LỄ CHÚA GIÊ-SU CHỊU
PHÉP RỬA C
Is 40,1-5.9-11 ; Tt
2,11-14;3,4-7 ; Lc 3,15-16.21-22
ỨNG XỬ KHIÊM HẠ NOI
GƯƠNG ĐỨC GIÊ-SU
I.
HỌC LỜI CHÚA
1.TIN
MỪNG: Lc 3,15-16.21-22
(15)
Hồi đó, dân đang trông ngóng, và trong thâm tâm, ai nấy đều tự hỏi về
ông Gio-an: Biết đâu ông chẳng phải là Đấng Mê-si-a ! (16) Ông Gio-an trả
lời mọi người rằng: “Tôi, tôi làm phép rửa cho anh em bằng nước. Nhưng
có Đấng mạnh thế hơn tôi đang đến. Tôi không đáng cởi quai dép cho
Người. Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần và Lửa”.
(21) Khi toàn dân chịu phép rửa, Đức Giê-su cũng chịu phép rửa. Sau
đó, đang khi Người cầu nguyện, thì trời mở ra (22) và Thánh Thần ngự
xuống trên Người như chim bồ câu. Lại có tiếng từ trời phán rằng:
“Con là Con của Cha. Ngày hôm nay, Cha đã sinh ra Con”.
2.Ý
CHÍNH:
Bài Tin mừng hôm nay được chia làm hai phần: Trong
phần đầu: dân chúng thắc mắc và nghĩ Gio-an có lẽ là Đấng Mê-si-a.
Nhưng ông đã khiêm tốn phủ nhận điều này và còn giúp họ phân biệt
giữa phép rửa bằng nước sông do ông làm khác với phép rửa trong
Thánh Thần và Lửa do Đấng Thiên Sai sẽ thực hiện. Trong phần hai: Khi
Đức Giê-su vừa chịu phép rửa do Gio-an thực hiện thì một cuộc Thần
hiện đã xảy ra: Thánh Thần ngự xuống trên Người như chim
bồ câu và có tiếng Chúa Cha từ trời giới thiệu Đức Giê-su chính là Người Con độc nhất
được sinh ra trước mọi thời gian và được Chúa Cha rất mực yêu quý.
3.CHÚ
THÍCH:
-C
15-16: +Đấng Mê-si-a: Mê-si-a trong tiếng Do thái có nghĩa là Đấng Thiên
Sai. Từ Mê-si-a này mang nặng ý nghĩa về mặt chính trị ái quốc cực
đoan. Mê-si-a đồng nghĩa với Chris-tos trong tiếng Hy lạp hay Christus (Ki-tô) tiếng La tinh, nghĩa là “Người
được Chúa xức dầu” (x. Lc 22,67; 23.3). Về sau tại An-ti-o-ki-a, lần
đầu tiên các tín hữu đã được gọi là Ki-tô hữu, nghĩa là người
thuộc về Đức Ki-tô (x Cv 11,26). +Cởi quai dép: Là hành vi của
các nô lệ người ngọai quốc. +Làm phép Rửa trong Thánh Thần: Ở
đây và trong sách Công vụ (1,5;11,16), Lu-ca phân biệt giữa phép rửa
bằng nước do Gio-an thực hiện với phép rửa thanh tẩy bằng quyền năng
Thánh Thần. Phép rửa mới này sẽ được khai diễn vào lễ Ngũ Tuần khi
Thánh Thần lấy hình ngọn lửa hiện xuống trên đầu mỗi tông đồ hay môn
đệ của Đức Giê-su. +Lửa: “Lửa” tượng trưng tác
động của Chúa Thánh Thần thanh luyện tâm hồn các tín hữu, đang khi
“nước” chỉ có tác dụng để tẩy rửa bên ngoài thân xác mà thôi (x. 1
Pr 1,7). Câu này tiên báo việc Chúa Thánh Thần sẽ tác động trên các
tông đồ vào lễ Ngũ Tuần, tức ngày thứ mười sau khi Chúa lên trời (x.
Cv 2,3-4).
