CHÚA NHẬT III PHỤC SINH

Mẻ lưới cá lạ lùng và sứ vụ tông đồ của Phê-rô

 

Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa  (Cv 5:27b-32, 40-41;  Kh 5:11-14;  Ga 21:1-19)

        Tin Mừng thánh Lu-ca đã kể lại phép lạ mẻ lưới cá tại bờ hồ Ghen-nê-xa-rét (cũng là hồ Ti-bê-ri-a) khi Chúa Giê-su kêu gọi bốn môn đệ đầu tiên (Lc 5:1-11).  Vậy mà bài Tin Mừng của thánh Gio-an hôm nay cũng thuật lại một mẻ lưới cá lạ lùng khi Chúa Giê-su Phục Sinh hiện ra với các tông đồ tại bờ hồ Ti-bê-ri-a.  Người ta thắc mắc:  vậy hai tường thuật ấy có phải là một nhưng được trình bày theo hai bối cảnh hoặc mục đích khác nhau hay thực sự đó là hai phép lạ riêng biệt?  Người ta nghĩ rằng đó là cùng một phép lạ.  Nhưng thánh Lu-ca đã ráp nối hai sự kiện khác nhau lại:  việc Chúa gọi các môn đệ và mẻ lưới lạ, với mục đích để nói lên ơn gọi của tông đồ Phê-rô là thu phục người ta, hoặc “chài lưới người”.  Còn thánh Gio-an cũng kể lại mẻ lưới lạ, nhưng ngài muốn liên kết phép lạ với cuộc hiện ra của Chúa Phục Sinh với các tông đồ, nhất là để Chúa Giê-su trao cho thánh Phê-rô quyền tối thượng lãnh đạo Giáo Hội Người.  Dường như Phụng vụ Lời Chúa hôm nay muốn trình bày sứ mệnh và quyền tối thượng của thánh tông đồ Phê-rô.

 

        1.  Thánh Phê-rô và sứ mệnh rao giảng Tin Mừng.  Để suy nghĩ về điều này, chúng ta hãy đọc lại đoạn Tin Mừng Lu-ca 5:1-11 (Chúa Giê-su kêu gọi bốn môn đệ đầu tiên).  Hôm ấy Chúa Giê-su rao giảng tại bờ hồ Ghen-nê-xa-rét.  Biển hồ này được gọi theo tên mấy thành phố lớn ven hồ, như Ti-bê-ri-a, Ca-phác-na-um và Ghen-nê-xa-rét.  Dân chúng rất đông, ai cũng muốn chen lấn đến gần Chúa để nghe giảng.  Chúa Giê-su chọn xuống thuyền của ông Phê-rô và xin ông chèo thuyền ra xa bờ một chút.  Sau khi giảng, Chúa bảo ông chèo thuyền ra chỗ nước sâu để lưới cá.  Dù chán nản vì đêm trước thả lưới mà chẳng bắt được mống cá nào, nhưng ông “vâng lời Thầy”, thử thời vận một lần nữa.  Lần này chẳng những ông bắt được cá, mà còn được quá nhiều đến nỗi gần rách cả lưới!  Đây thực là một hình ảnh sống động nói lên nhiều điểm:  hiệu quả của việc vâng lời Thầy, biểu lộ uy quyền của con người Đức Giê-su, lời gọi mạnh mẽ làm môn đệ Chúa và sự hoán đổi công việc từ đánh cá hồ sang sứ vụ “chài lưới người”.  Tuy nhiên điều khiến chúng ta cảm động nhất, đó là thái độ kinh ngạc của ông Phê-rô và những người có mặt.  Trong giây phút, ông đã nhận ra con người truyền lệnh cho ông chèo thuyền ra xa thả lưới còn cao cả hơn ông nghĩ, cùng lúc ấy ông cũng nhận rõ con người mình là gì khi đứng trước Chúa.  Ông vội vàng thưa với Chúa:  “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi!”  Ông là hình ảnh nhân loại tội lỗi đang đứng trước mặt Đấng Cứu Độ, nhận thấy mình thân phận tội lỗi, không đáng được Người xót thương.  Nhưng Chúa Giê-su bảo ông:  “Đừng sợ, từ nay anh sẽ là người thu phục người ta”.  Thế là ông Phê-rô và ba người bạn chài lưới “bỏ hết mọi sự mà theo Người”.

