CHÚA NHẬT II MÙA CHAY
Tin vào Đức Giê-su Ki-tô và vâng nghe lời Người
Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa (St 15:5-12, 17-18; Pl 3:17 – 4:1; Lc 9:28b-36)
Tuần trước,
Phụng vụ Lời Chúa đưa chúng ta đi theo Chúa Giê-su vào hoang địa để chịu ma quỷ
cám dỗ về đức tin vào Thiên Chúa. Hôm
nay, chủ đề đức tin lại được tiếp tục với đối tượng của đức tin là Chúa Giê-su
Ki-tô. Trong cuộc Hiển Dung, Chúa Giê-su
cùng hai ông Mô-sê và ngôn sứ Ê-li-a (thay mặt cho Lề Luật và các Ngôn sứ, tức
Cựu Ước) đàm đạo về cuộc Xuất hành Người sắp hoàn thành tại Giê-ru-sa-lem, nghĩa
là về cuộc Thương Khó Người sắp phải chịu.
Cuộc đàm đạo này đã làm sáng tỏ sứ mệnh của Chúa Giê-su là được Chúa Cha
sai đến trần gian và Người sẽ phải chịu chết để chuộc tội nhân loại. Hơn nữa, cuộc đàm đạo này cũng mời gọi chúng
ta hãy vâng nghe lời Chúa Giê-su mà thực hành những điều Người dạy dỗ. Bài đọc 1 đề cao đức tin của ông Áp-ram vào
Thiên Chúa và vì đức tin ấy, Thiên Chúa đã kể ông Áp-ram là người công
chính. Còn đối với Chúa Giê-su, vì tin
vào Thiên Chúa Cha nên Người đã trung thành hoàn tất sứ mệnh; về phần Chúa Cha, Người sai Con Một đến thế
gian và Người dạy chúng ta hãy vâng nghe lời Con Một Người để được trở nên công
chính, nghĩa là được hòa giải với Thiên Chúa và làm con cái Người. Muốn giúp tín hữu Phi-líp-phê (và cả chúng ta
nữa) thực hành đức tin vào Chúa Giê-su, thánh Phao-lô đã kêu gọi mọi người hãy
bỏ lối sống “đối nghịch với thập giá Đức Ki-tô”, tức lối sống thế gian, mà luôn
hướng lòng về quê hương đích thực trên trời.
1. Vì ông Áp-ram tin Thiên Chúa nên Người đã lập
giao ước với ông. Ông Áp-ram vốn
là cư dân giàu có thành Ua của người Can-đê. Thiên Chúa gọi ông rời nơi đó để đi tới một miền
đất mới và Người còn hứa ban cho ông một dòng dõi đông như sao trên trời. Ông đã tin lời Thiên Chúa hứa và ra đi. Tuy nhiên ông cũng xin Chúa một dấu chỉ để củng
cố đức tin của ông. Thiên Chúa dạy ông
đi kiếm những tế vật để dâng hiến Người, gồm có một con bò cái ba tuổi, một con
dê cái ba tuổi, một con cừu đực ba tuổi, một chim gáy và một bồ câu non. Ông làm theo lời Chúa dạy, xẻ đôi những con vật
và đặt nửa này đối diện với nửa kia, còn hai con chim thì ông không xẻ. Mãnh cầm sà xuống để ăn thịt các tế vật liền
bị ông Áp-ram xua đuổi đi. Lúc mặt trời
gần lặn, ông Áp-ram chìm vào một giấc ngủ mê và bóng tối dày đặc bao phủ
ông. Đây cũng chính là lúc Thiên Chúa hiện
diện, gần gũi ông nhất. Giữa màn đêm dày
đặc ấy, Thiên Chúa đã cho “một lò nghi ngút khói và một ngọn đuốc cháy rực”
thiêu rụi các tế vật ông Áp-ram đặt để dâng tiến Người. Tế vật được toàn thiêu là dấu chỉ làm chứng
cho lời Người đã hứa với ông Áp-ram. Khi
ông Áp-ram được chín mươi chín tuổi, Thiên Chúa lập giao ước với ông là phép cắt
bì: “Đây là giao ước của Ta mà các ngươi
phải giữ, giao ước giữa Ta với các ngươi, với dòng dõi ngươi sau này: mọi đàn ông con trai của các ngươi sẽ phải chịu
cắt bì” (St 17:10). Theo giao ước này,
Thiên Chúa sẽ ban cho Áp-ram một dòng dõi thật đông đảo; còn Áp-ram, để đổi lại, ông phải “bước đi trước
mặt” Thiên Chúa và “hãy sống hoàn hảo”.
