Chúa
Biến Hình Để Biến Đổi Ta
Suy Niệm Chúa nhật II Mùa Chay
– C
(Lc 9,
28b-36)
Nếu như Chúa Nhật thư I Mùa Chay Giáo Hội
cho chúng ta nghe lại đoạn Tin Mừng Chúa Giêsu chịu Ma Quỷ cám dỗ thì Chúa nhật
thứ hai mùa Chay, Giáo hội cho chúng ta nghe đoạn Tin mừng về việc Đức Giêsu
biến hình cho cả 3 năm phụng vụ để khích lệ chúng ta bắt chước Chúa Giêsu chống
trả Tên Cám Dỗ, cởi bỏ con người cũ, thay hình đổi dạng, mặc lấy con người mới,
chết đi cho tội lỗi, sống cho Chúa, để qua cuộc biến đổi này mà trở thành một
tạo vật mới với ân sủng của Chúa và dưới tác động của Chúa Thánh Thần.
Abraham được Chúa biến đổi
Nhân loại cũ do Adong kể như đã hư mất vì
tội lỗi. Nhưng để biến đổi thành nhân loại mới, Thiên Chúa đã ký kết với
Abraham một giao ước dưới dạng một bản giao kèo theo tập tục các chiến binh
thời đó: được đóng ấn bằng việc xẻ thịt một bò cái tơ, một dê cái và một cừu
đực. Thiên Chúa nhận của lễ Abraham dưới hình dạng ngọn lửa thiêu. Theo giao
ước này, nếu Abraham nhận Thiên Chúa là Chúa của mình và tin vào Ngài, thì
Thiên Chúa sẽ ban cho ông hai điều: một dòng dõi đông đúc và một vùng đất rộng
rãi phì nhiêu. Abraham tin và tuân giữ nên ông được như Chúa hứa ban.
Biến đổi như Phaolô
Trong thư gửi tín hữu Philipphê, thánh
Phaolô đã từ thuật về sự biến đổi đời ngài khi gặp Đức Kitô Phục Sinh, đồng
thời mời gọi họ noi gương ngài biến đổi. Từ một kẻ hung ác bắt bớ Hội Thánh,
Phaolô được Chúa biến đổi thành tông đồ hăng say rao giảng Tin Mừng. Ngài
viết : “Anh em hãy bắt chước tôi,
và hãy để mắt nhìn coi những người ăn ở theo như mẫu mực anh em thấy nơi chúng
tôi” (Pl 3,17). Ngài than phiền khi thấy còn nhiều kẻ chưa biến đổi như
ngài, họ vẫn còn thờ cái bụng, thờ cái ô nhục của thế gian. Thánh Phaolô đã
khóc thương khóc cho số phận của họ, vì nếu họ không biến đổi thì số phận họ sẽ
hư vong là chắc. Thánh Phaolô khẳng định : “Quê hương chúng ta là quê trời,
nơi đó chúng ta mong đợi Đấng Cứu Chuộc là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta”
(Pl 3, 20). Ngài cầu nguyện cho họ nhận ra quê hương thật ở trên trời để họ
mong đợi Đức Giêsu Kitô đến biến đổi họ nên giống Người, sống khăng khít với
Người. Đó là niềm vui và vinh dự thực sự của họ và của thánh Phaolô.
Chúa biến hình để ta được biến đổi
Thánh sử Luca nhắc đến việc Chúa Giêsu đưa
ba ông lên núi cầu nguyện, và đang khi cầu nguyện bỗng có hai vị đàm đạo với
Người, là Môsê và Êlia. Việc Chúa Giêsu biến hình là mẫu gương cho mọi người
noi theo để cố gắng biến đổi con người cũ thành con người mới. Chúa biến hình,
loan báo trước Mầu Nhiệm Vượt Qua và mời gọi chúng ta mở rộng cặp mắt, con tim
để nhìn thấy mầu nhiệm Ánh Sáng của Thiên Chúa hiện diện trong toàn thể lịch sử
cứu rỗi. Mầu nhiệm Năm Sự Sáng, thứ Ba thì Ngắm, Đức Chúa Giêsu biến
hình trên núi, ta hãy xin cho được biến đổi nhờ Chúa Thánh Thần.
Chúa biến hình vinh quang sáng láng, để
chúng ta được biến đổi từ con người tối tăm tội lỗi nên con người tươi sáng
hoàn hảo; từ con người ích kỷ tham lam thành người sẵn sàng yêu thương hy sinh
và phục vụ mọi người ; từ con người kiêu căng tự đắc thành người khiêm nhu tin
tưởng và phó thác vào Chúa.
Trong lịch sử dân Chúa, chúng ta phải nhìn
nhận ơn Chúa biến đổi phận người. Cụ thể như Abraham người thành Ur thuộc
Mesopotamia đã từ bỏ ruộng vườn, nhà cửa đang ồn định để đi tìm sự vất vả,
sống thiếu thốn và khó khăn tiến về xứ Canaan. Trước mặt ông là giải sa mạc
mênh mông, nắng cháy da diết, cỏ cây úa vàng, giọt nước quí hơn kim cương. Ông
lùa đàn vật và dẫn gia nhân vào chốn vô định. Chúa đã biến đổi ông thành anh
hùng lập quốc, được chúc phúc.
Phaolô, từ kẻ kiêu căng cuồng tín biệt
phái, hung hăng bắt đạo, được biến đổi thành người Tông đồ Dân ngoại dễ mến dễ
thương.
Lịch sử Giáo hội còn ghi nhận nhiều cuộc
biến đổi khác. Có những vị từ gái giang hồ biến đổi thành thánh nhân, từ kẻ khô
khan đến người sốt mến, từ người tham lam, hà khắc trở thành người rộng lượng
và khoan nhân… Đó là những cuộc canh tân và biến hình đã, đang và còn tiếp tục
xẩy ra trong Giáo hội.
Lạy Chúa, xin thương giúp chúng con hiểu
được ý nghĩa của thập giá Chúa và ban ơn cho chúng con biết sống mầu nhiệm thập
giá Chúa trong cuộc đời, để được sống lại vinh quang với Ngài. Amen.
Lm. Antôn
Nguyễn Văn Độ