-C
21-22: +Đức Giê-su cũng chịu phép
rửa: Người khiêm tốn hòa nhập vào
đoàn người sám hối đang xếp hàng lần lượt xuống sông Gio-đan để được
Gio-an làm phép Rửa thanh tẩy cho +Đang khi Người cầu nguyện: Lu-ca
thường ghi nhận những lần Đức Giê-su cầu nguyện trước các biến cố
quan trọng (5,16; 6,12; 9,18.28-29). +Trời mở ra: Tin mừng Mác-cô
viết: “Các tầng trời xé ra” (Mc 1,10). Còn ở đây Lu-ca viết: “Trời mở
ra” có vẻ nhẹ nhàng hơn. Đức Giê-su chấm dứt thời kỳ Cựu ước của Do
thái giáo và bắt đầu một kỷ nguyên mới là thời kỳ Tân ước. Từ đây
trời đất đã giao hòa. Cửa Trời không còn đóng lại, nhưng đã được mở
ra (x. Cv 7,56). +Thánh Thần ngự xuống trên Người dưới hình dáng như chim bồ
câu: Chim bồ câu là hình dáng mà Thánh Thần mượn khi muốn cho
người phàm xem thấy. Đây cũng là hình ảnh nhắc lại cuộc tạo dựng
vào lúc khởi nguyên, báo hiệu một cuộc tạo thành mới (x. St 1,2).
Trong biến cố đại hồng thủy thời No-e, chim bồ câu cũng báo trước về
một thế giới mới (x. St 8,8). Cuối cùng, chim bồ câu ở đây còn bao
hàm một ý nghĩa nữa là: Thần Khí đã xức dầu thiêng liêng cho Đức Giê-su
(x. Cv 10,38), để tấn phong Người là Đấng Mê-si-a (x. Mt 12,18). +“Con
là Con của Cha. Ngày hôm nay Cha đã sinh ra Con”: Đây là Lời
Chúa trích trong Thánh kinh (x Tv 2,7 ; Cv 13,33 ; Dt 1,5). Qua lời này,
Đức Giê-su được Chúa Cha tấn phong làm Đấng Mê-si-a và bắt đầu sứ
mệnh cứu độ dân Chúa. Cũng qua câu này, Thiên Chúa mặc khải mầu
nhiệm quan trọng: “Đức Giê-su là Con Một Thiên Chúa” (x. Lc 1,35).
4.CÂU
HỎI: 1) Ý nghĩa của từ Ki-tô và Ki-tô hữu là gì? Các tín hữu của
Chúa Giê-su lần đầu tiên được gọi là Ki-tô hữu tại đâu? 2) Phân biệt
phép rửa của Gio-an và phép rửa tội của Đức Giê-su giống và khác
nhau thế nào? 3) “Lửa” trong câu Lc 3,16 có ý nghĩa ra sao và tiên báo
về điều gì? 4) Tại sao Đức Giê-su là Đấng vô tội mà lại đứng xếp
hàng chung với các tội nhân để xin Gio-an làm phép rửa ? 5) Câu nào
cho thấy Đức Giê-su đã được Chúa Cha tấn phong làm Đấng Mê-si-a?
II.
SỐNG LỜI CHÚA:
1.LỜI
CHÚA: “Con là Con Cha. Cha hài lòng về Con” (Lc 1,35)
2.CÂU
CHUYỆN:
1)
SẴN SÀNG BỊ NGÃ VÀO VŨNG BÙN NHƠ:
Một vị quan lớn mở tiệc mời nhiều người đến dự. Tất cả
các người được mời đều ăn mặc sang trọng và dùng xe ngựa đến. Trong số ấy có một vị khách già yếu. Rủi thay, vì
già yếu nên khi xuống xe ông cụ đã bị trượt chân té ngã vào vũng bùn. Khách đến
dự tiệc thấy vậy đều phá lên cười. Xấu hổ và cảm thấy mình không xứng đáng dự
tiệc với quần áo như vậy, ông quyết định quay về. Gia nhân nài nỉ cách mấy
ông cũng không chịu ở lại. Khi đó vị quan chủ tiệc được báo tin đã vội tới
chỗ vị khách kia, rồi cũng cố tình bị té ngã vào vũng nước. Thế là áo quần của
ông quan cũng dơ bẩn giống như vị khách kia. Nhưng lần này không ai dám cười nhạo
nữa. Sau đó, vị quan lớn đã cầm tay vị khách quý đưa vào phòng tiệc. Đến
lúc này thì vị khách chẳng còn lý do nào để chối từ nữa.
