LỄ ĐỨC MẸ LÀ MẸ THIÊN CHÚA

Được sai tới để làm con của một người phụ nữ

 

Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa  (Ds 6:22-27;  Gl 4:4-7;  Lc 2:16-21)

        Đã bao lần chúng ta đọc kinh Kính Mừng, nhất là khi lần hạt Mân Côi, nhưng có khi nào chúng ta dừng lại một chút sau những lời “Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời” để suy nghĩ về danh hiệu này của Đức Mẹ chưa?  Nếu chưa thì quả thực miệng đọc mà lòng chẳng suy!  Phụng vụ Lời Chúa hôm nay giúp chúng ta một số tư tưởng để chúng ta biết hơn về người Mẹ trên trời và yêu mến Người hơn.  Thiên Chúa hứa sẽ ban phúc lành cho ta nếu ta kêu cầu danh Người (bài đọc 1).  Cũng vậy, nếu ta kêu cầu thánh danh Mẹ Ma-ri-a, chắc chắn Mẹ sẽ chuyển cầu cùng Chúa cho chúng ta.  Danh hiệu “Thân Mẫu Chúa tôi” của Đức Mẹ không những đã được nghe từ miệng bà Ê-li-sa-bét, mà còn được thánh Phao-lô nhắc tới trong bài đọc 2 hôm nay:  “Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người phụ nữ”.  Tuy nhiên, dù địa vị là mẹ của Con Thiên Chúa, Mẹ Ma-ri-a vẫn một lòng khiêm nhường, ghi nhớ và suy nghĩ trong lòng việc Người sinh ra.

 

        1.  “Thánh Ma-ri-a, Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con”.  Tối ngày 11 tháng 10 năm 431, các tín hữu tại Ê-phê-xô có một cuộc rước đuốc long trọng để mừng kính Đức Ma-ri-a là Mẹ Thiên Chúa là tín điều vừa được các nghị phụ công bố trong Công đồng Ê-phê-xô.  Sau đó Thánh lễ kính danh hiệu Mẹ Thiên Chúa cũng được đưa vào lịch Phụng vụ.  Có lẽ để giúp chúng ta hiểu việc kêu cầu thánh danh Ma-ri-a, bài đọc 1 hôm nay nói đến việc kêu cầu danh Thiên Chúa trong việc chúc lành cho con cái Ít-ra-en thời Cựu Ước.  Qua ông Mô-sê, Thiên Chúa ban cho A-ha-ron và các con ông một công thức chúc lành, mở đầu bằng việc kêu cầu danh Thiên Chúa và tiếp theo là ba điều cầu xin Người ban cho Ít-ra-en:  “Được Chúa chúc lành và gìn giữ, được Chúa dủ lòng thương, và được bình an”.  Đúng vậy, trong cuộc sống chúng ta, được an toàn, được yêu thương và được bình an là những phúc lành chúng ta hằng ao ước có được.

        Đó là việc kêu cầu danh Thiên Chúa và chúc lành cho con cái Ít-ra-en. Tuy nhiên, chúng ta thắc mắc liệu có thể áp dụng công thức này vào việc kêu cầu danh thánh Đức Ma-ri-a không.  Chúng tôi thiết nghĩ là có thể chứ, vì chắc chắn Thiên Chúa không dành độc quyền cho việc kêu cầu danh Người, nhất là đối với Mẹ Ma-ri-a là Đấng chính Thiên Chúa đã chọn để làm Mẹ của Con Một Người.  Hơn nữa, trong kinh Kính Mừng, Giáo Hội đã để chúng ta kêu cầu danh Mẹ Ma-ri-a khi chúng ta đọc:  Thánh Ma-ri-a, Đức Mẹ Chúa Trời, hoặc khi chúng ta đọc Kinh cầu Đức Bà bằng các danh hiệu của Người, như:  Đức Mẹ chỉ bảo đàng lành, Đức Nữ có lòng khoan nhân, Đức Bà là tòa Đấng khôn ngoan, Nữ vương các thánh tử vì đạo… Tóm lại, Phụng vụ đưa ra một công thức kêu cầu danh Chúa là để chúng ta cũng theo công thức ấy mà kêu cầu danh thánh Ma-ri-a, xin Mẹ ban phúc lành cho chúng ta.

 

        2.  Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người phụ nữ.  Mặc dù trong bài đọc này thánh Phao-lô không trực tiếp nói đến danh hiệu Mẹ Thiên Chúa của Đức Ma-ri-a, nhưng việc ngài nêu lên chi tiết “sinh làm con một người phụ nữ” đã khẳng định Chúa Giê-su là con của Đức Ma-ri-a. Các Ki-tô hữu tiên khởi không ngần ngại gọi Mẹ Ma-ri-a là “Mẹ Thiên Chúa”.  Nếu Chúa Giê-su là Thiên Chúa và Mẹ Ma-ri-a là mẹ Người, thì đương nhiên Mẹ là Mẹ Thiên Chúa.  Điều gì chúng ta nói về cả hai bản tính Thiên Chúa và bản tính loài người của Đức Ki-tô là chúng ta nói về chính Đức Ki-tô, vì hai bản tính ấy đã được kết hiệp với nhau do Ngôi Lời rồi.  Phái lạc giáo cho rằng Mẹ Ma-ri-a chỉ là mẹ Chúa Giê-su theo bản tính loài người thôi.  Nhưng tại Công đồng Ê-phê-xô năm 431, Giáo Hội, dưới sự hướng dẫn của Đức Giáo Hoàng Celestine I và thánh Xi-ri-lô Alexandria, đã cho thấy rằng một người mẹ sinh ra một con người, chứ không sinh ra một bản tính.  Do đó, Mẹ Ma-ri-a sinh ra Chúa Giê-su là một con người có cả bản tính Thiên Chúa nữa, nên Mẹ là Mẹ Thiên Chúa.        

