CHÚA NHẬT 3 THƯỜNG NIÊN

Công bố và lắng nghe Lời Chúa

 

Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa  (Nk 8:2-4a, 5-6, 8-10;  1 Cr 12:12-30;  Lc 1:1-4; 4:14-21)

        Để giúp chúng ta hiểu con người và sứ mệnh của Chúa Giê-su, Phụng vụ Lời Chúa giữ một vai trò vô cùng quan trọng.  Nhiều điều trong Cựu Ước đã được ứng nghiệm nơi Chúa Giê-su.  Còn Tân Ước ghi lại lời giảng và những phép lạ Chúa Giê-su đã làm.  Như vậy, tuyên đọc Lời Chúa trong các Thánh lễ được coi là một tác vụ quan trọng, vì trước thời Công đồng Vatican II, việc đọc sách là một trong “bốn chức nhỏ”.  Phụng vụ Lời Chúa hôm nay giới thiệu với chúng ta hai vị công bố và giảng giải Lời Chúa:  vị thứ nhất là kinh sư Ét-ra thời tái thiết Giê-ru-sa-lem đã đọc và giải thích sách Luật tại quảng trường trước cửa Nước;  còn thời Tân Ước là Chúa Giê-su công bố lời Chúa trong sách ngôn sứ I-sai-a tại hội đường Na-da-rét.  Dân chúng khóc lóc khi nghe lời sách Luật;  còn tại Na-da-rét thì “ai nấy trong hội đường đều chăm chú nhìn Người”.  Cách công bố Lời Chúa như thế cũng là cách chúng ta cử hành Phụng vụ Lời Chúa ngày nay trong Thánh lễ.  Tuy nhiên vấn đề của chúng ta là mỗi khi tham dự Thánh lễ hoặc cầu nguyện bằng Kinh Thánh, chúng ta đã đón nhận lời Chúa như thế nào và để cho Lời Chúa biến đổi chúng ta ra sao.

 

        1.  Ông Ét-ra công bố Lời Chúa trong sách Luật.  Thời ông Nơ-khe-mi-a làm tổng trấn xứ Giu-đa, dân Ít-ra-en sau khi được hồi hương đã tái thiết Giê-ru-sa-lem và Đền Thờ.  Ngày mùng một tháng thứ bảy tại quảng trường trước cửa Nước, ông Ét-ra là tư tế kiêm kinh sư đã đọc sách Luật cho cộng đồng nghe từ sáng sớm cho đến trưa.  Sách Nơ-khe-mi-a ghi lại từng chi tiết của buổi đọc Lời Chúa khi ấy.  Chúng ta hãy xem lại khung cảnh diễn ra buổi đọc Lời Chúa như thế nào.  Ông Ét-ra đứng trên bục gỗ cao hơn mọi người.  Ông mở sách ra trước mặt toàn dân và mọi người đứng dậy tỏ lòng cung kính đối với Lời Chúa.  Tiếp theo, ông và mọi người chúc tụng Chúa và sấp mặt sát đất mà thờ lạy Người.  Rồi ông đọc rõ ràng sách Luật và giải thích để dân chúng hiểu.  Một điều đặc biệt xảy ra là khi nghe lời sách Luật, dân chúng đã khóc.  Họ khóc có thể vì nhiều lý do.  Vì Lời Chúa đã đánh động tâm hồn họ, nhắc nhở họ về những lỗi phạm của họ với Chúa.  Vì vui mừng sau bao năm lưu đày nay lại được họp nhau để lắng nghe những lời Chúa phán với họ bằng tiếng mẹ đẻ, hoặc khi thấy Giê-ru-sa-lem mở rộng tay đón những đứa con lưu lạc trở về.  Họ khóc lóc đến nỗi ông Nơ-khe-mi-a phải nói với họ:  “Hôm nay là ngày thánh hiến cho Đức Chúa là Thiên Chúa của anh em, anh em đừng sầu thương khóc lóc”.  Đến lượt ông Ét-ra khuyến khích họ:  “Anh em đừng buồn bã, vì niềm vui của Đức Chúa là thành trì bảo vệ anh em”.  Tóm lại, chúng ta thấy rõ được sức mạnh của Lời Chúa đã đánh động tâm hồn mọi người.

