Chúa Nhật 6 MTN Năm C - ngày 13 tháng 2, 2022

Lm. Llane Briese

Các bài đọc: Gr 17: 5–8 • Tv 1: 1–2, 3, 4 and 6 • 1 Cr 15: 12, 16–20 • Lc 6:1 7, 20–26  

bible.usccb.org/bible/readings/021322.cfm

 

Chúc phúc là một yếu tố căn bản dệt nên di sản Công giáo chúng ta: “Thưa cha, xin cha chúc lành cho con” ; “Xin cha ban phép lành cho con con là kẻ có tội”; “Xin Chúa chúc lành cho chúng con và cho của ăn chúng con sắp dùng. Chúng ta cầu xin Thiên Chúa ban phước lành trên mọi thứ trong cuộc sống chúng ta: mọi sự từ thực phẩm đến tàu đánh cá, từ xe cộ đến tượng ảnh đạo. Tại sao người Công Giáo chúng ta lại làm như vậy? Chúng ta làm thế như một cách mời Thiên Chúa ngự đến mọi nơi chúng ta đi trong cuộc sống chúng ta. Không còn hạn chế sống với Chúa trong một giờ vào cuối tuần, chúng ta muốn ý thức rằng Thiên Chúa hiện diện suốt cuộc sống chúng ta khi chúng ta đi làm, khi chúng ta nấu ăn hay rửa chén bát, khi chúng ta nghỉ ngơi hoặc vui chơi và khi chúng ta ở một mình hoặc với bạn bè và gia đình. Và quả thực như vậy. Trong Kinh Tin Kính chúng ta tuyên xưng đức tin vào Thiên Chúa, đấng tạo dựng “muôn vật hữu hình và vô hình”. Chắc chắn Thiên Chúa không thể bị giới hạn bước vào thế giới mà Ngài đã dựng nên, nhưng dù chúng ta chỉ là những thụ tạo thì Người vẫn cho chúng ta được thực quyền lựa chọn mời hoặc không mời Người vào cuộc sống chúng ta. Phúc thay cho chúng ta biết đáp lại lời mời đó.

 

Các bài đọc hôm nay năm lần nhắc đến việc chúc phúc, chưa kể đến điệp khúc trong phần đáp ca. Ngôn sứ Giê-rê-mi-a đã tuyên bố , " Phúc thay kẻ đặt niềm tin vào Đức Chúa". Điều đó nghe thật hay. Nhưng mọi sự lại rẽ sang khúc quặt bất ngờ khi chúng ta nghe những lời Chúa phán trong bài Tin Mừng hôm nay: “Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó. " Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đói khát". "Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ phải khóc lóc". "Phúc cho anh em, nếu vì Con Người mà bị người ta thù ghét". Những Mối phúc này nghe ra có vẻ quen thuộc nhưng hơi khác một chút. Thời chúng tôi còn trẻ, nhiều người chúng tôi đã học là có tám Mối Phúc thật; những mối phúc này trích từ Bài Giảng Trên Núi được ghi lại trong Phúc âm Mát-thêu. Hôm nay, thay vì Tám Mối Phúc, chúng ta lại nghe bốn Mối Phúc thật trích từ Bài giảng dưới Đồng Bằng trong Phúc âm Lu-ca, vì vậy chúng ta đang thực sự lắng nghe các Mối Phúc từ một góc độ khác. Sự khác biệt không chỉ là số lượng mối phúc. Nhưng có hai điểm khác biệt, bạn có nhận ra không?

