Tình thầy trò Phêrô - Giêsu và Gioan
SUY NIỆM CHÚA NHẬT III PHỤC SINH - C
(Ga 20, 1-19)
Vào
lúc bình minh ló rạng. Chúa Giêsu hiện ra với các môn đệ và
hỏi : "Này các con, có gì ăn
không?" Họ đồng thanh đáp: "Thưa không". Chúa Giêsu bảo:
"Hãy thả lưới bên hữu thuyền thì sẽ được". Các ông liền thả lưới và
hầu không kéo nổi lưới lên, vì đầy cá. Người môn đệ Chúa Giêsu yêu liền nói với
Phêrô: "Chính Chúa đó". Simon Phêrô nghe nói là Chúa, liền khoác áo
vào, vì đang ở trần, rồi nhảy xuống biển (Ga 21, 5- 7). Hỏi : Đâu là cái để Gioan
với biệt hiệu là “người môn đệ Chúa yêu” nhận ra Thầy mình, và điều gì đã khiến Phêrô khoác
áo vào và nhảy ngay xuống biển? Thưa : Tình yêu.
Tình thầy trò
Tình thầy trò Phêrô - Giêsu và
Gioan thật đậm đà thắm thiết. Tình yêu giúp người
môn đệ được yêu mến là người đầu tiên nhận ra chính Chúa (x. Ga 21,7). Vì yêu mà Gioan được ngồi cạnh Thầy trong bữa Tiệc Ly và tựa đầu
vào ngực Chúa và hỏi thay cho Phêrô (x.
Ga 13, 23). Nhờ yêu mà Gioan cùng với Thầy đi vào nhà Caipha
bằng cổng chính như những mục tử, chứ không như Phêrô
phải ở ngoài chờ Gioan ra dẫn vào.
Từ yêu đi đến hành động.
Phêrô chỉ được chọn làm thủ lãnh và chăm sóc
đàn chiên Chúa sau khi công bố yêu mến Thầy đến ba lần (Ga
21,15-17). Chúa chọn Phêrô với trọn tình yêu. Phêrô
đáp lại cách trung thành, dù phải mất mạng (Ga
21,18). Dẫu biết rằng, đàn chiên thuộc về Thầy Giêsu chứ không thuộc về trò
Phêrô.
Nhìn vào lịch sử, chúng ta thấy rõ
được tình Thầy trò Giêsu. Gioan là người duy nhất trong các tông đồ ra đi trong
tuổi già. Ngài cũng là môn đệ được Chúa Giêsu trao
phó nghĩa vụ làm con thay thế Thầy đón Mẹ Thầy về nhà chăm sóc.
Phêrô đã tiếp nối công việc Thầy trao, chèo
lái con thuyền Giáo Hội từ buổi sơ khai, rao truyền giáo huấn của Thầy cho
những người chưa biết, bảo vệ chân lý về Ơn Cứu Độ mà Thầy đã trao ban. Ông
hạnh phúc được lãnh nhận phúc tử đạo giống như cái chết của Thầy. Con thuyền
Giáo Hội do Phêrô cầm lái vượt qua biết bao sống cả ba đào, và cho đến hôm nay
vẫn vững chắc lướt qua sóng gió trần gian.
Mẻ cá tình yêu
"Lúc rạng đông, Chúa Giêsu
hiện đến trên bời biển" (Ga 21,4). Biển là gì nếu không phải là biểu
tượng của thế gian đang bị xô đẩy bởi những con sóng dữ dội và vòng xoáy của ba
thù, và bờ tượng trưng cho sự sống đời đời đó sao ? Các môn đệ đã vất vả,
cực nhọc suốt đêm trên biển để đánh bắt cá, đương đầu với những con sóng của
cuộc sống hay chết, nhưng Đấng Cứu Chuộc chúng ta, sau khi sống lại, Người đứng
trên bờ. Theo thánh Grêgôriô Cả (540-604), Giáo hoàng, Tiến sĩ Hội Thánh giải
thích thì : Chúa Giêsu đứng trên bờ, vì sau khi sống lại, Người đã vượt qua các
điều kiện của một xác thịt mong manh hay hư nát, Người đứng trên bờ để nói cho
các môn đệ về mầu nhiệm phục sinh, rằng : "Thầy không hiện ra với anh em
trên mặt biển nữa" (x. Mt 14,25), bởi vì Thầy không còn ở với anh em trong
lúc biển gầm bão tố nữa. Chúa ở trên bờ để kéo các ông lên bờ và biến các ông
từ nay trở thành những kẻ lưới người ở trên bờ, chứ không lưới cá ở dưới nước
nữa. (Trích Homélies sur l'Évangile, n°24).