        Sau khi được nghe giải thích sách Luật, cộng đồng Ít-ra-en đã vui mừng đi ăn uống và liên hoan tưng bừng.  Còn các tư tế và các thầy Lê-vi thì họp lại bên cạnh ông Ét-ra để tra cứu các lời trong sách Luật.  Đây là điều họ tìm thấy:  "Con cháu Ít-ra-en sẽ ở lều suốt kỳ đại lễ tháng thứ bảy."  Thế là mọi người “ra đi, đem cành lá về dựng lều trên sân thượng, dưới sân nhà, tại khuôn viên Đền Thờ Thiên Chúa, tại quảng trường cửa Nước và quảng trường cửa Ép-ra-im” (Er 8:16).  Đây là điều sách Luật dạy họ về việc mừng lễ Lều.  Đã bao năm lưu đày, dân Chúa không còn nhớ đến việc mừng lễ Lều nữa.  Giờ đây, nhờ Lời Chúa được công bố và nhờ sự giải thích, tra cứu của những người lãnh đạo, dân chúng tìm lại được những giá trị của Lời Chúa mà họ đã đánh mất.

        Chúng ta có thể nói những gì ông Ét-ra và dân Ít-ra-en làm hôm nay là một buổi cử hành Lời Chúa không khác gì Phụng vụ Lời Chúa trong Thánh lễ chúng ta ngày nay.  Họ đã để lại cho chúng ta một tấm gương tôn kính, tuyên đọc, lắng nghe và sống Lời Chúa.  Hy vọng nhờ việc cử hành Lời Chúa thời Cựu Ước giúp chúng ta cử hành xứng đáng Phụng vụ Lời Chúa mỗi lần chúng ta tham dự Thánh lễ.

 

        2.  Chúa Giê-su đọc Sách Thánh tại hội đường Na-da-rét.  Đã bao năm, Chúa Giê-su cùng thánh Giu-se và Đức Mẹ có mặt trong những buổi phụng vụ tại hội đường này.  Do đó, đối với Chúa Giê-su đây là nơi quá quen thuộc và cũng đầy những kỷ niệm thánh thiện nữa.  Sau khi đi rao giảng Tin Mừng và nổi danh khắp nơi, hôm nay Chúa Giê-su trở lại chốn xưa, dân chúng Na-da-rét hồi hộp chờ đợi xem Chúa Giê-su sẽ làm gì cho họ.  “Người đã giảng dạy trong các hội đường” tại những nơi Người đã đến, cho nên hôm nay Người vào hội đường Na-da-rét là chuyện “Người vẫn quen làm”.  Nhưng điều khác thường là:  “Họ trao cho Người cuốn sách ngôn sứ I-sai-a.  Người mở ra, gặp đoạn chép rằng:  Thần Khí Chúa ngự trên tôi…”  Chúng ta phải nói rằng Chúa Giê-su không mở sách I-sai-a một cách ngẫu nhiên, nhưng Người đã có ý chọn lựa khi mở ra đoạn I-sai-a 61:1-2.  Người chủ ý đọc đoạn Sách Thánh này để bắt đầu nói với những người hiện diện:  “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe”.  Sau đó Chúa bắt đầu giảng dạy.  Rất tiếc thánh Lu-ca không ghi lại những điều Chúa nói trong bài giảng này.  Nhưng chúng ta có thể đoán rằng điểm chính là Chúa mời gọi người ta hãy nhìn nhận sứ mệnh của Người là sứ mệnh ngôn sứ I-sai-a đã báo trước.  Nhưng họ ngạc nhiên:  nhìn nhận Chúa Giê-su là Đấng Mê-si-a hay sao?  Không thể được, vì họ nghĩ rằng họ quá biết Chúa Giê-su là ai rồi!  Tiếp theo là phản ứng của dân thành Na-da-rét.  Nếu so sánh với dân Chúa thời tổng trấn Nơ-khe-mi-a và kinh sư Ét-ra thì việc dân thành Na-da-rét đón nhận Lời Chúa quả là tồi tệ và không thể chấp nhận.  Dân Chúa ngày xưa đã khóc lóc, sám hối rồi hân hoan mừng lễ Lều sau khi họ đón nhận Lời Chúa được phán dạy qua sách Luật, trong khi đó dân thành Na-da-rét hôm nay không chỉ được đón nhận Lời Chúa qua miệng ngôn sứ I-sai-a, nhưng còn được diễm phúc tiếp đón Ngôi Lời bằng xương bằng thịt và sống giữa họ, vậy mà họ lại tẩy chay và muốn tiêu diệt Người nữa!  Họ đâu cần phải “tra cứu” giống như ông Ét-ra, các tư tế và các thầy Lê-vi.  Nhưng họ đã nghe từ rất nhiều người làm chứng cho lời giảng và phép lạ của Chúa Giê-su, hoặc trong số họ cũng có những người đã chính tai nghe và chính mắt thấy những gì Chúa đã giảng và đã làm nữa!  Có thể người ta khó chấp nhận Chúa Giê-su và sứ mệnh của Người là vì định kiến.  Nhưng như Chúa Giê-su đã từng nói với những người Pha-ri-sêu:  Nếu tôi không làm các việc của Cha tôi, thì các ông đừng tin tôi.  Còn nếu tôi làm các việc đó, thì dù các ông không tin tôi, ít ra cũng hãy tin các việc đó” (Gio-an 10:37-38).  Điều Chúa Giê-su vừa nói thì chính ông Gio-an Tẩy Giả đã làm.  Đang khi ngồi tù, ông đã sai môn đệ đến hỏi Chúa Giê-su rằng:  Thưa Thầy, Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác? Đức Giê-su trả lời: Các anh cứ về thuật lại cho ông Gio-an những điều mắt thấy tai nghe: Người mù xem thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng” (Mt 11:3-5).

