CHÚA NHẬT 6 THƯỜNG NIÊN
Hạnh phúc của những kẻ làm con Chúa và môn đệ Đức
Ki-tô
Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa (Gr 17:5-8;
1 Cr 15:12, 16-20; Lc 6:17,
20-26)
Chúng ta
đã nghe những lời chúc phúc của Chúa Giê-su nói với dân chúng trong Bài giảng
trên Núi qua sách Tin Mừng Mát-thêu và được gọi là Tám Mối Phúc. Hôm nay Phụng vụ Lời Chúa giới thiệu với
chúng ta đoạn Tin Mừng Lu-ca về bốn điều chúc phúc Chúa Giê-su nói riêng với
các môn đệ Người trong Bài giảng tại một chỗ đất bằng, kèm theo bốn điều cảnh cáo
những kẻ không phải là môn đệ Người. Trước
hết, để giúp chúng ta hiểu thế nào là phúc và thế nào là họa, qua ngôn sứ
Giê-rê-mi-a, Thiên Chúa nói về số phận của “những kẻ tin ở người đời” và hạnh
phúc của “người đặt niềm tin vào Đức Chúa” (bài đọc 1). Tiếp đến là bài Tin Mừng Lu-ca, trong đó Chúa
Giê-su kể ra bốn mối phúc nói lên bốn đặc nét của người môn đệ Chúa và bốn lời
chúc dữ đi ngược lại những mối phúc kể trên để phân biệt kẻ không phải là môn đệ
Chúa. Sau cùng, đoạn thư của thánh
Phao-lô gửi tín hữu Cô-rin-tô cho ta thấy sự phục sinh của Đức Ki-tô là bảo đảm
vững bền cho hạnh phúc của những ai làm môn đệ đích thực của Chúa.
1. Đáng nguyền rủa thay kẻ tin ở người đời và
phúc thay kẻ đặt niềm tin vào Đức Chúa. Gieo gì gặt nấy là qui luật cho tất cả những
gì chúng ta làm đang khi sống trên đời này.
Ai tuân giữ luật Thiên Chúa sẽ được hạnh phúc ở đời này và đời sau. Còn kẻ nào sống nghịch lại luật Chúa thì chắc
chắn sẽ lãnh hậu quả tương lai đời sau.
Cũng vậy, ai sống trong niềm tin trọn vẹn vào Thiên Chúa là người hạnh
phúc, còn ai tin cậy vào người đời sẽ là kẻ vô phúc. Sách ngôn sứ Giê-rê-mi-a sử dụng những hình ảnh
rất gần gũi với chúng ta để mô tả đời sống
của người đặt niềm tin vào Thiên Chúa và kẻ đặt niềm tin vào người đời. Trước hết đây là người đặt niềm tin vào Thiên
Chúa. Tại sao họ đặt niềm tin vào Thiên
Chúa mà không đặt niềm tin vào bất cứ cái gì khác hoặc người đời? Vì chỉ có Đức Chúa mới là “chỗ nương thân”
cho họ. Tác giả Thánh Vịnh đã ví Thiên
Chúa là chỗ nương thân giống như “tảng đá” trong sa mạc hoặc “thành lũy” che chở; rồi tác giả thách thức: Vậy thì tôi còn sợ gì ai nữa? Còn sách Giê-rê-mi-a thì dùng hình ảnh “cây
trồng bên dòng nước” để ám chỉ người tin cậy ở Chúa. Được trồng bên dòng nước, cây sẽ “đâm rễ sâu
vào mạch suối trong”. Nước là yếu tố cần
thiết để giữ cho cây được sống, phát triển và sinh hoa kết trái. Cũng vậy, Thiên Chúa là nguồn sức mạnh, vì thế
nếu chúng ta ‘đâm rễ sâu vào tình yêu” của Thiên Chúa, tất nhiên chúng ta sẽ
hút được sự sống và sức mạnh của Người, nhờ đó chúng ta mới tiếp tục sống và
phát triển như Người muốn. Rồi khi đã được
trưởng thành đầy đủ, chúng ta sẽ trổ sinh hoa trái đúng mùa và cuối cùng hoa
trái chúng ta sẽ tồn tại muôn đời. Ngôn sứ Giê-rê-mi-a bảo đảm với chúng ta rằng
cây được trồng bên dòng nước chẳng phải sợ gì, dù mùa nóng thì lá vẫn xanh, thậm
chí nếu có hạn hán cây vẫn không hề hấn và vẫn trổ sinh hoa trái. “Lá xanh” và “không ngừng trổ sinh hoa trái”
là hình ảnh diễn tả hạnh phúc của những người biết hoàn toàn phó thác mình cho
Chúa.
