CHÚA NHẬT 5 THƯỜNG NIÊN
Được kêu gọi từ thân phận tội lỗi
Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa (Is 6:1-2a, 3-8; 1 Cr 15:1-11;
Lc 5:1-11)
Các bài đọc
của Phụng vụ Lời Chúa hôm nay tập trung vào một chủ đề khá rõ ràng, đó là việc
Thiên Chúa kêu gọi một số người để thi hành những sứ vụ đặc biệt. Tuy nhiên tiêu chuẩn để Người kêu gọi lại
hoàn toàn không dựa trên những điều kiện giống như loài người đòi hỏi. Điều ngạc nhiên hơn nữa, là Thiên Chúa kêu gọi
chúng ta ngay từ tình trạng yếu hèn và tội lỗi của chúng ta, chứ không kêu gọi
chúng ta vì chúng ta thánh thiện, tài giỏi và nổi bật hơn người. Điều này được chứng tỏ qua những nhân vật nổi
tiếng trong cả Cựu Ước lẫn Tân Ước. Ngôn
sứ I-sai-a đã được một trong các thần
Xê-ra-phim đưa hòn than hồng gắp từ trên bàn thờ chạm vào môi ông, lập tức ông
“đã được tha lỗi và xá tội”. Tiếp đến là
ông Si-môn Phê-rô được Chúa Giê-su
kêu gọi, nhưng cảm thấy mình tội lỗi nên muốn thoái thác, vì thế Chúa Giê-su đã
trấn an ông: “Đừng sợ, từ nay anh sẽ là
người thu phục người ta”. Sau cùng là Phao-lô.
Ngài tự nhận mình giống như “một đứa trẻ sinh non” vì ngài vẫn được Chúa
gọi mặc dù ngài đã bắt bớ Ki-tô hữu và bách hại Giáo Hội Chúa lúc ban đầu. Mỗi người chúng ta cũng đều được Chúa gọi khi
ta lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy, để khởi từ thân phận tội lỗi sẽ ngày càng nên
giống Chúa Giê-su và đạt tới sự trọn lành.
1.
Thiên Chúa kêu gọi ngôn sứ I-sai-a.
Vào một ngày năm 740, ông I-sai-a đang ở trong Đền Thờ và trong lúc xuất
thần ông được gặp gỡ Thiên Chúa cách mật thiết.
Trước sự hiện diện cùa Thiên Chúa chí thánh, ông cảm thấy mình tội lỗi
vì thân phận phàm nhân. Bị xâm chiếm do
tâm tình kính sợ, ông kêu lên: “Khốn
thân tôi, tôi chết mất!” Nhưng Thiên
Chúa đã đi bước trước bằng cách sai một Xê-ra-phim gắp hòn than hồng từ trên
bàn thờ và đưa hòn than ấy chạm vào môi ông và nói: “Đây, cái này đã chạm đến môi ngươi, ngươi đã
được tha lỗi và xá tội”. Ngay lúc ấy,
ông nghe có tiếng nói: “Ta sẽ sai ai
đây? Ai sẽ đi cho chúng ta?” Lập tức ông thưa: “Dạ, con đây, xin sai con đi”. Than hồng là hình ảnh thanh tẩy bên ngoài biểu
tượng cho sự thanh tẩy tâm hồn bằng lửa thiêng.
Có lẽ trước
đây ông I-sai-a đã thi hành tác vụ ngôn sứ một cách miễn cưỡng. Nhận biết thân phận phàm nhân của mình, ông cảm
thấy không có khả năng phó thác đời mình vào bàn tay Thiên Chúa. Giờ đây sau khi được Thiên Chúa thanh tẩy, ông
có được cảm nghiệm “đã thấy Thiên Chúa” nên ông đáp lại lời kêu gọi của Người bằng
một hành động đức tin mau mắn. Từ nay trở
đi, ông sẽ hoàn toàn sống cho sứ mệnh của mình là làm người phát ngôn của Thiên
Chúa. Trước kia ông I-sai-a đã từng cảm
thấy ngần ngại khi các vua và các nhà lãnh đạo tôn giáo đã không thèm nghe lời
ông khuyên can. Cả đến dân chúng cũng tẩy
chay ông vì ông chống lại thái độ của họ là ưa chuộng lễ lạt tưng bừng bề ngoài
nhưng thiếu chiều sâu của tâm hồn. Mặc
cho mọi người không muốn nghe và không muốn sám hối, nhưng bổn phận của vị ngôn
sứ vẫn là “cứ đi, cứ nói” vì ngài là người nói thay cho Thiên Chúa. Đó cũng là phong cách của Chúa Giê-su và các
Tông Đồ sau này khi các ngài rao giảng Tin Mừng. Biết bao người có thể khép kín tâm hồn lại và
từ chối sứ điệp cứu được họ. Lời Thiên
Chúa đưa đến cho chúng ta sự hồi sinh hay hư mất, nghĩa là “ngã xuống hay đứng
lên” (Lc 2:34), là tùy theo cách chúng ta đón nhận Lời ấy mà thôi.
