CHÚA NHẬT 16 THƯỜNG NIÊN

Phục vụ với tất cả tấm lòng

 

Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa  (St 18:1-10a;  Cl 1:24-28;  Lc 10:38-42)

        Lời Chúa hôm nay trình bày việc phục vụ qua hai câu chuyện và một suy tư:  câu chuyện thứ nhất, ông Áp-ra-ham đón tiếp Thiên Chúa đến thăm gia đình ông qua ba người khách lữ hành ghé lại nhà ông;  câu chuyện thứ hai, cô Mác-ta và cô Ma-ri-a đón tiếp Chúa Giê-su tại nhà, cô Mác-ta bận rộn chuẩn bị bữa ăn đãi Người và cô Ma-ri-a thì ngồi bên chân Chúa để nghe Người giảng dạy;  qua suy tư, thánh Phao-lô ý thức bổn phận của ngài là phục vụ Hội Thánh theo kế hoạch Thiên Chúa đã ủy thác cho ngài.  Phục vụ Thiên Chúa trong bất cứ công việc nào cũng là tốt, nhưng động lực thúc đẩy chúng ta làm công việc phục vụ còn quan trọng hơn, đó là trong khi phục vụ chúng ta phải có tấm lòng.  Nói khác đi, việc phục vụ Thiên Chúa hay Giáo Hội của Người phải phát xuất từ lòng yêu mến đích thực và được tiến hành trong tinh thần kính trọng và vì lợi ích.  Vậy chúng ta hãy chiêm ngưỡng những mẫu gương phục vụ được Phụng vụ Lời Chúa giới thiệu hôm nay.

 

        1.  Ông Áp-ra-ham phục vụ Thiên Chúa khi Người hiện ra với ông tại cụm sồi Mam-rê  (bài đọc 1:  Sáng Thế 18:1-10a).

        Khi gọi ông Áp-ram rời quê cha đất tổ để đi tới một nơi xa lạ, Thiên Chúa đã hứa sẽ ban cho ông một dòng dõi đông hơn sao trời cát biển.  Để bảo đảm cho lời hứa, Thiên Chúa lập giao ước với ông Áp-ram khi ông được chín mươi chín tuổi.  Dấu hiệu của giao ước là mọi đàn ông con trai sẽ phải chịu cắt bì nơi bao quy đầu (St 17:11).  Tiếp đến, Thiên Chúa đổi tên ông Áp-ram thành Áp-ra-ham, nghĩa là “cha của đông đảo dân tộc” và đổi tên bà Xa-rai, vợ ông, thành Xa-ra.  Khi đổi tên hai ông bà, Thiên Chúa cho phép họ bắt đầu một cuộc sống mới và trở thành điều mà cái tên mới đó nói lên.  Tuy ông Áp-ra-ham không được nhìn thấy dòng dõi đông đúc, nhưng Thiên Chúa dành cho bạn hữu Người là Áp-ra-ham một bằng chứng cho thấy điều Người sẽ thực hiện:  I-xa-ác sinh ra trong hoàn cảnh lạ lùng, mặc dủ hai ông bà đã quá lớn tuổi rồi.

        Để mở đầu cho việc thực hiện lời hứa, Thiên Chúa đã hiện ra với ông Áp-ra-ham tại cụm sồi Mam-rê và được ông đón tiếp thật chu đáo.  Dưới hình dáng một lữ khách, Thiên Chúa đến xin trú ngụ tại nhà bạn hữu Người là ông Áp-ra-ham trước khi Người ban cho ông ân huệ vô cùng lớn lao.  Câu chuyện cho thấy Thiên Chúa không đến một mình, nhưng có hai thiên sứ cùng đi với Người.  Khi ấy, ông Áp-ra-ham đang ngồi ở cửa lều vào lúc nóng nực nhất trong ngày.  Ngước mắt lên và thấy có ba người đứng gần ông, ông “chạy ra đón khách, sụp xuống đất lạy” và mời ba vị khách ở lại nghỉ ngơi một chút trước khi tiếp tục lên đường.  Ông ân cần lấy nước cho khách rửa chân và đi lấy bánh cho họ ăn chắc dạ.  Trong khi khách “nằm nghỉ dưới gốc cây”, ông vội bảo bà Xa-ra lấy bột làm bánh, còn ông thì bắt một con bê mềm và ngon, giao cho đầy tớ làm thịt để đãi khách. Đang lúc khách dùng bữa, “ông đứng hầu dưới gốc cây”.  Sau bữa ăn đầy ắp tình hiếu khách, khách hỏi ông Áp-ra-ham:  “Bà Xa-ra, vợ ông đâu?”  Bà đứng đằng sau cửa lều và nghe khách nói:  “Sang năm, tôi sẽ trở lại thăm ông, và khi đó, bà Xa-ra vợ ông sẽ có một con trai”.  Bà cười khi nghe như vậy, vì bà biết đó là chuyện không thể xảy ra cho một bà lão ở tuổi chín mươi!  Chi tiết này mục đích để giải thích ý nghĩa cái tên của con bà là I-xa-ác;  trong tiếng Híp-ri, I-xa-ác có nghĩa là nó đã cười.