Kẻ hoàn
toàn dựa vào sự sống và sức mạnh của Thiên Chúa được phát triển, thì trái lại,
kẻ dựa vào người đời sẽ bị tàn lụi và khô cằn chẳng khác nào bụi cây trong
“hoang địa”, nơi “đồng khô cỏ cháy” hoặc ở “vùng đất mặn không một bóng người”. Nếu chúng ta có dịp tới nơi hoang địa nào đó,
hoặc cụ thể tới những vùng đất đá và đất mặn của nước Do-thái, chúng ta sẽ được
chứng kiến những hình ảnh thực này. Ở đó
hầu như không có sự sống! Tại sao “người
đời” không thể giúp chúng ta phát triển và sinh hoa trái như ý Chúa muốn? Bởi vì sự sống và sức mạnh của người đời chỉ là
tiền tài danh vọng và những thủ đoạn gian dối để giúp người ta đạt được những
thành công tạm bợ và phù du mà thôi. Do
đó, dù họ có “thành công” ở đời này, nhưng họ không thể mang theo những thành
công ấy sang cuộc sống đời sau. Cuối
cùng là họ mất tất cả!
2. Chúa Giê-su nói: “Phúc cho anh em” và “khốn cho các ngươi”. Chúng ta hãy nhìn lại khung cảnh Chúa Giê-su
nói những lời trên để hiểu được tại sao có sự khác biệt giữa hai câu nói của Người. Khung cảnh ấy là tại một chỗ đất bằng, trước
mặt Chúa có “nhiều môn đệ của Người và đoàn lũ dân chúng”. Nhưng khi Chúa Giê-su bắt đầu giảng thì Người
“ngước mắt nhìn các môn đệ và nói: ‘Phúc cho anh
em…”. Như vậy là Chúa nói những điều
này riêng với các môn đệ Người mà thôi.
Tuy nhiên Người lại nói với họ đang khi có đám đông ở tại đó. Vậy tại sao Người chỉ nói riêng với họ những
điều này? Vì Người muốn nói rằng những
điều này sẽ là những tiêu chuẩn giúp họ nhận ra mình có thực sự là môn đệ của Chúa
không.
Làm môn đệ
Chúa Giê-su là sống theo những quy luật của Tin Mừng Chúa rao giảng. Nhưng Tin Mừng của Người lại đi ngược lại thế
gian và môn đệ Chúa phải là người sống trong thế gian mà không thuộc về thế
gian. Thánh Vịnh đầu tiên trong tập
Thánh Vịnh đã nói về hạnh phúc đích thực như sau: “Phúc thay người chẳng nghe theo lời bọn ác
nhân, chẳng bước vào đường quân tội lỗi, không nhập bọn với phường ngạo mạn
kiêu căng” (Tv 1:1). Giờ đây trong diễn
từ đầu tiên khi rao giảng Tin Mừng, Chúa Giê-su cũng mở đầu bằng chữ “Phúc
thay” để nói lên quy luật dành cho bất cứ ai muốn làm môn đệ Người. Bốn điều phúc Chúa kể ra quả thực là những điều
nổi bật gặp thấy nơi các môn đệ đang hiện diện trước mặt Chúa. Chẳng có môn đệ nào giàu có, nhưng là những kẻ
nghèo khó. Trong số họ, chẳng có ai ngày
đêm yến tiệc linh đình, nhưng là những người đi theo Chúa, Đấng không có “nơi gối
đầu”. “Chim có tổ, chồn có hang, còn
ConNgười không có chỗ gối đầu”. Chẳng có
ai mải mê trong cuộc vui chơi của người đời, nhưng sống nhờ mồ hôi nước mắt của
lao động. Cuối cùng họ là những người
lãnh nhận mọi thứ thiệt thòi chỉ vì làm môn đệ Chúa. Trên phương diện thực tế, Chúa Giê-su nói về hạnh
phúc với các môn đệ đang hiện diện trước mặt Người. Mặc dù hiện thời môn đệ Chúa không phải là những
người hạnh phúc theo cái nhìn của người đời, nhưng họ đang thực sự cảm thấy hạnh
phúc vì đi theo Chúa. Ngay sau những “bất
hạnh” của họ theo tiêu chuẩn người đời, Chúa Giê-su đã cam kết với họ về hạnh
phúc trong tương lai. Họ là những kẻ
“nghèo khó”, nhưng lại đang sở hữu một gia tài vô giá là Nước Thiên Chúa. Họ đang “đói” vật chất, nhưng sẽ được no đầy
tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa.
