LỄ CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA
Biến cố Chúa chịu phép rửa khởi đầu sứ vụ của Người
Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa (Is 40:1-5, 9-11; Tt 2:11-14;
3:4-7; Lc 3:15-16, 21-22)
Chúng ta
tiếp tục mừng kính và suy niệm việc Chúa hiển linh trong Chúa Nhật này, tức lễ
Chúa Giê-su chịu phép rửa. Lễ kính hôm
nay có thể gọi là tiếp nối biến cố Chúa tỏ mình ra cho muôn dân. Tại sông Gio-đan, khi Chúa Giê-su đến chịu
phép rửa của ông Gio-an, Thiên Chúa Cha và Chúa Thánh Thần đã tỏ Chúa Giê-su ra
cho mọi người được biết. Vậy Lời Chúa
hôm nay trình bày khung cảnh Hiển Linh và sứ điệp của Thiên Chúa thế nào để giới
thiệu Chúa Giê-su và khởi đầu sứ vụ rao gảng Tin Mừng của Người? Bài trích sách ngôn sứ I-sai-a đưa chúng ta
vào hoang địa, nơi ông Gio-an Tẩy Giả đang rao giảng việc sám hối và làm phép rửa
mời gọi người ta thực hành sám hối để đón Đấng Cứu Độ (bài đọc 1). Trong bài Tin Mừng, thánh Lu-ca ghi lại những
lời ông Gio-an nói với dân chúng về Đấng Mê-si-a đang đến, và quan trọng hơn hết,
ngài ghi lại việc Thiên Chúa Cha và Thánh Thần đã giới thiệu với nhân loại Chúa
Giê-su và sứ mệnh của Người. Sau hết, đoạn
thư gửi ông Ti-tô được coi như những lời thánh Phao-lô giải thích về sự khác biệt
giữa phép rửa kêu gọi sám hối của ông Gio-an Tẩy Giả với phép rửa ban ơn Thánh Thần
của Chúa Giê-su (bài đọc 2).
1. Ngôn sứ I-sai-a tiên báo việc ông Gio-an Tẩy
Giả rao giảng sứ điệp sám hối. Trước
hết ngôn sứ I-sai-a loan báo một tin vui:
thời phục dịch của Giê-ru-sa-lem đã mãn và tội của thành đã đền
xong. Tin vui này khiến chúng ta nhớ lại
thời kỳ lưu đày của Ít-ra-en.
Giê-ru-sa-lem tượng trưng cho dân Ít-ra-en. Vì họ thờ các thần ngoại mà bất trung với
Thiên Chúa nên họ đã bị trừng phạt. Dân
chúng bị bắt đem đi để “phục dịch” cho đế quốc Át-sua và Ba-by-lon; giờ đây thời gian bị trừng phạt đã mãn. Tội bất trung với Thiên Chúa giờ đây cũng đã
được tha. Để trở về cố hương và đón nhận
Thiên Chúa, Ít-ra-en cần phải dọn đường cho Người đến bằng một cuộc hoán cải
tâm hồn. Đây là lời kêu gọi của Thiên
Chúa qua những lời ngôn sứ I-sai-a. Tuy nhiên, những lời kêu gọi này của ngôn sứ
I-sai-a được ông Gio-an Tẩy Giả lập lại khi ông hô hào dân chúng dọn đường tâm
hồn để đón nhận Đấng Cứu Độ. Sứ điệp kêu
gọi sám hối này chúng ta đã nghe trong mùa Vọng khi chúng ta chuẩn bị tâm hồn đón
mừng Chúa Giê-su giáng sinh. Bây giờ
cũng sứ điệp ấy được lập lại để giúp chúng ta chuẩn bị đón Chúa Giê-su đến thi
hành sứ vụ rao giảng Tin Mừng.
