LỄ KÍNH MÌNH MÁU THÁNH CHÚA

Chúa Giê-su, vị Thượng Tế Tối Cao, ban cho ta Mình Máu Người làm lương thực thiêng liêng

Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa  (St 14:18-20;  1 Cr 11:23-26;  Lc 9:11b-17)

        Phụng vụ Lời Chúa hôm nay trình bày Chúa Giê-su qua ba hình ảnh sống động:  tư tế Men-ki-xê-đê, Chúa Giê-su, vị Thượng Tế Tối Cao, thiết lập Bí Tích Thánh Thể, và Chúa làm phép lạ hóa năm cái bánh và hai con cá ra nhiều để nuôi dân chúng.  Để dẫn chúng ta đến tâm điểm của đề tài là Chúa Giê-su ban cho ta Mình và Máu Thánh Người làm lương thực thiêng liêng (bài đọc 2), trước hết bài đọc 1 kể lại việc làm của tư tế Men-ki-xê-đê là mang bánh và rượu ra để chúc lành cho ông Áp-ram khi ông này thắng trận trở về.  Tác giả Thánh Vịnh 110 và tác giả thư Do-thái đều nhận thấy nơi ông Men-ki-xê-đê hình bóng của Chúa Ki-tô, vị Thượng Tế đích thực duy nhất.  Tiếp đến là phép lạ Chúa hóa bánh và cá ra nhiều để nuôi hơn năm ngàn người cũng là hình bóng của Thánh Thể để nuôi dưỡng linh hồn chúng ta.

 

        1.  Tư tế Men-ki-xê-đê là hình bóng ám chỉ Chúa Giê-su là vị Thượng Tế Tối Cao  (bài đọc 1:  Sáng Thế 14:18-20). 

        Sách Sáng Thế giới thiệu với chúng ta về ông Men-ki-xê-đê vỏn vẹn với ba câu 18, 19 và 20 của chương 14.  Về xuất xứ:  ông là vua thành Sa-lem và là tư tế của Thiên Chúa Tối Cao.  Việc làm của ông:  ông mang bánh và rượu ra mừng ông Áp-ram thắng trận trở về và chúc phúc cho ông Áp-ram.  Đáp lại, ông Áp-ram biếu ông Men-ki-xê-đê một phần mười chiến lợi phẩm.

        Quả thực ông Men-ki-xê-đê là một nhân vật lạ lùng.  Dân Ít-ra-en không có ai vừa làm vua vừa làm tư tế giống như ông Men-ki-xê-đê.  Giữa ông Men-ki-xê-đê và ông Áp-ram dường như không có mối tương quan nào. Nhưng ông Men-ki-xê-đê đã nhận biết Thiên Chúa là Đấng kêu gọi ông Áp-ram và nhờ thế chính ông cũng nhận biết ông Áp-ram nữa.  Cả hai người đều là những người được Thiên Chúa kêu gọi, nên họ có thể nhận ra mình là bạn hữu với nhau.  Cũng thế, Chúa Giê-su và chúng ta đều được Thiên Chúa kêu gọi:  Chúa Giê-su được Thiên Chúa kêu gọi để thực hiện kế hoạch cứu độ, còn chúng ta được Thiên Chúa kêu gọi hãy đáp lại tình yêu cứu độ và hãy tin vào Con Một của Người.  Nhờ thế, Chúa Giê-su đã trở thành “Trưởng Tử giữa một đàn em đông đúc” (Rô-ma 8:29).  Ngoài ra, việc ông Men-ki-xê-đê chúc phúc cho ông Áp-ram đã khiến chúng ta nghĩ đến Chúa Giê-su Ki-tô, Đấng Trung gian trước mặt Thiên Chúa để xin Người ban phúc lành cho chúng ta.  Chúng ta có thể tưởng tượng hình ảnh ông Áp-ram cúi mình trước ông Men-ki-xê-đê để lãnh nhận lời chúc phúc của vị tư tế.  Ông Men-ki-xê-đê mang bánh và rượu ra trước mặt ông Áp-ram và đọc lời chúc phúc trên ông.  Cũng vậy, trong bữa Tiệc Ly, trước mặt các Tông Đồ, Chúa Giê-su cầm lấy bánh và chén rượu, dâng lời tạ ơn và nói “Đây là Mình Thầy”, “Chén này là Giao Ước Mới, lập bằng Máu Thầy”, rồi Người chúc phúc cho các ông:  “Anh em hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy”.  Giờ đây trong Thánh lễ, Chúa Giê-su vẫn tiếp tục biến bánh và rượu trở nên Mình Máu Người để chúng ta được ăn và uống mà “tưởng nhớ đến Thầy”.  Tưởng nhớ đến Thầy là cách nói ám chỉ việc làm tăng thêm sự liên kết mật thiết mỗi ngày một hơn giữa chúng ta với Chúa Giê-su.

