Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa – ngày 9 tháng 1, 2022

 

Lm. Brent Bowen, O.P.

 

Các bài đọc: Is 40: 1–5, 9–11 • Tv 104: 1b–2, 3–4, 24–25, 27–28, 29–30 • Tt 2: 11–14, 3:4–7 • Lc 3: 15–16, 21–22   

bible.usccb.org/bible/readings/010922.cfm

 

Có bao giờ bạn lắng đọng để tự hỏi, "Tại sao Chúa Giêsu lại phải chịu phép rửa?" Xét cho cùng, cả bốn sách Phúc âm cho chúng ta thấy rằng những người vào sa mạc để được Gioan làm phép rửa đều đã lãnh nhận một “phép rửa thống hối”, một loại phép rửa hoàn toàn khác với phép Rửa của Kitô giáo, nhưng dù sao cũng khá nổi bật.

 

Tại sao Chúa Giêsu, Đấng chúng ta vừa mừng lễ Giáng sinh như Thiên Chúa đã trở thành xác phàm, lại lặn lội vào sa mạc cùng với những người này? Quả đúng như vậy, chúng ta tin rằng nơi con người Chúa Giêsu, có hai bản tính: Thiên Chúa và loài người. Chúng ta cũng tin, như thánh Phao-lô viết trong chương 5 thư thứ 2 gửi tín hữu Cô-rin-tô rằng qua cuộc Thương Khó, Chúa Giêsu Đấng chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta” (2 Cor. 5:21). Vì thế Người không cần phải chịu phép rửa thống hối. Nhưng tại sao Người lại làm vậy?

 

Chúa Giêsu vào hoang địa để có thể kề vai sát cánh với những người tội lỗi. Tóm lại, đó chẳng phải là lý do Người chọn sinh ra giữa loài người hay sao? Giáng sinh này, chúng ta đã mừng kính việc nhập thể và ra đời của Chúa Giêsu. Mầu nhiệm Thiên Chúa mặc lấy xác phàm chỉ là mầu nhiệm đầu tiên trong các mầu nhiệm của đức tin Công giáo chúng ta. Bạn có thể nói rằng trong mầu nhiệm Nhập Thể, Thiên Chúa chọn “vai sánh vai” với các thụ tạo của Người. Thiên Chúa chọn hòa mình với nhân loại.

 

Vậy, sự kiện Chúa chịu phép rửa tiếp nối việc hòa mình này. Chúa Giêsu vào sa mạc, sánh vai với dân Người và chọn chịu phép rửa thống hối mặc dù Người không cần phải làm như thế. Khi làm như vậy, Chúa Giêsu chính thức khởi đầu cuộc đời công khai thi hành sứ vụ của Người. Thánh Mác-cô kể rằng:  Vừa lên khỏi nước, Người liền thấy các tầng trời xé ra, và thấy Thần Khí như chim bồ câu ngự xuống trên mình. Lại có tiếng từ trời phán rằng:Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con’”.  

 

Trong khoảnh khắc ngắn ngủi này, bức màn ngăn cách loài người với Thiên Chúa được vén lên và chúng ta được nhìn thấy đời sống trong Thiên Chúa Ba Ngôi: Chúa Cha Đấng sai Chúa Con, Chúa Con khiêm nhường lãnh nhận sứ mệnh cứu chuộc trần gian, và Chúa Thánh Thần sự sống và tình yêu giữa Chúa Cha và Chúa Con.

 

Hãy dành một chút thì giờ lắng đọng và suy gẫm điều này; vì nó có thể làm ta sững sờ. Khi Chúa Giêsu bước xuống sông Giô-đan, thì nước sông không thanh tẩy Người, trái lại Người làm cho nước sông được thanh sạch. Điều đó báo trước phép Rửa của Đức Ki-tô mà tất cả chúng ta sẽ được lãnh nhận.

 

Chúa Giêsu thông phần vào đời sống Ba Ngôi Thiên Chúa, nên chúng ta một khi đã chịu phép Rửa nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần thì cũng được diễm phúc thông phần đời sống Ba Ngôi Thiên Chúa như vậy, không phải do bản tính, nhưng nhờ ân sủng của Thiên Chúa. Chúng ta không những được giải thoát khỏi tội lỗi mà còn được trở thành dưỡng tử của Thiên Chúa. Chúng ta được tham dự vào sự sống của Thiên Chúa. Thưa các bạn, tất cả những điều đó được chứa đựng trong hành động giản dị của Chúa Giêsu khi Người chọn chịu phép rửa.

 

Mầu nhiệm cao cả này sẽ ảnh hưởng thế nào đến cuộc sống hằng ngày của chúng ta Kitô hữu? Câu hỏi thật hay. Chúng ta phải nhận thức rằng chúng ta không phải là những kẻ thụ động quan sát mầu nhiệm cao cả này. Nhờ bí tích Rửa tội, chúng ta được dìm vào trong mầu nhiệm ấy. Chúng ta là con cái yêu dấu của Thiên Chúa, được phúc tham dự vào mối tương quan với Thiên Chúa. Hãy tự hỏi: tôi có thực sự ý thức và tuyên xưng mình là con cái yêu dấu của Thiên Chúa không?

 

Có lẽ khi suy nghĩ về câu hỏi đó, bạn có thể nhận thấy câu trả lời là “không” hoặc “thỉnh thoảng”. Điều đó thường tình thôi - và cũng hữu ích khi nhận thức như vậy. Nhưng hãy biết rằng bạn đừng dừng lại ở đó. Cho dù bạn là người đi nhà thờ đều đặn hay là người chỉ tham dự Thánh lễ với chúng tôi hôm nay thôi, thì lời mời đều giống nhau. Tuần này, bạn hãy mời Thiên Chúa đến và cầu xin Người ban ơn để bạn khẳng định địa vị của bạn là con yêu dấu của Người:

 

“Lạy Cha, con biết con không phải là đứa con lúc nào cũng ngoan ngoãn nhất. Nhiều lần con đã phạm tội và không nhận ra chỗ đứng của con trong Giáo Hội là gia đình Cha. Cha đã phán với Con ChaĐức Giêsu: ‘Con là Con yêu dấu của Cha; Cha rất hài lòng về Con. Con biết và tin rằng con cũng là con cái yêu dấu của Cha qua bí tích Thánh Tẩy. Xin giúp con giữ vững căn tính này. Những lúc con phải phấn đấu, xin Cha ban cho con ơn cần thiết là hãy nhớ rằng lòng thương xót của Cha còn lớn hơn tội lỗi của con rất nhiều, và cho con  biết khiêm nhường đón nhận lòng thương xót ấy trong cuộc sống của con. Chúng con cầu xin nhờ danh Con Cha, Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con. Amen.”

 

Chuyển ngữ :JB. Đào Ngọc Điệp 

Nguồn: https://www.hprweb.com/


Suy Niệm Lời Chúa Năm C