CHÚA NHẬT I MÙA CHAY

Cám dỗ về đức tin của Chúa Giê-su và của chúng ta

 

Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa  (Đnl 26:4-10;  Rm 10:8-13;  Lc 4:1-13)

        Bước vào mùa Chay là đồng hành với Chúa Giê-su để “được Thánh Thần dẫn đi trong hoang địa và chịu quỷ cám dỗ”.  Để đồng hành như vậy, chúng ta phải học xem Chúa Giê-su đã để Thánh Thần dẫn đi thế nào và Chúa đã làm gì để chiến thắng cám dỗ.  Bài Tin Mừng thuật lại ba cám dỗ khác nhau của ma quỷ thử thách Chúa Giê-su.  Tuy khác nhau, nhưng mục đích chung của cả ba cám dỗ ấy vẫn là nhằm lung lạc đức tin của Chúa Giê-su (và của chúng ta) vào Thiên Chúa.  Tuyên xưng đức tin vào Thiên Chúa là điều sách Đệ nhị luật đã mô tả trong nghi thức dân Ít-ra-en tiến dâng hoa quả đầu mùa cho Thiên Chúa để nói lên đức tin của họ vào Đấng đã cứu họ thoát khỏi tay người Ai-cập.  Trên đường vào Đất Hứa và cả sau này, đức tin của dân Chúa vẫn tiếp tục bị thử thách và họ luôn bị cám dỗ “bất trung” mà thờ lạy các thần ngoại thay vì phụng thờ Thiên Chúa.  Giờ đây, Chúa Giê-su, một hậu duệ của dân Chúa, cũng không thoát khỏi những cám dỗ về đức tin vào Thiên Chúa.  Cách Chúa Giê-su đã chiến thắng những cám dỗ về đức tin là sống chính Lời Chúa.  Chiến thắng của Chúa Giê-su bằng Lời Chúa đã gợi ý cho thánh Phao-lô khuyên nhủ chúng ta hãy tuyên xưng đức tin vào Đức Ki-tô, vì Người chính là “Lời Thiên Chúa ở gần bạn, ngay trên miệng, ngay trong lòng”.

 

        1.  Dân Ít-ra-en đã tuyên xưng đức tin vào Thiên Chúa, Đấng cứu thoát họ khỏi ách nô lệ Ai-cập.  Để hiểu rõ hơn cám dỗ về đức tin, chúng ta hãy xem dân Ít-ra-en đã tin vào Thiên Chúa như thế nào.  Bài trích sách Đệ nhị luật hôm nay là luật hướng dẫn dân Ít-ra-en thi hành nghi thức dâng tiến hoa quả đầu mùa cho Thiên Chúa.  Dân chúng xếp hoa quả đầu mùa vào trong giỏ rồi đem cho tư tế tại chức để ông này đặt trên bàn thờ Đức Chúa.  Đứng trước bàn thờ, người dân sẽ lên tiếng thưa với Đức Chúa.  Trước hết họ nhắc lại sự kiện lịch sử tổ tiên họ đã xuống Ai-cập để tránh nạn đói.  Tại Ai-cập, con cháu các ngài đã bị dân bản xứ ngược đãi và bắt làm nô lệ vô cùng cực khổ.  Trong lúc cùng cực, họ đã kêu cầu Đức Chúa và Người đã “dang cánh tay mạnh mẽ uy quyền thực hiện những dấu lạ điềm thiêng” để đưa dân Người ra khỏi Ai-cập.  Cuối cùng, Thiên Chúa đã đem họ vào Đất Hứa, nơi “tràn trề sữa và mật”.  Giờ đây, để tỏ lòng biết ơn và nói lên đức tin tuyệt đối của họ vào Đức Chúa, họ đặt lễ vật trước tôn nhan Đức Chúa và phủ phục thờ lạy Người.

        Đây thực sự là một nghi thức đơn giản, nhưng rất cảm động và là hành vi tuyên xưng đức tin vào Thiên Chúa.  Nếu so sánh Nghi thức tiến dâng hoa quả đầu mùa này với Kinh Tin Kính chúng ta đọc trong Thánh lễ, chúng ta sẽ thấy cả hai đều theo cùng một cấu trúc để nói lên đức tin của dân Ít-ra-en ngày xưa và đức tin của chúng ta ngày nay.  Bởi vì trong Kinh Tin Kính, chúng ta cũng nói lên tất cả những việc Thiên Chúa Ba Ngôi đã làm cho chúng ta, từ việc tạo dựng đến việc cứu độ chúng ta, để cuối cùng đưa chúng ta về kết hiệp với Người trong cuộc sống đời đời.  Lời tuyên xưng đức tin vào Đức Chúa của dân Ít-ra-en đã đặt trọng tâm vào hành động Thiên Chúa bày tỏ uy quyền để giải thoát dân Người khỏi ách nô lệ Ai-cập và đem họ vào Đất Hứa.  Cũng vậy, trong Kinh Tin Kính, chúng ta chú trọng đến công cuộc cứu độ của Thiên Chúa:  Chúa Cha hoạch định kế hoạch cứu độ là sai Con Một đến thế gian, rồi cử Thánh Thần tới tiếp tục công cuộc cứu độ ấy cho đến ngày tận thế.  Chúa Con đã chịu chết trên thập giá để chuộc tội cho nhân loại và cho họ được làm con cái Thiên Chúa, mở đầu cho một hành trình “nên hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện”.  Chúa Thánh Thần được sai đến để tiếp tục thánh hóa những người con cái Chúa đang khi họ sống trên trần gian này.

