An tâm vì Chúa
Cha luôn gìn giữ
Suy niệm Chúa Nhật VII Phục Sinh năm - C
(Ga 17, 20-26)
Khi đến giờ rời bỏ thế gian mà về cùng Đức Chúa Cha, Chúa
Giêsu đã xin cùng Đức Chúa Cha cho các môn đệ. Trước hết, Chúa Giêsu cầu cho
danh Chúa Cha, ca tụng Ngôi Cha và Ngôi Con (Ga 17, 1-5). Thứ đến là xin "Cha
tôn vinh Con Cha để Con Cha tôn vinh Cha" (Ga 17, 1). Và sau cùng cầu
xin cho các môn đệ.
Chúa Giêsu đã cầu xin cùng Đức Chúa Cha cho các môn đệ
điều gì? Thưa, Người xin Chúa Cha liên kết họ nên một, thánh hiến họ, nhất là
gìn giữ họ sống trong thế gian khỏi mọi sự dữ.
Xin cho chúng nên một
“Xin cho chúng nên một”. Chúa Giêsu hằng muốn các
môn đệ và cả chúng ta, những người vào Chúa được hợp nhất cùng nhau, liên đới
trong tình yêu, trong sự sống của Ba Ngôi Thiên Chúa. Chúng ta thật yếu đuối và
mong manh, rất dễ mỗi người mỗi ngả. Chúa Giêsu thấu hiểu điều đó, nên Người
xin Chúa Cha gìn giữ chúng ta khỏi Ác Thần là tên chia rẽ, khỏi ‘tinh thần thế
tục’ của thế gian vốn đang lôi kéo và mê hoặc con người. Bao lâu còn sống,
chúng ta còn phải vật lộn, chiến đấu chống lại sức mạnh thế trần này, trước hết,
trong chính bản thân mình. Tự sức chúng ta không thể chiến thắng. Để hiệp nhất
như Chúa Giêsu muốn, chúng ta cậy dựa vào Chúa Giêsu và Thánh Thần Thiên Chúa,
luôn sống trước mặt Chúa Cha.
Xin Cha thánh hiến họ
Vì Thiên Chúa là Cha chí thánh đối với Đức Giêsu (Ga 6,
11b), nên Chúa Giêsu xin Chúa Cha thánh hiến các môn đệ, làm cho các ông nên
thánh. Thiên Chúa là Đấng Thánh. Thánh thiện là thuộc tính của Ba Ngôi Thiên
Chúa. Chúa Cha là Đấng Ngàn Trùng Chí Thánh, Đấng Phù Trợ được gọi là Thánh
Thần (Ga 14, 26), Chúa Con là Đấng Thánh của Thiên Chúa (Ga 6, 69).
Làm cho các môn đệ nên thánh là tách biệt họ ra khỏi thế
gian, với lối suy nghĩ và hành động, với những giá trị riêng của nó. Thánh hóa
môn đệ chính là làm cho họ không thuộc về thế gian nữa, để như Đức Giêsu, họ
thuộc về Cha trọn vẹn (Ga 17, 16). Nhưng tách biệt khỏi thế gian lại không có
nghĩa là cất họ khỏi đó (Ga 17, 15), và giữ họ an toàn trong tháp ngà bảo đảm.
Đời người Kitô hữu chẳng an toàn, vì họ được sai vào thế gian (Ga 17, 18). Thế
gian đầy bóng tối, dối trá, hận thù, chính là nơi họ phải đến, phải đằm mình
vào, để biến đổi nó thành ánh sáng, sự thật, tình yêu.
Được thánh hóa, được tách khỏi thế gian, chính là để được
sai vào đó. Vì họ “là muối của trái đất, là ánh sáng của thế gian” (Mt
5, 13). Nếu không được thánh hóa, không thuộc về Chúa, thì khi được sai vào, họ
sẽ chẳng biến đổi được thế gian, và sẽ bị nó nuốt chửng. Để hoạt động trên thế
gian và trong thế gian, mà không liên can đến thế gian, nghĩa là được miễn dịch
khỏi thế gian, các môn đệ cần phải được hiến thánh (x. Ga 17-19).