Song song
với việc kêu gọi dân Ít-ra-en hãy sám hối để đón nhận “tin mừng cho
Giê-ru-sa-lem” được cứu thoát và “Đức Chúa quang lâm hùng dũng”, ngôn sứ
I-sai-a còn cho họ thấy Đức Chúa sẽ làm gì cho họ trong tương lai. Đó là Thiên Chúa sẽ đến với họ như một vị Mục
Tử để chăn dắt họ. Có lẽ ông Gio-an Tẩy
Giả đã đọc và suy nghĩ về lời tiên tri này của I-sai-a, nhờ đó ông hiểu được thế
giá và sứ mệnh của Chúa Giê-su, ông nói:
“Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi, tôi không đáng cúi
xuống cởi quai dép cho Người. Tôi thì tôi làm phép rửa cho anh em trong nước,
còn Người, Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần” (Mc 1:7-8). Ông
Gio-an vẫn chưa hiểu rõ sứ mệnh cứu độ của Chúa Giê-su, vì có lần ông đã sai
môn đệ ông đến gặp Chúa Giê-su và hỏi Người có phải là Đấng phải đến hay không. Tất cả những gì ông làm hiện thời đều là theo
mệnh lệnh của Thiên Chúa muốn ông trở thành “tiếng người hô trong hoang địa”. Lời giảng ông lập đi lập lại vẫn là sứ điệp
sám hối ngôn sứ I-sai-a đã nói với dân Ít-ra-en, nhưng lần này mục đích không
phải là tiếp nhận một cuộc hồi hương và tái thiết Giê-ru-sa-lem, mà là tiếp nhận
Đấng Cứu Độ trần gian. Sau khi Gio-an sinh
ra được tám ngày, chịu phép cắt bì và được đặt tên là Gio-an, thì ông
Da-ca-ri-a là cha đã được đầy Thánh Thần nên nói tiên tri về Gio-an con trai
ông: “Chúc tụng Đức Chúa là Thiên Chúa
Ít-ra-en đã viếng thăm cứu chuộc dân Người… Hài nhi hỡi, con sẽ mang tước hiệu là ngôn sứ của Đấng Tối Cao: con
sẽ đi trước Chúa, mở lối cho Người, bảo
cho dân Chúa biết: Người sẽ cứu độ là
tha cho họ hết mọi tội khiên” (Lc 1:68, 76-77). Giờ đây tại
hoang địa cạnh sông Gio-đan, ông Gio-an Tẩy Giả đang thi hành những lời tiên
tri cha ông đã nói về ông lúc ông còn là một hài nhi. Ông đang “đi trước Chúa, mở lối cho Người” bằng
cách công bố cho dân chúng biết sứ mệnh cứu độ của Chúa Giê-su. Rõ ràng có sự trùng hợp giữa lời tiên tri của
ngôn sứ I-sai-a và lời tiên tri của ông Da-ca-ri-a về Gio-an Tẩy Giả vậy!
2. “Con là Con yêu dấu của Cha. Cha hài lòng về Con”. Những lời tiên tri của I-sai-a đã ứng nghiệm
khi ông Gio-an Tẩy Giả thi hành sứ mệnh tại sông Gio-đan. Những lời ông rao giảng về “Đấng quyền thế
hơn ông và làm phép rửa bằng Thánh Thần và bằng lửa” nay cũng được ứng nghiệm
khi Chúa Giê-su tiến đến xin ông làm phép rửa cho mình. Tuy nhiên điều kỳ diệu hơn thế nữa, đó là có
sự hiển linh của cả Chúa Cha lẫn Chúa Thánh Thần trong biến cố này. Chúa Thánh Thần thì lấy hình chim bồ câu ngự
xuống trên Chúa Giê-su. Còn Chúa Cha thì
phán dạy từ trời: “Con là Con yêu dấu của
Cha; Cha hài lòng về Con”. Quả thực là một khung cảnh vô cùng trọng đại
và thiêng liêng vì cả Ba Ngôi Thiên Chúa hiện diện trong giây phút khai mạc sứ
vụ rao giảng của Chúa Giê-su! Các Vị đã
chờ đợi thời điểm này từ lâu: với Chúa
Cha thì từ ngay sau khi ông A-đam và bà E-và phạm tội bất tuân, Người đã hứa
ban ơn cứu độ (St 3:15); với Chúa Thánh
Thần thì từ lúc Truyền Tin, Người đã “ngự xuống trên Đức Ma-ri-a” và Đức Mẹ
mang thai Ngôi Lời trong lòng (Lc 1:31, 35);
với Chúa Giê-su thì sau ba mươi năm sống ẩn dật làm bác thợ mộc
Na-da-rét trước khi lên đường bắt đầu sứ vụ (Mc 1:9). Sau giây phút trọng đại khai mạc Triều Đại
Thiên Chúa, Chúa Cha đã kết thúc bằng một câu hết sức ý nghĩa: “Con là Con yêu dấu của Cha; Cha hài lòng về Con”. Chúng ta thử nghĩ Chúa Cha có những tâm tình
nào khi Người phán những lời trên? Người
vui, vui lắm, khi thấy Chúa Con đã khởi đầu tốt đẹp kế hoạch của Người mà nhận
lấy kiếp phàm nhân. Nhưng đây mới là khởi
đầu thôi, vì công việc chính của Chúa Con là cho thế gian biết Thiên Chúa đã
yêu thương thế gian như thế nào. Cái chết
của Người trên thập giá mới là thước đo đích thực tình yêu Thiên Chúa. Cho nên những lời của Chúa Cha nói rằng Người
hài lòng về Chúa Con được hiểu như những lời khích lệ: Cố lên, Con ơi! Ráng mà thắng tội lỗi và ma quỷ. Cha chờ con trở về trong ngày toàn thắng!