        Sách Tin Mừng Gio-an đã cho chúng ta thấy ngay từ đầu việc thế gian không chấp nhận Chúa Giê-su, Lời của Thiên Chúa đã làm người phàm.  Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận.  Còn những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Người, thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa” (Ga 1:11-12).

 

Sống sứ điệp Lời Chúa

        Trở lại với việc cử hành Thánh lễ của chúng ta ngày nay, chúng ta có thể gặp cả hai loại người đón nhận Lời Chúa.  Có nhiều người đã tiếp nhận Lời Chúa một cách nghiêm túc và kính cẩn.  Đối với họ, “Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi” (Thánh Vịnh 118:105).  Họ biết rõ giá trị tuyệt đối của Lời Chúa như ông Phê-rô đã khẳng định:  Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời” (Ga 6:68).

        Tuy nhiên cũng không thiếu những người coi nhẹ phần Phụng vụ Lời Chúa trong Thánh lễ, cho nên họ đến trễ khi đi tham dự Thánh lễ vì cho việc tiếp nhận Lời Chúa là không mấy quan trọng!  Họ nên nhớ rằng trong Thánh lễ có hai “bàn tiệc”, bàn tiệc Lời Chúa và bàn tiệc Thánh Thể.  Chúng ta được nuôi dưỡng bằng bàn tiệc Thánh Thể là Mình Máu Thánh Chúa Ki-tô thế nào thì chúng ta cũng được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa qua các bài đọc như vậy.

        Điều quan trọng nữa là chúng ta đừng quên Lời Chúa cũng chính là Ngôi Lời của Thiên Chúa Ba Ngôi đã xuống thế làm người là Chúa Giê-su.  Tiếp nhận Chúa Giê-su là tiếp nhận Lời Chúa.  Hoặc nói như thánh Giêrônimô:  “Không biết Kinh Thánh là không biết Chúa Giê-su Ki-tô” vậy!

Lm. Đa-minh Trần đình Nhi


Suy Niệm Lời Chúa Năm C