Được xức Dầu và được sai đi
SUY NIỆM CHÚA NHẬT III THƯỜNG NIÊN – C
(Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Sau khi tỏ mình ra dần
dần bằng các phép lạ tại Cana (x. Ga 2,1-12), Galilêa và Giêrusalem (Ga 2, 23).
Chúa chọn thêm một số môn đệ, rồi cùng với các ông trở về Capharnaum, Người bắt
đầu giảng dạy tại đây, chữa lành những người ốm đau bệnh tật, xua trừ ma quỉ,
kêu gọi người ta hoán cải.
Ngày Sabát đầu tiên
Chúa vào hội đường Nagiarét đứng lên đọc Sách Thánh. Người mở sách ngôn sứ
Isaia và gặp đoạn chép rằng: " Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì
Ngài xức dầu cho tôi, sai tôi đi rao giảng Tin mừng cho người nghèo khó, thuyên
chữa những tâm hôn sám hối... trả tự do cho những kẻ bị áp bức, công bố năm
hồng ân và ngày khen thưởng" (Lc 4, 14-18). Mọi
người chăm chú lắng nghe và
không ngớt lời ca tụng. Chúa Giêsu tuyên bố : "Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh mà tai các
ngươi vừa nghe" (Lc 4, 21).
Chúa Con được Chúa Cha
xức Dầu và sai đi…
"Hôm nay đã
ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh mà tai các ngươi vừa nghe" (Lc 4, 21).
Nghe có vẻ đơn sơ,
nhưng thật trang trọng, những lời tiên tri ấy áp dụng vào Chúa Giêsu một cách
rất tự nhiên. Chúa Giêsu chính là hiện thân của Chúa Cha, được Chúa Cha xức Dầu
và sai xuống trần gian để thể hiện lòng xót thương qua việc giải thoát con
người khỏi ách nô lệ tội lỗi và đưa con người trở về với Chúa Cha. Sứ vụ của
Chúa Giêsu nhằm mang hạnh phúc, niềm vui, sự sống và tình yêu của Thiên Chúa
đến cho loài người. Sứ vụ của Chúa Giêsu là sứ vụ thần linh, thần linh hoá nhân
loại, cho nhân loại được chia sẻ sự sống của Thiên Chúa, được trở nên con cái
của Thiên Chúa trong Thần Khí. Người không được sai đến với những ai tự phụ, tự
mãn, cho rằng mình đã đầy đủ, nhưng là đến với những người thấy mình là phận
nhỏ, thiếu thốn trăm bề, cả hồn lẫn xác. Cuộc lưu đày ở Babylon, rồi được trả
tự do, cho hồi hương của Dân Chúa là một dấu chỉ, một hình ảnh tượng trưng nói
lên ý định lớn lao của Thiên Chúa là cứu độ và giải thoát con người khỏi ách tù
đày nô lệ tội lỗi và sự chết.
Như thế, khi áp dụng
những lời sấm của tiên tri Isaia vào bản thân mình, Chúa Giêsu tự mô tả về con
người và sứ mạng của mình, bằng những từ ngữ đơn sơ nhưng rất uy nghi, đến nỗi
dân chúng nín thở, hồi hộp, lắng nghe. Thánh Luca nói: "Mọi người trong
Hội đường đều chăm chú nhìn Người"(Lc 4, 20). Cung cách dạy dỗ
của người hoàn toàn khác với các thầy dạy luật mà họ đã quen bấy lâu nay. Đúng
là một Tin mừng làm nức lòng họ, đem đến cả một bầu trời hy vọng và tự do.
Giáo hội đươc sai đi
Nếu như Chúa Giêsu được
Chúa Cha xức Dầu hoan Thánh Thần, sai đi vào dòng đời để cứu vớt những kẻ cơ
hàn, mang lại niềm vui và hạnh phúc cho biết bao con người, khai mở năm hồng ân
để thi ân giáng phúc cho nhân loại, thì đến lượt mình, Người cũng trao lại sứ
mạng đó cho Giáo hội: "Như cha đã sai Thầy, Thầy sai anh em" (Ga
20,21). Giáo hội cũng được xức dầu như Chúa Kitô và được sai đi. Người cũng ban
tràn đầy Thánh Thần cho Giáo hội: "Hãy nhận lấy Thánh Thần"
(Ga 20,22). Chúa Thánh Thần là linh hồn của sứ mạng Giáo hội, là Chúa Giêsu nối
dài, tiếp nối mầu nhiệm nhập thể và sứ vụ của Chúa Giêsu đi rao giảng Tin Mừng
cho người nghèo khó. Ngày hôm nay, chúng ta, những người đã chịu phép Rửa tội,
đã được xức Dầu và cũng được sai đi loan báo Tin Mừng cứu độ. Chúa Giêsu là Đấng được xức dầu, là Đấng Kitô. Việc
xức dầu là quan hệ nhân quả với nghĩa vụ của việc giảng dạy. Việc xức dầu để
trở thành Đấng Mêsia có một mối liên hệ chặt chẽ với Chúa
Thánh Thần. Rao giảng Tin Mừng về nước
Thiên Chúa là sứ vụ chính yếu của Đức Giêsu (Lc 4,43;7,22-23) và của chúng ta.
Người kitô hữu đã được xức
Dầu và cũng được sai đi
Ngày
06/01/2022, Đức Thánh Cha đã công bố Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền giáo năm
2022 với chủ đề: "Anh em sẽ là chứng nhân của Thầy"
(Cv 1,8). Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi các Kitô hữu loan báo sứ điệp cứu độ
của Chúa Kitô trong mọi chiều kích của đời sống hàng ngày của chúng ta.
Đức
Thánh Cha nói tiếp : "Loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn là sứ mạng của
Ðức Giêsu. Ðây cũng chính là sứ mạng của Giáo hội và của tất cả những ai đã
lãnh nhận Phép Rửa trong Giáo hội…Là một Kitô hữu cũng chính là một nhà truyền
giáo. Rao giảng Tin Mừng bằng lời nói, mà trước hết là bằng chính đời sống, là
mục đích chính yếu mọi thành phần dân Chúa, cần phải đến gần với người nghèo,
phục vụ họ, và thực hiện tất cả những điều này trong danh Ðức Kitô với Thần Khí
của Ðức Kitô, vì Người chính là Tin Mừng của Thiên Chúa" (x. Sứ điệp truyền
giáo 2022).
Mọi
Kitô hữu được mời gọi trở thành một nhà truyền giáo và làm chứng cho Chúa
Giêsu Kitô. Chúng ta thực hiện sứ vụ truyền giáo trong Giáo hội, vì được Giáo
hội sai đi nhân danh Chúa Kitô loan báo Tin Mừng “cho đến tận cùng trái đất”.
Chúng ta cũng nhận được sức mạnh từ Chúa Thánh Thần và được Thánh Thần hướng
dẫn để làm chứng đầy đủ và chân thực cho Chúa Kitô là Chúa đã đến trong thế
gian. Vì thế, khi chúng ta cảm thấy mệt mỏi, không có động lực hoặc bối rối,
chúng ta hãy cầu xin Chúa Thánh Thần.
Lạy
Chúa, này con đây xin sai con đi. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