3. Thiên Chúa cứu chúng ta nhờ phép Rửa ban ơn
tái sinh của Đức Ki-tô và nhờ ơn Thánh Thần đổi mới chúng ta. Thiên Chúa Cha đã sai Con Một giáng trần mặc
lấy xác phàm. Giờ đây Người sai Chúa
Giê-su đi rao giảng và chữa lành là sứ mệnh Người trao. Đoạn thư thánh Phao-lô gửi Ti-tô đã phác họa
kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa diễn tiến như thế nào. Mở đầu là “ngày hồng phúc vẫn hằng mong đợi”,
tức là ngày Đức Giê-su Ki-tô, Đấng Cứu Độ,
xuất hiện vinh quang. Vinh quang Thiên
Chúa không phải là thứ vinh quang hào nhoáng chóng qua của thế gian, nhưng là
vinh quang của tình yêu Thiên Chúa được biểu lộ qua lời giảng và các phép lạ
Chúa Giê-su sẽ làm. Lời giảng của Chúa
Giê-su sẽ “dạy chúng ta từ bỏ lối sống vô luân và những đam mê trần tục, mà sống
chừng mực, công chính và đạo đức ở thế gian này”. Còn các phép lạ Người làm là những dấu hiệu
nói lên “lòng từ bi và nhân ái” Thiên Chúa dành cho những người Chúa yêu
thương. Những điều này đã xảy ra suốt ba
năm trời Chúa Giê-su rao giảng Tin Mừng và chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền. Cuối cùng, Chúa Giê-su “đã tự hiến để cứu
chuộc chúng ta cho thoát khỏi mọi điều bất chính, và để thanh luyện chúng ta
thành Dân riêng của Người, một dân hăng say làm việc thiện”. Sau khi đã làm cho chúng ta trở nên con cái
Thiên Chúa, mang căn tính mới và tiềm năng trở nên giống Đức Ki-tô, Thiên Chúa
thực hiện bước cuối cùng của kế hoạch cứu độ, đó là “tuôn đổ đầy tràn Thánh Thần
trên chúng ta” để luôn đổi mới chúng ta cho chúng ta đạt tới mức thập toàn
trong Đức Ki-tô.
Sống sứ điệp Lời
Chúa
Trong
ngày Chúa Giê-su chịu phép rửa, chúng ta biết được nhiều điều trọng đại xảy ra
khi Người bắt đầu thi hành sứ vụ. Chúng
ta được ngôn sứ I-sai-a tiên báo: “Kìa
Thiên Chúa các ngươi! Kìa Đức Chúa quang
lâm hùng dũng” đã tới! Rồi thánh Gio-an
Tẩy Giả, đang khi rao giảng sự sám hối để kêu gọi dân chúng dọn đường cho Chúa
Giê-su, đã tôn vinh Đấng quyền năng hơn ngài sẽ đến làm phép rửa bằng Thánh Thần
và bằng lửa: Đấng ấy chính là Chúa
Giê-su. Sau cùng, sự xuất hiện của cả Ba
Ngôi Thiên Chúa đã đem lại cho biến cố Chúa Giê-su chịu phép rửa một ý nghĩa vô
cùng phong phú về kế hoạch cứu độ. Chúa
Cha và Chúa Thánh Thần cùng giới thiệu Chúa Con với nhân loại. Còn Chúa Con thì từ nay bắt đầu sứ vụ trong
tình yêu Thiên Chúa và yêu thương nhân loại. Người sẽ dạy chúng ta “từ bỏ lối sống
vô luân và những đam mê trần tục” để đi theo lối sống Tin Mừng là lối sống đề
cao lòng yêu mến và phụng sự Thiên Chúa cùng yêu thương và phục vụ tha
nhân. Nào chúng ta cùng lên đường với
Chúa Giê-su!
Lm. Đa-minh Trần
đình Nhi