Lễ Kính Trọng Thể Mình Và Máu Chúa Giêsu – Ngày 19 tháng 6, 2022

Lm. Patrick Riviere

Các bài đọc: Gn 14:18–20 • Ps 110:1, 2, 3, 4 • 1 Cor 11:23–26 • Lk 9:11b–17    

bible.usccb.org/bible/readings/061922.cfm

Không ai muốn đói cả. Mỗi khi bạn đói, thân xác bạn sẽ nói với bạn rằng bạn đang thiếu thứ gì đó, đang hụt thứ gì đó và đang cần thứ gì đó để giải quyết cơn đói. Tự nhiên cảm giác thúc đẩy chúng ta hãy làm cho hết đói - tôi muốn ăn để hết đói. Tôi muốn cam đoan với bạn rằng hằng ngày hầu hết chúng ta đều cảm thấy đói - có lẽ giống như đám đông trong bài Tin Mừng hôm nay những người đã theo Chúa Giê-su vào một nơi hoang vắng. Tôi tin chắc họ đói lắm.

Nhưng tôi nghĩ tất cả chúng ta đều có thể đồng ý rằng mình còn cảm nhận một cơn đói quan trọng hơn cả cơn đói thể xác - đó là cơn đói thiêng liêng, một sự khao khát thiêng liêng muốn có một thứ gì hơn thế nữa. Chính cơn đói ấy tôi muốn nói đến trong ngày lễ hôm nay. Tôi tưởng tượng ít nhất một số người trong chúng ta đang có mặt trong Thánh lễ hôm nay cũng cơn đói ấy. Chúng ta nhận ra cuộc sống chúng ta đang mất thứ gì đó, đang có một sự thiếu vắng, và chúng ta đang tìm kiếm tại nơi nào đó – có lẽ là nơi duy nhất chúng ta biết   để lấp đầy khao khát đó. Tôi chắc chắn rằng đám đông dân chúng trong bài Tin Mừng hôm nay đã cảm nghiệm cơn đói thể xác khi ngày sắp tàn và không thể kiếm ở đâu ra lương thực nữa. Nhưng tôi cũng tưởng tượng họ đã cảm nghiệm một cơn đói thiêng liêng đã khiến họ ra đi đến giữa vùng hoang vắng để nghe một vị giảng thuyết nay đây mai đó, để chứng kiến những phép lạ chữa lành Người đã thực hiện. Họ đã muốn nhiều hơn nữa trong cuộc sống mình, và có thể, rất có thể, Người sẽ làm điều gì đó đối với các điều ước muốn của họ.

Cha Thomas Dubay, một tác giả tu đức học nổi tiếng, mô tả con người như một "cơn khát nhập thể", "một cơn khát trong thân xác." Ngài nói rằng chúng ta không thể làm gì khác ngoài việc tìm kiếm điều chúng ta đang khát, điều chúng ta đang đói, trong một nỗ lực nào đó để thỏa đáng ước muốn ấy. Đói khát là tốt – vì Thiên Chúa tạo dựng chúng ta như thế. Tuy nhiên, vấn đề không phải là chúng ta ước muốn quá nhiều; mà là chúng ta ước muốn quá ít. Chúng ta thu hẹp những ước muốn của mình lại đặt ra những điều càng khiến chúng ta khao khát hơn nữa. Con người như thế, vấn đề như thế, cảm giác lớn lao tiếp theo như thế đấy. Ngôn sứ I-sai-a chủ ý viết cho dân Israel và cả chúng ta nữa nếu chúng ta thành thật: “Tại sao các ngươi lại hao phí tiền bạc, tốn công lao và làm lụng vất vả mà chẳng làm cho chắc dạ no lòng?” (Is. 55:2) Tại sao chúng ta lại tìm cách thỏa mãn cơn đói hết lần này đến lần khác trên những con đường cụt, cứ mong lần này sẽ khác lần trước?

