CHÚA NHẬT II PHỤC SINH

Nhờ Chúa Phục Sinh, Giáo Hội sơ khai phát triển mạnh mẽ

 

Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa  (Cv 5:12-16;  Kh1:9-11a, 12-13,17-19;  Ga 20:19-31)

        Chúng ta vừa hết tuần Bát Nhật Phục Sinh, một tuần lễ được mệnh danh là tuần lễ áo trắng, tấm áo các anh chị em tân tòng đã mặc lấy khi được lãnh nhận các Bí tích khai tâm vào đêm Vọng Phục Sinh.  “Càng ngày càng có thêm nhiều người tin theo Chúa”.  Đó là nhận xét của thánh sử Lu-ca trong bài đọc 1 khi nói về sự phát triển của Giáo Hội sơ khai.  Vậy nhờ đâu mà Giáo Hội phát triển mạnh mẽ như thế?  Đó là qua các tông đồ, Chúa Giê-su tiếp tục sứ mệnh của Người là rao giảng và chữa lành.  Như hạt lúa phải thối đi thì mới trổ sinh thành cây lúa và đem lại bông hạt dồi dào, Chúa Giê-su đã chết đi và sự Sống Lại chính là nguyên lý phát triển của tất cả Giáo Hội.  Chúa Phục Sinh đã phán với thánh Gio-an tông đồ:  “Ta là Đầu và là Cuối”.  Lịch sử Giáo Hội trần thế được đặt nền tảng trên chân lý này:  Chúa Giê-su Ki-tô là khởi đầu và kết thúc của Giáo Hội trần thế (bài đọc 2).  Tuy nhiên điều kiện căn bản để được làm phần tử của Giáo Hội Chúa Ki-tô luôn luôn là đức tin vào Chúa Phục Sinh, điều mà thánh Tô-ma tông đồ đã phải phấn đấu mới có thể tuyên xưng rằng:  “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!” (bài Tin Mừng).

 

        1.  Càng ngày càng có thêm nhiều người tin theo Chúa.  Vừa bắt đầu sứ vụ, Chúa Giê-su đã kêu gọi một số môn đệ đầu tiên đi theo Người.  Ba năm rảo bước khắp miền Giu-đê, Sa-ma-ri và Ga-li-lê rao giảng Tin Mừng Nước Trời và chữa lành những người yếu đau bệnh tật, Chúa Giê-su đã có được một đội ngũ tông đồ nòng cốt, cộng thêm một số đông môn đệ và dân chúng thường xuyên đến nghe Người giảng dạy hoặc để cho thân nhân họ được chữa lành.  Tuy nhiên Giáo Hội vẫn chưa chính thức hình thành cho đến khi Chúa Thánh Thần hiện xuống trên họ.  Sau bài giảng đầu tiên của thánh Phê-rô, khoảng ba ngàn người đã xin chịu phép rửa để theo đạo.  Tiếp theo, lối sống mới của cộng đoàn Ki-tô hữu tiên khởi đã có sức lôi cuốn thêm rất nhiều người đến với Giáo Hội.  Đó là tình trạng của Giáo Hội sơ khai tại Giê-ru-sa-lem.  Rồi khi Giáo Hội bắt đầu bị bách hại và bắt bớ, các tông đồ, môn đệ và cả Ki-tô hữu đã phải chạy tản mát đi khắp nơi.  Họ đi đến đâu là mở mang Giáo Hội tới đó.  Theo thánh sử Lu-ca, sự phát triển mau chóng này một phần có được là do “hồi ấy, nhiều dấu lạ điềm thiêng được thực hiện trong dân, nhờ bàn tay các Tông Đồ”.  Trước khi về trời với Thiên Chúa Cha, Chúa Giê-su đã hứa sẽ ở cùng các môn đệ “mọi ngày cho tới tận thế” (Mát-thêu 28:20).  Đúng vậy, Người “ở cùng” họ và cùng chúng ta hôm nay bằng nhiều cách:  nhờ hoạt động của Chúa Thánh Thần, Kinh Thánh, Bí Tích Thánh Thể, cầu nguyện, phụng vụ… Chính nhờ việc “ở cùng” ấy mà Giáo Hội phát triển và càng ngày càng có thêm nhiều người tin theo Chúa.

