CHÚA NHẬT III MÙA CHAY
Dụ ngôn Người làm vườn và cây vả
Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa (Xh 3:1-8a, 13-15; 1 Cr 10:1-6, 10-12; Lc 13:1-9)
Sám hối
là một trong những chủ đề chính của mùa Chay.
Tuy sám hối là công việc khởi đầu từ cá nhân mỗi người chúng ta, nhưng mục
đích của sám hối còn mở rộng tới những cơ cấu rộng lớn hơn như gia đình, giáo xứ,
Giáo Hội và xã hội nữa. Vì thế, sám hối
phải được thực hành như một hành
vi cộng đồng nữa. Thí dụ điển hình là
dân thành Ni-ni-vê cùng với vua quan và cả đến súc vật, tất cả đều tham gia vào
một phong trào sám hối. Cũng vậy, khi
kêu gọi sám hối, các ngôn sứ đã kêu gọi toàn thể cộng đồng Ít-ra-en. Hôm nay Phụng vụ Lời Chúa trình bày khía cạnh
này của việc sám hối. Trước hết là vai
trò của ông Mô-sê, người được Thiên Chúa sai đến để lãnh đạo một cuộc Xuất hành
của dân Chúa, để mọi người thoát khỏi ách nô lệ Ai-cập, thay đổi lối sống và
hun đúc đức tin vào Thiên Chúa nhờ những gian khổ của hành trình sa mạc. Để giúp Ki-tô hữu rèn luyện đức tin, thánh
Phao-lô đã đề cập đến vai trò của Chúa Ki-tô là Mô-sê Mới, Đấng dẫn dắt chúng
ta trong cuộc xuất hành đi qua trần gian này mà tiến đến Đất Hứa vĩnh cửu. Nhưng vị Lãnh đạo cuộc xuất hành sám hối này
lại được chính Chúa Giê-su nói đến trong dụ ngôn Người làm vườn và cây vả sau
khi Người nhấn mạnh đến sự cần thiết của việc sám hối.
1. Thiên Chúa sai ông Mô-sê đến với dân Ít-ra-en
để dẫn họ ra khỏi Ai-cập. Để
giúp chúng ta xác tín vai trò của Chúa Giê-su là được Chúa Cha sai đến trần
gian để đưa chúng ta ra khỏi ách nô lệ của tội lỗi và sự chết, bài đọc 1 trích
sách Xuất hành thuật lại câu chuyện ông Mô-sê được Thiên Chúa hiện ra trên núi
Khô-rép và trao cho ông sứ mệnh dẫn dân Ít-ra-en ra khỏi Ai-cập. Câu chuyện ông Mô-sê đã quá quen thuộc với
chúng ta nên có lẽ chúng ta không để ý mấy đến một số chi tiết thực sự quan trọng. Trước hết Người chuẩn bị Mô-sê cho sứ mệnh dẫn
dắt Ít-ra-en. Sau sự kiện ông Mô-sê giết
một tên cai người Ai-cập để bênh vực một người Do-thái, việc bại lộ nên Mô-sê
đã phải trốn đi. Từ địa vị giống như một
hoàng tử, Mô-sê trở thành tên tội phạm và sống lẩn trốn. Cuối cùng ông tới Ma-đi-an, kết hôn với con
gái tư tế Ma-đi-an và làm nghề chăn chiên cho bố vợ. Là người chăn chiên trong sa mạc, Mô-sê đã trải
nghiệm cuộc sống lam lũ, nghèo nàn và tự do.
Đó cũng là cuộc sống của cụ tổ Áp-ra-ham, tổ tiên ông. Tuy nhiên đây chính là phương cách Thiên Chúa
đào tạo ông trở thành một người chăn dắt dân Chúa để đưa họ qua sa mạc mà vào Đất
Hứa. Khi Mô-sê đã trưởng thành trong cuộc
sống và thuật lãnh đạo, dù chỉ là chăn chiên, thì Thiên Chúa đã gọi ông và trao
cho ông sứ mệnh. Người dùng bụi gai bừng
cháy để lôi kéo Mô-sê đến gần và để tỏ ra sự hiện diện của Người. Người cho ông biết kế hoạch của Người là giải
thoát dân Người khỏi tay người Ai-cập và đưa họ vào “miền đất tràn trề sữa và mật”. Rồi Người trao cho ông sứ mệnh thi hành kế hoạch
ấy. Mặc dù ông sống trong sa mạc nhiều
năm trời, xa cách dân tộc ông và những khổ cực lam lũ đồng bào ông phải chịu tại
Ai-cập, nhưng chính trong sa mạc hoang vắng đó, Thiên Chúa lại bất ngờ kêu gọi
ông. Chỉ cần ông giữ lòng yêu mến Người
và mở lòng quảng đại với Người. Có khi
nào chúng ta nghĩ rằng Chúa đang chờ đợi để kêu gọi chúng ta tại một địa điểm
sa mạc nào đó trong cuộc đời chúng ta không?