        Thiên Chúa đã giải thoát dân Ít-ra-en và trở nên Thiên Chúa của họ.  Nhưng trải qua lịch sử, rất nhiều lần dân riêng của Chúa đã không còn tin vào Chúa nữa, họ thay thế Chúa bằng những thần vô tri vô giác của dân ngoại.  Trước những thử thách này, Thiên Chúa không ngừng sai các vị ngôn sứ đến kêu gọi họ trở về với Người.  Như vậy, rõ ràng đức tin vào Thiên Chúa vẫn luôn bị thử thách.  Điều này cũng xảy ra cho Đức Giê-su, Con Một Thiên Chúa, Đấng xuống thế làm người và cư ngụ giữa chúng ta.

 

        2.  Chúa Giê-su bị cám dỗ về đức tin vào Thiên Chúa.  Trước khi thuật lại những cám dỗ Chúa Giê-su phải chịu, thánh sử Lu-ca ghi lại bối cảnh cuộc cám dỗ đã xảy ra.  Đầu tiên, thời gian xảy ra biến cố Chúa Giê-su chịu cám dỗ là sau khi Người đến sông Gio-đan để lãnh nhận phép rửa của ông Gio-an và cám dỗ kéo dài suốt bốn mươi ngay.  Tiếp đến là tình trạng tâm linh của Chúa Giê-su:  Người được đầy Thánh Thần và được Thánh Thần dẫn đi trong hoang địa.  Tuy nhiên chúng ta đừng quên là biến cố Chúa bị quỷ cám dỗ xảy ra khi Người bắt đầu sứ vụ của mình.  Nói khác đi, thi hành sứ vụ tức là Người đã chấp nhận một cuộc thử thách cam go sẽ kéo dài suốt đời cho đến lúc Người chết trên thập giá.  Bốn mươi ngày là con số tượng trưng cho cả một đời của một con người.  Hẳn chúng ta còn nhớ ngay trước khi lìa đời, Chúa Giê-su vẫn còn bị thử thách:  “Có giỏi thì xuống khỏi thập giá mà cứu mình đi!”(Mc 15:30).

        Bây giờ chúng ta hãy trở lại khung cảnh hoang địa để chứng kiến quỷ đã cám dỗ Chúa thế nào và Người đã chiến thắng cám dỗ ra sao.  Cám dỗ thứ nhất xảy ra khi Chúa Giê-su đói.  Đói là lẽ thường của con người, nhất là nhịn ăn trong nhiều ngày.  Xuống thế làm người phàm giống như tất cả chúng ta, Chúa Giê-su cũng “thấy đói” chứ!  Rồi nếu Người có muốn kiếm gì để ăn cũng là chuyện bình thường thôi.  Tuy nhiên cơn đói của Chúa Giê-su lại là một cơ hội để quỷ lợi dụng mà cám dỗ Người thi thố quyền năng Thiên Chúa.  Lấy quyền năng Thiên Chúa mà làm những việc ích lợi cho người khác thì đúng là sứ mệnh của Chúa Giê-su rồi.  Nhưng nếu Chúa dùng quyền năng ấy để làm điều ích kỷ và chỉ có lợi cho riêng mình thì sẽ là phản bội sứ mệnh và không theo kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa nữa.  Khi được sai đến trần gian, Chúa Giê-su tin vào Chúa Cha và tin vào sứ mệnh được trao ban.  Do đó, không làm theo ý của Chúa Cha tức là không còn tin vào Chúa Cha và còn phụ lòng tin của Chúa Cha đối với mình nữa.  Xác tín như vậy, Chúa Giê-su nói với tên quỷ:  “Đã có lời chép rằng:  Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh”.  Đúng vậy, đối với Chúa Giê-su, “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy, và hoàn tất công trình của Người” (Ga 4:34).  Lẽ sống của Chúa Giê-su là tin và thi hành thánh ý Chúa Cha, cho nên Người sống không chỉ nhờ cơm bánh là như vậy!

