CHÚA NHẬT 13 THƯỜNG NIÊN
Được Chúa kêu gọi để thi hành sứ mệnh
Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa (1 V
19:16b, 19-21; Gl 5:1, 13-18; Lc 9:51-62)
Được Chúa
kêu gọi là đề tài thường gặp trong Cựu Ước cũng như trong Tân Ước. Thiên Chúa kêu gọi người ta để lãnh đạo, làm
vua, làm tư tế hoặc ngôn sứ, để đánh đuổi quân thù. Cũng vậy, khi bắt tay vào sứ vụ rao giảng Tin
Mừng, Chúa Giê-su cũng kêu gọi mười hai người làm tông đồ và nhiều người khác làm
môn đệ. Phụng vụ Lời Chúa hôm nay thuật
lại một số trường hợp điển hình. Bài đọc
trích sách 1 Các Vua thuật lại biến cố ngôn sứ Ê-li-a xức dầu tấn phong ông
Ê-li-sa làm ngôn sứ thay cho mình. Bài
Tin Mừng thì kể lại mấy trường hợp Chúa Giê-su trả lời cho những kẻ đến xin làm
môn đệ Người và Chúa đưa ra những tiêu chuẩn thực tế để họ suy nghĩ và quyết định. Tuy nhiên, đặc biệt là thánh Phao-lô lại nhìn
việc Chúa kêu gọi chúng ta dưới khía cạnh mục vụ: Chính để chúng ta được tự do mà Đức Ki-tô đã
giải thoát chúng ta, do đó, chúng ta đã được kêu gọi để hưởng tự do.
1. “Ngươi sẽ xức dầu tấn phong Ê-li-sa con
Sa-phát, làm ngôn sứ thay cho ngươi”
(bài đọc 1: 1 Vua 19: 16b,
19-21).
Ông
Ê-li-a là vị ngôn sứ vĩ đại, một mình đương đầu với toàn thể dân tộc Ít-ra-en
là đám dân đã bất trung và chối bỏ Thiên Chúa.
Thấy mình có trách nhiệm bênh vực Thiên Chúa, ông hành động mà không cần
chờ đợi ai ra tay trước. Ông cũng là vị
ngôn sứ cô đơn, sống biệt lập và không màng danh vọng. Nhưng là “con người bị nung nấu bởi lòng nhiệt
thành đối với Đức Chúa, Thiên Chúa của ông”, ông đã anh dũng một mình chiến đấu
cho Thiên Chúa mà thôi. Sau khi ông hoàn
thành sứ vụ, Thiên Chúa “đem ông Ê-li-a lên trời trong cơn gió lốc” (2 V 2:1). Đây là cách Kinh Thánh nói về cái chết của
ông. Tương tự ông Mô-sê, người được Kinh
Thánh ghi lại là “không ai biết mộ ông ở đâu” (Đnl 34:6), Kinh Thánh cũng không
cho chúng ta biết số phận của ngôn sứ Ê-li-a sau khi ông qua đời. Tuy nhiên chúng ta biết rằng sau này ông sẽ cùng
với ông Mô-sê có mặt bên cạnh Chúa Giê-su khi Người hiển dung trên núi trước mặt
ba tông đồ (Mc 9:4).
Trước khi
ngôn sứ Ê-li-a được đem lên trời, ông được Thiên Chúa sai tới Đa-mát gặp ông
Ê-li-sa con ông Sa-phát để xức dầu tấn phong Ê-li-sa làm ngôn sứ thay cho
ông. Sự kiện này chúng ta được nghe
trong bài đọc 1 hôm nay. Vậy ông Ê-li-sa
được Chúa kêu gọi như thế nào? Khung cảnh
ông Ê-li-sa được kêu gọi không trịnh trọng hoặc đặc biệt như người ta tưởng,
trái lại Thiên Chúa đã kêu gọi ông ngay trong sinh hoạt bình thường hằng
ngày: Ê-li-sa đang cày ruộng với mười
hai cặp bò và ông “đi theo cặp thứ mười hai”.
