CHÚA NHẬT 6 PHỤC SINH

Các Tông Đồ bảo vệ sự hiệp nhất và đức tin của Giáo Hội

 

Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa  (Cv 15:1-2,22-29;  Kh 21:10-14, 22-23;  Ga 14:23-29)

        Lời Chúa vẫn tiếp tục mời gọi chúng ta suy niệm về đề tài Giáo Hội.  Trước đây chúng ta đã chiêm ngưỡng Giáo Hội dưới sự lãnh đạo tối cao của Chúa Giê-su là Đấng Chăn Chiên nhân lành và dưới sự dẫn dắt của Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần.  Giáo Hội phát triển nhanh chóng nhờ các Tông Đồ đem Tin Mừng đến các vùng quê Giu-đê và nhờ hai vị truyền giáo cho dân ngoại là thánh Ba-na-ba và Phao-lô đi tới các thành phố vùng Địa Trung hải và Thổ-nhĩ-kỳ.  Đặc biệt hôm nay Phụng vụ Lời Chúa đề cập đến vai trò tích cực của các Tông Đồ, khi các ngài đã được Thánh Thần nhắc nhở để củng cố giáo huấn của Giáo Hội trong nỗ lực bảo vệ đức tin Ki-tô giáo.

 

        1.  “Những cơn sốt vỡ da” của Giáo Hội sơ khai.  Trên đà phát triển, Giáo Hội cũng tương tự như bất cứ thực thể nào, đều phải trải qua những cuộc “khủng hoảng”.  Bài đọc trích sách Công Vụ Tông Đồ hôm nay thuật lại một biến có lớn xảy ra trong Giáo Hội, là các nhà lãnh đạo phải giải quyết một vấn đề liên hệ đến đức tin của các anh em Dân ngoại vừa trở lại đạo.  Giáo hội An-ti-ô-ki-a gặp một khó khăn rất lớn.  “Hồi ấy, có những người từ miền Giu-đê đến An-ti-ô-ki-a dạy anh em rằng:  ‘Nếu anh em không chịu cắt bì theo tục lệ Mô-sê, thì anh em không thể được cứu rỗi’”.  Thế là xảy ra một cuộc tranh luận sôi nổi giữa ‘những người từ miền Giu-đê’ với hai vị Tông Đồ Ba-na-ba và Phao-lô.  Hai Tông Đồ này cực lực phản đối chủ trương dân ngoại tòng giáo phải chịu cắt bì.  Cuối cùng, để giải quyết tận gốc vấn đề, người ta phải nại đến quyền bính của các Tông Đồ tại Giê-ru-sa-lem.  Hai ông Ba-na-ba, Phao-lô và phái đoàn giáo dân An-ti-ô-ki-a được cử lên Giê-ru-sa-lem để trình bày vấn đề trong cuộc họp của các Tông Đồ.  Cuộc họp quan trọng này cũng được mệnh danh là Công Đồng Chung đầu tiên, tức Công Đồng Chung Giê-ru-sa-lem.  Sau phần phát biểu của các vị lãnh đạo, thí dụ đứng đầu Giáo Hội là thánh Phê-rô giáo hoàng, thánh Gia-cô-bê giám mục Giê-ru-sa-lem và hai vị Tông Đồ dân ngoại, Công Đồng đi tới quyết định.  Để chắc chắn hơn, Công Đồng còn cử một phái đoàn cùng đi với phái đoàn của hai vị để trở về An-ti-ô-ki-a và đem theo nghị quyết của Công Đồng.  Nghị quyết là một bức thư đầy thân tình và bác ái.  Trong thư ấy, trước hết các đại biểu Công Đồng khẳng định rằng Giào Hội trung ương không hề sai người nào đến An-ti-ô-ki-a để dạy rằng các tân tòng gốc dân ngoại “phải chịu phép cắt bì theo tục lệ Mô-sê thì mới được cứu rỗi”.  Sau đó là điểm cốt yếu của nghị quyết:  “Thánh Thần và chúng tôi đã quyết định không đặt lên vai anh em một gánh nặng nào khác (tức việc chịu phép cắt bì), ngoài những điều cần thiết này:  là kiêng ăn đồ đã cúng cho các ngẫu tượng, không ăn tiết, ăn thịt loài vật không cắt tiết, và tránh gian dâm”.

        Điều quan trọng nhất của nghị quyết đã được đề cao trong lời này:  Thánh Thần và chúng tôi đã quyết định”.  Vì đây là vấn đề sống còn của đức tin nơi các anh chị em Ki-tô hữu gốc dân ngoại, nên có sự quyết định của cả Thiên Chúa lẫn loài người.  Một đàng là sự khôn ngoan của Thiên Chúa, một đàng là sự khôn ngoan của loài người.  Cả hai sự khôn ngoan ấy đã hợp tác với nhau nhằm mưu ích cho con cái của Giáo Hội Chúa Ki-tô.

        Mọi người hoan hỉ đón nhận quyết định của các thánh Tông Đồ và dĩ nhiên Giáo Hội đã vượt qua một trong những thử thách lớn lao nhất.