 

        2.  Phép lạ hóa năm cái bánh và hai con cá ra nhiều là hình bóng của Bí Tích Thánh Thể  (bài Tin Mừng:  Lu-ca 9:11b-17).

        Chúa Giê-su thực hiện rất nhiều phép lạ, nhưng hầu hết phép lạ chỉ mang lại hiệu quả cho một cá nhân, thí dụ một người mắc bệnh được chữa lành hoặc một kẻ chết được Người cho sống lại.  Còn phép lạ hóa bánh ra nhiều có hiệu quả trên cả một đám đông dân chúng đang đói gồm khoảng năm ngàn đàn ông, chưa kể đàn bà và trẻ em.  Đặc biệt phép lạ hóa bánh ra nhiều được cả bốn sách Tin Mừng kể lại, một điều hiếm thấy.  Điều ấy cho thấy tầm quan trọng của phép lạ là chứng tỏ rõ ràng nhất quyền năng của Chúa Giê-su.  Có thể phép lạ còn quan trọng vì nó loan báo một biến cố vô cùng trọng đại, đó là việc Chúa Giê-su thiết lập Bí Tích Thánh Thể.

        Trước hết Chúa Giê-su ý thức trách nhiệm của Người đối với đám đông dân chúng giữa nơi hoang vắng.  Người thấy mình phải làm điều gì đó ngay trước mắt để giúp đỡ họ.  Họ đang đói và cần lương thực.  Nhưng trước khi làm phép lạ, Chúa Giê-su cũng muốn dùng cơ hội này để dạy các Tông Đồ của Người ý thức tinh thần trách nhiệm.  Người thách thức họ:  “Chính anh em hãy cho họ ăn”.  Chúa giúp họ nhận ra khả năng giới hạn của họ.  Cho dù họ có đủ tiền, nhưng đi đâu mua được lương thực giữa sa mạc cho một đám đông khổng lồ như thế này?  Chúa dạy họ bài học:  dù công việc ở ngoài tầm tay chúng ta, nhưng chúng ta vẫn còn niềm tin tưởng và trông cậy vào Thiên Chúa.  Về phía Thiên Chúa, Người cũng có thể sử dụng những gì chúng ta có rất ít để thực hiện một việc vĩ đại!  Điều này cũng gặp thấy trong việc Chúa Giê-su thiết lập Bí Tích Thánh Thể:  chỉ một tấm Bánh, chỉ một Chén rượu, nhưng được chia sẻ để nuôi dưỡng tất cả những ai muốn đi tìm lương thực thiêng liêng cho linh hồn mình.  Giống như đám đông dân chúng đều ăn và ai nấy được no nê thì mọi người đến ăn Mình và uống Máu Chúa Giê-su cũng được no nê, no nê tình yêu và ân sủng của Thiên Chúa.

        Ở đây chúng ta lại thấy như xuất hiện hình ảnh tư tế Men-ki-xê-đê nơi Chúa Giê-su.  Không những Người ban cho chúng ta Mình và Máu Người, mà Người còn luôn dâng lời cầu xin Chúa Cha chúc phúc cho chúng ta là “đàn em đông đúc của Người”.  Rồi một ngày kia, khi chúng ta đã được sức mạnh của thần lương là Mình Máu Chúa bổ sức, thắng được ma quỷ và tội lỗi, giống như ông Áp-ram thắng trận trở về, khi ấy Chúa Giê-su sẽ dâng lời chúc tụng Chúa Cha thay cho chúng ta:  Chúc tụng Chúa Cha, Đấng đã trao vào tay anh chị em những thù địch của anh chị em!

 

        3.  “Mỗi lần anh em ăn Bánh và uống Chén này, là anh em loan truyền Chúa đã chịu chết”  (Bài đọc 2:  Cô-rin-tô 11:23-26).

