CHÚA NHẬT 15 THƯỜNG NIÊN
Chúa Giê-su là bộ Luật sống bằng xương bằng thịt
Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa (Đnl 30:10-14; Cl 1:15-20;
Lc 10:25-37)
Sau khi
trình bày việc Chúa Giê-su huấn luyện môn đệ và sai họ đi rao giảng Tin Mừng,
Phụng vụ Lời Chúa đột nhiên chuyển sang một đề tài độc đáo. Đó là giới thiệu về Chúa Giê-su như một bộ Luật
sống của Thiên Chúa. Trong thời Tân Ước,
Lề Luật của Thiên Chúa không chỉ được ghi trên những phiến đá Người ban cho ông
Mô-sê, nhưng khắc ngay trong thân xác và linh hồn chúng ta để chúng ta đem ra
thực hành, như ông Mô-sê đã nhắn nhủ dân Ít-ra-en (bài đọc 1). Tuy nhiên thánh Phao-lô lại có một suy tư vô
cùng sâu sắc về Lề Luật được thể hiện nơi con người Đức Giê-su Ki-tô, Lời của
Thiên Chúa. Trong Cựu Ước, Thiên Chúa tạo
dựng con người, đặt lề luật vào trong bản tính con người, tức là luật tự nhiên,
rồi sau đó ban Mười Điều Răn cho chúng ta qua ông Mô-sê. Nhưng ở thời Tân Ước, trong Chúa Giê-su và nhờ
Chúa Giê-su, chính Thiên Chúa đến trần gian làm người ngự giữa chúng ta. Qua Chúa Giê-su là Mô-sê Mới, Thiên Chúa ban
cho chúng ta bộ luật bằng xương bằng thịt.
Bộ Luật Mới này được “viết” bằng những lời giảng và những việc làm của
Chúa Giê-su, tức là cuộc sống của Người (bài đọc 2). Bài Tin Mừng với câu chuyện người Sa-ma-ri
nhân hậu đã chứng minh cho chúng ta thấy Chúa Giê-su chính là bộ luật sống để theo
đó chúng ta “đi và cũng hãy làm như vậy”.
1. Lời Chúa ở rất gần anh em, để anh em đem ra
thực hành (bài đọc 1: Đệ nhị luật 30:10-14).
Đoạn Kinh
Thánh Cựu Ước hôm nay trích diễn từ của ông Mô-sê nói với dân Ít-ra-en trước
khi ông qua đời và trước khi dân tiến vào Đất Hứa bên kia sông Gio-đan. Đây cũng là ưu tư to lớn nhất của ông vì ông
sợ rằng dân Chúa sau khi được hoàn toàn cứu thoát sẽ chóng bội nghĩa vong ân, bỏ
Thiên Chúa mà quay đầu thờ các thần ngoại.
Đồng thời đây là thách đố cuối cùng ông đưa ra cho họ chọn lựa. Thiên Chúa không ép buộc ai phải thờ phượng
Người, nhưng Người vẫn ban cho họ được tự do chọn lựa: hoặc trung thành thờ phượng Người, hoặc đi
theo các ngẫu thần và lối sống của dân ngoại.
Để giúp họ chọn lựa đúng, ông Mô-sê không quên quả quyết với họ rằng mệnh
lệnh ông truyền cho họ hôm nay là hãy “nghe tiếng Đức Chúa mà giữ những mệnh lệnh
và thánh chỉ của Người”, tức là Lề Luật, một mệnh lệnh không “vượt quá sức hay
ngoài tầm tay” của họ. Trái lại, mệnh lệnh
đó, tức là “Lời” của Thiên Chúa “ở rất gần anh em, ngay trong miệng, trong lòng
anh em, để anh em đem ra thực hành”.
Có phải
ông Mô-sê muốn ám chỉ mệnh lệnh này hoặc “Lời” này chính là Ngôi Lời của Thiên
Chúa, Đấng xuống thế làm người, cư ngụ giữa nhân loại như một bộ luật sống để
“kiện toàn” Lề Luật ông Mô-sê không?