        Câu chuyện thật lý thú, nhưng chúng ta đừng bỏ qua những chi tiết nói lên cung cách ông Áp-ra-ham đã phục vụ các lữ khách như thế nào.  Ông thật lòng mời khách dừng lại nghỉ chân, ăn uống và nghỉ ngơi trước khi họ tiếp tục lên đường.  Ông đem tất cả sự hào phóng để tiếp đãi khách.  Có lẽ cảm động nhất là cảnh ông đứng hầu dưới gốc cây trong khi khách dùng bữa!  Quả thực ông đã phục vụ đúng tư cách là một kẻ tôi tớ phục vụ Đức Chúa của ông.  Không biết ông Áp-ra-ham có nhận ra vị khách này là chính Thiên Chúa không, vì thực ra cho đến giây phút này ông Áp-ra-ham vẫn chưa hoàn toàn biết rõ chân tính của Thiên Chúa.  Tuy nhiên mối tương quan giữa Thiên Chúa và ông không khác gì tình bạn hữu.  Do đó, cung cách tiếp đón của ông là dành cho một người bạn hữu và chắc chắn còn hơn cả đối với một người bạn bình thường nữa.  Đáp lại nghĩa cử của ông Áp-ra-ham, Thiên Chúa đã ban cho ông một ân huệ ngoài sức tưởng tượng:  ông có được người con trai ở tuổi quá già và cậu I-xa-ác sẽ tiếp nối dòng dõi của ông, khởi đầu cho một dòng dõi đông hơn sao trời và nhiều hơn cát biển.

 

        2.  Hai chị em cô Mác-ta và Ma-ri-a tiếp đãi Chúa Giê-su tại nhà họ  (bài Tin Mừng:  Lu-ca 10:38-42).

        Gia đình cô Mác-ta là những người bạn thân của Chúa Giê-su, giống như ông Áp-ra-ham cũng là “bạn hữu” của Thiên Chúa.  Hai người em của cô Mác-ta được nhắc đến, đó là cô Ma-ri-a và anh La-da-rô, người được Chúa cho sống lại từ kẻ chết.  Mỗi khi cùng các môn đệ lên Giê-ru-sa-lem, Chúa Giê-su thường ghé lại nhà họ như chỗ dừng chân.  Cả nhà mừng rỡ đón tiếp Chúa.  Bài Tin Mừng hôm nay kể lại việc đón tiếp Chúa:  cô Mác-ta lo lắng chuẩn bị bữa ăn thết đãi Chúa, còn cô Ma-ri-a lại ngồi bên chân Chúa để lắng nghe Người giảng dạy.  Chắc chắn Chúa Giê-su đều thấy rõ cảm tình của họ dành cho Người và biết ơn các cô về mối cảm tình ấy.  Những lời Chúa nói với cô Mác-ta không có gì là trách móc cả, trái lại giọng điệu của Người chứa đầy lòng yêu thương.  Đây chỉ là những lời nhắn nhủ tự đáy lòng để cho cô biết Chúa thực sự muốn việc gì là tốt nhất các cô có thể làm để tiếp đón Người.  Nấu ăn là việc tốt.  Chúng ta cứ tưởng tượng Chúa và các môn đệ mệt mỏi sau một chuyến đi bộ từ Ga-li-lê lên Giê-ru-sa-lem, ăn uống thất thường.  Giờ đây có được một bữa ăn đàng hoàng thì vui biết mấy.  Cho nên cô Mác-ta thấy việc chuẩn bị bữa ăn chính là cách thực tế nhất cho việc đón tiếp Chúa.  Trái lại, cô Ma-ri-a lại nhìn việc đón tiếp Chúa dưới khía cạnh một người môn đệ.  Ngồi bên chân Thầy và lắng nghe chính là thái độ muôn đời của người môn đệ.  Cô chỉ muốn làm môn đệ Chúa, cùng các môn đệ khác ngồi nghe Chúa dạy dỗ.  Đâu phải lúc nào cũng được nghe Chúa dạy giáo lý!  Đây là cơ hội hiếm có, nên cô hy sinh mọi chuyện khác để chọn ngồi bên chân Chúa và lắng nghe Người.  Đó cũng là điều Chúa Giê-su mong đợi nơi các môn đệ Người và Người không ngại khen cô Ma-ri-a đã chọn phần “tốt nhất”. Cô Mác-ta đã chọn phần tốt của một người phục vụ, còn cô Ma-ri-a đã chọn phần tốt nhất của một người môn đệ!

