CHÚA NHẬT 7 THƯỜNG NIÊN
Anh em hãy có lòng nhân từ như Cha anh em là Đấng nhân
từ
Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa (1 Sm 26:2, 7-9, 12-13, 22-23; 1 Cr 15:45-49; Lc 6:27-38)
Yêu
thương kẻ thù là một giáo lý mới lạ đối với người Do-thái, vì họ vẫn từng nghe
sách Luật dạy rằng: Hãy yêu người đồng
loại. Trong Tin Mừng Mát-thêu, Chúa
Giê-su đã nói với dân chúng về Tám Mối phúc và trong Tin Mừng Lu-ca, Người nói
riêng với các môn đệ về bốn Mối phúc như những điều kiện để làm môn đệ Người. Mặc dù những lời giảng ấy đã khiến họ hết sức
ngạc nhiên, nhưng Chúa Giê-su không dừng lại ở đấy, mà Người còn đi xa hơn nữa
khi dạy rằng: Hãy yêu kẻ thù. Làm sao có thể yêu kẻ thù, vì đó là điều vượt
quá khả năng con người? Chúa Giê-su trả
lời: Đây là việc có thể thực hiện được với
điều kiện là hãy bắt chước Thiên Chúa Cha.
Trong Mát-thêu, điều bắt chước ấy là:
Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện. Còn trong bài tin Mừng Lu-ca hôm nay, điều bắt
chước là: Anh em hãy có lòng nhân từ,
như Cha anh em là Đấng nhân từ. Khác
nhau một chút về từ ngữ, nhưng ý nghĩa thì cũng giống nhau thôi! Phụng vụ Lời Chúa hôm nay trình bày về lòng
nhân từ. Bài đọc 1 kể lại câu chuyện
Đa-vít đã lấy lòng nhân từ mà đối xử với vua Sa-un khi Đa-vít tha chết cho nhà
vua. Trong bài Tin Mừng, khi nói về vấn
đề yêu kẻ thù, Chúa Giê-su nhấn mạnh rằng môn đệ Người phải cư xử khác với lối
cư xử của người đời và của kẻ tội lỗi, nhưng phải noi gương Cha trên trời là Đấng
nhân từ. Đặc biệt thánh Phao-lô trong
thư gửi tín hữu Cô-rin-tô đã khẳng định rằng Ki-tô hữu là những kẻ thuộc về trời
thì phải sống giống như Đấng từ trời mà đến là Chúa Giê-su Ki-tô, nghĩa là phải
yêu kẻ thù.
1. “Đức Chúa đã nộp cha vào tay con, nhưng con
đã không muốn tra tay hại đấng Đức Chúa đã xức dầu tấn phong”. Đó là những lời Đa-vít nói với vua Sa-un sau
khi ông đã lấy đi cây giáo của vua. Chúng
ta ai cũng biết câu chuyện Đa-vít đã giết chết tên Go-li-át, một đấu thủ vô địch
từ doanh trại Phi-li-tinh, bằng một hòn đá phóng đi từ dây phóng. Khi Đa-vít trở về, các phụ nữ Ít-ra-en đã vui
đùa ca hát rằng: “Vua Sa-un hạ được hàng
ngàn, ông Đa-vít hàng vạn”. Từ đó vua
Sa-un bắt đầu ghen tị và muốn giết Đa-vít nên ông phải chạy trốn. Nhưng ông được nhiều người giúp đỡ. Trước tiên là bà Mi-khan, vợ ông, bà thả ông
xuống qua cửa sổ để ông trốn đi. Người kế
tiếp là ngôn sứ Sa-mu-en tại Ra-ma. Cùng
với Sa-mu-en, các người lính được vua Sa-un sai đến bắt Đa-vít, tất cả đều “xuất
thần” đến độ nói sảng giống như bị rối loạn thần kinh nên họ thất bại. Cuối cùng, vua Sa-un đích thân tới Nai-giốt
thuộc Ra-ma để bắt Đa-vít. Nhưng Thần
khí Thiên Chúa xuống trên vua nên vua cũng lên cơn xuất thần! Thế là Đa-vít trốn khỏi Nai-giốt và được người