Chính hành động cố tình té ngã vào vũng bùn của vị quan lớn, để nên
giống như vị khách quý nên đã đưa được ông vào bàn dự tiệc,
thì Con Thiên Chúa vô cùng thánh thiện đã hóa nên người phàm,
để làm cho người phàm chúng ta được trở nên con Thiên Chúa.
2)
GIÁ TRỊ CỦA ĐỨC KHIÊM HẠ GIỮA ĐỜI THƯỜNG :
Một tài xế xe tải kia không dám cho xe tải chạy qua cầu,
vì theo anh nghĩ chiếc xe tải có mui xe cao hơn thành cầu tới 10 phân. Trong
lúc tiến thoái lưỡng nan, không biết nên giải quyết thế nào, thì có người đề
nghị với anh: Hãy xì bớt hơi cho các bánh xe xẹp xuống. Anh tài xế liền làm
theo lời khuyên này và cuối cùng chiếc xe của anh đã dễ dàng qua cầu an toàn.
Xì hơi cho 4 bánh xe xẹp bớt cũng tương tự thái độ khiêm
nhường. Trong giao tiếp với tha nhân, nếu “biết mình biết người, sẽ trăm trận
trăm thắng !”. Cũng vậy, nếu biết ứng xử khiêm hạ với tha nhân thì chúng
ta sẽ gây được thiện cảm với họ và sẽ dễ đạt tới thành công trong mọi việc.
3)
KHIÊM TỐN LÀ LUÔN TRONG TƯ THẾ QUÂN BÌNH:
Một hôm Khổng Tử tới thăm miếu vua Hoàn Công nước Lỗ, thấy
một chiếc lọ đứng nghiêng thì hỏi thăm và được người giữ miếu cho biết như sau:
- Cái lọ này là một bảo vật, thuở trước nhà vua luôn để gần
ngai vàng để nhắc nhở mình.
Khổng Tử nói :
- Ta nghe đồn nhà vua có một bảo vật : không cho nước
vào thì lọ đứng nghiêng ; Đổ nước vào vừa phải thì lọ sẽ đứng thẳng. Còn nếu
đổ nước đầy tới miệng thì lọ lại sẽ bị đổ ngã. Có lẽ đó chính là chiếc lọ này
chăng ?
Rồi ngài bảo học trò múc nước để kiểm tra thì kết quả
đúng như thế.
- Bấy giờ Khổng Tử mới dạy bài học về sự trung dung như
sau:
Cái lọ của vua Hoàn Công chính là bài học giúp thực hành
lối sống quân bình để khỏi bị sụp đổ. Người thông minh thì hãy giữ quân bình bằng
cách ứng xử như người bình thường chứ không muốn cho mình trổi vượt hơn
người khác. Kẻ lập được công to thì hãy giữ quân bình bằng thái độ và lời
nói khiêm tốn chứ không khoe khoang thành tích hơn người của mình. Kẻ có sức
khỏe vô địch thì nên giữ quân bình bằng thái độ nhẫn nhịn chịu đựng tha nhân
chứ không “ỷ mạnh hiếp yếu, lấy thịt đè người”. Nếu đang là một người
giầu có thì hãy giữ quân bình trong cách tiêu dùng và quảng đại chia sẻ cơm
áo cho người nghèo khổ túng thiếu”.