Phép cắt bì là dấu chỉ ký kết giao ước về phía ông Áp-ram. Ông đã “cúi rạp xuống” trước tôn nhan Thiên
Chúa để biểu lộ đức tin vào Thiên Chúa và chấp nhận giao ước. Với giao ước này, ông Áp-ram đã trở thành con
người mới. Do đó có chuyện đổi tên. Từ nay trở đi, tên ông không còn là Áp-ram nữa,
nhưng là Áp-ra-ham. Áp-ram chỉ có nghĩa
là cha đáng kính, còn Áp-ra-ham nghĩa
là cha của đông đảo dân tộc. Ý nghĩa việc đổi tên cho thấy Thiên Chúa đã
cho ông Áp-ram khởi đầu một cuộc sống mới và thể hiện ý nghĩa của cái tên mới
này. Trong Ga 1:42, Chúa Giê-su cũng đã
đổi tên người đứng đầu Hội Thánh của Người:
“Anh là Si-môn, con ông Gio-an, anh sẽ được gọi là Kê-pha (tức là
Phê-rô)".
Ông
Áp-ra-ham được mệnh danh là “cha của đức tin”.
Trong thư gửi tín hữu Rô-ma, thánh Phao-lô nói nhiều về vai trò của đức
tin mà ông Áp-ra-ham đã có đối với Thiên Chúa.
Đức tin của ông bắt đầu triển nở khi ông bỏ quê cha đất tổ để theo tiếng
gọi của Thiên Chúa, ngay cả trước khi Thiên Chúa hứa ban cho ông một dòng dõi đông
đảo. Chúng ta hãy nghe thánh Phao-lô nói
về đức tin của ông Áp-ra-ham: “Mặc
dầu không còn gì để trông cậy, ông vẫn trông cậy và vững tin, do đó ông đã trở
thành tổ phụ nhiều dân tộc, như lời Thiên Chúa phán: Dòng dõi ngươi sẽ đông đảo
như thế. Ông đã gần một trăm tuổi, nhưng ông vẫn vững
tin không nao núng, khi nghĩ rằng thân xác ông cũng như dạ bà Xa-ra đều đã chết. Ông đã chẳng mất niềm tin, chẳng chút nghi ngờ
lời Thiên Chúa hứa; trái lại, nhờ niềm tin, ông đã nên vững mạnh và tôn vinh
Thiên Chúa, vì ông hoàn toàn xác tín rằng: điều gì Thiên
Chúa đã hứa thì Người cũng có đủ quyền năng thực hiện. Bởi thế, ông được kể là người công chính” (Rm 4:18-22).
Sau cùng hoa trái đức tin của ông Áp-ra-ham là gì? Đó là người con là I-xa-ác mà ông đã sinh ra nhờ
lòng tin vào Thiên Chúa và miền đất “từ sông Ai-cập đến Sông Cả, tức sông
Êu-phơ-rát” mà Thiên Chúa ban cho ông.
2. Nhờ tin vào Thiên Chúa Cha, Chúa Giê-su đã
xác tín và hoàn thành sứ mệnh cứu độ.
Biến cố Hiển Dung cần thiết để củng cố đức tin của các môn đệ. Nhưng trước hết, nó cần thiết đối với Chúa
Giê-su để một lần nữa Người xác tín về sứ mệnh của Người. Vậy làm sao để Chúa Giê-su xác tín đây? Đó là do sự xuất hiện của ông Mô-sê và ngôn sứ
Ê-li-a. Hai vị này đến với Chúa Giê-su để
các ngài “nói về cuộc Xuất hành Người sắp hoàn thành tại Giê-ru-sa-lem”. Cuộc Xuất hành của dân Ít-ra-en là việc Thiên
Chúa can thiệp để cứu dân Người khỏi ách nô lệ Ai-cập và hành trình tiến vào Đất
Hứa. Cuộc Xuất hành lịch sử ấy kéo dài bốn
mươi năm và Ít-ra-en phải trải qua nhiều gian khổ và phấn đấu trước khi vượt
qua sông Gio-đan mà vào Đất Hứa. Tương tự,
cuộc Xuất hành của Chúa Giê-su sẽ là cuộc Thương Khó Người sắp phải chịu tại
Giê-ru-sa-lem. Người sẽ phải “vượt qua”
cái chết để sống lại vinh hiển mà quy tụ tất cả những ai tin vào Người để trở
thành một Dân Mới của Thiên Chúa, tức là Hội Thánh Chúa Ki-tô. Lời Chúa trong Chúa Nhật trước đã cho chúng
ta thấy Chúa Giê-su chịu cám dỗ về đức tin vào Thiên Chúa Cha. Cám dỗ ấy càng mạnh mẽ hơn lúc nào hết khi
Chúa Giê-su nghĩ đến những gì Người phải chịu tại Giê-ru-sa-lem trong những
ngày sắp tới. Đã ba lần Người nói trước cho
các môn đệ biết về cuộc Xuất hành của Người tại Giê-ru-sa-lem. Lần nào cơn cám dỗ cũng len lỏi vào. Nào là ông Phê-rô can gián Chúa, nào là gương
xấu của các môn đệ tranh giành nhau địa vị và nào là cám dỗ chỉ muốn được phục
vụ thay vì phục vụ tha nhân. Tuy nhiên ở
trên núi Tabor, Chúa Giê-su đã cầu nguyện.