bạn tâm phúc là ông Giô-na-than, con vua Sa-un, giúp đỡ. Giô-na-than nói tốt và bênh vực cho Đa-vít
trước mặt cha mình. Ông còn bày mưu để
Đa-vít trốn đi càng xa càng tốt. Đa-vít
bắt đầu cuộc sống nay đây mai đó, nhưng ông cũng chiêu mộ được một số người ủng
hộ đi theo ông. Tại Ên Ghe-đi, đang khi
Đa-vít và quân của ông trốn trong hang núi thì vua Sa-un cũng tình cờ vào đó để
đi vệ sinh. Đây là cơ hội ngàn năm một
thuở, nhưng Đa-vít vẫn không giết vua Sa-un vì tôn trọng vua là người đã được Thiên
Chúa xức dầu, nên ông chỉ cắt vạt áo khoác của vua. Cuối cùng trong sa mạc Díp, đang đêm ông
Đa-vít và ông A-vi-sai lén đến trại binh của vua Sa-un và thấy nhà vua đang ngủ
say. Đa-vít có cơ hội nữa để giết vua
Sa-un, nhưng ông không muốn giết vua, chỉ lấy đi cây giáo và bình nước của vua,
rồi đi sang phía bên kia đứng trên đỉnh núi nói với vua Sa-un: “Cây giáo của đức vua đây… Hôm nay Đức Chúa
đã nộp cha vào tay con, nhưng con đã không muốn tra tay hại đấng Đức Chúa đã xức
dầu tấn phong. Hôm nay con đã coi trọng
mạng sống cha, thì xin Đức Chúa cũng coi trọng mạng sống con như vậy, và giải
thoát con khỏi mọi cảnh ngặt nghèo”. Mặc
dù vua Sa-un tìm mọi cách để giết Đa-vít, nhưng Đa-vít vẫn một lòng tôn trọng
“kẻ thù” của ông. Ông đã lấy lòng nhân từ
mà đối xử với vua Sa-un, nên sau này dù ông đã phạm đủ thứ tội, kể cả tội sát
nhân và ngoại tình (giết tướng U-ri-gia, người Khết, và đoạt vợ của ông này),
nhưng Thiên Chúa đã lấy lòng nhân từ của Người mà tha thứ cho Đa-vít.
2. Yêu kẻ thù nghĩa là sống lòng nhân từ như Cha
trên trời là Đấng nhân từ. Chúng
ta đã nghe câu chuyện ông Đa-vít đối xử nhân từ với vua Sa-un. Giờ đây chúng ta hãy nghe người miêu duệ của
vua Đa-vít là Chúa Giê-su giảng dạy về lòng yêu thương kẻ thù và lối sống lấy
ân báo oán. Trong bài giảng về các Mối
phúc, Chúa Giê-su đã trình bày một lối sống của những người hoàn toàn tin tưởng
phó thác vào Thiên Chúa, một lối sống đi ngược lại lối sống của người đời. Thính giả của Chúa chưa hết ngạc nhiên thì
Người lại đưa họ tới một điều hầu như họ không thể chấp nhận được, đó là việc
yêu thương kẻ thù. Để cụ thể hóa việc
yêu kẻ thù, Chúa Giê-su dùng một số hành vi thí dụ: làm ơn cho kẻ ghét anh em, ai vả má bên này
thì giơ má bên kia cho họ vả, ai đoạt áo ngoài thì đừng cản nó lấy áo trong , ai xin thì hãy cho, ai lấy cái gì thì
đừng đòi lại. Rõ ràng đây là những điều
ngược lại lối sống của người đời. Nếu
chúng ta thi hành những điều Chúa dạy, thiên hạ sẽ coi chúng ta là những đứa
hèn, nhu nhược, hãi sợ…, bởi vì với họ sống là tranh đấu. Nhưng lối sống của Chúa thì khác. Trước hết Người đưa ra nguyên tắc sống tích cực: “Anh em muốn người ta làm gì cho mình, thì
cũng hãy làm cho người ta như vậy”. Hay
nói khác đi, đây là lối sống của ân nghĩa.