2.
Chúa Giê-su kêu gọi ông Si-môn Phê-rô và các bạn ông. Qua bài đọc 1, chúng ta đã nghe câu chuyện
ngôn sứ I-sai-a được Thiên Chúa kêu gọi khi ông cảm nghiệm sự thánh thiện và
siêu việt của Người. Bài Tin Mừng hôm
nay cũng thuật lại cho chúng ta một câu chuyện kêu gọi, nhưng trong khung cảnh
của chính cuộc sống hằng ngày. Đó là việc
Chúa Giê-su kêu gọi ông Phê-rô và các bạn ông đang khi họ hành nghề lưới
cá. Khác với cuộc thần hiện của Thiên
Chúa và thanh tẩy bằng một hòn than hồng trong sự kiện kêu gọi ngôn sứ I-sai-a,
việc kêu gọi ông Phê-rô được thực hiện qua một mẻ lưới cá lạ. Ông Phê-rô và các bạn đã vất vả suốt một đêm
mà không bắt được con cá nào. Đến sáng,
đang khi các ông giặt lưới thì Chúa Giê-su đến.
Người xuống thuyền của ông Phê-rô và bảo ông đưa thuyền ra xa bờ một
chút, để từ trên thuyền Người giảng cho dân chúng đang tụ họp trên bờ. Sau khi giảng xong, Chúa nói Phê-rô chèo thuyền
ra chỗ nước sâu để thả lưới bắt cá. Chưa
hết thất vọng vì một đêm thả lưới uổng công, ông chán nản nói với Chúa: “Thưa Thầy, chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà
không bắt được gì cả. Nhưng vâng lời Thầy,
tôi sẽ thả lưới”. Ông vâng lời thả lưới
có lẽ chỉ vì ông thắc mắc tại sao một người như Chúa Giê-su lại có thể thu hút
dân chúng như vậy. Ông đã nghe dân chúng
nói về Người và những phép lạ Người làm.
Nhưng có lẽ ông không trông đợi một phép lạ liên quan đến cá và nghề
nghiệp của ông. Cho nên ông chèo thuyền
ra khơi chỉ vì “vâng lời Thầy”, hay nói đúng hơn, chỉ vì “nể” Thầy, chứ không
phải vì tin vào quyền năng của Thầy. Do
đó, để giúp ông tin vào quyền năng của mình, Chúa Giê-su đã biểu lộ quyền năng
Người khi Người ban cho ông một mẻ cá đầy hai thuyền đến gần chìm! Tới lúc này, chúng ta thấy ông Phê-rô quả thực
lúng túng. Ông nhận ra ngay mình là “kẻ
tội lỗi” vì đã không tin vào Chúa! Nhận
ra sự thánh thiện và siêu việt của Chúa Giê-su, ông đối chiếu với thân phận
loài người hèn mọn của ông và không xứng đáng có mặt trước một Đấng Thánh như vậy. Vì thế ông đã tuyên xưng đức tin một cách rất
chân thành: “Lạy Chúa, xin tránh xa con,
vì con là kẻ tội lỗi”. Ông sợ ở gần Chúa
sẽ làm ô uế đến sự thánh thiện của Người.
Nhưng Chúa khích lệ ông: “Đừng sợ,
từ nay anh sẽ là người thu phục người ta”.
“Từ nay” đánh dấu một hành trình mới, nhưng lại bắt đầu từ việc ông
Phê-rô nhận biết thân phận bất xứng của mình.
Chưa hiểu rõ “thu phục người ta” là công việc gì, nhưng Phê-rô đã quảng
đại và nhất là hoàn toàn tin tưởng vào Chúa, nên ông đã lập tức “bỏ hết mọi sự
mà theo Người”. Nếu không hoàn toàn tin
tưởng Chúa thì ông và các bạn cho vàng cũng chẳng dám “bỏ hết mọi sự”, nhưng có
lẽ chỉ bỏ phần nào đó thôi! Dĩ nhiên ông
Phê-rô và các bạn mới chỉ cất bước đầu tiên theo Chúa thôi, vì trong tương lai
các ông sẽ phải phấn đấu với cám dỗ bỏ Thầy mà đi. Bằng chứng là các tông đồ đã bỏ trốn khi Chúa
bị bắt trong Vườn Dầu và chính Phê-rô cũng chối Thầy ba lần trước khi gà
gáy! Quan trọng là sau khi sa ngã biết
chỗi dậy để tiếp tục trung thành theo Chúa và chu toàn sứ mệnh. Chúa kêu gọi các ông từ thân phận yếu đuối tội
lỗi, nhưng Người cũng lấy những hòn than hồng gắp từ tình yêu bao la của Người
mà chạm vào trái tim họ để tha thứ cho họ và ban sức mạnh Thánh Thần giúp họ tiếp
tục ơn gọi của mình.