Trở lại với mẻ cá lạ của các môn đệ
làm theo lệnh truyền của Chúa Phục Sinh, vào buổi bình minh của ngày mới, Chúa
hiện ra với các môn đệ lần thứ ba. Nếu như Tin Mừng không nói rõ, chúng ta không
thể tưởng tượng được rằng chính Chúa sẽ chuẩn bị một cái gì đó cho chính mình
cũng như các môn đệ, những ngư dân mệt mỏi suốt đêm nay cần đồ ăn sáng.
Chúa Giêsu Phục Sinh đã cách mạng
hóa cuộc sống của họ và biến đổi lịch sử nhân loại ở mọi nơi mọi thời. Các Tông
Đồ thấy rằng họ đã thất bại, họ đã không đạt được tầm mức mà Đấng Mê-sia mong
đợi. Trong lưới của Phêrô và các môn đệ, người ta nhận ra sự kiệt sức, gần như
đầu hàng, chẳng những không hướng về Thiên Chúa, mà còn đối diện với sự nghèo
nàn của chính họ. Phêrô nói : "Tôi đi đánh cá đây"(Ga
21,3), ngay lập tức những người khác cũng đi theo, dường như muốn nói: "Bây
giờ họ không có gì khác để làm".
Quả thật, con người của các Tông Đồ
lúc này : Sau "khổ đau" của Thập Giá, họ đã trở về gia
đình, với cộng việc thường nhật, có người đi đánh cá, nghĩa là họ trở về lại
con người và làm những công việc trước lúc chưa gặp Chúa Giêsu. Điều này chứng
tỏ bầu khí phân tán và rối loạn trong nhóm (x. Mc 14, 27, và Mt 26,
31). Đó là khó khăn cho các môn đệ để hiểu những gì đã xảy ra, khi mà tất cả
dường như đến hồi kết, thì trên đường Emmaus, Chúa Giêsu đã đến với các môn đệ
dưới dạng khách đồng hành. Giờ đây, Chúa gặp gỡ họ lúc họ đang ở biển, là nơi
mà tâm trí họ nặng trĩu vì những thử thách gian truân của cuộc đời; Người gặp
họ vào rạng sáng ngày hôm sau khi họ vất vả cực nhọc vô dụng suốt đêm. Lưới họ
không có gì, cách nào đó, điều này cho thấy cảm nghiệm của họ với Chúa Giêsu,
họ biết Chúa đang ở bên họ, và Chúa hứa với họ nhiều điều. Tuy nhiên, họ thấy
mình bây giờ với mẻ lưới trống rỗng.
Các tông đồ thấy mỏi mệt, nhưng xúc
động trước tình yêu của Thầy, họ thả lưới ở "phía bên kia" thuyền.
Câu hỏi được đặt ra : Tại sao lại bên kia ? Bên kia là bên của tình yêu
Thiên Chúa. Tấm lưới của Phêrô đã được thả xuống từ một phần của tình yêu Chúa.
Tình yêu ấy rất cần thiết trong thế giới hôm nay.
Hiệp nhất trong tình yêu
Phúc âm thánh Gioan có hai cảnh bên
lửa than hồng. Một lần bên lò sưởi, Phêrô chối Thầy ba lần (Ga 18). Lần hai
cũng bên lửa than, ông bày tỏ tình yêu với Thầy mình ba lần. Tình yêu đã tẩy
xóa tội của ông và nối kết ông trở lại với Đức Giêsu.
Bữa ăn mà Chúa Giêsu dọn cho các môn
đệ là bữa ăn hiệp nhất trong tình yêu (x. Ga 21,9-13) tiên trưng cho phép Thánh
Thể. Lưới không rách là dấu chỉ sự hiệp nhất mà 153 con cá do các môn đệ mang
bắt được tượng trưng cho cả thế giới lúc bầy giờ là 153 nước đến với Chúa
Giêsu.
Lm.
Antôn Nguyễn Văn Độ