        Ngay lúc đầu, chúng ta có cảm tưởng như Chúa Giê-su đã thất bại hoàn toàn, vì Người đã bị giết khiến cho “những người con bé nhỏ của Thầy” (Ga 13:33) chạy trốn, bỏ Thầy lại một mình, rồi sau đó vì sợ người Do-thái, họ đã đóng kín cửa nơi đang ở (20:19).  Nhưng Chúa lại hứa sẽ không để họ “mồ côi” đâu (14:18), vì Người sẽ sai Thánh Thần của Người đến làm Đấng Bảo Trợ của họ.  Đúng như lời Chúa Giê-su đã hứa, Thánh Thần được sai đến, Người “đổi mới bộ mặt trái đất”, biến những người con bé nhỏ thành những anh hùng rường cột trong công cuộc rao giảng Tin Mừng.  Cũng như Chúa Giê-su, ngoài việc rao giảng Tin Mừng, các tông đồ đã thực hiện “nhiều dấu lạ điềm thiêng” trong dân.  Âm thầm cộng tác với các tông đồ, các Ki-tô hữu “thường hội họp tại hành lang Sa-lô-môn”.  Dù không được phép họp nhau trong Đền Thờ vì người Do-thái kỳ thị, việc họp nhau ở bên ngoài tại hành lang Sa-lô-môn lại là dịp để mọi người lui tới Đền Thờ có cơ hội quan sát và nhận ra được những điều tốt lành nơi các Ki-tô hữu.  Việc làm có sức lôi cuốn bằng mấy lần lời nói, quả thực là một cách truyền giáo vô cùng hữu hiệu!  Sự kiện tăng thêm những người tin theo Chúa nói lên sức sống mới của Chúa Ki-tô, Đấng đã thực sự sống lại từ cõi chết, đúng như những gì Người đã mặc khải cho tông đồ Gio-an, tác giả sách Khải Huyền.

 

        2.  “Ta là Đầu và là Cuối.  Ta là Đấng Hằng Sống, Ta đã chết, và nay Ta sống đến muôn thuở muôn đời”.  Khuynh hướng phân biệt giữa Chúa Giê-su của lịch sử với Chúa Giê-su của đức tin chỉ là cách trình bày Đức Giê-su Ki-tô theo những khía cạnh khác nhau.  Nhưng khi nói về Giáo Hội, dường như chúng ta không thể tách biệt hai phương diện ấy được, vì Chúa đã khẳng định:  “Ta là An-pha (Đầu) và là Ô-mê-ga (Cuối)”.  Đây là hai mẫu tự đầu và cuối của bản mẫu tự Hy-lạp.  Chúng được sử dụng để nói rằng Thiên Chúa là căn nguyên mọi loài và là cùng đích mọi loài.  Tuy nhiên, nếu áp dụng ý tưởng “đầu và cuối” này vào lịch sử Giáo Hội, thì quả thực nó sẽ giúp chúng ta nhận ra vai trò vô cùng sống động của Chúa Giê-su trong lịch sử cứu độ.  Lịch sử cứu độ được tiếp tục trong lịch sử Giáo Hội.  Chúa Giê-su đã khởi đầu lịch sử này khi Người được Chúa Cha sai xuống trần gian, chuẩn bị sứ vụ tại Na-da-rét và ba năm thi hành sứ vụ trước khi chấp nhận cuộc Thương khó và sống lại từ kẻ chết.  Biến cố lịch sử đánh dấu ngày khai sinh của Giáo Hội là biến cô Chúa Thánh Thần Hiện Xuống.  Hôm nay, trong phần mở đầu sách Khải Huyền, thánh tông đồ Gio-an đã tự giới thiệu mình như “người chép sử” ghi lại lịch sử Giáo Hội qua “những gì đã thấy, những gì đang diễn ra và những gì sẽ xảy ra sau này”.  Đấng tạo nên lịch sử, kiểm soát lịch sử đã linh hứng cho tông đồ Gio-an viết sách Khải Huyền là để kêu gọi chúng ta hãy chú tâm đến đối tượng đức tin chúng ta là Chúa Ki-tô Phục Sinh, trung tâm của lịch sử.  Thế gian là nơi diễn ra cuộc chiến khốc liệt giữa Giáo Hội Chúa Ki-tô và quyền lực của Xa-tan.  Trong cuộc chiến ấy, người Ki-tô hữu phải đối mặt với cơn bách hại vì làm chứng cho Chúa Ki-tô.  Nhìn lịch sử Giáo Hội như một cuộc chiến đấu vì đức tin vào Chúa Ki-tô Phục Sinh, thánh tông đồ Gio-an đã hãnh diện tự coi mình là “người anh em của anh em, cùng chia sẻ nỗi gian truân, cùng hưởng vương quốc và cùng kiên trì chịu đựng với anh em trong Đức Giê-su”.  Chia sẻ này giúp chúng ta nhận ra rõ hơn vai trò của chúng ta trong Giáo Hội và tránh được thái độ thờ ơ với mọi sinh hoạt của Giáo Hội.  Chúa Giê-su là Đầu và Cuối của lịch sử Giáo Hội, còn chúng ta là những người đang bước đi theo sự dẫn dắt của Chúa Thánh Thần trong Giáo Hội ấy, để một ngày kia mọi sự được hoàn tất và mọi người được cùng Chúa Giê-su họp mặt trong nhà Cha trên trời.

