Chúa Nhật 2 Mùa Chay – Ngày 13 tháng 3, 2022

Lm. Joseph Briody

 

Các bài đọc: St 15: 5–12, 17–18 • Tv 27: 1, 7–8, 8–9, 13–14 • Pl 3: 17—4:1 or Pl 3: 20—4: 1 • Lc 9: 28b–36 

bible.usccb.org/bible/readings/031322.cfm

Khi cầu nguyện, chúng ta ngước mắt lên trời, giống như Áp-ra-ham trong bài đọc thứ nhất (St 15: 5); chúng ta ngước mắt nhìn lên rặng núi, “ơn phù hộ tôi đến tự nơi ấy” (Tv 121: 1); đến núi Tabor như trong Phúc âm hôm nay (Lc 9). Chúng ta lên núi Chúa. Chúng ta được biến đổi để chiếu tỏa vinh quang Thiên Chúa: “Xin tỏa ánh tôn nhan rạng ngời trên chúng con” (Tv 67: 2). Điều đó đã xảy ra với Môi-se, nên sau đó ông phải che mặt lại. Điều đó cũng xảy ra với Chúa Giêsu, để bản tính nhân loại của Người chiếu tỏa vinh quang Thiên Chúa. Điều đó cũng đang xảy ra với chúng ta.

Từ cầu nguyện chúng ta xuất hiện khác với trước đây. Chúng ta xuất hiện mạnh mẽ, được đổi mới và hồi phục – mặc dù chúng ta vẫn phải mang trên mình một gánh nặng. Sau cuộc Hiển Dung, Chúa Giêsu vẫn phải chịu nỗi thống khổ của Thập giá. Dù Người là Con Thiên Chúa, dù vinh quang phục sinh của Người thấp thoáng phía trước, nhưng Thánh giá vẫn còn nguyên đó. Cảm tạ Chúa về điều đó, vì chỉ nhờ cuộc Thương khó và sự chết của Người, chúng ta mới có thể đến với vinh quang của sự Phục sinh. Trong cầu nguyện có cả ánh sáng lẫn bóng tối, Thánh giá lẫn Phục sinh, nhưng  Chúa vẫn gần chúng ta trong cả hai.

 Thật là thú vị vì trong bài đọc thứ nhất (St 15: 5–18) Thiên Chúa gần gũi Áp-ra-ham nhất trong lúc mặt trời lặn và bóng tối bao phủ quanh ông: “Lúc mặt trời gần lặn, thì một giấc ngủ mê ập xuống trên ông Áp-ram ; một nỗi kinh hoàng, một bóng tối dày đặc bỗng ập xuống trên ông….. Khi mặt trời đã lặn và màn đêm bao phủ, thì bỗng có một lò nghi ngút khói và một ngọn đuốc cháy rực đi qua giữa các con vật đã bị xẻ đôi. Hôm đó, Đức Chúa lập giao ước với ông Áp-ram”. Điều thú vị trong Cựu Ước nơi linh thiêng nhất mà Thiên Chúa hiện diện lại là trong “bóng tối dày đặc” (1V 8: 12; Tv 97: 2; 18: 9).

Tuy nhiên trong Thiên Chúa, có ánh sáng giữa bóng tối. Trong Chúa, bóng tối trở nên ánh sáng. Giữa các thập giá của chúng ta, Thiên Chúa thường bảo đảm với chúng ta rằng Người hiện diện và hé lộ vinh quang của Người. Người dẫn chúng ta qua thung lũng đắng cay và biến nó thành dòng suối nước (Tv 84: 6).  Việc dẫn dắt này thường xảy ra nhờ một hành động ưu ái, một lời trong Kinh Thánh, một sự soi sáng, một bước mở đầu, hoặc nhờ sự bình an của Chúa bao bọc chúng ta và tuôn trào từ Bí Tích Thánh Thể. Chúng ta gặp Chúa Giêsu khi cầu nguyện trong thinh lặng giống như Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an đã thinh lặng khi chỉ còn lại một mình họ với Chúa Giêsu trên núi. Vẫn yên lặng như thế, ngay cả khi họ xuống núi. Họ chưa thể nói với ai về cảm nghiệm trên núi Tabor cho đến khi đúng lúc. Có thời để im lặng và có thời để nói năng (Gv 3: 7). Sẽ đến lúc phải lên tiếng – tức là khi truyền giáo – nhưng trước tiên hãy thinh lặng cùng với Chúa Giêsu. Từ cầu nguyện trên núi Tabor, chúng ta mang Tin Mừng Đức Kitô đến với thế giới. Cầu nguyện là nền tảng cho mọi nỗ lực rao gỉng Tin Mừng đâm hoa kết trái.

Ở đây qua ông Môi-se và ngôn sứ Ê-li-a, Cựu Ước cho thấy về Đức Kitô. Trong Phúc âm Lu-ca, Chúa Kitô chính là “Môi-se mới” đang dẫn dắt “Cuộc Xuất hành mới” khỏi ách nô lệ tội lỗi và sự chết. Đôi khi nỗi sợ hãi cái chết là ách nô lệ lớn nhất. Người ta nhận thấy rằng đằng sau mọi sợ hãi vẫn lởn vởn một nỗi lo lắng sâu xa hơn về cái chết. Chúa Giêsu là Tình Yêu tuyệt hảo xua đi nỗi sợ hãi (1 Ga 4: 18). Người cứu những ai đang làm nô lệ cho nỗi sợ hãi sự chết (Dt 2,15). Trong nhiệm thể của mình, Đức Kitô cho các chi thể của Người thấy số phận của họ. Người sẽ “biến đổi thân xác yếu hèn của chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của Người ” (Pl 3: 21). Nhưng con đường vinh quang là con đường Thập giá. Đây cũng cũng là một phần trong việc lắng nghe Người Con Yêu Dấu như Chúa Cha đã truyền dạy. Theo các bài đọc hôm nay, thập giá là điều không thể tránh khỏi. Phao-lô mô tả những kẻ để lòng tham lam, thờ cái bụngchỉ nghĩ đến những sự thế gian là “những kẻ đối nghịch với thập giá Đức Ki-tô” (Pl 3: 18-19).

Tuy nhiên trong Đức Kitô, vinh quang luôn ở phía trước. Cuộc Hiển Dung báo hiệu rằng Chúa Giêsu đã biến đổi sự chết. Sự chết thật khủng khiếp. Sự chết chẳng dễ dàng hay đẹp đẽ gì. Nhưng trong Đức Ki, sự chết là một điều hoàn toàn khác. Đó chính là vinh quang. Dietrich Bonhoeffer đã có lần chú giải về thực tại vinh quang đằng sau cái chết trong Đức Kitô: “Nếu sự chết không được đức tin biến đổi, nó sẽ là địa ngục, đêm đen và băng giá. Nhưng đó lại chính là điều kỳ diệu vì chúng ta có thể biến đổi sự chết”. Khi gần kề cái chết, Bonhoeffer vui vẻ và sáng suốt, vì khi bạn ôm lấy Thập giá thì bạn nhận ra rằng: “chẳng có gì trong đời làm người ta sợ hãi cả” (Eric Metaxas, Bonhoeffer, 531, 515). Cuộc Hiển Dung dạy chúng ta rằng khi chúng ta lắng nghe Con Yêu Dấu, khi chúng ta ôm lấy Thập Giá của Chúa, thì không còn phải sợ hãi gì.

 

Chuyển ngữ :JB. Đào Ngọc Điệp 

Nguồn: https://www.hprweb.com/

 

 

 

 


Suy Niệm Lời Chúa Năm C