CHÚA NHẬT IV PHỤC SINH

Hướng Tới Giáo Hội Khải Hoàn Của Vị Mục Tử Nhân Lành

 

Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa  (Cv 13:14, 43-52;  Kh 7:9, 14b-17;  Ga 10:27-30)

        Một trong những chủ đề lớn của mùa Phục Sinh là Giáo Hội.  Phụng vụ Lời Chúa xoay quanh chủ đề này khi nói đến sinh hoạt của Giáo Hội dưới ngòi bút của thánh sử Lu-ca, như việc rao giảng của các Tông đồ, những bắt bớ và ngược đãi các ngài phải chịu, sự phát triển lạ lùng do sự can thiệp của Chúa Thánh Thần, vai trò đặc biệt của thánh Phê-rô trong việc lãnh đạo… Đặc biệt hôm nay, Lời Chúa đề cao hình ảnh Chúa Giê-su là Mục Tử Nhân Lành, Đấng đem lại sự sống cho các con chiên và dẫn chúng tiến về đồng cỏ xanh tươi vĩnh cửu là quê trời (bài Tin Mừng).  Bên cạnh hoạt động truyền giáo của các Tông đồ dành cho người Do-thái, chúng ta lại có cả một phong trào rất mạnh mẽ để đem Tin Mừng đến cho thế giới Dân ngoại, dưới tài điều khiển của thánh Phao-lô, người được Chúa Phục Sinh kêu gọi làm Tông Đồ Dân ngoại (bài đọc 1).  Vậy Giáo Hội trần thế của Chúa Giê-su sẽ đi về đâu?  Thánh Tông Đồ Gio-an đã nhìn thấy viễn tượng tương lai của Giáo Hội:  dưới sự chăn dắt của Con Chiên, Giáo Hội sẽ vượt qua cuộc chiến đấu ở trần gian để trở thành Giáo Hội vinh thắng trên trời (bài đọc 2).

 

        1.  Giáo Hội phát triển từ Do-thái lan rộng đến các miền Dân ngoại.  Một phần vì hoàn cảnh bị bách hại, các Ki-tô hữu tiên khởi đã trốn về các vùng quê Do-thái và đem theo Ki-tô giáo tới những nơi đó.  Còn các Tông Đồ thì đi khắp nơi từ bắc xuống nam và theo truyền thuyết tới cả xứ Ấn-độ nữa để rao giảng Chúa Ki-tô và Tin Mừng của Người.  Mặc dù thánh Phê-rô là vị Tông Đồ giảng đạo cho gia đình dân ngoại đầu tiên là ông Co-nê-li-ô, sĩ quan Rô-ma, nhưng việc truyền giáo quy mô cho thế giới Dân ngoại thì phải đợi đến khi Chúa kêu gọi ông Sau-lô, tức thánh Phao-lô Tông Đồ.  Được thánh Ba-na-ba giới thiệu với các Tông Đồ tại Giê-ru-sa-lem, tưởng đâu thánh Phao-lô sẽ cộng tác với các Tông Đồ trong công cuộc truyền giáo.  Nhưng ý Chúa nhiệm mầu, Người đã muốn sử dụng hai vị này cho một mục dích khác.

        Sau khi hai ông Sau-lô và Ba-na-ba “chu toàn công việc phục vụ tại Giê-ru-sa-lem” thì trở về An-ti-ô-ki-a.  Tại đây, một hôm các môn đệ Chúa đang làm việc thờ phượng và ăn chay, thì Thánh Thần phán bảo:  “Hãy dành riêng Ba-na-ba và Sau-lô cho Ta, để lo công việc Ta đã kêu gọi hai người ấy làm” (Cv 13:2).  Hành trình truyền giáo của hai vị bắt đầu từ đây.  Các hành trình gặp bao nhiêu là khó khăn và nguy hiểm:  bị tù, bị đánh đòn, bị ném đá gần chết, bị đắm tàu, gặp bao nguy hiểm trên các hành trình… (2 Cr 11:23-28).  Tuy nhiên, có lẽ sự kiện thánh Phao-lô bị bách hại do chính đồng bào Do-thái của mình đã làm cho ngài phải đau buồn nhất.  Bài đọc 1 hôm nay ghi lại một biến cố xảy ra tại An-ti-ô-ki-a miền Pi-xi-đi-a.  Phao-lô và Ba-na-ba vào hội đường tham dự buổi họp và rao giảng.  Sau buổi họp, có nhiều người Do-thái và đạo theo đã đi theo hai ngài.  Thấy mất người, các nhà lãnh đạo Do-thái đã ghen tức nên phản đối và nhục mạ hai ngài.  Hai ngài đã điền đạm nói với họ:  “Anh em phải là những người đầu tiên được nghe công bố lời Thiên Chúa, nhưng vì anh em khước từ lời ấy…, thì đây chúng tôi quay về phía dân ngoại”.

        Công việc Chúa làm thật là kỳ diệu:  Tông Đồ Phê-rô phụ trách việc rao giảng Tin Mừng cho người Do-thái, còn Tông Đồ Phao-lô được Chúa sai đến với thế giới dân ngoại, để Giáo Hội mỗi ngày một phát triển tới tận cùng trái đất:  “Lời Thiên Chúa lan tràn khắp miền ấy”.

