Chúa Nhật 13 Thường Niên – Ngày 26 tháng 6, 2022

Lm. Patrick Riviere

Các bài đọc: 1 Kgs 19:16b, 19–21 • Ps 16:1–2, 5, 7–8, 9–10, 11 • Gal 5:1, 13–18 • Lk 9:51–62 

Nguồn:  bible.usccb.org/bible/readings/062622.cfm

 

Cuối tuần tới, chúng ta sẽ mừng Lễ Quốc Khánh Hoa Kỳ. Vì vậy, có vẻ phù hợp khi bài đọc thứ hai trong Thánh lễ hôm nay cũng nói về tự do. Đặc biệt ở Hoa Kỳ, ít có chủ đề nào bị hiểu lầm nhiều hơn là chủ đề tự do và mối quan hệ của Giáo hội với tự do. Tự do thường được mô tả là quyền làm điều tôi muốn, làm lúc nào tôi muốn, làm thế nào theo ý tôi muốn. Khi tôi có thể làm bất cứ điều gì tôi muốn, tự tôi quyết định, không bị ai ảnh hưởng, tôi có tự do. Và khi tôi không thể làm điều tôi muốn, thì sự tự do của tôi bị ngăn cản.

Mặc dù có một phần sự thật về điều nói trên, nhưng tự do đích thực là điều khác xa. Thí dụ như việc lái xe hơi. Nếu bạn lái xe bên trái con đường, còn tôi lái xe bên phải con đường, mà nếu không bảng chỉ dẫn giao thông hoặc đèn giao thông, thì chúng ta có thực sự được tự do không? Đó không phải là tự do, mà là vô kỷ luật. Hoặc thí dụ chơi đàn dương cầm – dĩ nhiên là tôi có thể ngồi sau cây đàn dương cầmnhấn bất cứ phím nào tôi muốn. Nhưng một nhạc công đã được đào tạo chơi dương cầm ngồi sau cây đàn, người ấy sẽ không nhấn phím đàn nào mà không cân nhắc các nguyên tắc cơ bản về âm nhạc. Điều đó có làm cho tôi tự do hơn nhạc công kia không?

Thiên Chúa và Giáo hội thường được coi là kẻ thù của tự do, kẻ thù của hạnh phúc. Thiên Chúa và Giáo Hội nói cho chúng ta biết tất cả những điều chúng ta không được phép làm. Thiên Chúa là Đấng hạn chế vĩ đại. Hãy nhìn vào tất cả các lề luật, các quy tắc, các điều răn mà xem. Chúa và Giáo Hội chỉ muốn biến tất cả chúng ta thành những tên nô lệ khốn cùng phải không? Nhưng thực ra Thiên Chúa là Đấng hạnh phúc nhất giữa muôn loài. Và Người đã tạo ra chúng ta để chúng ta được hạnh phúc. Người không muốn chúng ta làm nô lệ, nhưng Người muốn chúng ta được tự do. Người muốn chúng ta được tự do thực sự, đừng theo đuổi một thứ tự do giả tạo thực chất chỉ là nô lệ trá hình. Thánh Phaolô đã đề cập nhiều đến sự tự do trong bài đọc thứ hai khi nói rằng Chúa Kitô đã giải thoát chúng ta chỉ để chúng ta được tự do. Nhưng ngài khuyên đừng sử dụng tự do để chiều theo xác thịt, hãy làm bất cứ điều gì trong đức mến. Ngài liên kết sự tự do với lề luật.

Khi nghe đến từ "luật", tự nhiên chúng ta khựng lại. Luật muốn chúng ta phải làm điều , làm thế nào, không được làm điều . Tự do và luật lệ dường như đối nghịch nhau. Tuy nhiên, vấn đề là hầu hết chúng ta không hiểu tường tận những gì luật thực sự đang cố gắng thể hiện. Tôi dám chắc rằng hầu hết chúng ta đã học Mười Điều Răn Chúa khi còn nhỏ, là những luật phải thuộc nằm lòng.  Những câu như “Chớ làm” có lẽ đã được khắc ghi vào ký ức chúng ta. Dù chúng ta không còn thuộc Mười Điều Răn ấy nữa, nhưng chắc chắn chúng ta vẫn nhớ cụm từ đó. Chúng ta không thích cụm từ đó. Vì tất cả những điều chúng ta biết chỉ là những điều – chớ làm . Đó là bức tranh chưa đầy đủ để diễn tả luật là gì, luật dẫn chúng ta đến đâu và quan trọng nhất, ai là Đấng ban lề luật cho chúng ta. Cũng giống như luật giao thông, hay các nguyên tắc âm nhạc hướng dẫn người chơi dương cầm, luật cố gắng dẫn chúng ta đến một nơi nào đó. Nhưng nếu tất cả những điều chúng ta nghe được lại chỉ là “đừng” (hay chớ) mà không bao giờ thấy tầm nhìn xa, thì rất có thể chúng ta hiểu sai mục đích của nó rồi.

Có một dòng quan trọng chúng ta thường quên, điều tôi nghĩ chẳng bao giờ người ta dạy khi tôi học Mười Điều Răn. Điều Răn thứ nhất trong sách Xuất Hành chương 20 thực sự không bắt đầu bằng từ đừng hoặc chớ, mà bắt đầu như thế này: Ta là Chúa, Thiên Chúa của ngươi, Ðấng đã cứu ngươi ra khỏi đất Ai Cập, khỏi kiếp nô lệ. Thiên Chúa ban lề luật này cho một dân tộc mà Ngài vừa giải cứu khỏi ách nô lệ hơn 400 năm. Một Thiên Chúa muốn chúng ta được hạnh phúc, muốn chúng ta được tự do, nên Người đứng ở phương diện khác của lề luật, không cố gắng hạn chế tự do của chúng ta, nhưng cố gắng cho chúng ta thấy con đường dẫn đến tự do đích thực.

Nếu tôi không tin điều đó, thì tôi sẽ luôn thắc mắc những gì người ta dạy tôi. Tại sao tôi không được làm điều đó? Tại sao tôi không thể nói lời tạm biệt với gia đình mình, như trong Bài đọc thứ nhất và bài Tin Mừng cho thấy? Tại sao tôi không được báo thù kẻ thù của mình? Nếu không, tôi sẽ chẳng bao giờ được hả dạ. Nhưng nếu tôi tin chắc rằng có một Thiên Chúa, Đấng thực sự muốn tôi được tự do đang dẫn dắt tôi bằng cách cho tôi thấy đâu là cuộc sống tự do và hạnh phúc đích thực, thì khi đó tôi sẽ làm bất cứ điều gì cần thiết để có được cuộc sống ấy. Bởi đó là điều tâm hồn tôi được dựng nên để cảm nghiệm. Tự do không chỉ là làm bất cứ điều gì mình muốn. Nhưng Tự do còn là sống đúng như tôi được tạo dựng để sống. Hạnh phúc không phải là một thú vui chóng qua, mà là sự bình an vững bền chỉ có được trong sự kết hiệp yêu thương với Chúa Giêsu. Như Thánh Phaolô nói, chính Thánh Thần ngự trong tâm hồn chúng ta đang dẫn dắt chúng ta đến sự tự do đích thực. Khi mừng Lễ Quốc Khánh tại đất nước Hoa Kỳ này vào cuối tuần tới, chúng ta hãy sống cho sự tự do Chúa đã dựng nên chúng ta để sống.

 

Chuyển ngữ :JB. Đào Ngọc Điệp 

Nguồn: https://www.hprweb.com/

 


Suy Niệm Lời Chúa Năm C