4) SỨC
MẠNH THUYẾT PHỤC CỦA GƯƠNG SÁNG:
Tại một bệnh viện, một bé gái được đưa vào
phòng giải phẫu. Bác sĩ nói: “Cháu ạ, trước khi giải phẫu, ta phải
làm cho cháu ngủ đã!” Cô bé, vốn được bà mẹ đạo đức huấn luyện từ
nhỏ về thói quen cầu nguyện trước khi đi ngủ, liền đáp: “Ồ, nếu bác
sĩ làm cho cháu ngủ, thì xin hãy để cho cháu được cầu nguyện trước
đã”. Rồi em ngồi dậy sốt sắng cầu nguyện. Sau một phút, em nói: “Bây
giờ thì bác sĩ có thể bắt đầu cho cháu ngủ được rồi đấy!” Sau đó,
chính bác sĩ giải phẫu cũng âm thầm cầu nguyện khi sắp bắt tay vào
việc chuyên môn gây mê và giải phẫu khối u cho em nhỏ. Đây là lần đầu
tiên ông cầu nguyện sau 30 năm mất đức tin. Chính gương sáng cầu nguyện
của cô bé yếu đuối đã có sức khơi dậy niềm tin nơi vị bác sĩ nhiều
năm xa Chúa!
3.THẢO
LUẬN: Khi chịu phép rửa tội, chúng ta đã được công nhận là con yêu
dấu của Chúa Cha như Đức Giê-su xưa. Người cũng truyền cho các môn đệ phải
làm chứng cho Người (Cv 1,8). Vậy ngày nay các tín hữu cần làm chứng cho Đức
Giê-su bằng cách nào?
4.SUY
NIỆM:
1) PHÂN BIỆT HAI LOẠI PHÉP RỬA:
- Gio-an Tẩy Giả đã phân biệt hai
loại phép rửa với dân chúng Do Thái như sau: “Tôi rửa anh chị em trong nước,
nhưng có Đấng cao trọng hơn tôi đang đến sau tôi,
nhưng Người có
trước tôi, và tôi không xứng đáng cởi giây giày cho Người. Người sẽ rửa anh chị
em trong Thánh Thần và Lửa”. Gio-an cũng làm chứng về Ngôi vị Con Thiên Chúa
của Đức Giê-su như sau: “Tôi không biết Người, nhưng Đấng sai tôi làm
phép rửa trong nước phán bảo tôi: Ngươi thấy Thánh Thần ngự xuống trên ai, thì
đó chính là Đấng làm phép rửa trong Chúa Thánh Thần. Tôi đã thấy và tôi làm
chứng Người chính là Con Thiên Chúa…”
- Phân biệt hai loại phép Rửa: Phép rửa của Gio-an Tẩy
Giả, và phép rửa tội của Đức Giê-su như sau:
+Phép rửa sám hối bằng nước sông: Đức Giê-su đã đến xếp hàng xin Gio-an làm phép rửa bằng
nước sông Gio-đan để được Thiên Chúa xác nhận là Đấng Thiên Sai, như Gio-an Tẩy
Giả đã nói: “Để Ngài được tỏ mình ra với dân Ít-ra-en, nên tôi mới đến làm
phép rửa trong nước”. Người chịu phép Rửa bằng nước được Gio-an dìm mình xuống
dưới mặt nước bày tỏ lòng “sám hối để được ơn tha tội” (x. Mc 1,4), và được gia
nhập vào đoàn ngũ những người sẽ đón nhận ơn cứu độ của Đấng Thiên Sai sắp đến
ban cho.
+Phép rửa tái sinh trong Chúa Thánh Thần: Đây là bí tích Rửa Tội nhân danh Chúa Ba Ngôi do Chúa Giê-su thiết lập.
Trước khi lên trời, Chúa Giê-su Phục Sinh đã truyền cho các môn đệ cử hành bí
tích rửa tội như sau: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy
anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân
danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần…” (Mt 28,18-19). Phép rửa tội của
Chúa Giê-su ám chỉ toàn bộ công trình cứu độ bằng sự chết và phục sinh của Người
như Người đã nói trước cuộc khổ nạn: “Thầy còn một phép rửa phải chịu, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc
này hoàn tất” (Lc 12,50). Những ai chịu phép rửa tội do Đức Giê-su thiết lập sẽ
nhận được Thần Khí tẩy sạch mọi vết nhơ tội lỗi, sẽ được Thiên Chúa ban tặng một
quả tim mới bằng thịt biết yêu thương, thay cho quả tim đã hóa ra chai đá (x.