        Lấy cơn đói thể xác để cám dỗ Chúa Giê-su không thành công, quỷ quay sang cơn đói vinh hoa phú quý.  Nó đem Người lên nơi cao và cho Người thấy mọi vinh hoa lợi lộc của các nước.  Nó khuấy lên cơn đói bình thường này của con người và đưa ra một điều kiện thật đơn giản và dễ làm, là:  “Nếu ông bái lạy tôi, thì tất cả sẽ thuộc về ông”.  Chỉ đơn giản vậy thôi sao?  Bái lạy một cái là trở thành người giầu sang nhất và quyền lực nhất thế gian!  Tuy nhiên bái lạy không chỉ là một cử chỉ giản dị đâu.  Bái lạy có nghĩa là phục tùng, phải hoàn toàn theo ý của quỷ dữ và biến đổi đức tin vào Thiên Chúa thành đức tin vào tiền tài danh vọng.  Một lần nữa, khí giới Chúa dùng để chống lại cám dỗ vẫn là Lời Chúa.  Kinh Thánh dạy rằng:  “Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi”.  Không ai làm tôi hai chủ!  Đó là bí quyết sống của Chúa Giê-su và cũng là bí quyết để bảo vệ đức tin của Người vào Thiên Chúa.

        Lần thứ ba, quỷ thách thức Chúa thực hiện một hành động ngoạn mục để gây tiếng vang và được mọi người kính nể.  Nó bảo Chúa từ trên nóc Đền Thờ hãy nhảy xuống, lại còn trích dẫn Kinh Thánh để bênh vực cho hành động thách thức Thiên Chúa.  Đây là loại cám dỗ đi theo con đường tắt, con đường của ý riêng mình.  Mà con đường Chúa Giê-su đang đi là con đường thập giá để cứu độ nhân loại.  Con đường ấy là con đường “gieo trong nước mắt” để “mùa gặt mai sau khấp khởi mừng”, là con đường đi qua thập giá để tới vinh quang.  Làm theo lời quỷ dữ là “thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi”.  Trái lại, phải hoàn toàn tin vào đường lối của Thiên Chúa.

 

Sống sứ điệp Lời Chúa

        Chúng ta đã có dịp thấy dân Ít-ra-en tuyên xưng đức tin của họ vào Thiên Chúa khi họ kể lại việc Thiên Chúa đã “dang cánh tay mạnh mẽ uy quyền” cứu tổ tiên họ thoát ách nô lệ Ai-cập.  Chúng ta cũng được nghe tường thuật việc Chúa Giê-su đã chiến thắng những cám dỗ của quỷ dữ trong hoang địa để giữ vững đức tin vào Thiên Chúa Cha và trung thành với sứ mệnh cứu độ được trao phó.  Riêng thánh Phao-lô, ngài có một cái nhìn rất độc đáo về cám dỗ mà bất cứ Ki-tô hữu nào cũng phải chiến đấu để toàn thắng, đó là cám dỗ đức tin của chúng ta vào Chúa Giê-su Ki-tô.  Trước hết thánh tông đồ khẳng định Lời Thiên Chúa là chính Đức Giê-su Ki-tô Phục Sinh mà ngài và các tông đồ “rao giảng để khơi dậy đức tin”.  Nhưng đức tin nào đây?  Đó là nếu chúng ta tin rằng Thiên Chúa đã làm cho Đức Ki-tô sống lại từ cõi chết, thì chúng ta sẽ được cứu độ.  Mùa Chay là “thời Thiên Chúa thi ân, là ngày Thiên Chúa cứu độ”.  Vì thế, chúng ta hãy lợi dụng những ngày của mùa Chay để lãnh nhận ân sủng Chúa khi chúng ta làm những việc độc đáo của mùa Chay là cầu nguyện, ăn chay và làm việc bác ái.  Cám dỗ luôn tấn công chúng ta, cốt để làm cho chúng ta thất vọng và đánh mất niềm tin.  Tuy nhiên, thánh Phao-lô còn nhấn mạnh rằng “có tin thật trong lòng, mới được nên công chính;  có xưng ra ngoài miệng, mới được ơn cứu độ”.  Ngài muốn nhắn nhủ chúng ta rằng tin trong lòng chưa đủ, nhưng phải được thể hiện qua việc làm.  Chúa Giê-su đã biểu lộ đức tin của Người vào Thiên Chúa qua việc Người thi hành sứ vụ.  Vậy mùa Chay này, chúng ta sẽ làm gì để giúp đức tin của chúng ta vào Chúa Ki-tô được phát triển?  Nào, chúng ta hãy đồng hành với Chúa Giê-su trong hoang địa cuộc đời chúng ta và để cho Thánh Thần của Đức Ki-tô dẫn dắt chúng ta!

Lm. Đa-minh Trần đình Nhi

         


Suy Niệm Lời Chúa Năm C