tiền bạc để phục vụ cộng đoàn. Ông luôn được theo sát bên Thầy,
được chứng kiến bao phép lạ Thầy làm, nghe bao lời Thầy giảng dạy. Nhưng
tất cả những điều tốt đẹp này đã vỡ tan như bèo bọt khi Giu-đa chọn đi
theo thế gian và tiền tài vật chất, nên đã bán nộp Thầy với giá bán một người nô lệ. Ông ta còn tình nguyện dẫn dân quân Đền Thờ đi để chỉ điểm cho chúng bắt Thầy bằng cái hôn yêu thương.
Chúng ta hôm nay cũng đã hành xử như Giu-đa khi vẫn giữ đạo hình thức kinh
lễ, vẫn làm việc tông đồ bề ngoài… nhưng lại có lối sống dễ dãi, sa đà vào các
thói hư như ăn nhậu say sỉn, quậy làng phá xóm, cờ bạc đỏ đen hoặc buôn gian
bán lận !
- Phi-la-tô : quan tổng trấn vô trách nhiệm :
Tuy nắm quyền lực trong tay, nhưng quan PHI-LA-TÔ vẫn bị sự sợ hãi
làm lu mờ lương tri khi xét xử một người vô tội là Đức Giê-su: Nỗi lo bị dân chúng nổi
loạn, sợ bị mất chức mất quyền đang chiếm hữu, nên không làm chủ
được quyết định của mình trước áp lực của đám đông đang
gào thét. Phi-la-tô không đủ bản lãnh để quyết định
theo lương tâm là tha cho Đức Giê-su mà ông biết rõ là người vô tội.
Ngày hôm nay có lẽ mỗi người chúng ta nhiều lần cũng đã hành xử hèn nhát
và vô trách nhiệm giống như Phi-la-tô khi chúng ta không dám lên tiếng bênh vực
công lý, không dám đứng ra che chở cho người thân cô thế cô, đang bị những thế
lực gian ác hè nhau hãm hại …
- Hê-rô-đê : ông vua xảo quyệt :
Có lẽ chúng ta cũng nhiều lần đã hành xử giống vua HÊ-RÔ-ĐÊ xưa, đã bị Đức Giê-su gọi là “tên cáo già”, do có lối hành xử quỷ quyệt gian ác và bất
công của ông (x. Lc 13,31-33). Trong cuộc xử án Đức Giê-su, vua Hê-rô-đê cũng về
Giê-ru-sa-lem dự lễ Vượt Qua. Bấy giờ quan Phi-la-tô đang xử án Đức Giê-su, nghe biết Người thuộc
xứ Ga-li-lê của vua Hê-rô-đê, nên quan cho điệu Người tới dinh vua Hê-rô-đê để nhờ ông này xét xử. Hê-rô-đê rất háo hức muốn
gặp được Đức Giê-su để xem Người thi thố tài năng giống như xem trò ảo thuật (x. Lc
23,8-9). Nhưng Đức Giê-su đã giữ im lặng không trả lời các câu hỏi khiến vua
Hê-rô-đê tức giận truyền mặc áo trắng cho Người, coi Người như một kẻ khờ dại mất
trí, rồi trả Người lại cho quan Phi-la-tô tiếp tục xử án (x. Lc 23,9-11).
Ngày hôm nay có lẽ nhiều lần chúng ta đi theo Chúa để được Người thỏa mãn
các yêu cầu theo sở thích của ta. Khi không được như ý, nhiều người trong chúng
ta cũng bị mất đức tin và chạy theo trò bói toán đồng cốt và các hành vi mê tín
khác… Hãy xin Chúa ban cho chúng ta bỏ con đường gian ác tội lỗi
theo thói thế gian, khi chiều theo sự yếu đuối xác thịt và các
cám dỗ của ma quỷ. Xin cho chúng ta luôn theo con đường hẹp, leo dốc là đường mến
Chúa yêu người, khiêm tốn phục vụ của Đức Giê-su, Đấng “là Đường, là Sự Thật và
là Sự Sống” (Ga 14,6). Đây là con đường duy nhất dẫn đưa chúng ta lên trời gặp
được Thiên Chúa là Cha.
2) CHÚNG TA PHẢI LÀM GÌ ?
- Năng tỉnh thức và cầu nguyện :
Chúa Giê-su
đã kêu gọi các môn đệ “Anh em hãy canh thức và cầu nguyện để khỏi lâm vào
cơn cám dỗ. Vì tinh thần thì hăng hái, nhưng thể xác lại yếu đuối” (Mt 26,41).
Tỉnh thức và cầu nguyện đồng nghĩa với bước đi trong ánh sáng của
Chúa Giê-su như Mặt Trời Công Chính. Ánh sáng đó chính là Lời Chúa.