3.
Chúa Phục Sinh kêu gọi ông Phao-lô đang khi ông bách hại Giáo Hội Người. Kêu gọi một người đang đi lùng bắt các người
nhà của mình quả thực là một việc chúng ta không thể nào hiểu nổi. Vậy mà Chúa Giê-su đã làm việc ấy! Phao-lô là người đem lòng thù ghét Ki-tô hữu. Ông thù ghét đến độ tự nguyện xin các nhà
lãnh đạo tại Giê-ru-sa-lem cho phép ông đi lùng bắt các Ki-tô hữu khắp nơi đem
về trị tội. Đối với Chúa Giê-su, bách hại
Ki-tô hữu cũng là bách hại chính bản thân Người. Vậy mà Chúa sẵn sàng dùng quyền năng biến đổi
một con người hung hãn bắt bớ Ki-tô hữu trở thành một vị tông đồ hăng say truyền
giáo cho anh chị em dân ngoại. Chúa kêu
gọi Phao-lô ngay lúc ông là một kẻ xấu xa nhất.
Tại sao Người làm như vậy? Đâu phải
Phao-lô là con người hoàn toàn xấu đâu.
Ngoài hành động bách hại Ki-tô hữu ra, Phao-lô cũng có nhiều đức tính tốt
chứ. Có thể nói ông là một Pha-ri-sêu
gương mẫu: giỏi Kinh Thánh, kỷ luật, tha
thiết với truyền thống, nhất là Phao-lô có một lòng quảng đại và hăng say. Quảng đại và hăng say là đức tính cần thiết
cho một nhà truyền giáo. Cho nên Chúa Phục
Sinh đã nhìn thấy những đức tính này nơi Phao-lô và Chúa đã kêu gọi đúng người. Được gọi làm tông đồ, Phao-lô không kênh kiệu,
nhưng vẫn coi mình “khác nào một đứa trẻ sinh non” và là “người hèn mọn nhất
trong số các Tông Đồ, không đáng được gọi là Tông Đồ vì đã ngược đãi Hội Thánh
của Thiên Chúa”. Càng nhận rõ “thân phận”
sinh non và hèn mọn nhất, Phao-lô càng cố gắng để trở nên giống Đức Ki-tô mỗi
ngày một hơn hầu đạt được sự sung mãn theo tầm vóc của Đức Ki-tô.
Sống sứ điệp Lời
Chúa
Có lẽ sau
câu chuyện thánh Phao-lô được Chúa kêu gọi, chúng ta sẽ dừng tại đây để bắt chước
thánh Tông Đồ rút bài học thực hành cho đời sống Ki-tô hữu chúng ta. Khi lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy, tất cả chúng
ta đều nhận được lời kêu gọi chung, đó là hãy nên thánh, hãy trở nên giống Chúa
Ki-tô. Nên thánh là lời triệu gọi căn bản
cho mọi người, từ giáo hoàng, giám mục, linh mục, tu sĩ cho đến mọi thành phần
giáo dân. Mỗi người đều lắng nghe lời mời
gọi nên thánh ngay trong bậc sống của mình và đáp trả bằng cách chu toàn việc bổn
phận của mình. Thánh Phao-lô rao giảng
Chúa Ki-tô chịu đóng đinh thập giá và phục sinh. Các vị chủ chiên rao giảng khi thi hành sứ vụ
vua, tư tế và ngôn sứ của mình. Các tu
sĩ rao giảng đang khi sống linh đạo của vị sáng lập cộng đoàn mình. Các người đang sống bậc vợ chồng rao giảng
lúc nâng đỡ nhau, dưỡng dục con cái và giúp đỡ giáo xứ của họ hoặc Giáo Hội khắp
nơi. Tuy nhiên, có một điều ai ai cũng
phải nhớ, đó là Chúa kêu gọi chúng ta ngay từ thân phận tội lỗi và yếu hèn theo
bản chất con người chúng ta, để làm cho chúng ta trở nên con cái Người và anh
chị em với nhau trong Đức Ki-tô. Vì thế,
chúng ta hãy khiêm nhường và giúp đỡ nhau để tạo nên một gia đình, một giáo xứ,
một cộng đoàn và một Giáo Hội đầy bác ái, yêu thương và hiệp thông trong tình
yêu mến Chúa và thương yêu nhau.
Lm. Đa-minh Trần
đình Nhi