CHÚA NHẬT V MÙA CHAY

Một khởi đầu mới:  về Đất Hứa và về Nhà Cha

 

Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa  (Is 43:16-21;  Pl 3:8-14;  Ga 8:1-11)

        Chúa Nhật trước Phụng vụ Lời Chúa    đã chia sẻ với chúng ta về ý nghĩa Vượt Qua.  Dân Ít-ra-en đã vượt qua Biển Đỏ để thoát ách nô lệ Ai-cập và tiến vào Đất Hứa.  Chúa Giê-su vượt qua cuộc Thương Khó và cái chết để hòa giải chúng ta với Thiên Chúa và đem lại sự sống mới cho chúng ta.  Dụ ngôn Người con hoang đàng trở về đề cao lòng thương xót của Thiên Chúa sẵn sàng phục hồi chức phận làm con của chúng ta.  Tuy nhiên cả ba câu chuyện chưa kết thúc, mà chỉ mở ra một khởi đầu mới:  dân Ít-ra-en bắt đầu hành trình tiến về Đất Hứa;  còn chúng ta thì “quên đi chặng đường đã qua, để lao mình về phía trước”, tiếp tục con đường nên thánh bằng cách “nên đồng hình đồng dạng” với Đức Ki-tô.  Câu chuyện Tin Mừng nói lên khởi đầu mới này khi Chúa Giê-su không lên án người đàn bà bị tố cáo phạm tội ngoại tình, trái lại Người khích lệ chị hãy sống đời sống mới:  “Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa”.

 

        1.  Khởi đầu mới của dân Ít-ra-en:  hành trình về Đất Hứa.  Thiên Chúa đã thực hiện những dấu lạ điềm thiêng để cứu dân Ít-ra-en thoát ách nô lệ và đưa ra khỏi Ai-cập.  Nhưng đó mới chỉ là khởi đầu cho một kế hoạch vĩ đại hơn.  Tương lai của dân Chúa đi về đâu sau khi rời Ai-cập?  Chắc chắn Thiên Chúa không hành động nửa chừng.  Người đã hứa ban cho tổ tiên dân Ít-ra-en một nơi định cư vĩnh viễn “tràn trề sữa và mật”.  Để tiến tới nơi này, Thiên Chúa hé lộ cho họ biết Người sẽ làm gì tiếp theo để hoàn thành kế hoạch.  Trước hết, Người dặn dò họ “đừng nhớ lại những chuyện ngày xưa”, mặc dù đó là những việc Người đã thực hiện để bắt Pha-ra-ô phải để cho họ ra đi, là việc Người đã tiêu diệt chiến xa chiến mã và binh hùng tướng mạnh của Ai-cập trong lòng biển.  Tại sao họ đừng nhớ lại dĩ vãng oai hùng ấy?  Bởi vì Thiên Chúa không muốn họ say men chiến thắng để rồi lơ là cuộc hành trình gian khổ trước mặt.  Họ phải nhớ rằng Thiên Chúa sẽ tiếp tục hỗ trợ họ trong những ngày sắp tới, giống như Người đã giúp đỡ họ trước đây.  Người hứa sẽ làm cho cuộc hành trình không thể thực hiện nổi của họ thành điều có thể làm được.  Để băng qua sa mạc, cần thiết nhất đó là lương thực, nước uống và con  đường.  Chúng ta đã thấy Thiên Chúa giải quyết những khó khăn này của họ bằng cách “mở một con đường giữa sa mạc”, cho man-na từ trời rơi xuống và chim cút bay rợp trại, cho nước tuôn trào từ tảng đá ông Mô-sê lấy gậy đập lên.  Cả đến dã thú, chó rừng, đà điểu và rắn độc, tất cả đều bị khắc phục.  Đây là hình ảnh các dân tộc mà Ít-ra-en phải chiến đấu trên đường vào Đất Hứa.  Vậy Thiên Chúa đã thực hiện tất cả những điều Người đã hứa là để nhắm mục đích gì?  Để họ tiếp tục tin vào Người và phụng sự Người.  Những khó khăn trong hành trình sa mạc nhiều khi khiến họ nản lòng và mất lòng tin vào Người.  Nhưng chính những khó khăn này lại là cơ hội để đào tạo đức tin của họ mỗi ngày một vững vàng hơn.  Do đó, hành trình sa mạc cũng là hành trình đào tạo đức tin, để kế hoạch của Thiên Chúa được hoàn thành.  Kế hoạch ấy là:  “Ta đã gầy dựng cho Ta dân này, chúng sẽ lên tiếng ngợi khen Ta”.  Nói khác đi, mục đích của hành trình sa mạc là để họ sẽ là dân được tuyển chọn của Thiên Chúa và Người sẽ là Thiên Chúa của họ.

