CHÚA NHẬT 14 THƯỜNG NIÊN

Môn đệ Chúa Giê-su và sứ mệnh đem bình an cho mọi người

 

Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa  (Is 66:10-14c;  Gl 6:14-18;  Lc 10:1-12, 17-20)

        Tiếp tục đề tài làm môn đệ Chúa, Phụng vụ Lời Chúa hôm nay trình bày cái nhìn về một khía cạnh đặc biệt của sứ vụ rao giảng Tin Mừng:  Môn đệ Chúa phải đem “bình an” đến cho mọi người.  Môn đệ cần phải chia sẻ với cái nhìn của Đấng sai họ đi thi hành sứ mệnh.  Sứ mệnh ở đây là những gì Chúa Cha mong muốn được thực hiện khi sai Con Một đến trần gian và là những gì Chúa Giê-su muốn các môn đệ Người tiếp tục khi sai họ ra đi rao giảng Tin Mừng.  Vậy Chúa Cha muốn điều gì?  Bài trích sách ngôn sứ I-sai-a đã ghi lại lời Thiên Chúa Cha phán:  “Này Ta tuôn đổ xuống Thành Đô ơn thái bình tựa dòng sông Cả”.  Chúa Giê-su cũng có cùng một quan điểm với Thiên Chúa Cha khi sai các môn đệ ra đi để đem bình an đến cho mọi người mọi nhà.  Ngay đến thánh Phao-lô, một “tông đồ sinh non” của Chúa Giê-su Phục Sinh cũng đi theo cùng một ý hướng của Chúa Cha và Chúa Giê-su khi ngài cầu chúc cho các tín hữu giáo đoàn Ga-lát:  “Chúc Ít-ra-en của Thiên Chúa được hưởng bình an và lòng thương xót của Người”.

 

        1.  “Này Ta tuôn đổ xuống Thành Đô ơn thái bình tựa dòng sông Cả”  (bài đọc 1:  I-sai-a 66:10-14c).

Sau khi tổ tông loài người sa ngã do quỷ kế của con rắn trong vườn địa đàng, bình an của nhân loại và mối tương quan của họ với Thiên Chúa bị cắt đứt, nhưng Thiên Chúa không bỏ cuộc.  Người hứa sẽ tái lập bình an đó và kết lại mối dây liên hệ với nhân loại khi Người lên án con rắn Xa-tan:  “Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy;  dòng giống nó sẽ đánh vào đầu mi và mi sẽ cắn vào gót nó” (St 3:15).  Hình ảnh miêu duệ bà E-và đánh vào đầu con rắn, còn con rắn cắn vào gót miêu duệ bà E-và nói lên một cuộc chiến cần nhiều thời gian của dân Thiên Chúa để chiến thắng sự ác.  Niềm hy vọng sẽ chiến thắng sự ác một lần cho dứt khoát chính là niềm hy vọng của nhân loại mong chờ Đấng Cứu Độ đến để đánh bại tội lỗi và sự chết.  Đây cũng là niềm hy vọng được diễn tả suốt lịch sử Sách Thánh.