Chỉ có Chúa Giê-su mới “là con đường, là sự thật và là sự sống”
(Ga 14,6). Bước đi trong ánh sáng của Người, vâng nghe Lời Người, chắc
chắn chúng ta sẽ không bị lạc đường, sẽ chiến thắng được các cơn cám dỗ
của ma quỷ và đạt tới quê trời đời sau.
- Kết hiệp với Chúa Giê-su tử nạn
và phục sinh :
Chấp nhận đi
theo Chúa Giê-su trên đường thánh giá là chúng ta sẵn sàng đón nhận mọi nỗi đau
khổ do bệnh tật cũng như các tai nạn và những điều trái ý gặp phải trong cuộc
sống, liên kết với sự đau khổ của Chúa Giê-su trong cuộc khổ nạn. Hãy năng cầu
nguyện với Thiên Chúa noi gương Đức Giê-su trước cuộc khổ nạn đã thưa với Cha : "Lạy
Cha, nếu Cha muốn, xin tha cho con khỏi uống chén này. Tuy vậy, xin đừng làm
theo ý con, mà xin theo ý Cha” (Lc 22,42). Nếu chúng ta cùng chết với Đức Giê-su, chúng ta sẽ cùng được
sống lại với Người.
- Ăn năn sám hối các tội phạm đến Chúa và tha nhân :
Trước bao lăng nhục, nhạo cười, phỉ
nhổ trút lên mình Chúa Giê-su, chúng ta là con cái Thiên Chúa, là môn đệ Chúa
Giê-su, có an ủi Người không, hay lại đồng lõa vào hùa với đám đông vô tín để
lăng nhục và đòi đóng đinh Người ?
Biết bao lần chúng ta đã vô tình hùa
theo người vô tín để phỉ nhổ Chúa Giê-su qua hành động những điều xấu xa ô nhục
khiến khuôn mặt của Giáo Hội Chúa Giê-su trở nên lem luốc thảm hại.
Biết bao lần chúng ta đã quất những
lằn roi đau đớn vào thân mình Chúa Giê-su khi chúng ta vô tình hay cố ý gây đau
khổ thương tích cho người khác.
Biết bao lần chúng ta đã thọc lưỡi
đòng vào cạnh sườn Chưa khi đua đòi chạy theo lối sống xa hoa, ăn nhậu say sưa,
bỏ rơi bao bệnh nhân đau khổ ở gần ngay bên.
- Quyết tâm sống giới răn yêu thương cụ thể :
Trong những ngày này, chúng ta hãy
sẵn sàng giúp đỡ một người gặp hoàn cảnh khó khăn hoặc
đang bị đau khổ để họ lấy lại niềm vui và
hy vọng. Hãy nhìn những
người đau khổ bệnh tật không người chăm sóc như hình ảnh của Chúa Giê-su xưa đã bị bỏ rơi trên
cây thập gía, và hãy nhiệt tình phục vụ họ như phục vụ
chính Chúa. Nhờ đó chúng ta
cũng sẽ được tham phần hạnh phúc với Người trên Nước Trời đời sau (x Mt 25,40).
5. NGUYỆN CẦU :
LẠY CHÚA GIÊ-SU,
Vì Chúa đã lập phép Thánh Thể để làm của ăn nuôi dưỡng chúng
con, xin cho những người nghèo luôn có cơm ăn áo mặc hằng ngày.
Vì Chúa đã chịu xao xuyến trong vườn Cây Dầu, xin cho chúng con đủ sức đương đầu với những đau khổ khó khăn gặp phải trong cuộc sống.
Vì Chúa đã bị kết án bất công, xin cho chúng con can đảm để sẵn sàng lên tiếng
bênh vực công lý.
Vì Chúa đã bị kẻ gian ác xỉ nhục nhạo cười, xin cho chúng con sẵn
lòng chịu mọi sự xỉ nhục vì đức tin.
Vì Chúa đã chịu vác thập giá nặng nề, xin cho những ai đang bị đau khổ trên giường bệnh, cũng nhận được ơn nâng đỡ ủi an của Chúa.
Vì Chúa đã bị lột áo và bị đóng đinh vào thập giá, xin cho sự
hiền hòa nhân ái luôn chiến thắng bạo lực hung tàn.
Vì Chúa đã giang tay chịu chết trên thập giá, xin cho các đôi vợ
chồng đang xa lìa nhau được nối lại tình yêu ban đầu.
Vì Chúa đã phục sinh vinh quang, xin cho chúng con cũng được cùng Chúa
qua đau khổ thập giá vào trong vinh quang phục sinh.
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON
LM ĐAN VINH – HHTM