Vì không sống với dân Ít-ra-en nên Mô-sê sợ rằng họ sẽ không tin
ông. Do đó ông đã xin Thiên Chúa tỏ cho
ông biết thánh danh của Người là gì để ông nói cho họ họ biết Đấng ấy đã sai
ông đến với họ. Tuy Thiên Chúa cho ông
biết Người là “Đấng Hiện Hữu”, nhưng đây là một thánh danh siêu việt, nên Thiên
Chúa cho ông biết một cái tên khác của
Người mà con cái Ít-ra-en sẽ nhận ra ngay.
Đó là “Đức Chúa, Thiên Chúa của Áp-ra-ham, Thiên Chúa của I-xa-ác, Thiên
Chúa của Gia-cóp”.
Sứ mệnh của
ông Mô-sê là dẫn dắt dân Ít-ra-en làm một cuộc Xuất hành. Dân Ít-ra-en đã phải sống khổ cực tại Ai-cập. Họ phải làm tôi đòi cho người Ai-cập. Trai tráng thì phải lao công, làm gạch, xẻ đá
để xây cất đền đài và nhiều công trình xây dựng khác. Các con trai khi sinh ra thì bị bóp mũi cho
chết, con gái thì làm đầy tớ cho người Ai-cập.
Chính sách diệt chủng đã được thi hành triệt để. Nhưng Thiên Chúa “đã thấy rõ cảnh khổ cực của
dân Người bên Ai-cập” và Người “xuống” giải thoát họ. Người “xuống” bằng cách sai Mô-sê đến với anh
em ông. Còn khi thực hiện kế hoạch cứu độ
nhân loại, Thiên Chúa sẽ đích thân “xuống” bằng cách sai Con Một là Chúa Giê-su
Ki-tô đến ở giữa chúng ta.
2. Thánh Phao-lô đã so sánh cuộc Xuất hành do ông
Mô-sê lãnh đạo với cuộc xuất hành của Ki-tô hữu dưới sự dẫn dắt của Chúa Giê-su. Khi ông Mô-sê dẫn dân Ít-ra-en ra khỏi Ai-cập
và tiến về Đất Hứa, Thiên Chúa luôn đồng hành với họ. Thánh Phao-lô kể ra những dấu chỉ nói lên sự
hiện diện của Thiên Chúa cùng đi với dân Người:
cột mây đi trước để hướng dẫn dân chúng, đi sau để bảo vệ họ khỏi bị
quân Ai-cập tấn công. Ngài cũng nhắc đến
“tảng đá thiêng liêng” từ đó chảy ra nước uống cho dân chúng giữa sa mạc. Theo truyền thống các kinh sư Do-thái mà
thánh Phao-lô đã học được, tảng đá phun ra nước tại Mơ-ri-va vẫn được mang theo
khi dân Ít-ra-en di chuyển trong sa mạc.
Giờ đây thánh Phao-lô áp dụng câu chuyện vào cuộc xuất hành của Ki-tô hữu,
ngài kết luận: “Tảng đá ấy chính là Đức
Ki-tô”. Giống như dân Chúa uống nước từ
tảng đá tại Mơ-ri-va, chúng ta cũng cũng được uống từ nguồn nước ban sự sống là
Đức Ki-tô. Tuy nhiên bài học Xuất hành của
dân Chúa lại là một bài học cho các Ki-tô hữu khi có nhiều người Ít-ra-en đã
không được vào Đất Hứa. Thánh Phao-lô
nói rằng: “Nhưng phần đông họ không đẹp
lòng Thiên Chúa, bằng chứng là họ đã quỵ ngã trong sa mạc”. Thậm chí đến ông Mô-sê cũng chỉ mới được nhìn
thấy Đất Hứa thôi, chứ không được vào vì tội ông đã nghi ngờ Thiên Chúa khi cầm
gậy đập hai lần trên tảng đá tại Mơ-ri-va thay vì đập một lần (Ds
20:12-13). Thánh Phao-lô coi đó là một
“bài học răn dạy chúng ta là những ngươiì đang sống trong thời sau hết
này”. Dầu sao đoạn thư của thánh Phao-lô
đã cho chúng ta thấy sự hiện diện của Thiên Chúa nơi Đức Ki-tô, Đấng ở lại với
chúng ta cho đến ngày tận thế. Đúng vậy,
Chúa Ki-tô chính là Em-ma-nu-en, Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta, để chuộc tội cho
chúng ta và dẫn chúng ta trở về nhà Cha.
