Chúa Nhật 7 MTN năm C – ngày 20 tháng 2, 2022
Lm. Llane Briese
Các bài đọc: 1 Sm 26: 2, 7–9, 12–13, 22–23 • Tv 103: 1–2, 3–4, 8, 10, 12–13 • 1 Cr
15: 45–49 • Lc 6: 27–38
bible.usccb.org/bible/readings/022022.cfm
Chàng trai ấy chắc là rất
kinh hãi. Hãy hình dung những gì Đa-vít đang trải qua: Sau khi vua Sao-lê chết, Đa-vít đã
được xức dầu để làm vua. Đa-vít rất được các phụ nữ Is-ra-en mến mộ. Tôi không
nói dỡn đâu; Sách Sa-mu-en quyển
thứ nhất tường thuật rằng các phụ nữ vui đùa ca hát rằng, “Vua Sao-lê hạ được
hàng ngàn, ông Đa-vít hàng vạn” (1 Sm 18: 7). Vua Sao-lê cảm thấy bị xúc phạm
nên chẳng lạ gì khi nhà vua muốn
Đa-vít phải chết. Buộc phải chạy trốn khi vua Sao-lê cùng với ba
nghìn lính tinh nhuệ đuổi theo, Đa-vít có cơ hội như bạn vừa nghe trong bài đọc I hôm nay: Vua Sao-lê đang say giấc với ngọn giáo cắm
xuống đất ở phía đầu. Đa-vít chỉ cần nắm lấy
ngọn giáo đó và đâm xuyên đầu Sao-lê là xong, giống như kiểu bà Gia-ên giết
Xi-xơ-ra lúc ông này đang say ngủ (sách Tl 4:21) . Và thực ra, đây là điều Abisha, cháu Đavid, xúi ông làm. Nhưng Đa-vit từ chối. Thay vào đó, Đavid lấy đi cây giáo và bình nước của vua; tước bỏ vũ khí là tước bỏ
mối đe dọa từ Sao-lê, nên ông không giết vị vua sát nhân này.
Bạn nghĩ sao? Đa-vít là
người trung thành hay ngốc ngếch? Thậm chí
đây không phải là lần đầu tiên Sao-lê tìm cách giết Đa-vít; nhưng trước kia nhà
vua đã có ý định giết Đa-vít trong suốt
tám chương cuối của sách Sa-mu-en quyển thứ nhất trước bài đọc chúng ta vừa nghe. Đa-vít có khó mà
chấp nhận việc nhà vua muốn giết ông và ông cần phải đứng lên tự bảo vệ không? Tôi nghi là
không khó. Rốt cuộc, Đa-vít đã chạy
trốn Sao-lê và phải ẩn náu tại nơi
hoang dã như sách Sa-mu-ên quyển thứ nhất mô tả trong gần hết phần thứ hai cuốn sách; ông ý thức
rõ về hậu quả quyết định của mình. Tuy nhiên, điều ông lập đi lập lại vẫn trước sau như một: "Chúa cấm tôi đụng tay đến người được Chúa xức dầu."
Đa-vít tin rằng Chúa có một kế hoạch cho ông ngay
cả khi ông thấy mình đang thực sự sống như một kẻ lưu vong chính trị. Hơn nữa, ông hiểu rằng
Sao-lê có cơ hội để thức tỉnh lương
tâm và từ bỏ lòng ghen ghét, rồi những
khó khăn cá nhân khác đang
kích động cơn giận của nhà vua. Chính lòng trung thành của Đa-vít muốn làm điều
công chính ngay cả khi không được thoải mái đã giúp ông không trở thành một tên sát nhân. (Ít nhất là hiện tại,
chúng ta không có thì giờ để thảo luận về câu chuyện tướng U-ri-a và bà Bat-sê-ba...)
Việc lựa
chọn của Đavid ở đây đã mở đường cho một hậu duệ cách xa cả một thiên niên kỷ sau này.
Chính Chúa Giêsu cũng đã chọn sự vâng phục thánh ý Chúa Cha lúc sầu khổ trong
Vườn Gietsamani: “Xin đừng
theo ý con, nhưng ý Cha được thực hiện”
(Lc 22, 42). Người tự nguyện chấp nhận cái chết tàn bạo hơn là dùng quyền năng Thiên Chúa để thoát mối đe dọa của cái chết.
Khi những kẻ nhạo báng chế diễu Người rằng: “Hãy tự cứu mình bằng cách xuống khỏi
thập giá đi!” (Mc 15, 30), thì Con Vua Đa-vít không rơi vào cạm bẫy này. Người từ
chối không để cho quyền lực thể xác
hay chính trị quyết định số phận, trái lại, Người đã chiến thắng nhờ khiêm nhường và quảng đại vâng phục thánh ý Chúa Cha. Vậy thánh ý Chúa Cha là gì? Chúng ta gặp thấy thánh ý Chúa Cha trong bài Tin Mừng
hôm nay: “Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ” (Lc
6:36). Nên lưu ý,
Mát-thêu ghi lại một câu nói tương tự
trong Bài giảng trên núi: “Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên
trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5: 48). Từ ngữ có khác nhau, nhưng tôi thiết nghĩ lời lẽ của
Lu-ca cụ thể hơn của Mát-thêu ở chỗ: chính lòng thương xót của Chúa Cha là sự
hoàn thiện lớn lao nhất của Người.
Như chúng ta đều biết, Đức
Thánh Cha Phanxicô dường như cũng đồng ý như vậy. Ngài đã lấy đoạn Tin Mừng này làm trọng tâm của Năm Thánh Lòng Chúa Thương Xót vào năm 2015
và, ngay từ đầu triều đại giáo hoàng của mình, ngài đã luôn lặp đi lặp lại sứ điệp này - lòng thương xót,
lòng thương xót, lòng thương xót – nhất là cho những ai thấy mình xa rời trái tim Hội Thánh. Là Nhiệm Thể Chúa Kitô, Giáo hội phải để cho lòng thương
xót trọn hảo của Chúa Cha tỏa sáng ra, và tất cả chúng ta hãy làm như vậy bằng
cách lắng nghe lời kêu gọi của Chúa trong bài Tin Mừng
hôm nay: “Anh em hãy yêu thương kẻ thù”. Nếu tự vấn lương tâm mình, có lẽ chúng ta sẽ nhận ra trong ta có một ai đó, như người ta thường nói, là tên cư ngụ miễn phí trong tâm trí của chúng ta. Tên đó là một kẻ thù. Nếu đó không phải là một cá nhân thì cũng là
một nhóm: Các bản tin nhanh trên truyền hình cho thấy sự hận thù dữ dằn và chủ
nghĩa suy nghĩ tiêu cực hiện đang lây nhiễm vào chính trị trên toàn thế giới.
Tin Mừng đặt ra cho chúng ta một câu hỏi nghiêm túc: Tôi có đủ can đảm để bày tỏ
lòng thương xót đối với kẻ thù của mình không? Tôi có yêu thương họ thật lòng,
coi họ là con yêu dấu của Chúa Cha,
được Chúa Con cứu chuộc không? Tôi có đối xử với
họ bằng sức mạnh được kiềm chế giống như Đa-vít đã làm đối với Vua Sao-lê khi ông lấy đi ngọn giáo đó
không? Khi đón rước Hoàng Tử Bình An vào lòng lúc
chúng ta Rước Lễ, chúng ta hãy cầu xin Người để cho bình an của Người ngự trị trong tâm hồn
chúng ta.
Chuyển ngữ :JB. Đào Ngọc Điệp
Nguồn: https://www.hprweb.com/