Huyền nhiệm của ơn gọi
Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật XIII năm -
C
( Lc 9,
51-62)
Sinh ra sống ở trên đời, mỗi một người trong
chúng ta đều có những ơn gọi và sứ mạng trong sự quan phòng của Thiên Chúa.
Hết thảy chúng ta đều được sáng tạo trong yêu thương với ơn gọi làm người giống
hình ảnh Chúa là Chân, Thiện, Mỹ, được chính Thiên Chúa gọi trong tình yêu và
mong một ngày nào đó người ấy nghe được tiếng Chúa gọi và đáp lại với tình yêu.
Đây là tiếng gọi từ muôn thủa, nói theo kiểu linh mục nhạc sĩ Duy Thiên
là : "Từ khi chưa có đồi non, từ khi
chưa có trời cao, chưa có vầng trăng với ngàn sao. Gọi con giữa muôn muôn người
tìm con giữa nơi bùn nhơ" (Trích bài hát : Tình Chúa Cao
Vời). Nghĩa là từ khi chưa có loài người sống trên mặt đất, chưa
có đất trời, núi đồi, biển cả... Thiên Chúa đã yêu từng người, gọi và đặt từng
người vào những nẻo đường khác nhau.
Ơn gọi của mỗi người
Thiên Chúa còn trao cho mỗi người một sứ
mạng, dù là hèn mọn, bất tài, hay chống đối Chúa. Cụ thể như Abraham được gọi
để trở thành tổ phụ của một dân tộc. Môsê, đứa trẻ dòng dõi Lêvi được gọi để
trở thành người giải phóng dân tộc Do Thái. Samuel được gọi để trở thành ngôn
sứ và thủ lãnh. David cậu bé chăn cừu được gọi để trở thành vua của một dân
tộc. Giona được gọi để trở thành ngôn sứ trong sự chối từ và giận dỗi, đến
Maria, người phụ nữ được chọn gọi để trở thành mẹ của Thiên Chúa.
Ơn gọi của Êlise
Êlisê là vị tiên tri của dân Israel vào thế kỷ thứ IX trước Chúa Giáng Sinh, xuất thân từ gia đinh nhà
nông khá giả, có cha là Saphát, ở Abel Mêhula
trong trũng Giô đanh (I V19,16; (I V19,21). Tên ông có nghĩa là “Đức
Chúa Trời là sự cứu rỗi”. Chúa gọi ông lúc ông còn là một thanh niên trai tráng, đang cầy
ruộng, chuyên chăm chịu khó, hòa nhã với mọi người và nhạy bén trước lời kêu
gọi của Đức Chúa.
Một ngày nọ, khi Êlisê đang cày ruộng, thì
Tiên tri Êlia đi ngang qua và ném áo choàng trên mình người. Hành động nầy tượng
trưng cho việc Đức Chúa Trời có kế hoạch ban cho Êlisê những quyền năng tiên
tri của Êlia. Êlisê đã hiểu được đây là sự kêu gọi của Đức Chúa Trời dành cho mình, nên
ông bỏ bò chạy theo Êlia. Rồi với sự dứt khoát, ông
đã trở về nhà thu xếp mọi việc, từ giã gia đình để ra đi theo sự kêu
gọi của Đức Chúa (x. I V 19,21;II Vua 3,11).
Huyền nhiệm ơn gọi của mỗi chúng ta
Mỗi người chúng ta được tạo dựng một cách
độc đáo, không ai giống ai, cả về thể xác, tâm hồn, tính tình và năng khiếu.
Bởi đó, không có ơn gọi nào giống ơn gọi nào. Mỗi người là tác phẩm nghệ thuật
độc đáo và độc nhất vô nhị của Thiên Chúa. Theo tư tưởng thần học về Nhiệm
Cục Cứu Độ của Von Balthasar, thì cuộc hành trình ơn gọi của mỗi chúng ta như
một kịch bản. Thiên Chúa Cha đã cài đặt môt chương trình. Chúa Thánh Thần là
huấn luyện viên. Thiên Chúa Con là gương mẫu. Bản thân ta thực hiện chương
trình, và cộng đoàn là những môi trường.
Chúa cất tiếng gọi. Ngỏ lời là sáng kiến
của Thiên Chúa và con người đáp trả. Êlia và Êlisê là hai nhân chứng. Chúa đã
dùng Êlia gọi Êlisê, Êlisê đáp trả (x.1 V 19,16b.19-21). Vì là sáng kiến của
Thiên Chúa nên Chúa gọi người Chúa muốn : "Hãy theo Ta"
(Lc 9, 51-62). Hôm qua cũng như hôm nay, Thiên Chúa vẫn đến gọi con người ngay
giữa dòng đời như đã gọi Êlisê khi ông đang cày ruộng (x.1 V 19, 19). Tiếng
Chúa gọi lay động lòng người.
Để đáp lại tiếng Chúa, con người phải có tự
do là lẽ đương nhiên. Tự do này do Đức Kitô mang lại cho chúng ta. Trong bài
đọc II, Thánh Phaolô nói : "Đức Kitô giải thoát chúng ta để chúng
ta thực sự tự do" (Gl 4, 31b). Chúng ta chỉ thực sự tự do khi chúng ta
hoàn toàn đáp lại tiếng Chúa.
Tương tự như bài Tin Mừng, có ba người được
gọi (x. Lc 9, 51-62). Nhưng lịch sử cuộc đời của mỗi người khác nhau. Vấn đề là
tiếng Chúa gọi và sự đáp trả của con người.
Câu hỏi được đặt ra cho người thứ nhất
khiến chúng ta suy nghĩ. Trước hết, anh không được Đức Giêsu gọi, anh đến xin
làm môn đệ Người (x. Lc 9, 57). Người thứ hai là một ngoại lệ. Chính Đức Giêsu
gọi anh. "Hãy theo Ta" ( Lc 9, 59). Người thứ ba xin theo Đức
Giêsu với điều kiện (x. Lc 9, 61).
Lịch sử nhân loại chúng ta đang sống, người
này liên đới với người kia. Thánh Phaolô khuyên chúng ta : "Ước
chi tự do của anh em không phải là cái cớ để làm thoải mãn tính ích kỷ của anh
em, trái lại, anh em hãy phục vụ mọi người trong tình yêu" (Gl 5,13).
Công Ðồng Vaticanô II quả quyết rằng "kẻ
được Thiên Chúa Cha kêu gọi… theo ý định của ân sủng Ngài" (Lumen
Gentium, số 40). Đúng thế, theo Chúa là ra khỏi ý định riêng tư, để đặt mình
trong bàn tay và ý định nhiệm mầu của Chúa. Đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa
là đặt mình trên đường theo Chúa.
Để khám phá ra mục đích đời ta, ta
phải qui chiếu về Lời Chúa. Qua miệng Phaolô, Chúa chỉ cho chúng ta
thấy: "Thiên Chúa là Đấng làm nên mọi sự theo quyết định và ý muốn
của Người, đã tiền định cho chúng tôi theo kế hoạch của Người, để chúng tôi là
những người đầu tiên đặt hy vọng vào Chúa Ki-tô, chúng tôi ngợi khen vinh quang
Người" (Eph 1, 11- 12). "Chúng ta là tác phẩm của
Thiên Chúa, chúng ta được dựng nên trong Chúa Kitô Giêsu, để sống mà thực hiện
công trình tốt đẹp Thiên Chúa đã chuẩn bị cho chúng ta" (Ep 2,10).
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