CHÚA NHẬT IV MÙA CHAY
Những ý nghĩa về Lễ Vượt Qua
Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa (Gs 5:9a, 10-12; 2 Cr 5:17-21;
Lc 15:1-3, 11-32)
Khi nói về
ý nghĩa Phục Sinh, người Công giáo Hoa-kỳ hay sử dụng hình ảnh cái kén và con
bướm, từ cái kén xấu xí xuất hiện một con bướm mầu sắc rực rỡ khôn tả. Phụng vụ Lời Chúa hôm nay trình bày ý nghĩa về
việc Vượt Qua: cuộc vượt qua Biển Đỏ lịch
sử của dân Chúa để thoát ách nô lệ, cuộc vượt qua Thương Khó và cái chết của Đức
Ki-tô để hòa giải chúng ta với Thiên Chúa, và sau hết là những cuộc vượt qua của
Ki-tô hữu khi phấn đấu với tội lỗi để trở về với Chúa. Bất cứ cuộc vượt qua nào cũng gian nan giống
như cái kén xấu xí, nhưng khi chúng ta đã ra khỏi được cái kén xấu xí ấy thì sự
sống mới thật đẹp sẽ làm cho mối tương quan giữa chúng ta với Chúa được thắm
thiết hơn. Nổi bật nhất, đó là dụ ngôn
Người con hoang đàng. Không những dụ
ngôn cho chúng ta thấy người con thứ đã phấn đấu để vượt qua cuộc sống sa đọa
như thế nào, nhưng dụ ngôn còn tích cực dạy chúng ta biết lòng thương xót vô
biên của Thiên Chúa trong hình ảnh người cha đã vượt qua cả danh dự của ông để vui
mừng đón tiếp đứa con hoang đàng trở về.
1. Sau khi vào Đất Hứa, dân Chúa mừng lễ Vượt
Qua. Hành trình sa mạc từ Ai-cập
về Đất Hứa thực ra cũng không quá xa nếu chỉ là vài ba người hoặc một nhóm nhỏ. Nhưng với cả một dân tộc hằng triệu người thì
chắc chắn việc di chuyển không phải là dễ dàng.
Vì thế bốn mươi năm cũng không hẳn là một thời gian quá dài. Hơn nữa, bốn mươi năm để thanh luyện đức tin
vào Thiên Chúa thì cũng đáng lắm. Sau những
năm sống khổ cực tại sa mạc, cuối cùng dưới sự lãnh đạo của ông Giô-suê, dân
Chúa đã vào được Đất Hứa. Tại Ghin-gan,
họ đóng trại và cử hành lễ Vượt Qua đầu tiên.
Hôm sau lễ Vượt Qua, có một sự thay đổi lớn lao, đó là “họ đã dùng thổ sản
trong xứ, tức là bánh không men và hạt lúa rang”. Bốn mươi năm họ ăn man-na và chim cút đã chán
ngấy, nay mới được ăn lại món “quốc hồn quốc túy” là bánh không men và gạo rang,
gợi lại cho họ bao kỷ niệm êm đẹp. Một
khi họ đã được dùng thổ sản trong xứ thì Chúa cũng không còn cho man-na rơi xuống
để nuôi họ nữa. Giã từ cuộc sống trong
sa mạc và đón chào một cuộc sống mới!
Hôm nay
dân Ít-ra-en quây quần để mừng lễ Vượt Qua.
Tại sao họ phải mừng lễ? Để cảm tạ
Thiên Chúa. Họ có rất nhiều điều để tạ
ơn Người. Trước hết là họ được tự
do. Nếu không có bàn tay Chúa can thiệp,
họ sẽ mãi mãi làm tôi mọi cho người Ai-cập.
Những dấu lạ điềm thiêng Thiên Chúa thực hiện tại Ai-cập đã khiến cho
vua Pha-ra-ô phải để cho dân Chúa ra đi.
Tuy nhiên trong cuộc Xuất Hành, Thiên Chúa vẫn luôn hiện diện với họ. Dấu lạ vĩ đại nhất là cuộc vượt qua Biển Đỏ. Trước mặt là biển, sau lưng là quân binh Ai-cập
đuổi theo. Vượt qua nước biển là chuyện
không thể làm. Nhưng đối với Thiên Chúa,
không có gì là không thể làm được. Dân
chúng kêu khóc, trách móc ông Mô-sê đem con bỏ chợ. Chính lúc mọi người thất vọng nhất thì lại là
lúc Thiên Chúa bày tỏ quyền năng của Người.