        Điều rất thú vị trong đoạn Tin Mừng này là thánh Lu-ca đã tài tình nối kết hai công việc của con người Phê-rô:  lưới cá và rao giảng Tin Mừng.  Trước hết là sự hoán đổi từ tay nghề lưới cá sang sứ vụ tông đồ.  Nghề lưới cá thì chắc là ít ai qua mặt được Phê-rô vì ông đã quá giầu kinh nghiệm cha truyền con nối.  Nhưng chài lưới người ư?  Sao mà lạ thế?  Đâu dễ gì thu phục được người khác!  Cho nên ông mới bối rối và sợ hãi.  Tuy nhiên Chúa đã trấn an ông ngay từ đầu:  “Đừng sợ!  Nếu Thầy cho anh một mẻ lưới lạ, thì Thầy cũng sẽ giúp anh chài lưới các linh hồn!  Anh sẽ thành công, sẽ bắt được rất nhiều cá thiêng liêng”.  Từ nay Phê-rô sẽ theo Thầy và Thầy sẽ dạy anh nghệ thuật “chài lưới người”.  Ba năm trời học trò Phê-rô ở dưới mái trường truyền giáo của Thầy Giê-su, vui có buồn có, khen có mà quở trách nặng nề cũng có!  Con người bộc trực Phê-rô này đã được Thầy dạy bảo uốn nắn.  Rồi sau cùng, Chúa Thánh Thần hiện xuống, “trao bằng” cho ông và các bạn để ra đi rao giảng Tin Mừng, có Chúa Giê-su ở cùng các ông trong lời giảng cũng như trong các phép lạ các ông thực hiện.

        Tuy nhiên sự kiện Tin Mừng Lu-ca chú trọng đến Phê-rô nhiều hơn các tông đồ kia và lời Chúa Giê-su nói với Phê-rô “Đừng sợ, từ nay anh sẽ là người thu phục người ta” giúp chúng ta dễ kết luận rằng Lời Chúa hôm nay muốn nói riêng đến thánh Phê-rô, đặc biệt qua cuộc đối thoại giữa Chúa Giê-su và thánh Phê-rô.

 

        2.  Thánh Phê-rô và sứ vụ chăm sóc chiên của Thầy.  Chúng ta bước vào bài Tin Mừng thánh Gio-an kể lại mẻ lưới lạ, nhưng sau đó là việc Chúa trao sứ vụ đặc biệt cho thánh Phê-rô:  chăm sóc chiên của Thầy.  Bài đọc ngắn trong Phụng vụ Lời Chúa đã bỏ đi đoạn sau.

        Sau khi Chúa sống lại và hiện ra nhiều lần tại Giê-ru-sa-lem, Người hẹn gặp lại các tông đồ tại Ga-li-lê.  Các ông về Ga-li-lê chờ đợi Chúa.  Không biết làm gì đang khi chờ đợi, các ông rủ nhau đi thả lưới bắt cá.  Nhưng vất vả cả đêm mà chẳng bắt được gì cả!  Nhất định là đúng rồi, vì chưa có Chúa Giê-su xuất hiện!  Thế rồi Người xuất hiện, tái diễn cái tài chỉ điểm:  “Cứ thả lưới bên phải mạn thuyền đi thì sẽ bắt được cá”.  Các ông làm theo, quăng thêm một mẻ lưới nữa có mất mát gì đâu.  Không ngờ lại bắt được nhiều cá đến nỗi “không sao kéo lưới lên nổi”.  Lần này đến lượt “môn đệ được Đức Giê-su thương mến” là người đầu tiên nhận ra Chúa.  Còn ông Phê-rô vừa nghe nói “Chúa đấy!”, vội khoác áo vào và nhảy xuống biển.  Lúc này ông không sợ chết chìm giống như lần được Chúa cho đi trên mặt nước, vì chỗ ông nhảy xuống ở gần bờ.  Ông nóng lòng muốn đến ngay với Thầy.  Thầy trò ăn uống vui vẻ.  Sau bữa ăn, hoặc nói đúng hơn, sau mẻ lưới lạ, Chúa Giê-su “dịu dàng hỏi tội” ông Phê-rô:  “Này anh Si-môn, con ông Gio-na, anh có mến Thầy hơn các anh em này không?”  Một kiểu “hỏi tội” vô cùng đáng yêu!  Rất nhẹ nhàng, mục đích để bày tỏ tình yêu chứ không phải để trách móc.  Ông Phê-rô đáp lại, hơi xấu hổ một tí, nhưng cũng tràn đầy thiết tha và quả quyết:  “Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy”.  Thưa “có” là đủ rồi, vậy tại sao ông còn quàng thêm câu “Thầy biết con yêu mến Thầy”.  Bây giờ ông không dám “thề” yêu mến Chúa như đã thề không phản bội Thầy, nhưng bắt Chúa “thề” thay cho ông khi ông thưa rằng Chúa “biết” và “biết rõ mọi sự”.  Nói khác đi, ông đã khéo léo “thể yêu mến Chúa” bằng cách nói “Thầy biết rõ mọi sự” đấy!