 

        2.  Khởi đầu mới của thánh Phao-lô:  “Tôi chỉ chú ý đến một điều, là quên đi chặng đường đã qua, để lao mình về phía trước”.  Trong một cuộc chạy đua tại Thế vận hội, một anh lực sĩ đã dẫn trước các đối thủ và sắp về tới đích.  Anh chắc chắn mình sẽ đoạt giải nên bắt đầu ăn mừng quá sớm với khán giả đứng bên trái lằn đường đua, anh không ngờ một đối thủ ở bên phải anh vun vút lao tới và vượt anh ngay tại mức đến để đoạt giải nhất.  Thật là tai hại!  Thay vì quên đi chặng đường đã qua để lao mình về phía trước thì anh lại lo ăn mừng sớm.  Thánh Phao-lô không giống anh lực sĩ kia đâu!  Nhưng ngài là một lực sĩ “thiêng liêng” thứ thiệt!  Trong các thư ngài viết, Ngài thích sử dụng hình ảnh lực sĩ thi đua để mô tả cuộc phấn đấu thiêng liêng.  Sau khi được Chúa Ki-tô kêu gọi làm tông đồ trên đường ngài đi Đa-mát, thánh Phao-lô đã coi là mình bị Chúa Ki-tô “chiếm đoạt” rồi.  Tuy nhiên ngài cũng ý thức mình sẽ phải làm gì một khi đã “đành mất hết và coi tất cả như rác, để được Đức Ki-tô và được kết hợp với Người”.  Đây chính là một khởi đầu mới cho Phao-lô:  nhờ tin vào Đức Ki-tô mà Phao-lô được nên công chính.  Vậy ngài đã phác họa hành trình của mình như sau: sự kiện tôi “được” Đức Ki-tô chỉ là khởi đầu, tiếp tục là tôi phải “được biết chính Đức Ki-tô” và cuối cùng, đích tới của “lực sĩ” Phao-lô là “chiếm được phần thưởng từ trời cao Thiên Chúa dành cho kẻ được Người kêu gọi trong Đức Ki-tô Giê-su”.  Vậy Phao-lô sẽ thực hiện cuộc đua của ngài như thế nào?

        Khác với tay đua tại Thế vận hội cầm chắc mình đoạt giải nên ăn mừng quá sớm và không lao mình về phía trước, thánh Phao-lô tin rằng ngài vẫn chưa chiếm trọn được Đức Ki-tô bao lâu ngài chưa tới thiên đàng, nên ngài phải “quên đi chặng đường đã qua”.  Đúng vậy, chặng đường đã qua của Phao-lô có rất nhiều điều đáng nhớ lắm, nào là việc Chúa Phục Sinh hiện ra kêu gọi ngài, sai ngài đến với dân ngoại, nào là ngài thành lập các giáo đoàn, viết thư, thăm viếng tín hữu… để củng cố đức tin của họ.  Tóm lại, trăm công nghìn việc.  Vậy mà Phao-lô vẫn muốn “quên đi chặng đường đã qua”, để chỉ chú ý vào đích tới (tức là lao mình về phía trước), chạy thẳng tới đích mà không để mình bị chi phối bởi bất cứ điều gì.  Tạ ơn Chúa, Phao-lô đã tới đích khi ngài hoàn tất cuộc thương khó của ngài bằng cái chết làm chứng cho Đức Ki-tô tại Rô-ma.