        Sau khi truyền lại cho tín hữu Cô-rin-tô “điều tôi đã lãnh nhận từ nơi Chúa”, tức là việc Chúa Giê-su thiết lập Bí Tích Thánh Thể, thánh Phao-lô đã nhắc lại nguyên văn những lời Chúa Giê-su phán khi Người chuyển đổi bản thể từ bánh thành Mình Người và từ rượu thành Máu Người.  Cả hai lần, Chúa đều đưa ra cùng một lệnh truyền:  “Anh em hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy”.  Có lẽ tín hữu Cô-rin-tô và cả chúng ta hôm nay sẽ thắc mắc:  Vậy chúng tôi phải làm gì để “tưởng nhớ” đến Chúa?  Lập tức thánh Phao-lô cho chúng ta câu trả lời:  “Thật vậy, cho tới ngày Chúa đến, mỗi lần ăn Bánh  và uống Chén này, là anh em loan truyền Chúa đã chịu chết”.  Tại sao chúng ta lại loan truyền “Chúa đã chịu chết” mà không loan truyền bao nhiêu điều khác nữa của Chúa Giê-su?  ‘Cái chết của Chúa Ki-tô không cho phép chúng ta được yên ổn, không được nghỉ ngơi.  Hội Thánh tưởng niệm cái chết của Chúa, không phải để dừng chân lại trong quá khứ, nhưng là để khơi dậy, từng giây từng phút, từ hy lễ duy nhất đó, những nghị lực mới, nhằm mục đích phân định cũng như hòa giải, và để thức tỉnh nơi chúng ta lòng yêu mến, biết ơn’ (Trích phần Giải thích câu 26 thư I Côrintô, Kinh Thánh, Lời Chúa cho mọi người, Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ, Hà Nội 2012, trang 1986).  Đúng vậy, mỗi lần cử hành và lãnh nhận Thánh Thể, là chúng ta loan truyền Chúa đã chịu chết.  Chúa đã chịu chết vì yêu chúng ta và cứu chuộc chúng ta, nên bây giờ cho tới ngày tận thế, mỗi khi cử hành và lãnh nhận Thánh Thể là chúng ta tuyên dương và tôn vinh tình yêu cứu độ của Chúa và biểu lộ lòng biết ơn vì Chúa đã phó mình và đổ máu để cứu chuộc chúng ta.

 

Sống sứ điệp Lời Chúa

        Chúng ta là những người may mắn hơn đám đông dân chúng đã được chứng kiến phép lạ Chúa làm cho bánh và cá hóa ra nhiều, vì chúng ta còn được lãnh nhận chính Mình và Máu Chúa Ki-tô.  Ngày nay, chúng ta được cử hành hoặc tham dự Bí Tích Thánh Thể, được rước lấy Mình Máu Thánh Chúa là Tình Yêu Nhập Thể để làm lương thực thiêng liêng cho linh hồn.  Nhưng chúng ta đáp lại Tình Yêu ấy như thế nào?  Đám đông dân chúng và cả các môn đệ Chúa lúc ấy đã có phản ứng phấn khởi không thích hợp mấy, đó là khi họ được no nê và nhận thấy quyền năng của Chúa Giê-su thì họ muốn áp lực tôn Người lên làm vua.  Trước phản ứng bất lợi này, “Lập tức Đức Giê-su bắt các môn đệ xuống thuyền qua bờ bên kia về phía thành Bết-xai-đa trước, trong lúc Người giải tán đám đông” (Mác-cô 6:45).  Chúng ta hãy thành thực nhìn lại mình mỗi khi rước Mình Máu Chúa.  Có lẽ rước lễ trở thành một “thói quen” nên chúng ta chẳng cảm thấy “phấn khởi” khi Chúa đến?  Có lẽ chẳng mấy khi chúng ta “loan truyền Chúa đã chịu chết”, tức là nói cho người khác biết Thiên Chúa yêu thương chúng ta và “chịu chết” để cứu chuộc chúng ta?  Nhất là mỗi khi rước Chúa vào lòng, chúng ta có sống những giây phút yêu thương để phát huy mối tương quan với Chúa không?

Lm. Đa-minh Trần đình Nhi


Suy Niệm Lời Chúa Năm C