“Đang lúc Người cầu nguyện, dung mạo Người bỗng đổi khác, y phục Người
trở nên trắng tinh chói lòa”. Cầu nguyện
đã giúp cho Chúa Giê-su duy trì lý tưởng kiên định thực thi thánh ý Chúa
Cha. Lòng tin vào Chúa Cha và kế hoạch cứu
độ khác nào “y phục trắng tinh chói lòa”.
Bên cạnh lòng tin sáng ngời vào Chúa Cha, còn có lòng tin vào Kinh Thánh
qua việc hiện diện của ông Mô-sê và ngôn sứ Ê-li-a” nữa, để Chúa Giê-su xác tín
sứ mệnh của Người là làm cho “lời Kinh Thánh và các ngôn sứ” được ứng nghiệm.
Chúng ta
đã chiêm ngưỡng đức tin của Chúa Giê-su.
Nhưng ở cuối câu chuyện Hiển Dung, đề tài đức tin của Chúa Giê-su lại
chuyển sang đức tin của các môn đệ Người khi “từ đám mây có tiếng phán rằng: “Đây là Con Ta, người đã được Ta tuyển chọn,
hãy vâng nghe lời Người”. Chúa Cha đã giới
thiệu cho chúng ta một “gương mẫu đức tin” là “Con Ta, người đã được Ta tuyển
chọn”. Rồi Chúa Cha truyền dạy chúng ta
hãy “vâng nghe lời Người”, tức là hãy tin vào Con Một của Người.
3. Ai là những kẻ vâng nghe lời Chúa Giê-su
Ki-tô? Bài đọc 2 trích thư thánh
Phao-lô gửi tín hữu Phi-líp-phê hôm nay đã cho chúng ta câu trả lời. Thánh tông đồ kêu gọi: “Thưa anh em, xin hãy cùng nhau bắt chước
tôi, và chăm chú nhìn vào những ai sống theo gương chúng tôi để lại cho anh
em”. Đúng vậy, Phao-lô đã trở nên gương
mẫu sống đức tin cho tín hữu Phi-líp-phê và có nhiều người đã bắt chước sống đức
tin như ngài. Tuy nhiên Phao-lô lại rất
lo lắng cho cộng đoàn đức tin này và luôn theo dõi tin tức về họ. Rồi người ta báo cáo cho ngài biết “có nhiều
người sống đối nghịch với thập giá Đức Ki-tô”.
Thập giá là con đường Đức Ki-tô đã đi để chu toàn công trình cứu độ và
tiến đến vinh quang. Thập giá đã chứng
minh lòng tin của Người đối với Chúa Cha và kế hoạch cứu độ. Vậy mà nhiều tín hữu Phi-líp-phê đã bỏ con đường
thập giá Đức Ki-tô để chọn một lối sống đối nghịch dẫn đến hư vong. Thay vì tôn vinh Đức Ki-tô là Chúa thì họ lại
“thờ cái bụng”, tức ham mê chè chén say sưa, và chọn những việc làm xấu xa của
thế gian làm vinh quang cho mình. Họ là
những người đã đánh mất đức tin vào Chúa Ki-tô, sống với thú vui đời này mà
quên rằng quê hương đích thực là trên trời.
Do đó, thánh Phao-lô tha thiết kêu gọi họ hãy trở về, hãy lắng nghe tiếng
Chúa Cha truyền dạy: “Đây là Con Ta, người
đã được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người!”
Sống sứ điệp Lời
Chúa
Cùng với
Chúa Giê-su và ba môn đệ thân tín, chúng ta xuống núi và trở về với cuộc sống hằng
ngày. Vậy biến cố Hiển Dung dạy chúng ta
bài học gì? Khi thánh Giáo Hoàng Gio-an
Phao-lô II đưa biến cố này vào trong Năm Sự Sáng của kinh Mân Côi, ngài cũng đề
nghị ơn xin là: Chúng ta hãy xin được biết
luôn luôn lắng nghe lời Chúa Giê-su. Phải,
Chúa Giê-su nói với chúng ta qua lời giảng Tin Mừng, qua lối sống đầy tràn đức
tin và phục vụ. Chúng ta hãy sống những
tâm tình của ông Phê-rô khi ông thưa với Chúa:
“Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật là hay! Chúng con xin dựng ba cái lều, một cho Thầy,
một cho ông Mô-sê, và một cho ông Ê-li-a”.
Chúng ta cũng có thể thưa với Chúa:
‘Lạy Chúa Giê-su, trong mùa Chay này, con xin quét dọn cái lều tâm hồn
con, để Chúa đến và ở lại với con, nhất là mỗi khi con được rước Chúa vào lòng
con và con cũng nói được như thánh Phê-rô:
Lạy Chúa, Chúa ở lại đây với con, thật là hay biết mấy!’
Lm. Đa-minh Trần
đình Nhi