Người truyền cho ông Mô-sê cầm gậy đập xuống nước biển. Nước rẽ làm đôi, rồi những cơn gió mạnh thổi
để lòng biển nên khô ráo cho dân Chúa đi qua.
Tiếp đến là thời gian dài lang thang trong sa mạc, dân Chúa học được
gì? Họ được Chúa nuôi dưỡng, ăn cùng một
thứ bánh là man-na và uống cùng một dòng nước chảy ra từ tảng đá. Nuôi dưỡng thể xác chỉ là một phần, nhưng
quan trọng hơn đó là nuôi dưỡng thiêng liêng bằng đức tin vào Thiên Chúa. Tất cả những can thiệp của Người và sự hiện
diện của Người trên đường họ về Đất Hứa là nhằm giúp cho đức tin của họ vào
Thiên Chúa ngày một vững vàng hơn. Họ sẽ
tin tưởng hơn rằng họ được Thiên Chúa yêu thương tuyển chọn làm dân riêng và
Người chính là Thiên Chúa của họ. Do đó,
ngoài sự tự do ra, họ còn được diễm phúc thờ phượng một mình Chúa, không giống
như các dân tộc khác. Tóm lại, dân
Ít-ra-en tạ ơn Chúa về một cuộc Vượt Qua đem lại vô vàn ân phúc.
2. Cuộc Vượt Qua của Chúa Giê-su đã thay đổi
thân phận của nhân loại. Cái giá
dân Ít-ra-en phải trả cho cuộc Vượt Qua và Xuất Hành của họ là bốn mươi năm dài
khổ cực trên đường thoát khỏi Ai-cập và tiến về Đất Hứa. Tuy nhiên đó mới chỉ là sự thay đổi thân phận
của riêng một dân tộc. Còn cuộc Vượt Qua
của Chúa Giê-su, tức là cuộc Thương Khó và cái chết của Người, thì đem lại hiệu
quả cho toàn thể nhân loại. Trong đoạn
thư thứ hai gửi tín hữu Cô-rin-tô của Lời Chúa hôm nay, thánh Phao-lô chỉ diễn
tả một khía cạnh của những gì cuộc Vượt Qua ấy đem lại, đó là chúng ta được hòa
giải với Thiên Chúa. Tội lỗi đã biến
nhân loại thành “kẻ thù”của Thiên Chúa và sự chết đã chiến thắng nhân loại. Nhưng Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian,
“đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta, mặc dù Người chẳng hề
biết tội là gì”, nghĩa là muốn Người phải chịu đau khổ và chịu chết để đền bù tội
lỗi chúng ta. Chính sự vượt qua của Chúa
Giê-su từ cái chết đến Phục Sinh đã chiến thắng tội lỗi và sự chết, để “làm cho
chúng ta nên công chính trong Người”. Do
đó nên công chính cũng có nghĩa là chúng ta được hòa giải với Thiên Chúa. Nói khác đi, tội lỗi đã làm cho chúng ta thành
kẻ thù của Thiên Chúa, còn ngược lại, chiến thắng của Chúa Giê-su trên tội lỗi
và sự chết đã hòa giải chúng ta với Thiên Chúa và đem lại cho chúng ta sự sống
mới trong Thánh Thần. Giống như cuộc Vượt
Qua của dân Ít-ra-en, cuộc Vượt Qua của Chúa Giê-su đã phục hồi cho chúng ta chức
phận làm con cái tự do của Thiên Chúa.
3. Cuộc vượt qua của Ki-tô hữu chúng ta qua dụ
ngôn Người con hoang đàng. Một dụ
ngôn cho phép chúng ta diễn giải một cách khá tự do. Chúng ta có thể suy nghĩ và cầu nguyện tùy
theo nhân vật hay tình huống trong câu chuyện.