        Bài đọc 1 trích sách ngôn sứ I-sai-a kể lại cho chúng ta nghe những lời Thiên Chúa nói về kế hoạch thực hiện niềm hy vọng chiến thắng tử thần và tội lỗi, để đem lại “ơn thái bình tựa dòng sông Cả” cho toàn thể “Thành Đô”.  Thành Đô hay Giê-ru-sa-lem là hình ảnh ám chỉ nhân loại.  Giống như Giê-ru-sa-lem đã bị quân thù tàn phá và bắt con cái Giê-ru-sa-lem đi lưu đày, nhân loại đã thảm bại trước cám dỗ của con rắn Xa-tan.  Thế giới loài người không còn là “vườn địa đàng” nữa, nhưng là nơi đàn bà thì phải “cực nhọc thật nhiều khi thai nghén, lúc sinh con”, đàn ông “sẽ phải đổ mồ hôi trán mới có bánh ăn” cho đến chết.  Tội lỗi đã đi vào thế giới và gây ra không biết bao nhiêu khổ đau, nhất là cướp đi sự bình an của loài người với Thiên Chúa và với nhau.  Tuy nhiên giờ đây qua miệng ngôn sứ I-sai-a, Thiên Chúa lập lại “Tin Mừng nguyên thủy” (St 3:15) dưới những lời khích lệ niềm hy vọng:  Này Ta tuôn đổ xuống Thành Đô ơn thái bình tựa dòng sông Cả.  Đối với dân Ít-ra-en, dòng sông Cả tạo thành vùng Lưỡng Hà địa (Mesopotamia) làm cho vùng đất ấy trở nên trù phú, tượng trưng cho sự tràn đầy, phong nhiêu.  Nói khác đi, khi Thiên Chúa hứa ban ơn bình an cho nhân loại, Người sẽ ban bình an ấy thật quảng đại, hết lòng hết dạ.  Đoạn sách I-sai-a chỉ cho chúng ta thấy một thế giới mới, một nhân loại mới sẽ được cứu chuộc và đem về sống trong sự bình an với Thiên Chúa.  Đây cũng là giấc mơ của Thiên Chúa, là lời Người hứa với tổ tông loài người và lời hứa này sẽ được thực hiên khi Con Một Người là Chúa Giê-su được sai xuống trần gian.

 

        2.  Chúa Giê-su thực hiện kế hoạch của Thiên Chúa là đem bình an cho nhân loại và các môn đệ Người phải tiếp tục sứ mệnh ấy khi họ được Người sai đi  (bài Tin Mừng:  Lu-ca 10:1-12, 17-20).

        Bài Tin Mừng kể lại việc Chúa Giê-su sai nhóm Bảy Mươi Hai môn đệ ra đi, đến các thành và các nơi Chúa sẽ tới.  Việc sai đi này xảy ra sau khi Người sai Nhóm Mười Hai ra đi rao giảng Tin Mừng.  Dù là tông đồ hay môn đệ, ai ai cũng được Người sai đi để tiếp tục sứ mệnh của Người tùy theo khả năng riêng của mình.  Họ đang được Người đào tạo dưới mái trường truyền giáo của Người.  Chúng ta không có bài bản tài liệu của việc đào tạo ấy, nhưng chỉ có những lời chỉ dạy từ chính miệng Chúa nói với họ.  Tuy nhiên quan trọng nhất là họ phải biết quan sát, nhìn vào gương mẫu và kinh nghiệm truyền giáo của chính Người, vì đó là những bài học sống động và vô cùng dễ hiểu.  Từng lời nói, từng cử chỉ và từng cách giao tiếp của Chúa với đủ hạng người, đặc biệt với những người bị khinh miệt và xã hội loại bỏ, đều là kim chỉ nam cho các môn đệ học nằm lòng để chính họ sẽ đem ra thực hành khi tiếp xúc với mọi người đón nghe Tin Mừng.