 

Trước hết, Chúa Giêsu sử dụng một từ quan trọng: anh em. “Phúc cho anh em là những người nghèo khó, đói khát, khóc lóc,” và “khi anh em bị người ta ghét bỏ”. Không giống như Tám Mối Phúc thật quen thuộc hơn trong Phúc Âm Mát-thêu, vì các Mối Phúc thật này được nói trực tiếp với đám đông dân chúng đang nghe Chúa Giêsu. Còn ở đây trong Tin Mừng Lu-ca, Chúa Giêsu nói trực tiếp với các môn đệ của Người trước sự có mặt ​​của đám đông dân chúng. Người cho họ biết chính xác ơn gọi môn đệ đòi hỏi điều gì. Bạn nghĩ các môn đệ sẽ cảm thấy thế nào khi nghe những lời này của Chúa? Tôi chắc chắn họ rất hài lòng khi nghe nói Nước Thiên Chúa thuộc về người nghèo khó – quả thực, không ai trong Nhóm Mười Hai là người giàu có cả – và nghe lời hứa về một tương lai sẽ được no lòng, rộn rã tiếng cười và phần thưởng lớn lao. Nhưng chắc chắn họ phải thắc mắc điều gì sẽ xảy đến trước các mối phúc thật ấy.

 

Điều đó dẫn chúng ta đến điều khác biệt lớn thứ hai so với các Mối phúc thật trong Mát-thêu. Bốn mối phúc thật này trong phúc âm Lu-ca đều có bốn lời Chúc Dữ đối lại: “Khốn cho các ngươi là kẻ giàu có, vì các ngươi hiện đã được phần an ủi rồi. Khốn cho các ngươi là kẻ đã được no nê đầy đủ, vì các ngươi sẽ phải đói khát. Khốn cho các ngươi là kẻ hiện đang vui cười, vì các ngươi sẽ ưu sầu khóc lóc. Khốn cho các ngươi khi mọi người đều ca tụng các ngươi, …” Đối với những môn đệ lần đầu tiên nghe Lời Chúa, bốn điều Chúc Dữ này càng khiến họ hiếu kỳ hơn. Đúng vậy, chúng ta đều biết câu chuyện kết thúc như thế nào rồi; Nhóm Mười Hai – ngoại trừ Giu-đa Is-ca-ri-ot ra – tất cả đã trở thành những vị thánh vĩ đại sau một cuộc phấn đấu dài; họ được hưởng những phần phúc tương lai sau khi trải qua bao nhiêu là nghèo khổ, đói khát, buồn phiền và bị thù ghét. Mặc dù những lời của Chúa Giêsu đã làm nhóm thính giả đầu tiên phải hoang mang, thì các môn đệ Chúa chắc chắn đã nhận ra rằng việc theo Chúa đòi hỏi sự cam kết nghiêm túc.

 

Còn chúng ta ngày nay thì sao? Những mối phúc và những điều chúc dữ này cũng áp dụng cho chúng ta y hệt như đã xảy ra cách đây hai nghìn năm. Chúng ta có thấy những điều ấy đáng sợ hoặc khiến người ta khó chịu không? Hay chúng ta có tìm thấy ở chúng sự thách đố và niềm an ủi không? Các bậc tiền bối trong đức tin, các vị thánh đã nhận ra những mối phúc thật ở nơi họ. Các vị ấy đã nghe thấy trong những lời này tiếng mời gọi hãy noi gương khiêm nhường của Chúa và hãy liên đới với những người nghèo khổ, đói khát, đau buồn và bị bách hại. Ơn gọi chung của Kitô hữu dành cho mọi người đã được rửa tội cũng đòi hỏi như vậy. Chúng ta có thể tìm được an ủi trong đau khổ bằng cách nhìn ngắm vị thánh đầu tiên tin vào lời Chúa Giêsu nói ở đây: đó là Mẹ Maria, Mẹ chúng ta. Ngay cả trước khi Con của Mẹ được sinh ra, Mẹ đã nói lên những tình cảm như thế trong Kinh Magnificat: “Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường. Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư, Người giàu có, lại đuổi về tay trắng”. Khi đem cơn đói hiện thời của chúng ta đến bàn tiệc thánh của Chúa, chúng ta hãy rước lấy Người một lần nữa vào cuộc sống chúng ta, vững tin rằng Chúa sẽ đáp ứng mọi nhu cầu của chúng ta khi chúng ta quyết noi gương khiêm tốn tự hạ của Người.

 

Chuyển ngữ :JB. Đào Ngọc Điệp 

Nguồn: https://www.hprweb.com/

 

 


Suy Niệm Lời Chúa Năm C