Chúng ta thấy không có gì là sai khi nghĩ như vậy. Thư gửi tín hữu Do-thái cho chúng ta câu trả
lời rõ ràng và chính xác khi khẳng định rằng:
“Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách,
Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử”.
Lời của Thiên Chúa trước sau lúc nào
cũng như vậy, chỉ có cách Người phán Lời ấy thì khác biệt nhau. Người đã phán để tạo dựng vũ trụ và loài người; Người đã phán trực tiếp để kêu gọi một người
và trao sứ mệnh; Người đã phán qua những
kẻ nói thay là các ngôn sứ để loan tin vui, để răn dạy dân Người và để kêu gọi
người ta sám hối. Chính vì vậy mà hôm
nay trong diễn từ, ông Mô-sê mới nói cho dân Ít-ra-en biết rằng Lời Chúa ở rất
gần anh em, để anh em đem ra thực hành.
Vậy đây phải chăng là lời trăng trối của ông Mô-sê nói với dân Ít-ra-en
cách riêng và với toàn thể nhân loại cách chung rằng: trong tương lai gần, Thiên Chúa sẽ gửi đến thế
gian này một Đấng ban Lề Luật Mới để thay thế chính ông? Đó là Chúa Giê-su Ki-tô, Mô-sê Mới và Đấng
ban Luật Tin Mừng cho một nhân loại mới.
2. “Thánh Tử là hình ảnh Thiên Chúa vô hình” (bài đọc 2:
Cô-lô-xê 1:15-20).
Trong khi
thư gửi tín hữu Do-thái diễn tà Thánh Tử Giê-su là Tiếng Nói của Thiên Chúa,
thì thư thánh Phao-lô gửi tín hữu Cô-lô-xê gọi Thánh Tử Giê-su là hình ảnh
Thiên Chúa vô hình. Tất cả con người
cũng như trong tư tưởng, lời nói và hành động của mình, Chúa Giê-su thực sự là
hình ảnh hoàn hảo của Chúa Cha. Lòng
thương xót Chúa Giê-su tỏ ra đối với kẻ bệnh tật, tội lỗi và đau khổ là lòng
thương xót của chính Thiên Chúa. Cũng thế,
mọi lời giảng, lời kêu gọi sám hối, lời an ủi, thậm chí cả những lời trách mắng
của Chúa Giê-su cũng là những lời của chính Thiên Chúa nói với chúng ta. Các hành động của Chúa Giê-su cho chúng ta thấy
cách suy nghĩ và hành động của Thiên Chúa.
Lối sống của Chúa Giê-su chính là lối sống gương mẫu mà Thiên Chúa Cha
muốn tất cả chúng ta phải bắt chước. Đúng vậy, Chúa Giê-su, Thiên Chúa làm người và
Lời Thiên Chúa nói với chúng ta bằng ngôn ngữ nhân loại, đã được sai đến làm một
khuôn mẫu cho toàn thể nhân loại, để mọi người được tái tạo thành “thụ tạo mới”. Do đó, Chúa Giê-su cũng là bộ luật sống giúp
con người biến đổi trong tiến trình trở nên con cái Thiên Chúa cho đến ngày họ
đạt tới “mức độ viên mãn” của Đức Kitô.
Khi gọi
Chúa Giê-su là “Trưởng Tử sinh ra trước mọi loài thụ tạo”, Kinh Thánh muốn
chúng ta hiểu rằng Chúa Giê-su không chỉ đứng đầu một loạt những thụ tạo, nhưng
Người còn chiếm một vị trí ngoại hạng. Tại
sao vậy? Bởi vì theo bản tính nhân loại,
Chúa Giê-su là một người Do-thái miền Ga-li-lê, thuộc dòng tộc vua Đa-vít; nhưng bản vị của Người phát sinh từ Thiên
Chúa và kết hiệp với bản vị nhân loại nhờ Ngôi Lời (Ngôi hiệp), cho nên Người
xuất hiện ở giữa chúng ta như là gương mẫu (blueprint) và trưởng tử, không phải
trưởng tử loài người, nhưng là trưởng tử mọi loài thụ tạo.