        Tình yêu và sứ vụ đặc biệt liên quan với nhau chặt chẽ.  Trước khi trao cho thánh Phê-rô trách nhiệm “chăm sóc chiên của Thầy”, Chúa Giê-su muốn thánh Phê-rô phải công khai ba lần bày tỏ lòng yêu mến đối với Thầy và các chiên thuộc về Thầy.  Vì thế sau mỗi lần tuyên xưng lòng mến, Chúa đều bảo Phê-rô:  Hãy chăm sóc chiên con của Thầy, và hãy chăm sóc chiên của Thầy.  Chiên con và chiên mẹ, tất cả đều thuộc về Giáo Hội Chúa Ki-tô, cho nên thánh Phê-rô không những phải chăm sóc các tín hữu, mà còn có trách nhiệm chăm sóc các chủ chăn khác, tức là các tông đồ khác nữa.  Đó chính là quyền tối thượng của Phê-rô đối với các tông đồ và của các đức giáo hoàng đối với các giám mục trong Giáo Hội.

        Đúng vậy, thánh Phê-rô đã thi hành sứ vụ rao giảng và quyền đại diện cho các tông đồ như chúng ta thấy trong bài trích sách Công vụ Tông Đồ hôm nay.  Ngài mạnh dạn rao giảng về Chúa Giê-su và giáo lý của Người, bất chấp bị bắt bớ và giam cầm.  Khi viết:  “Ông Phê-rô và các Tông Đồ khác…”, thánh sử Lu-ca cho thấy chỗ đứng và vai trò của thánh Phê-rô.  Trong mọi sự, bao giờ Phê-rô cũng đi đầu:  người đầu tiên rao giảng, bị bắt, bị cầm tù, rao giảng cho dân ngoại trước cả thánh Phao-lô nữa.  Nhất là hôm nay đứng trước vị thượng tế, thánh Phê-rô thay mặt anh em tông đồ, phản biện vị thượng tế rằng:  “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người phàm!”

 

Sống sứ điệp Lời Chúa

        Có lẽ chúng ta nên chọn câu trả lời của thánh Phê-rô vừa nói trên để làm bài học sống Lời Chúa.  Phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người phàm, nhưng thường chúng ta lại thích “vâng lời người phàm” hơn là vâng lời Thiên Chúa và Giáo Hội. Chúng ta “vâng lời” luật lệ xã hội vì muốn được thăng tiến, vì lợi lộc, thậm chí vì sợ bị thiệt hại và bị trừng phạt nữa.  Không tin chúng ta cứ thử chạy xe quá tốc họ hoặc vượt đèn đỏ xem!  Thế nào cũng lãnh vé phạt vài ba trăm đô là ít!  Còn “vâng lời Thiên Chúa” nhiều khi ta thấy khó hoặc lơ là.  Tại sao vậy?  Chỉ tại chúng ta thiếu lòng yêu mến Chúa.  Cứ hỏi thánh Phê-rô, ngài sẽ cho chúng ta câu trả lời như ngài đã trả lời Chúa:  “Thưa Thầy có, Thầy biết rõ mọi sự;  Thầy biết con yêu mến Thầy!”  Ước gì được như vậy!  A-men!

 

Lm. Đa-minh Trần đình Nhi


Suy Niệm Lời Chúa Năm C