        Khi nói đến chi tiết “sinh làm con một người phụ nữ”, thánh Phao-lô ám chỉ đến vai trò của Mẹ Ma-ri-a trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa.  Mẹ Ma-ri-a đã được Thiên Chúa mời gọi tham dự vào kế hoạch khi sứ thần Gáp-riên truyền tin cho Mẹ:  "Thưa bà Ma-ri-a, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa.  Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su.  Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao”.   Theo kế hoạch ấy, Chúa Giê-su phải làm người và “sống dưới Lề Luật để chuộc những ai sống dưới Lề Luật”.  Thiên Chúa không sai Con Một đến thế gian như một vị thần từ trời ngự xuống, nhưng Người chọn đường lối của loài người, nghĩa là “sinh làm con một người phụ nữ”.  Chính nhờ đường lối mang lấy bản tính nhân loại để sống dưới Lề Luật, Chúa Giê-su mới cứu chuộc chúng ta là những người đang sống dưới Lề Luật, hầu mang lại cho chúng ta ơn được làm nghĩa tử của Thiên Chúa.

 

        3.  “Bà Ma-ri-a thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy và suy đi nghĩ lại trong lòng”.  Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại những gì xảy ra ngay sau khi Chúa Giê-su ra đời.  Các thiên thần báo tin cho những người chăn chiên đang có mặt tại cánh đồng Bê-lem và cho họ một dấu hiệu để họ tìm thấy Hài Nhi:  một hài nhi bọc trong tã và được đặt trong máng cỏ.  Rồi sau khi gặp được Chúa Giê-su, Mẹ Ma-ri-a và Thánh Giu-se, họ vội vàng ra đi và kể lại những điều họ đã mắt thấy tai nghe.  Thánh Lu-ca không quên ghi lại cảm nghĩ của Mẹ Ma-ri-a và của các người chăn chiên.  Những người chăn chiên thì ra về, “vừa đi vừa tôn vinh ca tụng Thiên Chúa”.  Còn Mẹ Ma-ri-a thì “hằng ghi nhớ” tất cả những gì đã xảy ra trong đêm Chúa giáng trần, rồi “suy đi nghĩ lại trong lòng”.  Tuy làm Mẹ Thiên Chúa, nhưng Mẹ không khoe khoang hoặc kiêu căng.  Trái lại Mẹ chỉ âm thầm giữ mọi sự trong tâm hồn.  Mẹ cũng không suy đi nghĩ lại trong đầu óc của Mẹ, nhưng trong lòng, trong tâm hồn mình.  Có thể chúng ta sẽ hỏi Mẹ giữ trong lòng để làm gì?  Để suy niệm, để ngưỡng mộ tình thương bao la của Thiên Chúa và để cảm tạ Người vì Người mở lượng từ bi hải hà cứu vớt nhân loại khỏi ách nô lệ của tội lỗi và ma quỷ. Do đó, việc suy đi nghĩ lại trong lòng chính là một hình thức cầu nguyện của Mẹ và cũng phải là phương pháp cầu nguyện của chúng ta nữa. 

 

Sống sứ điệp Lời Chúa

        Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, nhưng Đức Mẹ cũng là Mẹ tất cả chúng ta khi Mẹ đứng dưới chân Thánh giá và Chúa Giê-su gửi gấm Mẹ cho người môn đệ Chúa thương mến:  “Thưa Bà, đây là con của Bà”.  Người môn đệ Chúa thương mến ấy thay mặt cho toàn thể nhân loại chúng ta, nên chúng ta đều là con cái của Mẹ.  Như Thiên Chúa đã dạy dân Ít-ra-en hãy kêu cầu danh Chúa để Người ban phúc lành, thì Giáo Hội cũng dạy chúng ta hãy kêu cầu thánh danh Mẹ Ma-ri-a để xin Người chúc lành cho chúng ta.  Bà mẹ nào chẳng muốn con mình được nhiều phúc lành và bình an, huống chi là Mẹ Ma-ri-a của chúng ta?  Có lẽ chúng ta không quên kinh nguyện rất hay và ý nghĩa, đó là kinh “Hãy nhớ” (Memorare) chúng ta đã được học từ nhỏ.  “Lạy Thánh Nữ Đồng Trinh Maria là Mẹ rất nhân từ, xin hãy nhớ xưa nay chưa từng nghe có người nào chạy đến cùng Đức Mẹ, xin bầu chữa cứu giúp mà Đức Mẹ từ bỏ chẳng nhận lời.  Nhân vì sự ấy, con lấy lòng trông cậy than van chạy đến sấp mình dưới chân Đức Mẹ là Nữ Đồng Trinh trên hết các kẻ đồng trinh, xin Đức Mẹ đoái đến con là kẻ tội lỗi.  Lạy Mẹ là Mẹ Chúa Cứu Thế, xin chớ bỏ lời con kêu xin, một dủ lòng thương mà nhận lời con cùng.  A-men”.

 

Lm. Đa-minh Trần đình Nhi


Suy Niệm Lời Chúa Năm C