3. Chúa Giê-su, người làm vườn và cây vả trồng
trong vườn nho. Khi bắt đầu thi
hành sứ vụ, Chúa Giê-su lên tiếng kêu gọi:
“Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc
1:15). Đây là hai việc chính: sám hối là thay đổi đời sống, và tin vào Tin
Mừng là sống sự sống mới theo Thần Khí Đức Ki-tô. Khi có người đến kể lại cho Chúa Giê-su nghe
chuyện Phi-la-tô cho lính đàn áp cuộc nổi dậy của một nhóm người Ga-li-lê và giết
chết họ ngay trong Thánh Điện của Đền Thờ, thì Chúa Giê-su không lên án những
người bị giết là những kẻ tội lỗi. Nhưng
Người áp dụng câu chuyện vào đề tài sám hối.
Người nói: “Các ông tưởng mấy người
Ga-li-lê này phải chịu số phận đó vì họ tội lỗi hơn mọi người Ga-li-lê khác
sao? Tôi nói cho các ông biết: không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không sám hối, thì các ông cũng sẽ
chết hết như vậy”.
Sau khi
đã nói lên sự cần thiết của việc sám hối, Chúa Giê-su kể câu chuyện cây vả và
người làm vườn. Thoạt nghe dụ ngôn này,
chúng ta nghĩ ngay đến việc làm sao để thay đổi tình trạng của cây vả không
sinh trái. Vả là loại cây dễ sinh trái,
dù được trồng tại những chỗ đất cằn cỗi.
Nhưng cây vả này được trồng “trong vườn nho”, nên đương nhiên phải phát
triển mạnh và sinh trái. Vậy mà ngược lại,
đã ba năm qua nó chưa được một trái nào!
Chủ vườn nho ra lệnh chặt nó đi.
Nhưng “người làm vườn” can thiệp, nài nỉ ông chủ cho mình chăm sóc cây vả
thêm một năm nữa. Nếu lúc ấy nó vẫn
không ra trái thì nó sẽ bị chặt đi. Cây
vả rõ ràng là hình ảnh ám chỉ những kẻ không sinh hoa kết quả thiêng liêng do đời
sống tội lỗi của họ. Giống như cây vả cần
được vun xới và bón phân, họ cần phải sám hối để thay đổi tình trạng tâm hồn. Giống như người làm vườn chăm sóc cây vả,
Chúa Giê-su nài xin Thiên Chúa Cha dủ lòng thương xót chúng ta là kẻ tội lỗi. Người kêu gọi chúng ta sám hối, thay đổi não
trạng tội lỗi và đón nhận lối sống mới của Tin Mừng. Có lẽ đây là một dụ ngôn mang sứ điệp rõ ràng
và mạnh mẽ hơn chúng ta tưởng. Hình ảnh
cây vả giúp chúng ta khiêm nhường nhìn lại chính mình để xác tín tình trạng tội
lỗi của mình và sự cần thiết phải sám hối.
“Người làm vườn” can thiệp là hình ảnh Chúa Ki-tô với kế hoạch cứu độ
chúng ta. Người vun xới linh hồn chúng
ta bằng Lời Chúa và ơn sủng. Sự chăm sóc
của Người biểu hiện lòng nhân từ của Thiên Chúa đối với chúng ta là kẻ tội lỗi. Câu chuyện Người làm vườn và Cây vả được Chúa
Giê-su kể cho chúng ta nghe trong mùa Chay này quả là vô cùng ý nghĩa và thích
hợp để giúp chúng ta sống tinh thần mùa Chay.
Sống sứ điệp Lời
Chúa
Muốn sống
sứ điệp Lời Chúa, chúng ta hãy nghe lại lời nhắn nhủ của thánh Phao-lô gửi tín
hữu Rô-ma. Ngài nhắc lại việc phần đông
dân Ít-ra-en đã không đẹp lòng Thiên Chúa, bằng chứng là họ đã quỵ ngã trong sa
mạc trong hành trình về Đất Hứa. Rồi
ngài bảo đó là bài học răn dạy chúng ta và kêu gọi chúng ta phải sám hối, phải
thay đổi. Ngài thí dụ: “Đừng chiều theo những dục vọng xấu xa như
cha ông chúng ta. Đừng lẩm bẩm kêu
trách, như một số trong nhóm họ đã lẩm bẩm kêu trách”. Đó là những người Ít-ra-en “đã quỵ ngã trong
sa mạc” vì họ đã thử thách Thiên Chúa. Bởi
không sám hối và không tin vào Thiên Chúa, nhiều người Ít-ra-en đã chết trong
sa mạc giữa cuộc Xuất hành. Hôm nay Chúa
Giê-su cũng nói với chúng ta: Nếu các
ngươi không sám hối, thì các ngươi cũng sẽ chết hết như vậy. Nhưng anh chị em ơi, Chúa Giê-su không để
chúng ta chết hết như vậy đâu. Người
đang dẫn dắt chúng ta trong mùa Chay này và trong hành trình về thiên đàng!
Lm. Đa-minh Trần
đình Nhi