 

        3.  “Những điều đã được chép ở đây là để anh em tin rằng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa, và để nhờ tin mà được sự sống nhờ danh Người”.  Trong sách Tin Mừng, thánh sử Gio-an đã ghi chép về Chúa Giê-su thi hành sứ vụ rao giảng và các dấu lạ Chúa làm.  Trước khi kết thúc, ngài đã minh định mục đích ngài viết sách Tin Mừng là “để anh em tin rằng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa, và để nhờ tin mà được sự sống nhờ danh Người”.  Nói khác đi, giúp củng cố đức tin vào Chúa Giê-su Ki-tô là mục đích sách Tin Mừng của ngài.  Có lẽ vì muốn nhấn mạnh đến vai trò của đức tin vào Chúa Ki-tô Phục Sinh mà thánh Gio-an đã thuật lại câu chuyện ông Tô-ma tuyên xưng đức tin vào Chúa Giê-su.  Cá nhân chúng tôi không thích “đề cao” sự nghi ngờ của thánh Tô-ma, nhưng thay vì đó muốn chú ý hơn đến hành vi tuyên xưng đức tin tột đỉnh của ngài.  Tột đỉnh, vì khi ngài gọi Chúa Giê-su là “Chúa của con” và “Thiên Chúa của con” thì ngài đã sử dụng toàn bộ khả năng con người và đức khiêm nhượng để nói lên chân tính của Chúa Giê-su.  Đúng vậy, chúng ta càng nhận ra rõ ràng vị trí hèn hạ và bất xứng của mình bao nhiêu thì càng dễ dàng nhận biết sự siêu việt của Thiên Chúa bấy nhiêu;  do đó đức tin của chúng ta càng mạnh mẽ hơn nhiều.  Phải nhận rằng việc Chúa hiện ra đã giúp củng cố đức tin của ông Tô-ma, nhờ đó ông mới mạnh dạn tuyên xưng đức tin của ông giữa những người đang coi ông là một kẻ nghi ngờ.  Ông không còn là một kẻ nghi ngờ nữa, nhưng từ nay ông là một người mạnh tin.  Điều này cũng phù hợp với mục đích của thánh Gio-an khi viết sách Tin Mừng, “là để anh em tin rằng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa”.  Cũng thế, chính nhờ đức tin vào Chúa Ki-tô Phục Sinh mà “càng ngày càng có thêm nhiều người tin theo Chúa”.

 

Sống sứ điệp Lời Chúa

        Chúng ta hôm nay cũng nhờ tin vào Chúa Giê-su Ki-tô mà trở thành phần tử trong Giáo Hội luôn phát triển của Người.  Nhưng đức tin không phải là tấm thẻ chứng nhận công dân Nước Trời, mà chỉ là khởi đầu cho hành trình cam go của chúng ta trong một Giáo Hội luôn bị bách hại.  Vậy chúng ta đừng quên thân phận của chúng ta cũng giống như thánh Gio-an tông đồ, là người “cùng chia sẻ nỗi gian truân” với các anh chị em Ki-tô hữu khắp nơi.  Thánh Gio-an đang chịu cơn bách hại khi bị giam cầm tại đảo Pát-mô.  Chúng ta cũng đang bị bách hại ngay giữa môi trường chúng ta đang sống   để làm chứng cho Chúa.  Nhìn vào sự phát triển của Giáo Hội giữa cơn bách hại, chúng ta càng xác tín hơn rằng Chúa Ki-tô luôn ở cùng chúng ta mọi ngày cho đến tận thế.  Vì vậy, chúng ta cứ vững tin và tiến tới cuộc sống đời đời nhờ danh Chúa Giê-su Ki-tô.

 

Lm. Đa-minh Trần đình Nhi

 

 


Suy Niệm Lời Chúa Năm C