Khi muốn bảo vệ các môn đệ khỏi Sự Dữ trong thế gian,
Chúa Giêsu đã tự thánh hiến chính mình, Người nhấn mạnh đến tầm quan trọng là
"viên mãn trong Thiên Chúa" khi "ở trong tình yêu".
Xin Cha gìn giữ chúng
Chúa Giêsu cầu nguyện rằng : “Xin hãy gìn giữ trong
danh Cha những kẻ Cha đã ban cho Con, để họ được nên một như Ta” (Ga
17,11); “Con không xin Cha đem chúng ra khỏi thế gian, nhưng xin gìn giữ
chúng cho khỏi sự dữ” (Ga 17,15). Nghĩa là xin Chúa Cha gìn giữ các môn đệ
cũng như những ai nhờ các ông mà tin vào Thiên Chúa, họ đang sống trong thế
gian nhưng không thuộc về thế gian. Gìn giữ các môn đệ là việc Chúa Giêsu
thường làm, Người đã không để ai trong họ phải hư mất, trừ ra con người hư hỏng
là Giuđa.
“Xin gìn giữ chúng cho khỏi sự dữ!” Chúa Giêsu ý
thức hơn khi nào hết quyền lực có thật của quỷ dữ đang tác động trên các môn đệ
còn sống ở trần gian. Chính vì thế Người khẩn khoản nài xin Chúa Cha gìn giữ họ
khỏi Sự Dữ (Ga 17,15). “Khi còn ở với họ, Con đã gìn giữ họ… Con đã canh giữ
họ…” (Ga 17,12). Những sói dữ bao giờ vẫn có, chúng khuấy phá đàn chiên.
Mục tử Giêsu đã không để ai cướp được chiên khỏi tay mình, và trong cuộc chiến
đấu này, Người đã dám hy sinh mạng sống (Ga 10, 11). Bây giờ Ngài xin Cha tiếp
tục gìn giữ đoàn chiên của Chúa Cha mà Chúa Cha đã ban cho Người chăm sóc.
Chúa Giêsu đã chẳng nói với Phêrô : “Simon, Simon, kìa
Satan đã xin được sàng các con như người ta sàng gạo. Nhưng Thầy đã cầu nguyện
cho con, để con khỏi mất đức tin” (Lc 22, 31-32). Với kinh nghiệm bản thân,
Phêrô cũng hình dung ra tình cảnh của các môn đệ khi Thầy ra đi sẽ như thế nào
nên nhắn nhủ : “Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức, vì ma quỷ, thù địch
của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé. Anh em hãy đứng vững
trong đức tin mà chống cự” (1Pr 5, 8).Ngày cả Phaolô, vị Tông Đồ sinh non
như Ngài nhận cũng ý thức được sự vắng mặt của Thủ Lãnh đoàn chiên, nên ông
viết thư cho các kỳ mục lãnh đạo Hội Thánh và nói : “Phần tôi, tôi biết
rằng, sau khi tôi đi rồi, sẽ có những sói dữ đột nhập giữa anh em, chúng không
dung tha đoàn chiên; và ngay giữa anh em, cũng sẽ có những kẻ ăn nói xảo trá
nổi dậy để lôi kéo các môn đồ theo họ” (Cv 20, 29). Như Chúa Giêsu, Phaolô
biết, đức tin của các tín hữu ngài sẽ bị thử thách và bách hại.
Sự dữ vốn đang có mặt và hoành hành trong thế giới, nơi
con cái Chúa phải đương đầu. Chúa Giêsu dạy các môn đệ, và cả chúng ta cầu
nguyện : “Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con khỏi sự
dữ!”.
Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