Vì thế, chúng ta cũng có thể gặp thấy một cuộc vượt qua trong hành trình
trở về của người con hoang đàng và cũng có thể áp dụng cuộc vượt qua ấy vào đời
sống Ki-tô hữu chúng ta. Chúng ta cũng gặp
thấy cuộc vượt qua của người cha đã để cho lòng thương xót dẹp bỏ quyền bính và
danh dự của ông để ông vui mừng tiếp đón đứa con hư hỏng trở về. Ngay đến người con cả cũng cần phải vượt qua
thiên kiến và lòng hẹp hòi để cùng cha mình mở rộng vòng tay đón đứa em hối cải. Theo bối cảnh của các bài đọc hôm nay, chúng
ta nhấn mạnh hơn đến cuộc trở về của người con thứ, cho thấy anh đã phải can đảm
như thế nào để trở về nhà với cha anh.
Trước hết,
người con thứ đã “vượt qua” tình yêu thương của người cha để phiêu lưu vào cuộc
sống phóng đãng. Sự quyến rũ của cuộc sống
buông thả đã thúc đẩy anh coi thường cả mối quan hệ cha con và anh em. Đây thực là một cuộc vượt qua đáng tiếc, vì
nó không đem lại tương lai rực rỡ, mà là một cuộc sống khổ hơn cả những con
heo! Thời điểm này lại manh nha cho một
cuộc “vượt qua” khác: Trở về nhà
cha. Những khốn khổ thể xác đã lôi anh về
quá khứ vàng son và thức tỉnh lương tâm của anh để đi tới quyết định: “Thôi, ta đứng lên, đi về cùng cha và thưa với
người: ‘Thưa cha, con thật đắc tội với
Trời và với cha…’” Dù đã quyết tâm,
nhưng trên đường trở về anh vẫn ngần ngại, phải ăn nói làm sao đây, không biết
cha có thật tình tha thứ không, bạn bè và người ăn kẻ ở sẽ cười chê. Càng gần tới nhà, anh càng lo lắng sợ sệt đến
tột độ. Chính lúc anh sắp bỏ cuộc lại là
lúc anh được cứu vớt, vì dù “anh ta còn ở đằng xa, thì người cha đã trông thấy”. Người cha đã trông thấy là hành vi của lòng
thương xót mẫn cảm. Giống như cuộc Vượt
Qua của dân Ít-ra-en gặp hiểm nguy lớn lao nhất khi họ tới bờ Biển Đỏ đã được
Thiên Chúa hóa giải thế nào, thì cuộc vượt qua của người con hoang đàng vào lúc
sắp bỏ cuộc cũng được cha của anh xuất hiện đúng lúc để giúp đỡ anh như vậy. Cây gậy của ông Mô-sê là chính vòng tay yêu
thương của người cha ôm lấy cổ đứa con trở về!
Cuộc vượt qua này đã thay đổi anh hoàn toàn. Anh được phục hồi tất cả những gì anh đã đánh
mất, đúng như lời cha anh đã diễn tả:
“Chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống,
đã mất mà nay lại tìm thấy!”
Sống sứ điệp Lời
Chúa
Để giúp
chúng ta hiểu ý nghĩa cuộc Thương Khó và cái chết của Chúa Giê-su, Phụng vụ Lời
Chúa trình bày cho chúng ta cuộc cử hành lễ Vượt Qua đầu tiên của dân Ít-ra-en
sau khi họ vào Đất Hứa. Chúng ta chỉ còn
ba tuần lễ nữa là cử hành đại lễ Phục Sinh, kết thúc cuộc Vượt Qua của Chúa
Giê-su. Ý nghĩa cuộc Vượt Qua này là
chính ơn cứu độ của Chúa dành cho chúng ta.
Để cùng tham dự vào mầu nhiệm Phục Sinh của Người, chúng ta hãy vững tâm
trong những cuộc vượt qua hằng ngày để trở về và trở nên giống Chúa Phục Sinh mỗi
ngày một hơn. Chúng ta đừng ngại ví mình
như “cây vả được trồng trong vườn nho” hoặc như “người con hoang đàng” để chúng
ta khiêm nhường và can đảm “trở về” với Chúa, hầu sống như những người con
ngoan của Thiên Chúa Cha chạnh lòng thương ở trên trời.
Lm. Đa-minh Trần
đình Nhi