 

        2.  Giáo Hội được chăn dắt trong tình yêu chăm sóc của Vị Mục Tử Nhân Lành.  Ngay khi còn sống trên trần gian và thi hành sứ vụ, Chúa Giê-su đã lấy hình ảnh dân Ít-ra-en là đàn chiên của Thiên Chúa để áp dụng vào Giáo Hội tương lai của Người.  Trong bài giảng về vai trò của người chăn chiên nhân lành, Chúa đã nói về chính mình, về các con chiên.  Bài Tin Mừng hôm nay chỉ là một đoạn ngắn mô tả vai trò tích cực của Vị Mục Tử Nhân Lành.  Trước hết Chúa Giê-su nêu lên tầm quan trọng của mối tương quan mật thiết giữa người chăn chiên và các con chiên.  Mối tương quan này được diễn tả bằng ba động từ:  nghe, biếttheo.  Chiên theo người chăn vì chúng nghe tiếng người chăn.  Đổi lại, người chăn thì biết chiên của mình, không chỉ biết bằng đầu óc, nhưng nhất là bằng trái tim.  Kết quả của hai hành động nghe và biết ấy là chiên đi theo người chăn.  Vậy mối tương quan sinh động này nhắm mục đích cuối cùng là “để cho chiên được sống và sống dồi dào” (10:10).  Không phải là sự sống tạm bợ ở đời này, mà là sự sống đời đời.  Sự sống đời đời là sự sống “không bao giờ bị diệt vong” và “không ai cướp được khỏi tay Chúa Cha”.  Nói thế, Chúa Giê-su cho chúng ta thấy rõ ràng Người muốn ám chỉ cuộc sống hạnh phúc trên trời trong nhà Cha của Người.  Thiên Chúa là Đấng vĩnh cửu, nên được sống bên Thiên Chúa cũng là được sống hạnh phúc đời đời.  Trong cuộc sống vĩnh cửu ấy, chiên của Chúa Giê-su còn được sống bên chính Vị Mục Từ, vì Người và Chúa Cha là một.

        Là con chiên của Giáo Hội Chúa Ki-tô, chúng ta cảm thấy thế nào trước những lời khẳng định chắc chắn của Vị Mục Tử Nhân Lành?  Liệu chúng ta có ý thức mối tương quan Người đã đề cập đến không?  Nghe tiếng Chúa qua Lời Chúa, Chúa biết chúng ta bằng tất cả tình yêu hy sinh của Người, nhất là qua Bí Tích Thánh Thể, và chúng ta theo Chúa Giê-su để sống các lời dạy của Người và để trở nên giống như Người, tất cả những điều này phải được thể hiện thì mối tương quan giữa chúng ta với Chúa mới thực sự là sống động và sinh hoa trái.  Dĩ nhiên mối tương quan này vẫn có thể gặp thử thách nguy hiểm.  Có biết bao nhiêu kẻ thù muốn cướp đi mối tương quan này, thí dụ ma quỷ, thế gian, tiền tài, danh vọng… Nhưng nếu chúng ta biết đặt hết tin tưởng vào sức mạnh tình yêu của Vị Mục Tử Nhân Lành, chúng ta sẽ duy trì và phát huy được mối tương quan ấy.

 

        3.  Hướng tới một Giáo Hội khải hoàn.  Như chúng ta đã thấy, mục đích thánh Gio-an viết sách Khải Huyền là để chúng ta biết được “những gì đã thấy, những gì đang diễn ra và những gì sẽ xảy ra” của Giáo Hội Chúa Ki-tô.  Trong đoạn sách hôm nay, thánh Gio-an cho chúng ta thấy một chút về tương lai của Giáo Hội:  Giáo Hội khải hoàn.  Các con chiên, sau khi trải qua cơn thử thách lớn lao đang tụ họp trước ngai của Con Chiên là Chúa Giê-su.  Khi còn sống trên trần gian, Con Chiên đã lấy máu mình để “giặt sạch và tẩy trắng” linh hồn các con chiên và quy tụ chúng trong một ràn chiên là Giáo Hội.  Chúng đã trung thành đi theo Con Chiên và đã trải qua cơn thử thách lớn lao giữa Giáo Hội chiến đấu trên trần gian.

        Thánh Gio-an đã hé lộ một chút về Giáo Hội khải hoàn là để nâng đỡ tinh thần chiến đấu của chúng ta đang khi sống trên trần gian này.  Đây là một tương lai chắc chắn, phù hợp với lời quả quyết của Chúa Giê-su:  “Tôi ban cho chúng sự sống đời đời;  không bao giờ chúng phải diệt vong và không ai cướp được chúng khỏi tay tôi”.

 

Sống sứ điệp Lời Chúa

        Chúng ta có hãnh diện và tin tưởng vào Vị Mục Tử Nhân Lành của chúng ta không?  Chúng ta có ý thức mạnh mẽ mối tương quan mật thiết giữa chúng ta với Chúa Giê-su không?  Nhất là chúng ta có thực sự sống mối tương quan ấy, hay chỉ là những Ki-tô hữu hoặc con chiên hữu danh vô thực?    Vậy giờ đây chúng ta hãy nhìn thẳng vào đôi mắt hiền từ và chứa chan tình yêu của Chúa Giê-su, Mục Tử Nhân Lành, để lập lại lời cam kết của chúng ta:  “Lạy Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết theo ai bây giờ, vì chỉ Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời”.

Lm. Đa-minh Trần đính Nhi

       

 


Suy Niệm Lời Chúa Năm C