        Tuy nhiên, cũng giống như ông Áp-ra-ham, hai cô Mác-ta và Ma-ri-a đều đón tiếp Chúa như một người bạn và như một bậc Thầy.  Họ đón tiếp Chúa một cách chân thành, đầy lòng yêu mến và kính trọng Người như là Thầy của họ.  Cô Mác-ta mở miệng ra là một điều Thầy, hai điều thưa Thầy.  Chúa đáp lại bằng tình bạn hữu thân thiết khi Người gọi tên cô:  Mác-ta!  Mác-ta ơi!  Trái lại, cô Ma-ri-a tỏ ra mình là một “học trò” ngoan của Thầy, lắng nghe những lời đem lại sự sống.  Cô tận dụng những giờ phút ngắn ngủi và quý báu để lắng nghe Chúa.  Tóm lại, hai cách các cô biểu lộ lòng yêu mến khi được đón tiếp Chúa tuy khác nhau nhưng đều là những cách tuyệt vời.  Nhưng theo quan điểm của Chúa Giê-su, lắng nghe lời Người là điều Người muốn mọi người môn đệ hãy làm vì đó là chọn lựa tốt nhất.  Dù là phục vụ bằng việc làm như cô Mác-ta hay ngoan ngoãn lắng nghe Chúa giảng dạy như cô Ma-ri-a, điều quan trọng nhất vẫn là những việc ấy phải do lòng yêu mến Chúa Giê-su là động lực thúc đẩy họ.  Có lẽ thánh sử Lu-ca đưa câu chuyện các cô đón tiếp Chúa vào trong chương trình Chúa đang đào tạo môn đệ, để đề cao một đức tính cần thiết của người môn đệ là phải luôn sẵn sàng lắng nghe Thầy dạy dỗ.

 

        3.  “Tôi đã trở nên người phục vụ Hội Thánh…:  đó là tôi phải rao giảng lời của Người cho trọn vẹn”  (bài đọc 2:  Cô-lô-xê 1:24-28).

        Bên cạnh lối phục vụ bình dân và thân tình của ông Áp-ra-ham và của hai chị em cô Mác-ta, chúng ta lại có một lối phục vụ đặc biệt của vị tông đồ truyền giáo là thánh Phao-lô.  Ngài nhận mình là “người phục vụ Hội Thánh” Chúa Ki-tô.  Câu chuyện thánh Phao-lô được Chúa Phục Sinh kêu gọi làm tông đồ và ngài đã hăng say thi hành sứ mệnh như thế nào thì chúng ta đã rõ qua phần hai của sách Công Vụ Tông Đồ.  Đặc biệt ở đây, ngài đã thân tình chia sẻ cảm nghĩ của ngài khi được phục vụ Hội Thánh qua việc rao giảng Tin Mừng cho anh chị em dân ngoại.  Chắc chắn thi hành sứ mệnh này đã đem lại cho ngài nhiều đau khổ và thử thách hơn là niềm vui.  Thế mà Phao-lô lại quả quyết:  “Giờ đây, tôi vui mừng được chịu đau khổ vì anh em”.  Rồi ngài còn hãnh diện về những đau khổ ấy khi tuyên bố:  “Những gian nan thử thách Đức Ki-tô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi ích cho thân thể Người là Hội Thánh”.  Làm sao thánh Phao-lô có thể biến đau khổ và gian nan thử thách thành “vui mừng” được?  Nhờ lòng yêu mến của ngài đối với Chúa Giê-su.  Lòng yêu mến Chúa Giê-su và Hội Thánh Người đã giúp thánh Phao-lô luôn cảm thấy vui giữa đau khổ và gian nan thử thách, vì ngài tin rằng việc rao giảng của ngài sẽ “giúp mỗi người nên hoàn thiện trong Đức Ki-tô”.  Đối với thánh Phao-lô, “đón tiếp Chúa Ki-tô” chính là rao giảng và đem đức tin vào Chúa Ki-tô đến với mọi người, đặc biệt là anh chị em dân ngoại.

 

Sống sứ điệp Lời Chúa

        Chúng ta không có cơ hội để đón tiếp Chúa Giê-su như các cô Mác-ta và Ma-ri-a, nhưng chúng ta có thể đón tiếp Chúa Giê-su Thánh Thể khi rước Người vào lòng trong Thánh lễ.  Vậy chúng ta hãy nhìn lại cách đón tiếp Chúa như thế nào, nhất là chúng ta có thực sự muốn đón tiếp Chúa đến vì chúng ta yêu mến Chúa không?

Lm. Đa-minh Trần đình Nhi

 


Suy Niệm Lời Chúa Năm C