Họ đang chịu đau khổ, nhưng họ sẽ chiếm được niềm vui đích thực là chính
Chúa. Cuối cùng, họ là những người bị
thiệt thòi, bị bách hại vì đi ngược lại lối sống của “bọn ác nhân, quân tội lỗi
và phường ngạo mạn kiêu căng”, nhưng họ sẽ được “vui mừng nhảy múa” vì phần thưởng
trên trời.
Sau khi kể
ra bốn Mối Phúc mô tả người môn đệ đích thực, Chúa Giê-su đã đổi cách xưng hô
khi Người nói “Khốn cho các ngươi…” “Các ngươi” ở đây chính là những kẻ từ chối
không muốn sống theo những giá trị Tin Mừng để làm môn đệ Chúa. Kể ra những điều “chúc dữ”, Chúa Giê-su không
nguyền rủa những kẻ từ chối làm môn đệ Người, mà chỉ nói lên hậu quả tất nhiên
khi họ tự ý chọn lối sống đi ngược với lối sống Tin Mừng mà thôi. Với cách trình bày đối xứng giữa phúc và họa,
giữa người môn đệ Chúa và người đời, giữa lối sống theo Tin Mừng và lối sống
theo thế gian, Chúa Giê-su đã rõ ràng và minh bạch về những điều kiện để làm
môn đệ Người.
Sống sứ điệp Lời
Chúa
3. Sự sống lại của Đức Ki-tô là bảo đảm cho hạnh
phúc tương lai của chúng ta. Mỗi
mối phúc hay mối họa Chúa Giê-su kể ra đều có hai phần đối nhau về hiện tại và
tương lai. Thí dụ: hiện tại nghèo khó thì sẽ được Nước Thiên
Chúa, bây giờ đang phải đói thì Thiên Chúa sẽ cho no lòng… Tuy nhiên người ta sẽ
đặt câu hỏi: Tương lai là gì? Ai hoặc điều gì bảo đảm cho hạnh phúc tương
lai ở đời sau? Thánh Phao-lô cho chúng
ta câu trả lời: Đức tin của chúng ta vào
Chúa Ki-tô Phục sinh là bảo đảm cho hạnh phúc mai sau của chúng ta. Cuộc sống của Ki-tô hữu phải đặt trên nền tảng
đức tin và hy vọng vào Chúa Ki-tô. Thánh
Phao-lô kêu gọi chúng ta hãy nhìn vào cuộc đời gương mẫu Đức Ki-tô. Đức Ki-tô đã sống những Mối Phúc mà Người nói
lên trong bài giảng tại đồng bằng. Tột đỉnh
các “mối phúc” của Người là cuộc Thương Khó và cái chết trên thập giá. Nếu Đức Ki-tô thực sự đã không sống lại, thì
Người chỉ là một kẻ nói dối mà thôi.
Nhưng thực sự Đức Ki-tô đã sống lại.
Các tông đồ là những chứng nhân đầu tiên và đã sẵn sàng chịu chết để làm
chứng Chúa đã sống lại. Đến lượt chúng
ta, khi sống đời Ki-tô hữu chân chính, chúng ta cũng tiếp tục làm chứng cho sự
Phục Sinh của Chúa. Do đó, thánh Phao-lô
đã có một kết luận thật tuyệt vời để giúp chúng ta dẹp mọi nghi ngờ về hạnh
phúc tương lai của chúng ta. Đó là: “Đức Ki-tô đã trỗi dậy từ cõi chết, mở đường
cho những ai đã an giấc ngàn thu!”
Lời Chúa
hôm nay giúp chúng ta nhìn lại lối sống của mình và đặt câu hỏi: Vậy tôi có phải là người con đích thực của
Thiên Chúa và người môn đệ chân chính của Đức Ki-tô hay không? Ngôn sứ Giê-rê-mi-a đã phân định rõ ràng ai
là kẻ đặt niềm tin vào Thiên Chúa và ai là kẻ tin ở người đời. Chúa Giê-su khi nói với môn đệ Người về hạnh
phúc đích thực đã cho thấy những điều kiện làm môn đệ Người đi ngược với lối sống
thế gian. Sau hết thánh Phao-lô nhắc nhở
chúng ta rằng sự Phục Sinh của Chúa Giê-su bảo đảm cho hạnh phúc đời đời của
chúng ta. Vậy chúng ta có muốn được hạnh
phúc đời đời hay cứ muốn bám theo hạnh phúc chóng qua của thế gian này? Câu trả lời tùy thuộc chúng ta đấy, nhưng
Chúa Giê-su đã “mở đường” và sẵn sàng đồng hành với chúng ta! Hạnh phúc thay những ai làm môn đệ Chúa
Giê-su!
Lm. Đa-minh Trần đình Nhi