Đúng vậy, ân nghĩa không dựa trên sự sòng phẳng, nhưng dựa trên tình
yêu. Vì thế chúng ta không lạ khi thấy
Chúa cứ lập đi lập lại câu hỏi “thì còn gì là ân với nghĩa?” Nếu chúng ta chỉ sống theo sự sòng phẳng, thì
chúng ta không hơn gì người đời, thậm chí không hơn gì kẻ tội lỗi. Chúa lại thêm những thí dụ để nhấn mạnh rằng
lối sống của người con Chúa phải khác và vượt trên lối sống của người đời và kẻ
tội lỗi. Thí dụ về ân nghĩa: “Nếu anh em chỉ yêu thương kẻ yêu thương
mình, thì còn gì là ân với nghĩa? Ngay kẻ
tội lỗi cũng yêu thương kẻ yêu thương họ”.
Trái lại, người con Chúa phải yêu kẻ thù thì mới là ân nghĩa và họ mới
khác với kẻ tội lỗi! Thí dụ về sòng phẳng: “Nếu anh em cho vay mà hy vọng đòi lại được,
thì còn gì là ân với nghĩa? Cả kẻ tội lỗi
cũng cho kẻ tội lỗi vay mượn để được trả lại sòng phẳng”. Mục đích của cho vay là để biểu lộ ân nghĩa,
chứ không phải là để được trả lại sòng phẳng.
Tiếp theo là phần thưởng dành cho những ai sống vì ân nghĩa sẽ lớn lao
và phần thưởng quý nhất, đó là họ đích thực là con Đấng Tối Cao chứ không phải
là người đời hoặc kẻ tội lỗi. Để kết luận,
Chúa Giê-su lập lại rằng Thiên Chúa Cha là Đấng “vẫn nhân hậu với cả phường vô
ân và quân độc ác”. Rõ ràng chúng là “kẻ
thù” của Thiên Chúa, là phường vô ân và kẻ độc ác, nhưng Người vẫn đối xử nhân
từ với họ và là gương mẫu sống nhân từ để những ai muốn làm con cái Người đều
có thể bắt chước.
Sống sứ điệp Lời
Chúa
3. Chúng ta là những người mang hình ảnh Đấng từ
trời mà đến. Chúa Giê-su đã thuyết
phục chúng ta hãy yêu kẻ thù bằng lối sống tích cực, tức là sống ân nghĩa chứ
không phải lối sống sòng phẳng của thế gian.
Tuy nhiên chúng ta cũng có một suy tư rất ý nghĩa của thánh Phao-lô để
khích lệ chúng ta thi hành lệnh truyền của Chúa Giê-su là “Hãy yêu kẻ thù”. Trước hết thánh Phao-lô nói lên sự khác biệt
giữa A-đam và Chúa Kitô. A-đam là người
bởi đất mà ra, vì ông được Thiên Chúa dựng nên từ đất. Còn Chúa Ki-tô thì từ trời mà đến. Tiếp đến ngài nói về tương lai của chúng
ta: Cũng như chúng ta đã mang hình ảnh
người bởi đất mà ra (tức là con cháu A-đam), thì chúng ta cũng sẽ được mang
hình ảnh Đấng từ trời mà đến (tức là đồng thừa kế với Đức Ki-tô). Nhưng tương lai này tùy thuộc vào lối sống hiện
thời của chúng ta là theo lối sống của Đức Ki-tô. Vậy kết luận là gì đây? Nếu chúng ta muốn được đồng thừa kế gia nghiệp
đời đời với Đức Ki-tô, thì ngay ở đời này chúng ta hãy “mang hình ảnh Đấng từ
trời mà đến”, nghĩa là chúng ta phải trở nên giống Chúa Ki-tô, “nên đồng hình đồng
dạng với Đức Ki-tô”, nhất là bắt chước Người mà yêu thương kẻ thù vậy!
Lm. Đa-minh Trần
đình Nhi