 

        3.  Khởi đầu mới của người phụ nữ bị tố cáo phạm tội trong câu chuyện Tin Mừng hôm nay.  Không hiểu sao tôi không thể quên được hình ảnh pho tượng người phụ nữ trong một quần thể điêu khắc diễn lại câu chuyện bài Tin Mừng hôm nay.  Tác phẩm điêu khắc này đặt tại khuôn viên thuộc Nhà thờ kiếng, nay đã trở thành Nhà thờ Chính tòa giáo phận Orange County ở California.  Phía trước mặt Chúa Giê-su là đám người Pha-ri-sêu hung dữ và đều đã buông hòn đá xuống đất, kẻ thì cầm cuộn sách Luật trong tay, kẻ vênh váo thách thức Chúa Giê-su, kẻ thì chờ đợi câu trả lời của Chúa.  Trước mặt họ là Chúa Giê-su, một tay Người giơ lên như chờ đợi xem có hòn đá nào được ném vào người phụ nữ hay không.  Phong cách của Người khác nào bức tường thành vững chắc che chở người phụ nữ, đúng như lời Thánh Vịnh:  “Chúa là thành lũy che chở tôi, tôi còn khiếp sợ ai?” Sau lưng Chúa Giê-su là người phụ nữ bị tố cáo đã phạm tội ngoại tình. Các đường nét điêu khắc trên các bức tượng vô cùng sống động.  Tuy nhiên điều khiến tôi ngạc nhiên nhất, đó là người phụ nữ đang hướng về một chân trời mới, hai tay đưa lên nắm chặt lấy tấm áo choàng như muốn che bớt thân phận tội lỗi của chị.  Nhưng chị vẫn quay đầu lại cố gắng nhìn Chúa Giê-su.  Chị muốn cảm tạ Đấng đã cứu vớt chị, nhưng không nói nên lời.  Dù vậy ai cũng có thể đoán được những gì chị muốn nói, là:  “Con xin cảm tạ Thầy.  Vâng, con sẽ về nhà và cố gắng sống hoàn thiện như Thầy muốn”.  Từ nay, nhà của chị không còn là nơi chị lui tới để phạm tội lỗi nữa, nhưng là ngôi nhà mới đầy tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa.  Được Chúa Giê-su cứu thoát khỏi bị ném đá chết, bắt đầu từ thời điểm này cuộc đời chị sẽ là một khởi đầu mới.  Sách Tin Mừng không cho biết chị ấy sẽ làm gì, nhưng chúng ta có thể chắc chắn rằng chị đã được lòng thương xót của Chúa Giê-su cải hóa và vạch ra một hướng đi mới cho chị, thì thế nào chị cũng vâng lời Chúa mà sống một cuộc đời hoàn thiện.  Biết đâu có thể chị trở thành một môn đệ của Chúa Giê-su trong công cuộc rao giảng Tin Mừng.

 

Sống sứ điệp Lời Chúa

        Trong chúng ta ai mà chẳng có một khởi đầu mới quan trọng và những khởi đầu mới hằng ngày.  Khởi đầu mới quan trọng của mỗi người chúng ta có thể là một bậc sống mới:  có những người bắt đầu cuộc đời linh mục hay tu sĩ, có những người bắt đầu cuộc sống gia đình hoặc làm cha mẹ, có những người bắt đầu một nghề nghiệp mới…  Mùa Chay cũng là thời gian để chúng ta chuẩn bị cho một khởi đầu mới sau khi “được cùng sống lại với Chúa Giê-su Ki-tô”.  Chúng ta đã được rửa tội, được ơn công chính hóa và trở nên con Chúa.  Đây chính là khởi đầu mới của chúng ta.  Giống như dân Ít-ra-en, như thánh Phao-lô và như người phụ nữ trong câu chuyện Tin Mừng, chúng ta đang tiến về phía trước trong hành trình sống đức tin và trở về nhà Cha.  Tuy nhiên chúng ta cũng “đừng nhớ lại những chuyện ngày xưa”, hãy “quên đi chặng đường đã qua, để lao mình về phía trước” và “cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa”.  Ước mong tất cả chúng ta được gặp nhau và gặp Chúa tại đích tới là nơi chúng ta “chiếm được phần thưởng từ trời cao Thiên Chúa dành cho kẻ được Người kêu gọi trong Đức Ki-tô Giê-su!”

Lm. Đa-minh Trần đình Nhi


Suy Niệm Lời Chúa Năm C