Tuy
nhiên, ngoài danh hiệu trưởng tử mọi loài thụ tạo, thánh Phao-lô còn đặc biệt
nói đến một danh hiệu
khác của Chúa Ki-tô: “Trưởng Tử trong số
những người từ cõi chết sống lại”. Với
danh hiệu này, thánh Phao-lô nhắc nhở chúng ta về công cuộc cứu độ Chúa Ki-tô
đã thực hiện để thiết lập một nhân loại mới.
Chúa Ki-tô không chỉ đến để chúng ta được ơn tha tội, mà còn để thực hiện
một cuộc “Vượt Qua”, vượt qua sự chết để sống lại vinh hiển và trở về với Chúa
Cha. Chúng ta được mời gọi tham dự vào
cuộc Vượt Qua của Chúa Ki-tô, để chết đi cho tội lỗi và sống lại trong sự sống
mới của Người để làm “thụ tạo mới”. Dù
sao đây mới chỉ là khởi đầu cho một hành trình được trở nên đồng hình đồng dạng
với Chúa Ki-tô. Hành trình này đòi hỏi
chúng ta phải sống theo lối sống của Chúa Ki-tô, nhờ đó chúng ta sẽ suy nghĩ,
nói năng và hành động giống như Chúa Ki-tô.
Đây chính là việc sống Luật Tin Mừng dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần
và tài lãnh đạo của Mô-sê Mới là Chúa Giê-su vậy.
Sống sứ điệp Lời
Chúa
3. “Đức Giê-su bảo ông ta: ‘Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy’” (bài Tin Mừng: Lu-ca 10:25-37).
Chúng ta rất quen thuộc với bài Tin Mừng hôm nay. Nhưng đọc kỹ lại, chúng ta sẽ thấy một điều
thích thú: Chúa Giê-su giúp người thông
luật này hiểu Lề Luật sâu xa hơn! Ông
này muốn chứng tỏ “sự thông luật”, nên mới hỏi thêm Chúa Giê-su rằng: “Nhưng ai là người thân cận của tôi?” Chúa Giê-su lập tức nắm lấy cơ hội này để “mở
mang trí tuệ” cho ông. Có lẽ ông hiểu rõ
việc yêu mến Thiên Chúa là gì, nhưng ông chưa thấu đạt được thế nào là yêu tha
nhân. Thì đây, Chúa Giê-su dùng một câu
chuyện dụ ngôn để dạy ông hiểu ai là người thân cận của ông! Những nhân vật như thầy tư tế, thầy Lê-vi đều
không phải là “người thân cận” của người bị cướp đánh đập; vì mặc dù cả hai cũng đều “từ Giê-ru-sa-lem xuống
Giê-ri-khô” giống như nạn nhân, nhưng họ không cứu giúp người này. Trái lại, người Sa-ma-ri là người bị coi như
kẻ thù của người Do-thái thì dừng lại, cứu giúp nạn nhân đến nơi đến chốn. Kể chuyện xong, Đấng ban Lề Luật Mới hỏi nhà
thông luật: Trong ba người đó, ai đã tỏ
ra là người thân cận của người đã bị rơi vào tay bọn cướp? Ông ta trả lời và Chúa chấp nhận câu trả lời
đúng của ông: đó là người Sa-ma-ri nhân
hậu. Thế là Chúa Giê-su, Mô-sê Mới, bảo
ông ta: “Ông hãy đi, và cũng hãy làm như
vậy”.
Mỗi khi
suy nghĩ, nói năng hay hành động, chúng ta hãy nhìn vào gương mẫu là
Chúa Giê-su và lắng nghe tiếng Chúa mời gọi:
Con hãy đi, và cũng hãy làm như Thầy.
Lm. Đa-minh Trần
đình Nhi