Is 44,3).
2)
PHÉP RỬA TỘI GIÚP LOẠI TRỪ CÁC THÓI HƯ THUỘC THỂ:
Hôm nay Hội thánh cũng muốn nhắc lại những cam kết
trong ngày chịu phép rửa tội. Qua nghi lễ thanh tẩy bằng nước, diễn tả mầu
nhiệm Tử nạn và Phục sinh của Đức Giê-su, Hội thánh nhắc nhở các tín hữu
phải chết đi cho những gì thuộc về ma quỉ, thế gian cùng các đam mê tội
lỗi bất chính để cùng Người sống lại một cuộc sống mới làm con Thiên
Chúa trong Chúa Thánh Thần.
Chết đi cho các thói hư chính là lọai trừ óc bè phái cục
bộ, gây chia rẽ nội bộ; thói tự cao tự đại cho mình là nhất và lên mặt kết án
kẻ khác; thói tự ái cao không chấp nhận những góp ý phê bình của
tha nhân đối với các sai sót khuyết điểm của mình. Chết đi cho những việc làm xấu
xa như: tham ô hối lộ, ăn cắp của công, bóc lột người nghèo, giết người cướp của,
chè chén say sưa, cờ gian bạc lận, gian tham tục tĩu, loại bỏ những ý nghĩ đen
tối, những lời nói hành, “gắp lửa bỏ bàn tay người”, lên án bất công cho những
kẻ mình không ưa, nói sai sự thật, thói ưa tọc mạch soi mói vào đời tư của
người khác…
3)
PHÉP RỬA TỘI TÁI SINH TA LÀM CON THIÊN CHÚA:
- Ngày lễ hôm nay nhắc nhở chúng ta ý thức và
sống ơn gọi khi chịu phép rửa tội: Được biến hóa nên con của Thiên Chúa
giống Đức Giê-su như Tin Mừng đã ghi nhận: “Lại có tiếng từ trời phán
rằng: “Con là Con của Cha. Ngày hôm nay, Cha đã sinh ra Con” (Lc 3,22).
Như vậy, phép rửa tội không những là một lễ nghi gia nhập đạo, mà còn là khởi đầu của một cuộc sống mới làm con Thiên Chúa và sẽ
kéo dài suốt cuộc đời người tín hữu. Chúng ta phải sống thế nào để
Thiên Chúa có thể nhận chúng ta là con thảo như đã từng công nhận Đức Giê-su
sau khi chịu phép Rửa của Gio-an: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng
về Người” (Mt 3,17).
- Vậy thế nào là một “người con yêu dấu luôn làm Chúa Cha
hài lòng? :
+ Hiểu biết ý muốn của cha mình: Đức Giê-su luôn cầu nguyện kết hiệp với Cha, hiểu biết thánh ý Cha và luôn làm theo ý
Cha. Người cũng cho các môn đệ biết: ”Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của
Đấng đã sai Thầy, và hoàn tất công trình của Người” (Ga 4,34). Sau bữa Tiệc
Ly, Người đã cùng 3 môn đệ vào vườn Cây Dầu và cầu nguyện với Cha: “Cha ơi,
nếu được, xin cho chén này rời khỏi con. Nhưng xin đừng theo ý con, mà xin theo
ý Cha” (Mt 26,39).
+ Chiếu ánh sáng đức tin bằng các việc lành: chúng ta phải chiếu ánh sáng của Chúa bằng việc thăm viếng
để chia sẻ và phục vụ cụ thể như lời Chúa Giê-su phán: ”Ánh sáng của anh em phải
chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm,
mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời” (Mt 5,16). Cần năng
cầu nguyện với Chúa Cha với tâm tình con thơ phó thác như lời kinh Chúa Giê-su dạy:
”Chúng con nguyện danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất
cũng như trên trời…”. Cuộc sống của mỗi tín hữu chúng ta phải biểu lộ cho
lương dân nhận biết chúng ta thực là con Thiên Chúa.