Nói đến việc “kêu gọi”, chúng ta nghĩ ngay tới tiếng nói, thí dụ khi Thiên
Chúa kêu gọi ông Áp-ra-ham, thì Người phán:
“Hãy rời bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha ngươi, mà đi tới đất Ta sẽ chỉ cho
ngươi” (St 12:1). Hoặc khi Chúa Giê-su
kêu gọi các tông đồ, Người nói: “Anh hãy
theo tôi…” Nhưng ở trường hợp ông
Ê-li-sa, Thiên Chúa đã âm thầm sử dụng một hành vi của ngôn sứ Ê-li-a. Đi ngang qua và gặp ông Ê-li-sa đang cày ruộng,
ngôn sứ Ê-li-a “ném tấm áo choàng của mình lên người ông Ê-li-sa”. Lập tức ông Ê-li-sa “để bò lại, chạy theo ông
Ê-li-a và nói: ‘Xin cho con về hôn cha mẹ
để từ giã, rồi con sẽ đi theo ông’”. Mọi
sự xảy ra cứ như là định mệnh vậy! Chắc
chắn chúng ta sẽ thắc mắc: Có phải tiếng
Thiên Chúa kêu gọi quá mạnh mẽ đến nỗi con người không sao cưỡng lại được phải
không? Hay bởi vì ngôn sứ Ê-li-a quá nổi
tiếng nên Thiên Chúa dùng ảnh hưởng của ông để lôi cuốn Ê-li-sa? Có lẽ chúng ta có câu trả lời khi xem cách
các tông đồ đáp lời mời gọi của Chúa Giê-su “Hãy theo tôi”. Chúa Giê-su vừa bắt đầu thi hành sứ vụ, nhưng
danh tiếng Người đã vang dội khắp xứ Pa-lét-tin. Một số tông đồ đã chính mắt chứng kiến những
phép lạ Chúa làm và nghe Chúa giảng. Do
đó, khi được kêu gọi, các ông đã lập tức bỏ mọi sự mà theo Chúa. Tấm áo choàng của ngôn sứ Ê-li-a tượng trưng
cho tất cả những gì ông có: sự khôn
ngoan, lòng trung thành với Thiên Chúa, sự dũng cảm chiến đấu cho Thiên Chúa,
uy quyền Thiên Chúa ban cho ông để làm phép lạ… (2 Vua 2:14). Giờ đây, trước
khi được đưa lên trời trong cơn gió lốc, ngôn sứ Ê-li-a đã “ném áo choàng của
mình lên người ông Ê-li-sa” để trao lại cho ông tất cả những gì cần thiết cho
tác vụ làm “ngôn sứ của Đức Chúa”. Quả
thực là một hành vi đầy ý nghĩa chứa đựng lời mời gọi mạnh mẽ không thể cưỡng lại
được của Thiên Chúa. Với cách Thiên Chúa
kêu gọi thật độc đáo này, chúng ta có thể kết luận rằng: tuy Thiên Chúa kêu gọi chúng ta trong hoàn cảnh
sống bình thường, nhưng chắc chắn có một dấu hiệu đặc biệt chỉ chúng ta mới nhận
ra và chúng ta cứ để cho dấu hiệu ấy nhắc nhở mình suốt đời.
2. Lời kêu gọi làm môn đệ Chúa Giê-su đòi hỏi những
điều kiện thích đáng (bài Tin Mừng:
Lu-ca 9:51-62).
Giống với việc Thiên Chúa kêu gọi ông Ê-li-sa giữa cuộc
sống thường ngày, Chúa Giê-su cũng kêu gọi nhiều tông đồ đang khi các ông làm
công việc của nghề nghiệp mình: kẻ đang
đánh lưới cá, người đang ngồi tại bàn thu thuế… Bài Tin Mừng hôm nay không nhắc
đến những lần Chúa kêu gọi các tông đồ hoặc môn đệ, nhưng lại đưa ra một bối cảnh
trong đó có ba người đến xin đi theo Chúa để làm môn đệ Người. Bối cảnh ấy là “khi đã tới ngày Đức Giê-su được
rước lên trời” và Chúa Giê-su đang trên đường lên Giê-ru-sa-lem để đón nhận cuộc
Thương Khó và chịu chết chuộc tội nhân loại.
Thực là một sự trùng hợp giữa việc ngôn sứ Ê-li-a đã xức dầu tấn phong
ông Ê-li-sa làm ngôn sứ thay thế mình trước khi ông được đưa lên trời trong cơn
gió lốc và việc ba người đến xin làm môn đệ Chúa Giê-su khi gần tới ngày Chúa
“được rước lên trời”! Tuy nhiên bối cảnh
Chúa Giê-su lên Giê-ru-sa-lem để chịu chết rõ ràng cho thấy điều kiện muốn làm
môn đệ Chúa thì phải đồng hành với Chúa lên Giê-ru-sa-lem, nghĩa là phải cùng
chịu đau khổ với Chúa, cùng chết với Người trong con người tội lỗi của mình và
sống lại trong sự sống mới do Chúa đem lại.
Một thí dụ cụ thể cho thấy Chúa Giê-su muốn các tông đồ của Người phải
chết đi con người tội lỗi của họ để mặc lấy tinh thần mới của Chúa. Khi Chúa và các tông đồ muốn vào một làng tại
Sa-ma-ri thì dân làng không đón tiếp họ.