        Vậy Tin Mừng họ sẽ rao giảng là gì?  Tin Mừng được kết đọng trong một sứ điệp giản dị:  “Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần các ông”.  Đây không phải là một triều đại vua chúa trần gian, nhưng là một thực tại thiêng liêng Thiên Chúa muốn thực hiện để đem toàn thể nhân loại trở về một cuộc Tạo Dựng Mới.  Đã là mới thì nhân loại cũng là mới, nghĩa là mọi người phải được “tái sinh” trong cái chết cứu độ của Đức Ki-tô để trở thành một thọ tạo mới.  Chúng ta được nghe thánh Phao-lô nhấn mạnh đến điểm này:  “Quả thật, cắt bì hay không cắt bì chẳng là gì cả, điều quan trọng là trở nên một thọ tạo mới”.  Đức Ki-tô khởi sự cuộc Tạo Dựng Mới bằng cách chiến thắng tội lỗi và sự chết để giao hòa nhân loại với Thiên Chúa.  Khi thực hiện công việc cứu chuộc này, Chúa Giê-su đã đem lại “bình an của Thầy” cho nhân loại, chứ không phải thứ bình an của thế gian.  “Bình an của Thầy” là thứ bình an của tất cả những ai được làm con Thiên Chúa, đứng trước mặt Thiên Chúa với danh nghĩa là con để thưa với Thiên Chúa:  “Áp-ba, Cha ơi!”  Sứ điệp về Triều Đại Thiên Chúa hoặc về “bình an của Thầy” là cốt lõi của vệc rao giảng.  Nó quan trọng đến nỗi ngay cả khi “vào thành nào mà người ta không tiếp đón, thì anh em ra các quảng trường mà nói:  ‘Ngay cả bụi trong thành các ông dính chân chúng tôi, chúng tôi cũng xin giũ trả lại các ông.  Tuy nhiên các ông phải biết điều này:  Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần’”.  Đúng vậy, Thiên Chúa muốn rằng nhân loại “phải biết” là Triều Đại Thiên Chúa ở ngay bên họ, “phải biết” là Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi sai Con Một đến thế gian để người ta tin và được cứu độ, “phải biết” là Thiên Chúa đã bắt đầu thực hiện kế hoạch tái lập bình an hoặc hòa giải giữa nhân loại và Thiên Chúa.  Tại sao môn đệ Chúa Giê-su lại phải “ngoan cố” lập đi lập lại sứ điệp về Triều Đại Thiên Chúa cho người ta nghe như vậy?  Tuy chúng ta được Thiên Chúa ban cho sự tự do để đáp lại tiếng gọi của Người, nhưng Người vẫn luôn hy vọng chúng ta sẽ đáp lời, sẽ sám hối.  Khi Chúa Giê-su khởi đầu sứ vụ, sứ điệp của Người cũng rất giản dị:  “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng!”  Do đó, sám hối là bước đầu quan trọng để người ta tiếp nhận Triều Đại Thiên Chúa.

 

Sống sứ điệp Lời Chúa

        3.  “Điều quan trọng là trở nên một thọ tạo mới”  (bài đọc 2:  Ga-lat 6:14-18).

        Thánh Phao-lô là người có rất nhiều kinh nghiệm khi thi hành sứ vụ rao giảng Triều Đại Thiên Chúa cho những anh chị em dân ngoại.  Làm sao phá bỏ được những định kiến ngăn cách người dân ngoại với người Do-thái đây?  Những định kiến này lại thường phát xuất từ chính những người Do-thái muốn khư khư giữ lấy căn tính “dân Chúa” của họ.  Thánh Phao-lô đã cực lực phấn đấu với khó khăn này, bất chấp những đối xử tàn tệ mà người Do-thái đồng hương đã đem đến cho ngài.  Người Do-thái vẫn muốn anh em dân ngoại phải tuân thủ những luật lệ của đạo Do-thái, mặc dù Công Đồng Giê-ru-sa-lem đã gạt bỏ việc áp dụng luật cắt bì cho những anh em gốc dân ngoại.  Tại đây trong đoạn thư gửi tín hữu Ga-lát, thánh Phao-lô đã khẳng định rằng:  “Quả thật, cắt bì hay không cắt bì chẳng là gì cả, điều quan trọng là trở nên một thọ tạo mới”.  Đây cũng chính là bài học sứ điệp Lời Chúa khích lệ chúng ta hãy thực hành.  Trở nên một thọ tạo mới nghĩa là gì?  Là chúng ta đã được trở thành thọ tạo mới nhờ sự chết và sống lại của Đức Ki-tô thì chúng ta hãy tiếp tục sống như một thọ tạo mới, như người con được sống trong tinh thần tự do của Chúa Thánh Thần.  Chúng ta hãy để cho thần khí của Chúa Thánh Thần hướng dẫn chúng ta trong đời sống, thay đổi chúng ta trong mối tương quan với Thiên Chúa và với người khác, để phát huy sự bình an mà Đức Ki-tô đã đem đến cho mọi người.

Lm. Đa-minh Trần đình Nhi

                 


Suy Niệm Lời Chúa Năm C