4)
PHÉP RỬA TỘI GIÚP TA CHU TOÀN SỨ VỤ LÀM CHỨNG CHO CHÚA:
Sau khi chịu phép Rửa Tội và Thêm Sức, chúng ta sẽ được
thánh hóa nhờ Thần Khí của Chúa Ki-tô Phục Sinh. Từ đây chúng ta có bổn phận
làm chứng cho Chúa Giê-su như sau:
+ Làm chứng bằng một cuộc sống hiếu thảo luôn làm vui lòng Chúa Cha như Đức Giê-su (x Mt 3,17):
Mỗi tín hữu cần năng kết hiệp bằng sự đọc kinh cầu nguyện sớm tối; Dành ra thời
gian để đọc một đoạn Lời Chúa rồi suy niệm để tìm hiểu ý Chúa muốn
cho mình phải làm gì và cầu xin Chúa giúp thực hành theo gương mẫu và lời dạy của
Đức Giê-su (x Dt 10,9; Mt 26,39); Cần ý thức sứ vụ tích
cực góp phần xây dựng môi trường mình đang sống trở nên “Trời Mới Đất Mới” (Kh
21,1-4), ngày một an tòan sạch đẹp hơn, công bình nhân ái hơn…
+ Làm chứng cho Đức Giê-su không phải lúc nào cũng nói
về Chúa, nhưng là luôn sống đức tin bằng
việc thực hành đức cậy và chiếu sáng đức mến qua cách ứng xử với
tha nhân: Câu chuyện bé gái sắp bị mổ đã cầu nguyện với Thiên Chúa, đã có sức lay động đức tin chai đá nguội lạnh
của viên bác sĩ giải phẫu cho em, ông này đã bỏ cầu nguyện
nhiều năm.
+ Làm chứng bằng việc quyết tâm loại bỏ “con người thuộc thể” bằng cách xin ơn Thánh Thần để luôn theo
gương mẫu và lời dạy của Đức Giê-su như thánh Phao-lô đã viết: "Anh em
đã được trỗi dậy cùng với Đức Ki-tô, nên hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng
giới, nơi Đức Ki-tô đang ngự bên hữu Thiên Chúa" (Cl 3, 1-2).
+ Làm chứng bằng việc chu tòan sứ vụ loan báo Tin Mừng, nghĩa là làm cho “danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến, ý Cha
thể hiện dưới đất cũng như trên trời” (Mt 6,9-10). Làm chứng bằng lời nói và qua việc
làm chia sẻ quảng đại và khiêm tốn phục vụ những người bệnh tật hoặc bị bỏ
rơi… Nhờ đó anh em lương dân sẽ dễ nhận biết tin yêu Chúa như Đức Giê-su đã dạy:
“Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy
những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng
ngự trên trời” (Mt 5,16).
5.NGUYỆN
CẦU:
LẠY CHÚA GIÊ-SU. Xin cho chúng con học tập nơi Chúa
nhân đức hiền lành và khiêm nhường trong lòng. Xin cho chúng con luôn biết
nhận ra những thiếu sót và lầm lỗi của mình để tu sửa đời sống. Xin cho
chúng con tránh tìm cách nổi trội hơn anh em nhưng luôn chọn phần nhỏ hơn abg em về quyền lợi địa vị, nhưng phần lớn hơn anh em về trách nhiệm phục vụ. Xin cho
chúng con luôn biết ăn nói khiêm tốn nhỏ nhẹ, tránh la mắng to
tiếng với người dưới, cho chúng con biết nói ít làm nhiều như lời Gio-an
Tẩy Giả nói với môn
đồ của ông: “Người cần phải lớn lên còn tôi phải
lu mờ đi”... Nhờ đó, “hữu xạ tự nhiên hương”: qua chúng con, anh em
lương dân sẽ nhận biết yêu mến Chúa để cùng được chia sẻ niềm vui ơn
cứu độ trong đại gia đình Hội Thánh với chúng con.
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG
CON.
LM
ĐAN VINH - HHTM