Thế là hai ông Gia-cô-bê và Gio-an nổi giận, đến xin Chúa cho phép họ
khiến lửa từ trời xuống thiêu hủy “chúng nó” vì chúng nó dám khinh thường Chúa! Chúa đã quay lại “mắng” cho các ông một trận! Phải nhân từ và yêu thương kẻ thù thay vì giữ
lòng thù hận với dân Sa-ma-ri!
Vậy ba
người đến xin đi theo Chúa là ai? Người
thứ nhất hứa với Chúa: “Thưa Thầy, Thầy
đi đâu, tôi cũng xin đi theo”. Chúa trả
lời rằng Người không có chỗ nào cả.
“Nhà” của Người là nhà Cha trên trời, còn “nơi” Người đang đi tới là Núi
Sọ tại Giê-ru-sa-lem. Vậy muốn làm môn đệ
Chúa thì phải tới Núi Sọ cùng với Người, phải chấp nhận hy sinh, dù là hy sinh
tính mạng. Người thứ hai được Chúa kêu gọi,
nhưng anh xin Chúa cho phép anh về chôn cất cha anh trước đã. Người bảo anh: “Cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ. Còn anh, hãy đi loan báo Triều Đại Thiên
Chúa”. Theo Chúa là phải có sự tự do,
dám đi ngược lại lối suy nghĩ của môi trường mình đang sống, thí dụ bổn phận
chôn cất người thân, một bổn phận thuộc về thế giới “kẻ chết”. Làm như thế là họ chấp nhận giá trị tuyệt đối
của Triều Đại Thiên Chúa, đánh đổi mọi sự vì Nước Thiên Chúa. Người thứ ba cũng nại ra lý do muốn từ biệt
gia đình trước khi đi theo Chúa. Chúa trả
lời: “Ai đã tra tay cầm cày mà còn ngoái
lại đằng sau, thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa”. Ngoái lại đàng sau hoặc vương vấn gia đình là
một trở ngại lớn khiến người ta không thể trọn vẹn dấn thân cho công cuộc Nước
Trời.
Trong cả
ba trường hợp này, chúng ta có thể nhận thấy Chúa Giê-su nhấn mạnh đến hai điểm
chính. Thứ nhất, muốn theo Chúa Giê-su
làm môn đệ Người thì phải hoàn toàn chấp nhận con người và sứ mệnh của Chúa,
nghĩa là theo lối sống của Người và chia sẻ sứ mệnh của Người. Thứ hai là phải nhìn nhận giá trị tuyệt đối của
Triều Đại Thiên Chúa khi họ được Thiên Chúa kêu gọi để gia nhập và giúp phát
huy Triều Đại ấy theo gương Chúa Giê-su.
Sống sứ điệp Lời
Chúa
3. Thiên Chúa kêu gọi chúng ta hãy sống trong tự
do của những người con cái Chúa (bài đọc
2: Ga-lát 5:1, 13-18).
Dĩ nhiên là mỗi người được Thiên Chúa kêu gọi để thi
hành một sứ mệnh đặc biệt, kẻ làm linh mục hay tu sĩ, người lập gia đình, kẻ dạy
học, người làm công việc lao động… Nhưng có một lời kêu gọi chung Thiên Chúa
kêu gọi mọi người không trừ ai, đó là lời kêu gọi nên thánh thiện như Cha trên
trời là Đấng hoàn thiện. Nói khác đi,
nên thánh là lời kêu gọi phổ quát. Hôm
nay trong đoạn thư Ga-lát, thánh Phao-lô diễn tả lời kêu gọi này là: “Anh em đã được gọi để hưởng tự do”. Đúng vậy, Thiên Chúa đã lấy cái chết của Con
Một Người để giải thoát chúng ta khỏi ách nô lệ tội lỗi và cho chúng ta sống sự
sống mới làm con cái tự do của Thiên Chúa.
Thánh Phao-lô còn gọi sự sống mới này là “sống theo Thần Khí”. Vậy thế nào là sống theo Thần Khí? Đó là sống mà “không còn thỏa mãn đam mê của
tính xác thịt nữa”. Tính xác thịt là thần
khí của ma quỷ và đối nghịch với Thần Khí của Đức Ki-tô. Vì thế, sống theo tính xác thịt là làm nô lệ
cho tính xác thịt của ma quỷ và tội lỗi.
Còn sống theo Thần Khí là để cho Chúa Thánh Thần hướng dẫn chúng ta suy
nghĩ, nói và làm theo tinh thần tự do của những người con Chúa, chứ không theo
tinh thần nô lệ của thế gian và ma quỷ.
Lm. Đa-minh Trần
đình Nhi