Vậy điều gì làm thỏa mãn được cơn đói đó? Chúng ta có thể nói cách khác về cơn đói ấy: đói hạnh phúc, đói ý nghĩa, đói mục đích, đói thành công. Nhưng trả lời cuối cùng cho câu hỏi ấy là Đấng tất cả những điều nói trên và còn hơn cả những gì chúng ta tưởng tượng được, chính là Thiên Chúa. Người là Đấng duy nhất có thể thỏa mãn “cơn khát nhập thể” mà tất cả chúng ta đang là. Những thứ khác có thể thỏa mãn cơn khát trong chốc lát, nhưng sẽ không bao giờ đủ. Chỉ có Người mới làm thỏa mãn mà thôi. Đó là những thứ Chúa Giê-su đem lại cho đám đông dân chúng đói khát kia – một thứ phong phú có lẽ người ta tưởng chẳng có gì cả.

Nhưng đó lại là điều Chúa ban cho chúng ta – một điều hơn cả những gì chúng ta có thể tưởng tượng. Như thánh Phaolô nói với chúng ta trong Bài đọc 2, như các sách Tin Mừng nói với chúng ta, như Giáo Hội đã làm ngay từ ban đầuChúa Giêsu đã hiến dâng chính thân mình cho chúng ta. “Đây là mình Ta, hiến tế vì anh em. Đây là Máu Ta, đã đổ ra vì anh em ” (Lc 22:19-20). Tại nơi đây, trong Thánh lễ này, chúng ta đến đối diện với Đấng duy nhất có thể thỏa mãn cơn đói khát của tâm hồn chúng ta. Thoạt nhìn, điều ấy có thể khiến ta thất vọngMình Máu Chúa trông giống như một miếng bánh và có lẽ như chẳng có tác dụng cụ thể nào đến cuộc sống của tôi. Trong bài Tin Mừng, ý nghĩ đầu tiên của các tông đồ là sử dụng các phương tiện loài người để giải quyết cơn đói của đám dân chúng. Nhưng Chúa Giê-su lại hành động theo một đường hướng khác. Chúa mời gọi chúng ta đừng sửa chữa nhưng hãy tin tưởng. Ngài mời gọi chúng ta hãy nhìn tất cả bằng con mắt đức tin và lắng nghe sự thật từ những lời Người nói cho chúng ta trong mỗi Thánh lễ: “Đây đích thực là Thịt của Ta, hiến tế vì anh em.” Người mời gọi chúng ta hãy cho Người một cơ hội để Người làm ước muốn trong lòng chúng ta được mãn nguyện. Đó là những gì Giáo hội đã thực hành và luôn trung thành tuân giữ ngay từ đầu với lời hứa ấy của Chúa Giê-su. Sự hiện diện của Bí tích Thánh Thể, Mình và Máu thật, là điều làm nên Giáo hội, là điều định nghĩa đức tin chúng ta và là điều sẽ tồn tại cho đến ngày tận thế.

Hiển nhiên niềm tin vào Bí tích Thánh Thể trong thế giới chúng ta không phải là niềm tin mạnh mẽ nhất. Giáo Hội Công Giáo Hoa Kỳ đang thực hiện những bước tiến lớn trong ba năm tới để hồi sinh đức tin đó không phải bằng cách phổ biến những lý luận hoặc những chứng chi tiết về Bí Tích Thánh Thể, mà bằng cách mời mọi người thực hiện một bước đức tin, để tin điều có thể kia, đó là Chúa có thể lấp đầy cơn đói ấy của tâm hồn bạn. Nếu chúng ta cho Người một cơ hội, Người sẽ không để chúng ta thất vọng. Vậy khi Người đến nơi đây hôm nay, bạn hãy để Người làm cho cơn đói của bạn được thỏa mãn.

 

Chuyển ngữ :JB. Đào Ngọc Điệp 

Nguồn: https://www.hprweb.com/

 


Suy Niệm Lời Chúa Năm C