 

        2.  Thành thánh Giê-ru-sa-lem tự trời xuống chính là Giáo Hội được xây dựng trên nền móng Chúa Ki-tô và đức tin của các Tông Đồ.  Thị kiến của thánh Gio-an Tông Đồ đã cho chúng ta dịp chiêm ngưỡng nền móng của Giáo Hội là đức tin vào Chúa Ki-tô.  Chính vì nền tảng vững chắc của đức tin này mà Giáo Hội sẽ bền vững muôn đời, dù thế lực của ma quỷ và thế gian mạnh mấy đi nữa cũng không thể tiêu diệt nổi Giáo Hội.  Lịch sử đã chứng mnh điều ấy.  Sự vững chắc của một thành trì tùy thuộc vào nền móng, vào tường thành vây quanh và trăm ngàn viên gạch được xây nối liền với nhau.  Tuy nhiên, ngoài nền móng ra, các cửa bốn phía của thành cũng đóng vai trò quan trọng.  Tường thành tứ phía đều có ba cửa để người ta ra vào thoải mái.  Trên mười hai cửa thành đều ghi tên các vị Tông Đồ.  Các cửa thành quan trọng đối với sự sống còn và phát triển của thành bao nhiêu thì vai trò của các Tông Đồ cũng quan trọng như thế.  Các ngài là những nhân vật có trách nhiệm duy trì và phát huy giáo lý Chúa Ki-tô cùng các giá trị Tin Mừng.  Giữa lòng Giáo Hội, “vinh quang Thiên Chúa” vẫn tiếp tục chiếu sáng, ánh sáng phát ra từ “Con Chiên là ngọn đèn chiếu soi.  Để duy trì sự hiện diện của Giáo Hội qua mọi thời đại, thánh Tông Đồ Phê-rô và các Tông Đồ đã cắt đặt những người tiếp tục sứ vụ của các ngài, đó là các giám mục.  Sự hiện diện của một vị giám mục tại giáo phận hoặc tổng giáo phận chính là sự tiếp nối sứ vụ của các vị Tông Đồ nguyên thủy.  Mỗi Chúa Nhật hoặc mỗi ngày lễ trọng, chúng ta đã tuyên xưng đức tin Công giáo, trong đó có điều này:  Tôi tin Giáo Hội duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền.

 

        3.  “Thánh Thần sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em”.  Khi còn sống giữa các Tông Đồ, đã có lần Chúa cho các ông biết rằng Người còn rất nhiều điều muốn nói với các ông, nhưng tâm trí các ông không thể nào thâu thập và hiểu được.  Do đó, Người đã hứa chắc chắn với họ là Người sẽ sai Thánh Thần tời để nhắc nhở và giúp họ “nhớ lại” mọi điều Người đã dạy dỗ họ.  Quả thực chúng ta phải công nhận có một bước nhảy vọt trong việc các Tông Đồ và môn đệ Chúa đã “nhớ lại” những điều Chúa Giê-su đã dạy dỗ họ.  Can thiệp vào bước nhảy vọt đức tin này chính là công việc can thiệp của Chúa Thánh Thần.  Chúng ta đã chứng kiến sự thay dổi lớn lao của Giáo Hội sau những bài giảng đầu tiên của ông Phê-rô và các Tông Đồ.  Hàng ngàn người trở lại và chịu phép rửa nhân danh Chúa Giê-su.

        Thực ra có hai việc “nhớ lại” đã đóng góp vào sự phát triển nhanh chóng của Giáo Hội.  Thứ nhất, Chúa Giê-su truyền cho các Tông Đồ khi cử hành Thánh Thể, họ “hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”.  Ngoài ra, chính Thánh Thần đã làm công việc Chúa Giê-su ủy thác, đó là giúp cho các môn đệ Chúa ”nhớ lại những điều Người đã dạy dỗ họ”.  Việc nhớ lại nhưng điều Chúa Giê-su đã dạy dỗ họ là vô cùng quan trọng, vì nó củng cố chân lý của các giáo huấn Chúa Ki-tô và truyền bá chân lý ấy khi các môn đệ dấn thân vào công cuộc truyền giáo.

        Song song với sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần, Chúa Giê-su còn thấy một yếu tố nữa vô cùng quan trọng, đó là sự bình an.  Đây không chỉ là sự bình an của sự yên ổn, được bảo vệ, nhưng trước hết là sự bình an tâm hồn.  Sự bình an này đã giúp Chúa Giê-su trải qua bao khó khăn và nhất là cuộc Thương Khó, để đem lại sự hòa giải giữa nhân loại và Thiên Chúa.  Dĩ nhiên sự bình an này thế gian không thể cho chúng ta được.  Nhờ sự bình an tâm hồn này, Ki-tô hữu vững bước trong đức tin và trên đường làm chứng cho Chúa Giê-su.

 

Sống sứ điệp Lời Chúa

        Hơn lúc nào hết, ngày nay Ki-tô giáo bị tấn công liên tục từ tứ phía, nhất là do sự đầu độc của các phương tiện truyền thông.  Người ta muốn phá hủy đi hình ảnh thánh thiện của Chúa Giê-su, Đấng sáng lập, và của Chúa Thánh Thần    , Đấng gìn giữ Giáo Hội trước sự tấn công vũ bão của kẻ thù.  Cái nhìn của thánh Gio-an Tông Đồ về Giáo Hội một lần nữa củng cố đức tin chúng ta.  Mặc cho sóng gió tứ phía, nền móng Giáo Hội vẫn không lay chuyển, các cửa thành là các vị Tông Đồ anh dũng vẫn dư sức chống lại sức tấn công của ma quỷ và thế gian.  Bí quyết giúp Giáo Hội chiến thắng là sự bình an Chúa Ki-tô đã hứa ban cho Giáo Hội., ngay cả khi Người rởi bỏ chúng ta để “đi về cùng Chúa Cha” và sẽ dọn chỗ cho chúng ta là những kẻ bước theo chân Người.

Lm. Đa-minh Trần đình Nhi


Suy Niệm Lời Chúa Năm C